28/03/2016 08:56 GMT+7

Ai chạy, chạy ai?

VÕ VĂN THÀNH ghi
VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Không phải lần đầu tiên Tổng bí thư nêu câu hỏi về nạn chạy chức, chạy quyền.

Cách đây một năm, tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, Tổng bí thư đã day dứt nói: “Phải làm sáng tỏ những vấn đề mà dư luận quan tâm rằng có hay không việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển?”.

Đến hội nghị năm nay, một lần nữa Tổng bí thư lại day dứt: “Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển...

Tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào để cho rõ ràng, minh bạch.

Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời cho rõ ràng, sòng phẳng, xem ai chạy, chạy ai?”.

Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng liên quan của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là ngành tổ chức phải chịu trách nhiệm trả lời người đứng đầu Đảng.

Không thể nào một vấn đề lớn và nghiêm trọng như vậy mà không rõ địa chỉ trách nhiệm. Không thể nào để cho Tổng bí thư phải hỏi đến lần thứ ba như trung tướng Trần Bá Thiều (Bộ Công an) đã nói trước các đại biểu dự hội nghị.

Chúng tôi còn nhớ, thời trước, chỉ một điều tiếng nhỏ về cán bộ nào đó, Đảng ngay lập tức có sự chấn chỉnh.

Đơn cử những năm sau chiến tranh, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng giao phụ trách lĩnh vực tổ chức cán bộ, khi biết tin con của hai vị cán bộ lãnh đạo ở địa phương làm ở tàu viễn dương, mà thời đó đi tàu viễn dương là nghề hái ra tiền.

Đồng chí Lê Đức Thọ giao cho thư ký truyền đạt ý kiến của mình là “đưa các cháu lên bờ” để gìn giữ uy tín cán bộ và lòng tin của dân. Sau đó cứ một tháng đồng chí lại cho kiểm tra xem yêu cầu đã được thực hiện chưa.

Chỉ một chuyện nhỏ như vậy đã phải quan tâm chú ý làm sao giữ gìn uy tín cán bộ. Nay để cho đến mức “dư luận râm ran” rằng có ba thứ chạy siêu lợi nhuận: một là chạy chức, chạy quyền; hai là chạy dự án; ba là chạy nhà đất.

Đều liên quan đến một bộ phận cán bộ có chức, có quyền hư hỏng như nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra, và đều dẫn đến phân hóa giàu nghèo khủng khiếp, tác hại ghê gớm và làm mất lòng tin của dân.

Dư luận cho rằng ai đó nếu đã tham gia chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức, họ đều vì tham vọng quyền lực, vì quyền lợi của bản thân và phe nhóm, dứt khoát không phải vì Đảng, vì dân.

Dư luận cũng lo lắng giờ đây ai đó không chỉ chạy những người có thẩm quyền trong công tác cán bộ, họ sẵn sàng chạy cả số đông người bỏ phiếu.

Nếu nhìn thẳng vào sự thật, chịu khó lắng nghe sự thật, có lẽ không khó để trả lời câu hỏi ai chạy, chạy ai. Vấn đề hiện nay là làm sao để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này. Chắc chắn nếu vẫn giữ cách làm cũ thì mọi chuyện dễ theo “quán tính cũ”.

Phải đổi mới dứt khoát, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đảng lãnh đạo để chuyển mạnh sang cơ chế tranh cử thực chất, bầu cử có số dư, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.

NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG
(nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương)

VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên