14/10/2017 10:00 GMT+7

Bác sĩ pháp y dạy võ và văn hóa Việt

NGUYêN KHôI
NGUYêN KHôI

TT - Không chỉ giỏi nghề y, bác sĩ pháp y người Úc gốc Việt Đặng Công Hùng còn rất giỏi võ. Ở Úc, ông đã mở võ đường và dạy tiếng Việt cho học trò.

Võ sư Đặng Công Hùng (phải) chụp hình với võ sư Nam Anh Kiệt sau khi nhận chu sa đai danh dự tại TP.HCM hôm 5-10. Ảnh: N.K

Người đàn ông 43 tuổi đang làm việc cho quân đội Úc này tinh thông nhiều môn võ như vovinam (hoàng đai tam đẳng), karate (huyền đai lục đẳng hệ phái Kyokushinkai và tứ đẳng hệ phái Suzucho), taekwondo (huyền đai lục đẳng), kendo (huyền đai lục đẳng)...

Sang Úc năm 7 tuổi, vovinam là môn võ đầu tiên mà võ sư Đặng Công Hùng chọn học để bảo vệ mình không bị các bạn nước ngoài vốn cao to hơn bắt nạt. Ông kể mình chọn học vovinam chỉ vì nó là môn võ Việt mà cha ông cũng từng học. Hơn nữa, vovinam lúc đó đang phát triển mạnh ở Melbourne (Úc). Sau vovinam, võ sư Đặng Công Hùng bắt đầu học thêm vịnh xuân quyền, karate, taekwondo, hapkido, kendo...

Trải nghiệm “tuyệt học” ở nhiều môn võ nhưng võ sư Đặng Công Hùng cho biết mình chỉ thích nhất là vovinam và karate. Ông nói: “Ai học vovinam cũng đều biết đẹp nhất là tình đồng môn, người này có thể chết vì người kia được. Đòn thế của vovinam cũng rất đẹp. Đó là môn võ truyền thống của dân tộc mà mỗi người Việt Nam cần phải bảo tồn và phát triển. Còn karate cũng rất nghiêm khắc, kỷ luật và coi trọng tình đồng môn. Đó là môn võ rất khoa học”.

Yêu thích vovinam và karate nhưng khi mở võ đường tại Úc hồi tháng 4 vừa qua, võ sư Đặng Công Hùng lại quyết định chọn karate (hệ phái Suzucho) và chỉ nhận học viên là người Việt. Lớp võ mở chưa lâu nhưng cũng thu hút gần 50 người Việt từ 5 - 82 tuổi theo học với học phí rất rẻ: 10 đô Úc/người dùng để trả chi phí thuê sân.

“Phương Tây chuộng các môn võ thực chiến tốt, áp dụng được liền. Trong khi đó, võ Việt có chút gì đó mang nét thiền tông. Tức là phải có thở, có đạo trong đó. Karate cũng là môn võ thực chiến tốt, và tôi lại gắn bó nhiều nữa, nên tôi quyết định mở võ đường dạy. Nhưng dù thế, tôi vẫn cố gắng đưa văn hóa truyền thống Việt Nam vào từng buổi dạy cho các môn sinh”, ông Hùng lý giải.

Với những em nhỏ lớn lên tại Úc vốn thường quên mất tiếng Việt, võ sư Đặng Công Hùng yêu cầu các em phải tập nghe và giao tiếp bằng tiếng Việt. Ông tâm sự: “Tôi dạy các em phải biết khoanh tay chào thầy bằng tiếng Việt, về nhà cũng phải biết khoanh tay chào cha mẹ như thế. Chuyện đánh nhau tuyệt đối không được phép. Tôi căn dặn, nếu biết có em nào đánh nhau tôi sẽ đuổi khỏi võ đường ngay. Điều đáng mừng là các phụ huynh rất thích những điều đó và ngày càng nhiều người gửi con em đến tập”.

Nói về võ đạo hiện tại, võ sư Đặng Công Hùng thừa nhận không hề dễ dàng để duy trì. Ông phân tích: “Một tuần, thầy gặp trò được mấy tiếng, dạy đòn thế đã không có thời gian thì còn đâu nữa mà dạy võ đạo. Nên cách dạy võ đạo hay nhất, đơn giản nhất nếu có, chính là tấm gương của người thầy. Thầy dạy tốt, có tư cách thì người học trò nhìn vô đó sẽ bắt chước theo chứ không cần phải rao giảng về võ đạo, về cách hành xử trong cuộc sống”.

Với những đóng góp không nhỏ của mình, mới đây võ sư Đặng Công Hùng đã được môn phái Vịnh Xuân Nam Anh trao chu sa đai danh dự tại TP.HCM.

Duyên nợ với nhà văn Kim Dung

Võ sư Đặng Công Hùng sinh năm 1974 tại Long An. Năm 1991, ông gia nhập quân đội Úc. Với vai trò là chuyên viên pháp y, võ sư Đặng Công Hùng có nhiệm vụ đến những nước được giao phụ trách để mổ pháp y hoặc làm việc với lực lượng pháp y nước sở tại khi có công dân Úc gặp tai nạn qua đời.

Trước đó khi vào đại học, ông Hùng theo học kỹ sư hàng không. Nhưng mê võ, ông lại đăng ký học thêm cử nhân văn chương để tìm hiểu thêm về lịch sử chiến tranh châu Á vốn có nhiều võ tướng giỏi. Ở môn học này, ông được một ông thầy từ Đài Loan sang trường dạy, đó là nhà văn viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung.

Mê võ nên được gặp một người chuyên viết tiểu thuyết võ hiệp, võ sư Đặng Công Hùng tìm cách trò chuyện thêm với ông thầy Kim Dung ở giờ ăn hay sau giờ lên lớp để tìm hiểu về việc tại sao ông ấy lại viết truyện võ hay đến như vậy. “Đến giờ này tôi vẫn cảm thấy vinh dự khi được học và gặp nhà văn Kim Dung ngoài đời”, ông tâm sự.

NGUYêN KHôI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên