07/11/2016 12:50 GMT+7

Ba làm ruộng, con đoạt huy chương vàng tay nghề ASEAN

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TTO - 1 - Trở về sau kỳ thi tay nghề ASEAN tháng 10 vừa qua, chưa kịp nghỉ ngơi, Đinh Công Diễn (20 tuổi) đã lên xưởng thực hành của khoa để tiếp tục việc học tập.

Ba thầy trò thực hành trên máy CNC - Ảnh: DUYÊN PHAN

Diễn là con út trong một gia đình nông dân có bốn người con tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Năm 2014, Diễn tốt nghiệp THPT. Thấy gia cảnh nghèo, Diễn xác định ngay từ đầu sẽ không thi ĐH như bạn bè mà quyết định chọn con đường học nghề.

“Cha mẹ làm ruộng, hai anh chị đầu nghỉ học sớm, chị kế tôi học hết CĐ nhưng đi làm công nhân. Tôi suy nghĩ và quyết định chọn học nghề để rút ngắn thời gian học tập, sớm có nghề để đi làm nuôi bản thân” - Diễn kể lại.

Nghĩ là làm, Diễn lên mạng tìm hiểu thông tin và chọn nghề bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí. “Tôi nghe giới thiệu đây là nghề mới, nhu cầu xã hội đang cần nhiều nên tôi chọn và lĩnh vực cơ khí cũng là sở thích của tôi” - Diễn nói.

Vào học, nghề này như một thỏi nam châm có sức hút cực kỳ với Diễn. Diễn vừa học lý thuyết vừa tranh thủ thời gian lên xưởng thực hành để tự rèn luyện tay nghề. Khi nghe tin có kỳ thi tay nghề cấp thành phố (tháng 3-2016), Diễn liền đăng ký tham gia. Kỳ thi này Diễn và đồng đội Nguyễn Tuấn Anh đoạt giải nhất.

Diễn được chọn tiếp tục huấn luyện để thi cấp quốc gia và tiếp tục giành giải nhất. Vào đội tuyển để huấn luyện tiếp tục thi khu vực ASEAN, Diễn đã không phụ lòng thầy cô khi mang về tấm huy chương vàng.

“Qua các cuộc thi, tôi không chỉ rèn tay nghề thêm vững mà còn rèn sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, sức chịu đựng và biết cách vượt lên áp lực công việc” - Diễn chia sẻ.

2 - Từng đậu ĐH ngành cơ khí và học hết năm 1 nhưng Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi) bỏ ngang để đi học nghề. Tuấn Anh cho biết năm 2013 trúng tuyển vào ngành cơ khí tại một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh, học hết năm 1 nhưng nhà khó khăn không đủ tiền theo học nên đành nghỉ ngang. Tuấn Anh là anh cả trong một gia đình ba anh em.

Mẹ ở nhà nội trợ, cha làm bảo vệ. “Gia cảnh không khá giả gì, lại phải lo cho hai em ăn học nên dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi đành phải nghỉ học ĐH, đi học nghề” - Tuấn Anh kể lại. Bỏ ĐH, Tuấn Anh chọn học cùng nghề với Diễn.

“Tôi chọn nghề theo sở thích của bản thân chứ đâu nghĩ là mình sẽ đạt được thành tích cao như ngày nay. Lúc đó tôi chọn nghề chỉ mong muốn mình sớm có một cái nghề để phụ gia đình nuôi các em ăn học” - Tuấn Anh nói.

Cũng giống như Diễn, khi nghe tin có cuộc thi tay nghề cấp thành phố, Tuấn Anh liền đăng ký để thử tay nghề. Sau khi được chọn, Tuấn Anh và Diễn trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”. Họ phối hợp ăn ý với nhau và lần lượt giành giải nhất cấp thành phố, quốc gia rồi huy chương vàng khu vực ASEAN.

“Tham gia nhiều cuộc thi, tay nghề của tôi giờ đã vững, tôi biết được điểm yếu của bản thân để khắc phục, rèn sức chịu đựng trong môi trường công việc áp lực. Đề thi chỉ cho hoàn thành trong sáu tiếng. Chúng tôi rèn luyện tay nghề có khi chỉ bốn tiếng là hoàn thành” - Tuấn Anh nói.

Không chỉ giành huy chương vàng mà đôi bạn Công Diễn và Tuấn Anh còn đạt được danh hiệu thí sinh có số điểm cao nhất của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN.

Thầy Nguyễn Hùng Vỹ, trưởng khoa bảo trì cơ khí Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương kiêm huấn luyện viên của Tuấn Anh và Công Diễn, nói:

“Chúng tôi thấy hai em có kỹ năng nghề cao, có sự chịu đựng được áp lực công việc. Nhiều lúc tập luyện cả ngày, sau bữa ăn các em tiếp tục luyện tập nhưng không hề nản mà trái lại càng luyện các em càng hăng say, càng phấn đấu hoàn thành tốt môđun công việc”.

Thầy Huỳnh Trung Nghĩa, huấn luyện viên của Tuấn Anh và Công Diễn, chia sẻ: “Chọn nghề, không sợ đói vì có được một nghề vững chãi trong tay. Những em có thành tích trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực, quốc tế thì cơ hội việc làm để có thu nhập cao luôn rộng mở”.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên