30/07/2014 11:05 GMT+7

Ân hận vì điểm 0

PHI KHANH(Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
PHI KHANH(Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

TT - Tôi dạy toán tại một trường cấp III ở Thanh Hóa. Câu chuyện đã hơn chục năm rồi, giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình dại trong cách cư xử với học trò.

Cô hãy giao việc cho emHóa giải tình huống “nhại giọng thầy”Khi yêu thương là chưa đủ

nGjVw0E3.jpg

Trong mắt học trò tôi là cô giáo khó tính và nghiêm khắc. Lớp tôi dạy toán ngày đó có một em tên Hùng. Em với dáng người nhỏ thó, cử chỉ lấc cấc, trả lời thầy cô giáo nhát gừng nên tôi không có cảm tình. Nhớ lần tôi có tiết dự giờ, Hùng cứ ngồi nói chuyện và chọc phá bạn bên cạnh, mấy lần tôi phải dừng bài giảng để nhắc nhở cậu. Cũng vì bị Hùng làm “gián đoạn” tiết học nên sau đó tôi bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu.

Tôi còn nhớ rõ dịp gần cuối học kỳ 2 (năm 2001), Hùng không chịu làm bài tập, khi bị gọi lên bảng để giải bài tập lấy điểm miệng thì cậu chép nguyên xi lời giải vào cuốn sách in đã được chuẩn bị trước. Nhìn những dòng chữ chi chít, nhỏ xíu được Hùng viết cẩn thận, đôi mắt tôi đỏ ngầu giận dữ. Không thể chấp nhận được sự gian dối, tôi cho cậu về chỗ ngồi và nhanh tay cho điểm 0 vào sổ điểm mà không cần suy nghĩ. Tôi không nhớ mình đã nói những gì, nhưng cái dáng lầm lũi, cúi mặt xuống về chỗ ngồi của Hùng đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh. Tôi không biết rằng Hùng đã xấu hổ như thế nào khi bị tôi phát giác trước toàn thể lớp.

Sau đấy Hùng bỏ học! Đó là một điều kinh khủng với người cầm phấn như chúng tôi. Một quyết định lúc nóng giận nhất thời đã lấy tương lai của một người. Tôi tự xem mình là tội đồ. Tôi có thể nhắc nhở riêng với Hùng về hành động gian dối của em. Tôi có thể giảng giải cho em về lòng tự trọng, về trách nhiệm với bản thân mình. Nhưng tôi đã không làm như thế, đó là sai lầm thứ nhất. Nhưng sai lầm thứ hai của tôi còn nghiêm trọng hơn khi biết Hùng bỏ học mà tôi vẫn làm ngơ, không phản ứng gì (mặc dù trong lòng thấy rất hụt hẫng). Khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng mình là cô giáo sao phải xin lỗi học trò, để rồi đến bây giờ niềm ân hận ấy chưa cho tôi được bình yên.

Bởi sau này, thế hệ học trò ngày ấy đến thăm tôi vào Ngày nhà giáo VN có kể với tôi rằng Hùng bỏ học và sống càng thỏa sức hơn, em đi bụi và trộm cắp. Chao ôi, chưa bao giờ tôi thấy đau lòng như thế khi nghe tin về em, một học trò không ngoan trong mắt tôi, một học trò tạm gọi là cá biệt lại vì điểm 0 của tôi mà bỏ học.

Tôi biết có không ít đồng nghiệp cũng từng mắc sai lầm như tôi. Chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, chính chúng ta đã lấy mất cơ hội tìm kiếm tương lai của các em.

Nếu Hùng có đọc được bài này, chỉ mong em đừng giận tôi. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn thấy ân hận vì ngày đó đã làm em khó xử, mất mặt với bạn bè. Điều làm tôi day dứt nhất chính là biết tin em bỏ học sau chuyện ấy mà tôi đã không tìm đến để động viên em đi học trở lại. Tôi đã không nhẫn nại dạy dỗ em, đấy là thiếu sót, là nỗi buồn, đáng xấu hổ của người thầy đứng trên bục giảng.

Dạy bao thế hệ học trò. Cũng có những em thành đạt quay trở lại thăm cô, cảm ơn cô. Thế nhưng niềm vui của tôi vẫn không trọn vẹn vì chỉ một học trò hư mà tôi cũng không dạy nổi. Cái “khuyết” trong lòng tôi vẫn còn đó, “hạt sạn” trong quãng đời làm cô giáo của tôi vẫn chưa nhặt được, chỉ mong những người đứng trên bục giảng đừng lặp lại như tôi. Hãy nhìn sai lầm của học trò bằng ánh mắt thông cảm, yêu thương thì tự ta sẽ tìm ra cách giải quyết sáng suốt, tình nghĩa.

Ngẫm ở đời, nhiều chuyện tương tự như cha mẹ thường tự cho mình quyền quát mắng con, phạt con bằng đủ các hình thức, rồi ra lệnh, áp đặt, ép con làm theo ý muốn. Ngay cả khi biết mình sai nhưng chúng ta vẫn không chấp nhận hạ thấp xin lỗi con. Đừng tiếc một lời xin lỗi...

PHI KHANH(Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên