TTCT - 1. Hay tin con trai lão, thằng Khang, lấy vợ, chị đon đả sang nhà. Thì đến để phụ một tay với ba nó, lo cho nó chứ sao.

Minh họa: Trương Tiến Trà

Thằng Khang năm nay hăm tám, có hiếu, làm cũng ra tiền nhưng làm sao nó biết những chuyện này chuyện kia, những chuyện nhỏ nhặt mà không thể thiếu, không thể bỏ của đám cưới. Ba nó, gà trống nuôi con mấy chục năm, héo mòn hết rồi. Con Thịnh em gái nó thì lo quýnh quýu với đứa con nhỏ, làm được gì.

Lão thấy chị tới, trong lòng mừng bắt chết, còn giả bộ chống hông, hỏi ngang:

- Bà tới chi ả?

- Tới coi bọn nhỏ chuẩn bị tới đâu rồi.

- Ba con tui lo được hết. Bà cứ làm như bà là...

- Là gì? Là gì?

Chị sấn tới, lão đỏ mặt dòm trời đánh trống lảng: “Mấy bữa, trời cứ rợp vầy là đẹp!”. Chị bĩu môi, đàn ông đàn ang gì chết nhát. Từ hồi đó giờ có một câu thôi mà hoài không nói được.

Ngày còn trẻ, so với anh hiền lành, chị mạnh mẽ, sấn sổ. Đi đâu cũng bíu lấy nhau, anh hiền, chị dữ, anh chậm chạp, chị nhanh nhảu, bạn bè xúi “cưới luôn cho rồi”, chị níu áo anh “cưới nhe!”, anh giãy nảy như đụng nhằm nước sôi: “Cưới về chắc bà làm chồng tui quá!”. Chị cười cười tỉnh rụi: “Thử biết liền!”.

Anh sực nhận ra mình “hớ”, vội vàng lảng chuyện. Chị ngoài vẫn cười mà trong lòng nhăn nhúm.

Ngày chị ngoài hai mươi, bố mẹ giục con gái nhanh lấy chồng, sau chị còn hai cô em gái đang ngấp nghé, thêm thằng em trai đang tuổi lớn. Không đành để con em đi trước, con chị rớt lại sau, bố mẹ ngày đêm giục giã. Con gái gả chồng dầu sao cũng đỡ miệng ăn.

Chị ừ, cũng chả khóc lóc gì, anh im lặng khi gặp ánh mắt chị, những ngày sau thôi không đi cùng nhau nữa. Sau cùng, anh nói: “Lấy chồng đi, con gái có thì!”, nói mà nhìn đi đâu đâu, ngón chân bấm xuống mặt đường. Thở dài, ừ, lấy thì lấy.

Chị sinh hai đứa con gái, lần nào anh cũng đến, kẹp nách nào sữa nào bánh trái, còn có cả giò heo để “ăn cho có sữa”. Anh sà vào giường con bé đang chu mỏ bú tọp tẹp giấc mơ, đột nhiên nói: “Nếu chờ, làm gì có con gái đáng yêu vầy!”.

Chị suýt bật khóc. Anh hoảng hồn nhìn quanh, nhìn chị hồi lâu rồi về. Lâu thật lâu không thấy đến nữa.

Rồi anh cũng lấy vợ. Đám cưới anh, chị lê la bên nhà anh suốt hai ngày. Nghe nói cô dâu mồ côi, một thân một mình, lại nghèo. Tuy đảm đang nhưng ai lại đảm trong đám cưới của mình. Anh lại càng vụng, đàn ông ngần đó tuổi, cưới hỏi vẫn chuyện i tờ. Đám rước dâu về đến ngõ, chị đi ngõ sau, băng qua vườn khoai mì cao ngút về nhà, trời ngun ngút gió, mắt cay chảy tràn.

Hai đứa con gái ở nhà nhớ mẹ, nghe bố dỗ: “Ăn cơm nhanh đi con, mẹ còn đi trả nghĩa!”. Con gái không hiểu “trả nghĩa” là gì, bố nói “về hỏi mẹ ấy!”. Chị về, nghe con gái tíu tít, thở dài: “Có nghĩa mà trả, còn hơn không có gì”. Chồng chị thả con bé xuống, ra vườn băm bổ một lèo mấy luống đất.

Anh được một trai một gái. Năm con gái út lên sáu, vợ anh bệnh mất.

Mẹ mất, con bé nức nở: “Dì ơi, mẹ con mất rồi!”. Chị ôm con bé, xoa tóc nó, thấy tóc nó rối và cứng, không mượt mà như hai con gái chị. Trước khi mất, mẹ nó nằm một chỗ gần cả năm, ba nó lo chăm mẹ, hai anh em nó lếch nhếch, đôi khi chị phải lùa chúng sang nhà mình cơm nước. Chị nhìn người đàn ông tóc đã lâm râm, mặt quạu đeo đằng kia.

- Còn ba con chi? Ba sẽ lo cho anh em con!

2. Sau đó hai năm, chồng chị nói tôi với bà ở riêng hén. Anh nói xong còn cười, có ai cười mà mắt chỉ nhìn xuống. Chị ngửi mái tóc khét nắng của con bé út:

- Anh kiếm người nào thương thì lấy, một mình hoài sao được.

Anh không nói gì, ra chái nhà ngồi nguyên một đêm, lặng thinh khi nhận cái chăn chị đưa lúc nửa khuya.

Chị biết chị lạnh không có nghĩa anh cũng lạnh. Đàn ông luôn cần có người ở bên. Anh không nói gì, máng cái áo đồng phục của con gái vừa đơm nút lên mắc. Trong nhà, anh chu toàn như người phụ nữ đảm đang, chị bươn bả bên ngoài.

Người ta nói vợ chồng nhà này nhầm chỗ, anh chỉ cười. Ai làm được gì thì làm, chị muốn ra ngoài thì anh ở nhà lo con cái, cơm anh nấu ngon hơn chị, nhà cửa lau dọn cũng chu đáo hơn. Có điều, thấy chị cứ lo ngơ vọng ngóng, anh không đành. Anh thương chị, chị lại cần thứ tình khác, cao hơn yêu, xa hơn yêu.

Nghe chuyện chị ly hôn, lão chạy sang nhà, chị đóng cổng, bảo “về đi”. Chị đã quyết thì có quăng dây lôi lại cũng chẳng được.

- Phụ nữ sống một mình sao được? Tui đã đủ khổ rồi!

Chị chống nạnh, hất mặt:

- Thì qua đây sống với tui là hết một mình chứ gì!

Lão ngậm tăm, đỏ mặt quầy quả ra về. Thời gian sau chả biết làm ôn dịch gì, trốn biệt. Cứ làm như chị sắp mang bao bố sang hốt ổng đem về nhà không bằng. Lâu lâu đám trẻ mang sang con cá, mớ tép. Chị dúi cho chúng nó mấy cái áo, cái quần mới mua, ít tập vở, còn ráng lèm bèm: “Nhà dì thiếu gì mấy con tép ranh. Nói ba lần sau khỏi mang!”.

Lắm khi nghĩ chạy qua chạy lại chỉ khổ đám trẻ. Không dọn quách về một nhà mà ở. Hai đứa con chị với anh em nhà bên đó quấn nhau suốt. Chỉ tức lão già kia cứng lòng cứng dạ. Nói mới nhớ, nhìn lão thấy giống ông già thật rồi. Giọng đã khàn, mặt chi chít rãnh cày, còn trẻ trung gì mà làm eo làm phách. Ngần ấy năm, chả nhẽ lão vẫn cứng lòng?

3. Con gái lão lấy chồng. Nghe người ta mang lễ đến thăm nhà, lão lật đật chạy qua nhà chị:

- Bà qua ngó giùm tui.

Chị bửng lửng:

- Ngó gì, con ông chớ con tui na?

Lão gãi gãi mái tóc xơ xác:

- Ngày mẹ tụi nó mất, bà hứa chăm sóc tụi nó mà!

Chị hứ dài, ngoảy mông bỏ vào nhà, đóng cửa đánh “kình”. Nói nghe hay không? Cứ hứa là phải làm sao? Người chết là hết, chỉ người sống còn nhớ người chết mới nặng lòng thôi.

Nói vậy, chị vẫn mặc cái áo dài tím sang nhà, còn mất mấy chuyến đi chợ tỉnh sắm này sửa kia cho con bé về nhà chồng, khỏi tủi với chị với em. Lúc ra khỏi nhà, con bé cứ ngoái đầu nhìn lại, nước mắt đầm đìa. Chị không đành, bươn bả theo nó. Lão níu chị lại:

- Ai làm thế?

Chị vùng tay, nhăm nhắm đi, người ta kiêng mẹ không đưa con gái, chị có phải mẹ nó đâu. Tối về, chị nằm bẹp, cảm giác ấm ức từ lâu lắm bỗng ùa về. Nhìn mình trong tấm gương soi, dù trẻ lâu hơn lão, chị cũng sắp thành bà già rồi.

Hai đứa con gái lấy chồng xa, mình chị thui thủi trong căn nhà vắng. Thằng con trai lão lên thành phố làm việc, nghe nói nó chịu khó, làm cũng có tiền, gửi về cho cha đỡ vất vả. Từ ngày thằng bé đi, chị không sang lão nữa, chị còn công việc của mình, chị luôn là người tham công tiếc việc, luôn xông xáo vào ra.

Có lần gặp lại chồng cũ đưa vợ con đi ăn đám cưới, thấy anh trẻ hẳn ra mà ngỡ ngàng. Chị vợ ngồi cạnh, sau khi chào chị thì quay ánh nhìn dõi theo đứa trẻ đang ngồi ngoài hiên nắng vặt những cánh hoa hồng. Anh hạnh phúc, chị vui. Có tình, con người ta sống trẻ, sống khỏe hơn hẳn. Nếu còn nắm níu nhau, gặp lại nhau dễ gì thoải mái dễ chịu như vầy. Nhìn chị, anh có chút tần ngần:

- Vẫn vậy?

Chị sững người, lại cười:

- Em già rồi.

Anh không cười, từ đó tới lúc về cứ không thôi nhìn chị, đôi khi còn thở dài.

Chiều, chị xăm xở sang nhà lão, nhìn nhà lạnh tanh, trống trước trống sau, chị phừng phừng lửa, không thèm rào đón, nói ngay:

- Bộ tính ở một mình vầy đến hết đời sao?

- Biết làm sao được - lão thủng thỉnh.

- Biết rồi còn hỏi!

- Thằng Khang, nó còn chưa đâu vào đâu.

Lão chợt rù rì, chị cũng thôi giận, dù trong lòng vẫn ứ hự. Chả nhẽ lão cứ một thân một mình thế, thằng Khang sẽ “đâu vào đâu” chắc? Hồi đi đám cưới nhà nội bọn trẻ, gặp con Thịnh, con nó cũng lớn tướng, thằng nhỏ y chang ông ngoại. Con Thịnh nhìn thằng nhỏ nhảy loi choi trong lòng bà ngoại nuôi, chợt thở dài. Tiếng thở dài giống y tiếng chị, ngần đó năm về trước, và về sau.

- Con chăm cha không bằng bà chăm ông.

Chị buông thõng, đi về. Thấy ghét thằng cha cứng đầu cứng cổ. Ngần ấy năm mà vẫn khư khư một nhẽ.

Thành ra, hay tin thằng Khang có vợ, chị vui như cô dâu ngày lấy chồng, là lấy được người mình thích. Bữa sáng chị chẳng buồn ăn, qua xăng xái chỉ huy đám trẻ. Lão ngược lại, cứ bần thần, chân cẳng đột nhiên chậm rề. Bạn thằng Khang không hay chuyện, nói:

- Má ông giống vị tướng quá ha!

Thằng Khang nhìn chị, chỉ cười. Chị cũng cười, nghĩ giá khóc được chắc nhẹ hơn. Chị là vị tướng thất bại, hay ho gì.

Chuyện của thằng Khang cũng xong. Ở nhà được ba ngày, tụi nó kéo nhau lên thành phố. Nhà chỉ còn mình lão, cũng như mình chị bên này. Nhìn lão ngó theo cái xe chở con trai với vợ nó dần khuất, chị thấy lão đã già thật rồi. Chị cứ ngỡ mình đợi khoảnh khắc này lâu lắm. Tới hồi nó tới lại thấy dửng dưng. Bấy lâu chị quen một mình, quen tự quyết, quen tức tối với lão già gân. Chị coi lão như một đỉnh núi, bằng mọi cách chị phải lên tới đó.

Giờ thì sao? Trong gương là một bà già năm mươi mấy tuổi, tóc cái trắng cái đen, cháu nội ruột chắc chắn không có, cháu ngoại đã đủ đầy. Đỉnh núi xanh ngất, cao vọi ngày nào chợt thành một đống đất đá lổn nhổn. Chị thấy mình không còn đủ sức, tuổi trẻ, tình yêu chị dồn hết cho ước mơ ấy rồi.

Giờ chị chẳng còn gì. Không riêng gì bề ngoài, dạo này chị thấy mình rất hay mệt mỏi, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, dấu hiệu tuổi già đã rõ mồn một. Được nương được tựa vào nhau kể ra vẫn hay hơn.

4. Cầm mấy tờ phiếu xét nghiệm trên tay, chị cười. Một đời bươn chải, cố gắng rồi cũng đến lúc kết thúc. Cũng may là mấy đứa con, chị đã lo xong. Cũng may là chỉ có một mình, cũng may là lão già đó kiên gan. Một mình, chị dễ dàng quẳng gánh mà đi. Chị không lo cho lão nữa, lão cứ thế, một mình với tuổi già của mình. Chị không nghĩ lão yêu vợ nên chung thủy, hình như lão sợ hãi gì đó. Thây kệ nỗi sợ của lão.

Ba tháng, sáu tháng, có khi chị phơi phới ra đi trước cái hạn ấy. Nâng lên một gánh nặng quá sức mình, khi bỏ xuống mới thấy thanh thản làm sao.

Chị bị cảm nằm một mình trong nhà suốt một ngày rưỡi, không hiểu sao lão hay tin, lọm khọm qua nấu cho chị tô cháo. Hẳn lão cũng quan tâm chị nên mới biết hơn một ngày chị không ra khỏi nhà. Cháo nghe mùi khét, lạ lùng sao vẫn thấy ngon. Ăn xong, chị ho một tràng, ói bằng sạch. Lão ngồi bên cạnh, bàn tay to bè bồm bộp vỗ lưng chị.

- Cuối tuần giỗ mẹ bọn nhỏ, tôi tính kêu hết tụi nó về, tiện đó...

Bao nhiêu năm, giọng lão vẫn hiền hiền như muốn chạy trốn vậy đó. Chị nhìn lịch:

- Nhanh quá ha. Mới giỗ năm ngoái đó...

- Ờ, vậy tính sao?

- Sao trăng gì? - chị dựa lưng vào đầu giường - Vợ ông, ông giỗ. Nói tui chi?

- Vậy...

- Già cả rồi! - chị cười gượng, nuốt nước mắt vào trong. Chị đã đợi bao năm, đã mở miệng bao lần, cuối cùng cũng đến ngày nhận được một từ “vậy...” ngập ngừng. Giá năm hay mười năm trước, còn giờ...

- Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bà nói vậy còn gì.

Chị nhìn nóc tủ, nơi cất cái phong bì có mấy tờ xét nghiệm này kia. Sẽ chẳng có ai trèo lên đó mà thấy, cả lão già này nữa. Lão nghĩ gì mà chợt ngập ngừng?

Chị cười nhạt, nhìn mu bàn tay nổi đầy gân đang run rẩy của mình, thấy sao giống hai người đang khiêu vũ, chẳng chút ăn rơ, cứ đạp chân nhau bùm bụp, cái này chắc người ta gọi là lỡ nhịp. Chị ngậm ngùi:

- Là bà chăm ông, chứ đâu có nói ông chăm bà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận