03/07/2016 09:29 GMT+7

Anh rời EU: Mong một cuộc “ly dị” êm thấm

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)
QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)

TTO - Một ngày trước khi diễn ra cuộc họp của khối EU ngày 28 và 29-6 tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bay đến Brussels và London.

Từ trái sang: Tổng thống Pháp Francois Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Ý Matteo Renzi trong cuộc họp báo hôm 27-6 - Ảnh: AFP
Từ trái sang: Tổng thống Pháp Francois Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Ý Matteo Renzi trong cuộc họp báo hôm 27-6 - Ảnh: AFP

Các nhà quan sát coi đây như một thông điệp từ Washington rằng Brexit là chuyện quan trọng đối với Mỹ, và họ muốn duy trì mối quan hệ hợp tác với một châu Âu ổn định, cũng như sẵn sàng hỗ trợ để duy trì sự ổn định của thế giới.

Brussels đang hối thúc Anh sớm hoàn tất mọi thủ tục cần thiết cho sự ra đi. 27 nước còn lại thì đang nỗ lực để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Nói như Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen thì ông hi vọng vào “một cuộc ly dị êm thấm”.

Còn Chủ tịch Donald Tusk thì khẳng định sự chia tay này tuy trước mắt làm cả hai bên yếu đi, nhưng về lâu dài Anh sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề hơn EU.

Trên thực tế việc cả đồng bảng Anh lẫn euro đều mất giá sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa EU, và nếu như hai thị trường xuất khẩu quan trọng là Trung Quốc và Mỹ phát triển tốt sẽ bù lại cho thị trường Anh.

Tại những nước ít dân như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, các cuộc thăm dò dư luận hiện nay đều cho thấy đa số muốn ở lại trong khối EU vì họ cho rằng đất nước sẽ ổn định hơn, mạnh hơn trong một ngôi nhà chung.

Tuy những chính đảng hoài nghi EU như Nhân dân Đan Mạch, Mặt trận tổ quốc (Pháp), Tự do (Hà Lan) đều nhân cơ hội này hô hào trưng cầu ý dân có nên rời EU nhưng dư luận tỏ ra không thiết tha lắm vì tình trạng bất ổn hiện nay của Anh khiến những người không thích EU cũng phải dè dặt.

Các nhà phân tích tình hình chính trị tại Đan Mạch đều cho rằng sau sự kiện Brexit, EU cần phải nỗ lực hơn trong việc đem đến sự phát triển của cả khối, tạo thêm việc làm, gìn giữ an ninh trật tự, kiểm soát biên giới chặt chẽ và giảm thiểu việc can thiệp quá sâu vào công việc của các nước thành viên như hiện nay...

Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka thì tuyên bố tại Brussels là EU cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ của mọi người dân trong khối nên cần phải đảm đương mọi việc một cách uyển chuyển hơn, bớt quan liêu và quan tâm đến tâm tư của người dân các nước thành viên hơn.

Nguyên thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng nói với tờ Bild là EU cần tỏ ra tôn trọng bản sắc dân tộc của các nước châu Âu.

Trong phiên họp cuối cùng với EU ngày 28-6, Thủ tướng Cameron đã khẳng định sẽ duy trì mối “quan hệ thân thiết” với châu Âu.

Tất nhiên các nước EU cũng muốn duy trì quan hệ với quốc gia đông dân thứ ba và có nền kinh tế lớn thứ nhì châu Âu này. Vướng mắc lớn là giao dịch thương mại, kinh tế đôi bên sẽ gặp trở ngại không ít vì không còn chế độ tự do đi lại như trước.

Một vấn đề nữa là ngôn ngữ. EU sẽ vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức hay chọn một ngôn ngữ khác? Đức tuy là nước đông dân nhất trong khối nhưng tiếng Đức lại không phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế.

Vả lại, nếu chọn tiếng Đức thì hẳn Pháp sẽ không hài lòng. Brexit quả khiến người ta đau đầu!

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: EU Brexit cải cách Brussels