09/03/2016 19:06 GMT+7

Bác sĩ gia đình, bạn là ai?

PGS TS.BS NGUYỄN HOÀI NAM, Đại học Y dược TP.HCM
PGS TS.BS NGUYỄN HOÀI NAM, Đại học Y dược TP.HCM

TTO - Dưới góc nhìn của một bác sĩ, PGS TS.BS Nguyễn Hoài Nam đã có những phác thảo về vai trò của một bác sĩ gia đình qua bài viết sau đây.

Bác sĩ Phan Chung Thúy Luynh (trái) và điều dưỡng Trần Thanh Thảo Trầm khám cho người dân tại phòng khám y học gia đình Bệnh viện Q.2, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Trong một lần về Trường Đại học Y dược TP.HCM, ghé lại phòng đào tạo sau Đại học, chúng tôi được thông báo là năm nay sẽ có tuyển sinh lớp chuyên khoa cấp I về Bác sĩ gia đình. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam Bác sĩ Gia đình được coi như là một chuyên khoa chính thức như các chuyên khoa khác là Nội, Ngoại, Sản, Nhi... Trong khi ở các nước tiên tiến, sự hình thành và phát triển của hệ thống Bác sĩ gia đình đã có từ lâu và là một thành phần không thể thiếu được trong hệ thống Y tế nhằm đảm bảo cho mọi người dân có được dịch vụ săn sóc sức khoẻ hoàn hảo nhất mà nước đó có thể cung cấp.

Tuy nhiên, không phải người bệnh nào, ngay cả những người làm trong ngành  Y tế cũng hiểu hết vai trò của người Bác sĩ gia đình, thậm chí có người còn lầm tưởng các Bác sĩ làm phòng khám ngoài giờ là Bác sĩ gia đình, thật sự thì không phải vậy.

Bác sĩ gia đình là gì?

Quan niệm về bác sĩ gia đình không phải là vấn đề mới ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều người coi bác sĩ tổng quát như là bác sĩ gia đình nếu vị bác sĩ tổng quát này quan tâm chăm sóc đến sức khoẻ của họ, mỗi khi họ bệnh sẽ gặp vị bác sĩ này. Một số người khác thì cho rằng, người bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và liên tục cho các thành viên trong gia đình, trong nhiều trường hợp họ chính là bác sĩ gia đình.

Ở vài hệ thống Y tế, do tính chất cần phải săn sóc và khám bệnh định kỳ với tất cả mọi người, bác sĩ tổng quát có lẽ không thể thực hiện được hoàn hảo chức năng như một bác sĩ gia đình, nhiều nơi những bác sĩ này còn phải lo chăm sóc sức khoẻ cho những cộng động khác như: công nhân trong nhà máy, học sinh ở các trường học… Khi đó, người bác sĩ hành xử chức năng giống như bác sĩ cộng đồng hơn là bác sĩ gia đình.

Tuy nhiên, cả hai loại bác sĩ kể trên đều tham gia chăm sóc nhiều loại bệnh ốm đau phiền não cho bệnh nhân của họ và người bác sĩ gia đình là một bác sĩ đa khoa trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong khi đó, trái lại người bác sĩ chuyên khoa bệnh học chỉ khu trú những kiến thức và kỹ năng của mình trên một lĩnh vực mà họ quan tâm nghiên cứu.

Thực tế, bác sĩ gia đình không phải là một loại chuyên khoa về bệnh học cơ quan như chuyên khoa: nội tiết, tim mạch, hô hấp hay tiêu hóa… nhưng lại là chuyên khoa trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho cá nhân và gia đình. Trong lĩnh vực này sự hiểu biết và kỹ năng của người thầy thuốc rất quan trọng. Điều này được công nhận tại Mỹ từ năm 1969, những nhà lãnh đạo ngành Y tế và đào tạo cũng nhấn mạnh rằng: ngành Y tế cần một chuyên khoa mới đó là bác sĩ gia đình. Họ là những người được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân ban đầu một cách toàn diện. Như vậy, công việc của bác sĩ gia đình khác với công việc của các bác sĩ trong bệnh viện và các bác sĩ làm ngoài giờ ở một số điểm sau:

1.      Họ là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân và nếu họ làm tốt công việc của mình thì chi phí cho người bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều ở những nơi chỉ có các bác sĩ chuyên khoa hay phải nhập viện nằm điều trị vì những bệnh không cần nhập viện. Ở những nước tiên tiến, người bác sĩ gia đình có thể xử lý được đến 90% bệnh tật mà người bệnh tìm đến họ. Sự can thiệp sớm trong điều trị chính là giải pháp an toàn nhất để tránh các biến chứng và di chứng do bệnh tật về sau này.

2.      Họ là người cung cấp dịch vụ chăm sóc Y tế mang tính cá nhân, nhưng không chỉ riêng người bệnh mà là toàn bộ gia đình. Chúng tôi cũng đã nghe về những câu chuyện có cả gia đình đến 3-4 thế hệ đều do một bác sĩ gia đình săn sóc sức khoẻ từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay giã từ thế giới. Mối quan hệ giữa họ với bệnh nhân và cả gia đình, làm cho người bác sĩ có cái nhìn thấu đáo mọi vấn đề kể cả về tài chính và văn hoá, xã hội v.v…của bệnh nhân cùng gia đình. Từ đó làm cho việc ra các quyết định về quản lý và xử lý bệnh tật được tốt hơn.

3.      Họ còn là người cung cấp liên tục các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho mọi thành viên kể từ khi lọt lòng cho đến khi chết. Họ giúp gia đình bệnh nhân vượt qua các khó khăn bất ổn về bệnh tật gặp phải trong cuộc sống. Họ là ngưồn an ủi, động viên và chăm sóc cho đến tận cùng.

4.      Họ là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân chọn lựa đúng chuyên khoa và nhập viện đều trị hợp lý khi cần thiết. Trong những trường hợp cần thiết, họ được các bác sĩ ngoại khoa mời đến chứng kiến các cuộc phẫu thuật nhằm tạo tâm lý yên tâm cho bệnh nhân và cùng nhau bàn bạc hướng chăm sóc tiếp theo.

Do vậy, người bác sĩ gia đình phải là những người có năng lực và có những phán quyết tốt, xử lý được toàn bộ các tình huống. Đồng thời họ cũng là người điều phối được tất cả các nguồn lực Y tế, giúp giải quyết tốt nhất vấn đề sức khoẻ của nggười bệnh. Trên cơ sở đó, bác sĩ gia đình chính là người bác sĩ chuyên khoa rộng về mặt kiến thức và trái ngược với chuyên khoa sâu trong bệnh viện.

5.      Điểm cuối cùng, chức năng quan trọng nhất của bác sĩ gia đình là công tác dự phòng bệnh cấp I. Họ vận động thân chủ của mình tham gia chương trình tiêm chủng, tham vấn sức khoẻ, theo dõi, giám sát bệnh nhân tại phòng khám mà họ làm việc.

Các nguyên tắc cơ bản của nền Y học gia đình

Theo các tài liệu cơ bản về Y học gia đình thì việc đào tạo các bác sĩ gia đình phải tuân thủ sáu nguyên tắc cơ bản:

1.      Tính liên tục: Đặc tính này mang ý nghĩa cao trong săn sóc sức khoẻ. Sự liên tục trong chăm sóc sức khoẻ giúp người thầy thuốc phát hiện bệnh tật của các thành viên trong gia đình, số lần mắc bệnh thông qua các lần khám sức khoẻ thông thường. Chính sự liên tục này tạo nên niềm tin tưởng của gia đình và làm phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Trong điều trị, nếu bệnh nhân không tin tưởng thầy thuốc thì cơ may điều trị khỏi bệnh rất hạn chế. Tính liên tục có lẽ là yếu tố quan trọng nhất của Y học gia đình. Các bác sĩ gia đình đều cam kết chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân và gia đình của họ bất kỳ lúc nào - kể cả ngoài giờ và những ngày nghỉ.

Đồng hành với người bệnh cả một đời đến lúc nhắm mắt

Cách nay khá lâu, dễ thường đã hơn tám năm trôi qua, trong thời gian tu nghiệp tại nước cộng hoà Pháp, chúng tôi có quen với bác sĩ Trần Văn Quyên, một bác sĩ gia đình khá nổi tiếng ở Ivry, một thành phố phía Nam Paris.

Lần đầu tiên anh đã nói cho chúng tôi nghe về hệ thống bác sĩ gia đình ớ Pháp, những lợi ích mà nó mang lại cho người dân. Thân chủ của anh khá đông cả người Á Đông lẫn người Pháp, và chúng tôi luôn thấy trong ánh mắt họ khi nhìn người thầy thuốc của gia đình họ một vẻ trìu mến và biết ơn.

Chúng tôi biết, anh đã đi cùng những niềm vui, nỗi đau và hạnh phúc của họ từ khi sinh gia đời và hết cả đoạn đường đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

2.      Tính toàn diện bao hàm ý nghĩa rằng: bệnh nhân chẳng những được săn sóc dưới khía cạnh sinh học mà còn cả dưới khía cạnh tâm lý, xã hội. Người bác sĩ gia đình phải xem xét, cân nhắc các yếu tố này khi thiết kế một chẩn đoán hay lập ra kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Điều này không có nghĩa là người bác sĩ gia đình có thể làm được tất cả mọi cái cho mọi người, nó cần có sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa nữa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, bác sĩ gia đình có thể chăm sóc, giải quyết từ 90-95% các vấn đề bệnh tật mà họ phải đối mặt.

3.      Tính phối hợp: Bác sĩ gia đình là người điều phối việc chăm sóc cho từng bệnh nhân. Họ tìm ra những nhân viên y tế hay các nguồn lực cung cấp dịch vụ y tế thích hợp khác, cần thiết hỗ trợ trong việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

4.       Tính cộng đồng: Các khía cạnh của tính như nghề nghiệp, văn hoá, môi trường… đều có thể làm ảnh hưởng đến việc săn sóc bệnh nhân. Sự hiểu biết tỷ lệ mắc bệnh, hay các vấn đề sức khoẻ, loại bệnh nào hay gặp nhất trong cộng đồng dân cư sẽ giúp bác sĩ gia đình chẩn đoán chính xác bệnh tật và ra các quyết định về giáo dục cùng các dịch vụ săn sóc thích hợp. Như vậy, cộng đồng chẳng những được xem như một công cụ giúp chẩn đoán bệnh mà còn là nguồn lực để trị liệu có hiệu quả. 

5.      Tính phòng ngừa: Sự phòng ngừa bệnh tật gồm nhiều khía cạnh như tìm ra các yếu tố nguy cơ, các yếu tố giúp làm chậm lại hậu quả của các bệnh mãn tính, động viên bệnh nhân thực hiện lối sống lành mạnh. 

Sự phòng ngừa không phải chỉ là nói với thân chủ của mình: không hút thuốc lá, tập thể dục, ăn uống hợp lý…mà còn phải nhận ra các yếu tố, các dấu hiệu nguy cơ như tiền sử bệnh tật trong gia đình và sàng lọc để chọn ra các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trong giai đoạn sớm của bệnh.

6.      Tính gia đình: Bác sĩ gia đình luôn coi bệnh nhân là thành viên của hệ thống gia đình, nhận ra ảnh hưởng của bệnh tật lên gia đình và ngược lại. Một gia đình được hiểu một cách rộng gồm các thành viên mà người bệnh mong đợi sự trợ giúp, hỗ trợ của họ kể cả trong quá khứ lẫn tương lai.

PGS TS.BS NGUYỄN HOÀI NAM, Đại học Y dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên