26/09/2017 09:10 GMT+7

Bà Merkel thắng mà lo

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thắng đúng như dự đoán, nhưng đạt tỉ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ năm 1949.

Bà Merkel thắng mà lo - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chiến thắng nhưng đối mặt với những khó khăn trước mặt - Ảnh: REUTERS

Trên tư thế lãnh đạo nước Đức, một quốc gia được xem là ngọn cờ đầu ở Liên minh châu Âu (EU), việc bà Merkel thắng tiếp nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư là một tin vui. Nhưng khác hoàn toàn so với năm 2013, khắp các mặt báo sau ngày bầu cử ở Đức lần này là những dòng tít tiêu cực hoặc lo lắng.

Thua mà như... thắng

Việc CDU giành 33% tỉ lệ ủng hộ giúp đảng này tiếp tục nắm số ghế nhiều nhất ở Quốc hội Đức (Bundestag). Nhưng có nhiều điểm đáng lo mà truyền thông quốc tế xoáy vào trong cả ngày 25-9.

Nổi bật trong cuộc bầu cử lần này không phải những người chiến thắng, mà là hình ảnh "thua cứ như thắng" của người về thứ ba: Đảng Lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD). AfD đã giành 13% số phiếu, đồng nghĩa trở thành phe cực hữu mạnh mẽ nhất từng hiện diện trong Bundestag suốt 60 năm qua.

Sự lớn mạnh của AfD trong cuộc bầu cử năm nay bị đánh đồng với bất ổn xã hội, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nhập cư và EU. Gánh nặng từ làn sóng người nhập cư, tị nạn, những cuộc khủng bố rải đều khắp châu Âu và Đức tạo điều kiện cho tư tưởng cực đoan dân tộc trỗi dậy và thể hiện qua những lá phiếu cho AfD.

Phân mảnh

Sự hiện diện của AfD đồng nghĩa Bundestag sẽ phân mảnh. Đây là điều người Đức không muốn. Họ đã đặt ra luật bầu cử kín kẽ cốt cũng để hạn chế việc hàng chục đảng có mặt ở Bundestag, gây khó khăn cho các quyết sách. Nhưng AfD, cùng với Đảng Dân chủ tự do (FDP), đã khiến Bundestag lúc này có tới sáu đảng.

Việc các đảng đối lập quá đông đảo đồng nghĩa cả CDU lẫn đối thủ lớn nhất là Đảng Dân chủ xã hội (SPD) bên phía ông Martin Schulz đều coi như thất bại so với chính mình. 33% là tỉ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử của CDU từ năm 1949. Trong khi với 21%, SPD cũng chứng kiến kết quả tệ nhất từ những năm 1940, theo Reuters.

Trong khi cùng "suy yếu", CDU và SPD lại không thể liên kết với nhau như kịch bản năm 2013. Lãnh đạo Schulz ngày 24-9 đã tuyên bố sẽ giữ SPD như một "đảng đối lập lớn nhất".

Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Merkel vào lúc này chính là tìm sự thống nhất trong tình cảnh gần như "hỗn mang" của thời đại mới. Báo Guardian cho biết các cuộc đàm phán liên minh có thể phải kéo dài tới sau Giáng sinh, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bầu cử lại nếu không đạt đồng thuận.

Liên minh "Jamaica" cũng khó

Trong tình thế hiện nay, liên minh CDU - CSU (liên minh xã hội Thiên Chúa giáo vùng Bavaria) của Thủ tướng Merkel về lý thuyết phải tìm cách liên kết với đảng khác để đạt tỉ lệ ủng hộ trên 50% để thành lập chính phủ mới.

Trong khi SPD khẳng định không kéo dài thỏa thuận liên minh năm 2013, còn AfD lại càng không phải câu trả lời, thì một liên minh "Jamaica" là phương án duy nhất.

Tên của liên minh này được lấy cảm hứng từ quốc kỳ của nước Jamaica, mang ba màu đen, vàng và xanh lá, tương ứng với màu của CDU (đen), FDP (vàng) và Đảng Xanh (xanh lá). Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, theo Guardian, FDP và Đảng Xanh lại cực kỳ... ghét nhau.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên