23/05/2020 11:18 GMT+7

Ai cũng 'gù', mình 'thẳng lưng' là đáng quý

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - “Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật”, câu nói bất ngờ giữa phiên tòa xử các thầy cô giáo phạm tội gian lận điểm thi đã khiến nhiều người bàn luận. Có thật như vậy không?

Ai cũng gù, mình thẳng lưng là đáng quý - Ảnh 1.

Thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người Võ Thị Hoàng Yến nói chuyện về lối sống cho các bạn trẻ tình nguyện viên TP.HCM - Ảnh: MINH ANH

Tham gia cuộc trò chuyện sau đây với Tuổi Trẻ, các nhà văn, giảng viên, luật sư đều nhấn mạnh: "Thẳng lưng là khuyết tật" là lối sống tiêu cực, thỏa hiệp với cái xấu. Cần cổ vũ và tôn vinh lối sống chính trực, ngay thẳng, lạc quan.

Không thể chọn tư thế gù

* Nhiều người nói câu nói "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật" là một thực tế có thật với nhiều người, nhiều nơi. Ông nghĩ như thế nào?

- Nhà văn, giảng viên Phan Nhật Chiêu: Là một người đã theo đuổi ngành giáo dục, nghiên cứu văn học, văn hóa suốt cả đời, tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe câu đó từ một nhà giáo, lại càng ngỡ ngàng hơn khi nhiều người công nhận đây là một thực tế phổ biến.

Tôi cho rằng đây chỉ là một lời ngụy biện văn hoa, cũng như những người đang kêu gọi làm giàu bằng mọi giá, bất chấp tất cả. Thực tế ngành giáo dục mà tôi đã trải nghiệm một đời đi dạy không phải như vậy. 

Đây đó có những hiện tượng tiêu cực, xung quanh có những người thỏa hiệp với cái xấu để thành một "người gù", nhưng không bao giờ có chuyện "ai cũng gù", và càng không thể có quan niệm "người thẳng lưng là khuyết tật". Tôi vẫn biết nhiều người rất mạnh mẽ bảo vệ lẽ phải.

* Có thể ông quá lạc quan, hay mơ mộng chăng?

- Tôi không mơ hồ, mà ngược lại, trong các sáng tác của tôi đã nhiều lần đề cập đến hiện tượng này. Ta có thể đọc lại. Đây là truyện tuyệt ngắn có tên Tiến hóa: "Cả anh cũng không biết rằng mình đã hóa tinh tinh thật bao giờ sau nhiều năm đóng vai tinh tinh trong gánh xiếc". 

Tôi cũng có một truyện ngắn mang tên Mưa mặt nạ, viết về những chiếc mặt nạ da người mà khi đeo lên, mặt nạ sẽ thay luôn mặt người: "Người phát minh một gương mặt cho chính mình/ Phía sau nó/ Người sống, chết, và hồi sinh/ Bao nhiêu lần/ Gương mặt người ngày hôm nay/ Có nhiều vết nhăn của chính gương mặt ấy/ Còn những vết nhăn của người thì nào có mặt mày".

Tôi cho rằng đó là sự "tiến hóa" ngược. Con người sao có thể "tiến hóa" thành tinh tinh? Người thẳng lưng sao lại muốn làm người gù? Gương mặt của mình sao thay bằng mặt nạ? Về mặt tự nhiên, để thẳng lưng theo nghĩa đen, loài người đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa.

Thẳng lưng theo nghĩa bóng, để có được sự ngay thẳng, chính trực, biết phân biệt phải trái đúng sai, làm điều phải và đứng về phía lẽ phải, con người cũng phải trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, văn hóa qua hàng trăm thế hệ.

"Thẳng lưng" là kết quả của sự tiến bộ và là động lực thúc đẩy tiến bộ, đâu tự nhiên mà có. "Gù" - trong nghĩa bóng là thỏa hiệp với cái xấu, sẵn sàng làm điều xấu cũng không do tự nhiên, do bẩm sinh mà là lựa chọn chủ quan. Vậy thì đừng vì chút quyền lợi mà tự lựa chọn làm người "gù".

Ai cũng gù, mình thẳng lưng là đáng quý - Ảnh 2.

Nhà văn, giảng viên Phan Nhật Chiêu

* Cũng có khi là do sợ hãi nữa...

- Tất nhiên làm người "thẳng lưng" không dễ, nhất là khi xung quanh lại có nhiều người lựa chọn kiểu sống "gù". Để giữ được sự chính trực, nhiều khi phải chấp nhận thiệt thòi. Để bảo vệ được sự chính trực, đôi lúc phải trả giá, có khi là cả sinh mạng. Nhưng nếu bạn không đủ dũng cảm, cứng cỏi để đấu tranh chống lại cái tiêu cực, cái xấu, cái ác thì vẫn có thể có lựa chọn khác như không thỏa hiệp, im lặng, rút lui...

Khi xưa, không đủ dũng khí để dâng vua thất trảm sớ như Chu Văn An thì vẫn có rất nhiều ông quan cáo bệnh, từ quan để về quê dạy học, bốc thuốc. Làm nghề giáo là để dạy học trò thẳng lưng. Nhà giáo không thể chọn cho mình tư thế gù.

Lịch sử của chúng ta có những giai đoạn mà sự ấu trĩ, lạc hậu thắng thế tiến bộ, văn minh, những người "thẳng lưng" chịu nhiều phủ nhận thiệt thòi. Nhưng lịch sử luôn đi về phía sự tiến bộ, những sai lầm sẽ được sửa chữa và "cây ngay thì không sợ chết đứng", những gì là giá trị sẽ luôn được công nhận. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại là đừng bao giờ lựa chọn làm người "gù".

Ai cũng gù, mình thẳng lưng là đáng quý - Ảnh 3.

Tình nguyện hè luôn là địa chỉ để các bạn trẻ tham gia rèn luyện bản thân - Ảnh: Q.L.

Người "thẳng lưng" luôn xứng đáng được tôn vinh

* Tuy nhiên, cũng nhiều người nói rằng kinh nghiệm từ xưa đã để lại: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".

- Vẫn cứ là ngụy biện. Ông bà ta dạy "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" là lối sống thích nghi với hoàn cảnh, là thay đổi hình thức bên ngoài để hòa hợp, một văn hóa tốt. Dù ở bầu hay ống, bản chất của nước vẫn nguyên vẹn là nước. Còn nếu đang "thẳng lưng" mà lại chọn "gù", tức đã thay đổi hẳn về bản chất, vứt bỏ hoàn toàn năng lực, phẩm cách, lương tri.

Lối sống ấy không chỉ là an phận để được yên ổn, mà sẽ dẫn đến thỏa hiệp với cái xấu, lún sâu vào tiêu cực, thực hiện những hành vi gây hại cho tổ chức, xã hội, và sau rốt là hại chính bản thân mình. Không quyền lợi nào có thể cân bằng lại được. Thực tế xã hội đã chứng minh như vậy.

* Thực tế lại cũng cho họ thấy những trả giá của người "thẳng lưng"...

- Thật ra không cần phải trải nghiệm quá nhiều để biết rằng những người "thẳng lưng" luôn xứng đáng được tôn vinh. Nhiều thế hệ trẻ đã được đọc, xem truyện Vịt con xấu xí từ thời mẫu giáo.

Hãy nhớ lại xem: Chú vịt con ấy từ khi chui ra khỏi vỏ trứng đã bị cả đàn kỳ thị vì sự khác biệt của màu lông, của vóc dáng. Chú bị gọi là xấu xí, bị chê cười, bị xua đuổi, nhưng chú vẫn ngẩng cao đầu để là chính mình, chấp nhận rời đàn sống cuộc sống cô đơn, rồi dũng cảm đi theo khao khát được đến với đàn thiên nga trên hồ nước. 

Và rồi ngày ấy đến, đàn thiên nga quây quanh chú, và khi cúi mình soi xuống mặt nước, chú vịt xấu xí nhận ra mình đã lớn lên, đã biến đổi và trở thành con thiên nga đẹp nhất... Câu chuyện thơ mộng tuổi nhỏ ấy không phải là lời động viên sẽ đi theo suốt đời người sao?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: "thẳng lưng" không thể là khuyết tật. Những người chấp nhận điều đó sẽ là những người gây hại cho xã hội. Xã hội chấp nhận điều đó là một xã hội đi giật lùi vào tăm tối. Những người "thẳng lưng" không chỉ cần được tôn vinh mà cần được động viên, bảo vệ, tiếp sức.

* Ông muốn nói gì với những người đang chọn "gù"?

- Cơ hội "thẳng lưng" lên, ngẩng đầu lên vẫn còn đó cho những người đã trót "gù", vì đó là quy luật tự nhiên của tiến hóa. Con người được sinh ra để đứng thẳng và làm điều phải. Nếu phải sống giữa những người "gù", bạn hãy cứ "thẳng lưng". Bạn cao hơn thì bạn sẽ tỏa sáng và giúp được họ.

Cần có luật bảo vệ người làm việc tốt

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm qua 22-5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới, đó là Luật bảo vệ người làm việc tốt.

Theo ông Cảnh, nếu pháp luật chỉ quy định làm việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì thường con người mong muốn làm việc tốt một cách tự nguyện. Vì vậy, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh các phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác và tinh thần.

N.AN

Bạn nghĩ sao về câu nói "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật"? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Ai chấp nhận là "người khuyết tật"? Ai chấp nhận là 'người khuyết tật'?

TTO - "Ai cũng gù" - đó là cách nói về chuyện bè phái, địa phương, lợi ích nhóm...

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên