Nhét tiền tay Phật: "Hỏng Phật tử, suy đồi chốn chùa chiền"

PHAN CẨM THƯỢNG 11/04/2013 23:04 GMT+7

TTCT - Vào mùa lễ hội hiện tại và có lẽ cả những ngày rằm, mùng một thông thường ở những đình đền chùa người đi lễ ngày một đông.

Tự do tín ngưỡng là đương nhiên, nhưng hành xử trong tín ngưỡng ngày nay có nhiều điều thật đáng lo ngại.

Phóng to
Ảnh: D.V.
Phóng to
Ảnh: D.V.

Vàng mã quá to quá nhiều cùng với lượng hương khói lớn cắm vào bất cứ chỗ nào, tranh đoạt lộc và các dấu ấn tín ngưỡng (cướp ấn đền Trần), vứt rác bừa bãi, bẻ cây hái lộc và nhét tiền cúng vào bất cứ chỗ nào trên điện thờ, phản cảm nhất là nhét tiền vào những bàn tay Phật. Cùng với đó là tệ buôn thần bán thánh, lễ to thì cúng nhiều, hòm công đức tràn lan. Đó là biểu hiện của thời mạt pháp.

Nhớ lại cuộc trò chuyện mới đây nhân gặp một nhà sư từ trong Nam ra Bắc trông nom ngôi chùa Long Khánh (Tinh Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ). Ông là đại đức Thích Hạnh Đạo, hết sức phản đối việc cúng cáp, đốt mã, bùa chú, mà chỉ chú tâm giảng kinh Phật. Ông nói rằng phải mất hàng năm trời mới khắc phục được tình trạng đó ở ngôi chùa ông trụ trì, vốn là thói quen lâu đời của người đi lễ miền Bắc, trọng cúng cáp, vàng mã.

Tôi nói rằng: chùa miền Bắc hầu hết là chùa làng, người dân làng vốn chỉ coi ông sư như thầy cúng, có việc thì lên chùa, nếu không làm vậy cũng khó ở lâu dài. Vậy thầy có lý lẽ gì mà thuyết phục được người ta? Ông giảng giải rằng việc cúng cáp, đốt vàng mã, bùa chú phạm vào năm điều kỵ: Thứ nhất là phá giới luật. Thứ hai là phạm tội buôn bán mặc cả, hối lộ nơi cửa Phật (tức là dùng lộc lễ hối lộ Phật độ trì cho mình). Thứ ba là sử dụng tiền giả, đồ giả. Thứ tư là hủy hoại đạo đức, thui chột giống nòi. Thứ năm là sống mà không biết dựa vào đâu.

Riêng điều thứ ba ông giải thích thêm: Các ngài đã là tiên là Phật đến đồ thật còn chả thiết, huống chi là đồ bằng giấy, tiền âm phủ. Những cái này là hậu quả lâu đời của những tín ngưỡng dân gian Trung Quốc ảnh hưởng đến nước ta. Phật không cứu độ ai, mà chỉ là ngọn đuốc soi đường cho chúng sinh tự đi, tự tựa vào chính sức mình, đó mới là theo đạo Phật.

Lời nói của nhà sư trên thật đáng ghi nhớ và trân trọng, nhưng không dễ thuyết phục những cái tâm hoang mang trong một hoàn cảnh văn hóa xã hội đang tụt dốc. Hình ảnh những bà những cô đi xe lên cầu Chương Dương, cầu Long Biên quẳng từng túi nilông to đựng đầy tro đốt vàng mã thật đáng ngại không chỉ cho cả môi trường, dòng sông. Lại có cả những người cầm xô cá phóng sinh đổ từ thành cầu xuống nước khiến phần lớn chúng chết ngay, đập vào bờ.

Những hiện tượng nêu trên chỉ khác nhau đôi chút về cách thức, nhưng đều xuất phát từ đời sống tâm linh có vấn đề vì người ta bơ vơ, không biết tin ai và dựa vào đâu.

Lái đò “chặt chém”, hàng quán tăng giá, du khách xả rác, nhét tiền vào tay Phật, nhà chùa bày thêm hòm công đức, địa phương bán khoán chỗ ngồi... tất cả chỉ là những hiện tượng khác nhau của một nguyên nhân, mà thượng tọa Thích Thanh Dũng (chùa Mãn Xá, Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) gọi là lòng tham cầu, vừa làm hỏng chính phật tử, vừa làm suy đồi chốn chùa chiền.

Ông còn nhấn mạnh với tôi rằng: không việc gì phải ngại, cứ đăng câu này lên báo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận