09/09/2016 10:00 GMT+7

Ai bảo vệ người tố giác tội phạm?

YẾN TRINH - A.NHÂN (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - A.NHÂN (yentrinh@tuoitre.com.vn)

TTO - Dù pháp luật đã quy định quy trình tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin tố giác, nhưng người dân vẫn băn khoăn không rõ mình được bảo vệ như thế nào.

minh hoa to giac

Nhiều người sau khi gởi đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng thì lo sợ thông tin rò rỉ. 

Ông T.V.K. (46 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) kể mới đây ông có đơn tố giác gởi đến cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật của một người tên H.. Không hiểu bằng cách nào mà đối tượng bị ông K. tố giác đã có lời lẽ đe dọa, đòi hành hung gia đình ông...

Bị đe dọa sau khi tố cáo

Trong đơn, ông K. nêu rõ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông H.. Ba ngày sau khi nộp đơn (ngày 18-8), ông K. cho biết mình bị nhóm giang hồ gọi điện thoại đe dọa liên tục.

Đối tượng gọi cho ông K. là T. (có quan hệ “đàn em” của ông H.) nói rằng đã biết việc ông K. gởi đơn tố cáo ông H. và hứa sẽ “xử” hết gia đình ông.

“Tôi không chắc có phải đơn tố giác của tôi bị rò rỉ thông tin hay không. Thấy việc sai trái nên tôi mới làm đơn tố cáo, giờ gặp cảnh này tôi biết làm sao?” - ông K. bức xúc.

Vì lo sợ, ông K. phải đưa vợ và các con tạm lánh ở nhà người quen. Đi đâu ông cũng phải kêu taxi, đeo khẩu trang vì sợ bị nhận diện. Hai người con của ông đi học phải có người thân đưa rước...

Được pháp luật bảo vệ

Theo các chuyên gia pháp lý, một trong những nguyên tắc khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là đơn vị tiếp nhận không được tiết lộ nội dung tiếp nhận cho các cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền.

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người tố giác tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận phải giữ bí mật thông tin việc tố giác, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của mình và người thân.

Còn theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, luật hiện hành quy định khi có căn cứ về việc người được bảo vệ đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe thì cán bộ tiếp nhận, giải quyết tố giác phải báo ngay với lãnh đạo về việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố giác.

Trường hợp ông K., luật sư Nghiêm cho biết ông có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan nơi ông K. đã gởi đơn tố giác, có biện pháp thích hợp bảo vệ ông và người thân.

Theo đó, điều 486 Bộ luật tố tụng hình sự quy định chi tiết về các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm.

Khi có căn cứ xác định người tố giác bị xâm hại hoặc bị đe dọa, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp như bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và phương tiện để canh gác, bảo vệ, giữ bí mật thông tin liên quan, thậm chí di chuyển chỗ ở và nơi làm việc.

Đồng thời cơ quan có thẩm quyền phải răn đe, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ...

Người bị đe dọa có quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ, nêu rõ lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trường hợp khẩn cấp, người bị đe dọa có thể yêu cầu trực tiếp bằng lời nói hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ bảo vệ.

Quy trình tiếp nhận thông tin tố giác

Theo luật sư Nông, quy trình tiếp nhận và thời hạn giải quyết tố giác tội phạm được quy định tại điều 146 và 147 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu việc tố giác là trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận.

Nếu việc tố giác là gián tiếp (gởi qua bưu điện, điện thoại...) thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ tố giác cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền.

“Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác” - luật sư Nông nói.

Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc viện kiểm sát có thể gia hạn một lần (cũng không quá 2 tháng).

Theo luật sư Nghiêm, quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác, các tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng được quy định tại thông tư 06/2013 và quyết định 1319/2015.

Theo đó, cơ quan điều tra và viện kiểm sát các cấp phải tổ chức tiếp nhận mọi tố giác về tội phạm, phân loại và chuyển ngay cho đơn vị có thẩm quyền.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan điều tra phải phân loại, xác minh sơ bộ. Nếu thuộc thẩm quyền cơ quan mình, thủ trưởng cơ quan phải ra quyết định phân công giải quyết tố giác và gửi ngay một bản đến viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc giải quyết tố giác.

Đối với tố giác đã rõ về dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra không ra quyết định phân công giải quyết mà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tạo niềm tin để người dân tố giác tội phạm

Pháp luật quy định tin báo, tố giác tội phạm là những thông tin về tội phạm được Bộ luật hình sự quy định do cá nhân và các tổ chức cung cấp bằng các hình thức thông tin khác nhau, do các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra... để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo các luật sư, tin tố giác tội phạm là nguồn tin quan trọng để phát hiện tội phạm. Do đó, việc bảo vệ người tố giác tội phạm lúc nào cũng phải được đặt ra theo quy định pháp luật, tạo niềm tin để người dân an tâm với việc tố giác của mình.

YẾN TRINH - A.NHÂN (yentrinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên