19/10/2017 23:46 GMT+7

'Bà con cần cái chi cứ gặp tui đặt hàng'

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Anh Trần Đình Lai là "cha đẻ" nhiều loại máy móc hữu ích trong công việc đồng áng, giúp nông dân giảm bớt sức lao động nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Bà con cần cái chi cứ gặp tui đặt hàng - Ảnh 1.

Anh Trần Đình Lai (trái) giới thiệu cho khách hàng sản phẩm máy lọc mắm ruốc - Ảnh: N.LINH

Từ nông dân thành "nhà sáng chế"

"Chờ tui tí, khách đang gọi điện đặt hàng nên phải tư vấn cho người ta. Đợt này nhiều người đặt hàng quá, anh em làm không xuể" - anh Trần Đình Lai nói vội khi gặp chúng tôi tại xưởng chế tạo máy của mình.

Căn xưởng này nằm trên tỉnh lộ dẫn qua thôn An Xuân, xã Quảng An. Trong căn xưởng khang trang, hơn chục người thợ đang thay nhau gò, hàn rồi lắp ráp những tấm kim loại bóng loáng lại với nhau.

Nói về quá trình lập nghiệp của mình, Lai kể anh xuất thân là nhà nông chính hiệu. Từ nhỏ, cậu bé Trần Đình Lai đã cùng cha mẹ lội bùn ra đồng trồng lúa.

"Cứ mỗi mùa nước lũ sắp về, ba tui lại phải đạp xe hơn 20 cây số lên Huế sửa cái máy bơm nước tiêu úng. Đó là gia tài lớn nhất của gia đình thời đó. Vất vả quá khiến tui phải nghĩ ra cách sửa chữa nó" - anh Lai kể.

Học hết phổ thông, anh Lai quyết định thi vào Trường trung cấp Công nghiệp Huế, ngành cơ khí (nay là Trường cao đẳng Công nghiệp Huế). Sau khi tốt nghiệp loại ưu, anh xin học việc tại một tiệm cơ khí ở TP Huế lấy thêm kinh nghiệm. Bốn năm sau, Lai trở về quê mở một tiệm sửa chữa máy móc.

Thời điểm này, ở xã Quảng An rộ lên việc nuôi tôm sú, người dân thường sử dụng thức ăn tươi sống như cá, thịt băm nhỏ rồi vứt xuống hồ cho tôm ăn, gây ô nhiễm môi trường.

Bằng vốn liếng hơn 6 năm làm thợ cơ khí, anh Lai đã chế tạo ra một loại máy nén viên thức ăn cho tôm. Sản phẩm này được đông đảo người dân đón nhận vì viên nén thức ăn vừa giúp giảm chi phí, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Khó ló khôn

Đang làm ăn có lãi thì cơ sở của anh rơi vào khó khăn vì tôm thường xuyên bị dịch bệnh, diện tích vuông tôm tại địa phương bị thu hẹp. Trước tình cảnh nhiều thợ giỏi tại xưởng của mình bị thất nghiệp, anh Lai quyết định phải thay đổi hướng làm ăn.

Để giúp anh Lai làm ăn thuận lợi, chúng tôi đang bàn bạc để đăng ký thương hiệu riêng cho sản phẩm chế tạo tại cơ sở Bạch Lai, tránh tình trạng hàng nhái sản phẩm của anh Lai, đánh lừa người tiêu dùng và làm mất uy tín của hàng Bạch Lai trên thị trường.

Ông Phan Cảnh Ngưu - chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Lai thấy rằng người dân ở quê không còn dùng vỏ trấu (vỏ hạt lúa sau khi đã xát ra) làm chất đốt, thay vào đó là bếp gas, bếp củi. Sau mỗi mùa thu hoạch lúa, vỏ trấu được người dân đốt thành tro rồi vứt ra đường, xuống kênh mương gây ô nhiễm môi trường.

"Vỏ trấu là nguyên liệu dễ bắt lửa, lại có sẵn rất nhiều ở vùng thuần nông như quê mình thì tại sao không sử dụng nó trong công nghiệp? Nguyên nhân là vì vỏ trấu nhẹ, chi phí vận chuyển rất tốn kém nên người ta không dùng. Vậy là tôi tìm cách ép trấu thành củi" - anh Lai nói.

Thế là chiếc máy ép củi trấu được anh Lai cho ra đời năm 2007. Tuy nhiên, phải đến năm 2010 chiếc máy ép củi trấu hoàn chỉnh mới được anh Lai bán ra thị trường sau nhiều lần cho ra sản phẩm thất bại.

"Ban đầu tui nản lắm, ép mấy củi trấu cũng bị vỡ ra, không kết dính lại được. Thế là tui lên mạng tìm hiểu và gửi sản phẩm vào TP.HCM kiểm tra mới biết thủ phạm là độ ẩm trong trấu. Hiểu ra rồi thì tui điều chỉnh máy, vậy là thành công" - anh Lai kể.

Từ đó, chiếc máy ép củi trấu được nhiều người biết đến, máy bán đắt như tôm tươi. Đây cũng là năm anh Lai thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai chuyên gia công, chế tạo máy. Hiện máy ép củi trấu của anh đã có mặt trên 50 tỉnh, thành của cả nước. Nhiều khách hàng từ Lào và Campuchia cũng tìm đến Huế mua máy ép củi trấu của anh Lai đem về nước.

Đáp ứng nhu cầu của nhà nông

Không chỉ sản xuất máy ép củi trấu, anh Lai còn cho ra đời hàng loạt loại máy hữu dụng trong nông nghiệp như máy nén mùn cưa, máy sấy lúa, máy sấy thực phẩm đa chức năng...

Các loại máy của anh không chỉ giúp người dân giảm chi phí trong sản xuất, đạt năng suất cao mà còn có thông số kỹ thuật ổn định. Như máy sấy lúa đa năng có thể sấy 6-8 tấn lúa/lần mà chỉ cần một người điều khiển.

Hiện cơ sở Bạch Lai sản xuất hơn 20 loại máy móc với hàng ngàn sản phẩm được lắp đặt, thu lợi mỗi năm hơn 3,5 tỉ đồng. Tại xưởng hiện có 22 thợ gò, hàn đang làm việc và đang có nhu cầu tuyển thêm thợ vì lượng hàng ngày một nhiều.

"Bà con cần cái chi thì họ gặp tui đặt hàng. Tui về suy nghĩ, sáng chế ra cái máy đáp ứng nhu cầu của họ" - anh Lai nói. Chính vì điểm này mà anh Lai được người dân đặt cho biệt danh "Nhà sáng chế Bạch Lai nông dân".

"Máy móc chế tạo ra tốt lắm, ai dùng cũng ưng hết. Tui đang đặt hắn làm máy lọc mắm ruốc đây. Sang năm tui đặt hắn làm một cái máy ép mắm bằng thủy lực nữa" - ông Nguyễn Đức, chủ một cơ sở sản xuất mắm ruốc ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), nói.

Nông dân xuất sắc

Với những sáng chế hữu ích của mình, anh Trần Đình Lai đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc; bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên