25/04/2010 00:18 GMT+7

Nhớ cau...

Truyện ngắn 1.173 chữ của TRẦN QUỲNH NHƯ
Truyện ngắn 1.173 chữ của TRẦN QUỲNH NHƯ

TT - Minh - thằng em con dì tôi - cưới vợ. Nhà neo người nên cả ba mạ tôi cùng vào lo đám cưới cháu. Chồng dì mất khi thằng Minh mới hai tuổi. Với nó, chỉ có mẹ là nhất và có thêm tôi hủ hỉ. Giờ có vợ. Bà con bên ngoại nó còn biết. Bên nội, dì tôi mời ai đến giới thiệu nó cũng dạ dạ chào chào. Sau đó quên, hầu như không biết ai.

OUDtmRLZ.jpgPhóng to
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Mâm quả sắp xong thì ba tôi phát hiện thiếu trầu cau. Mạ tôi cằn nhằn: “Đám cưới không có trầu cau coi không được. Răng dì không kêu tui đem ngoài quê vô?”. Dì nói: “Lu bu quá em quên”. Thằng Minh phẩy tay: “OK! Không vấn đề gì. Mua buồng cau giả! Cũng xanh mướt như ai. Trầu thì hình như bà Hai xóm mình có giàn trồng lấy bóng mát trước sân. Để con gọi điện xi-nhan bên nhà vợ nói cau giả, để họ đừng cho ai đụng vô là được”. Mạ tôi mắng yêu: “Cha cái thằng, đám cưới đòi đi mâm cau giả”. Thằng Minh lật cái khay tiền vàng, nói: “Thời buổi này người ta cần những thứ này hơn. Cau trầu ai ăn”.

Nó còn cầm xấp tiền phẩy phẩy: “Tiền này phải gọi là tiền... dằn mặt chứ không phải dằn hộp! Nhờ vậy, con mới cưới được con gái người ta”.

Thằng Minh là một doanh nhân thành đạt. Ba tư tuổi mới cưới vợ. Vợ là một tiểu thư con đại gia trọc phú gì đó. Minh giới thiệu như thế về vợ mình.

Tôi nhớ có lần đi viết bài về một ấp văn hóa trồng nhiều cau nên nói mọi người yên tâm để con đi mua. Chạy xe từ thị xã đến nơi khoảng hơn mười cây số. Nhà cửa mới mấy năm mà khác quá. Tôi tìm được nhà dì Năm mình từng phỏng vấn, viết bài nhưng tuyệt nhiên không thấy cây cau nào. Những nhà hàng xóm cau cũng bị chặt đâu mất tiêu. Giữa vườn là những khu nhà biệt thự kín cổng cao tường. Đứng ngẩn một lúc tôi thấy dì Năm lui cui xách mấy bịch nilông vô nhà. Dì ngần ngại nhìn tôi rồi cũng nhớ ra. Dì nói: “Tui mới đi chợ về, nhà báo vô uống nước đã”...

Hỏi dì cau đâu hết, dì móm mém: “Có đất đâu nữa mà trồng cau. Bán hết trơn rồi. Thằng con dì tính bán đất vườn hơn ba tỉ bạc. “Thảy” vô ngân hàng, má lấy tiền lãi hằng tháng tiêu. Cau ra buồng, chờ già bán không kịp tiền lãi. Một số tiền làm nhà to để ở...”. Dì Năm nhìn ngôi nhà to, ánh mắt xa xăm. Hình như sống trong căn nhà bạc tỉ đó dì cũng nhớ cau lắm. Con dâu dì nói: “Má bỏ cái tật ăn trầu quệt miệng đi, thấy ghê lắm!”. Từ đó dì cai trầu...

Tôi chào dì Năm và vội vàng đến chợ tìm bà hàng cau mua tạm. Không có buồng nguyên, chỉ có từng nhánh nhỏ bán trái lẻ cho mấy người ghiền trầu. Tôi gom hết được hơn chục nhánh. Chạy vội về nhà cho mạ và dì sắp vào mâm quả. Đám cưới cũng xong. Chúng tôi lo vậy thôi chứ nhà gái không bắt bẻ gì chuyện buồng cau nát vụn!

Dì Năm nhớ cau. Tôi cũng nhớ cau. Nhớ người yêu ngày xưa ở cạnh nhà trèo cau rất giỏi vì mạ anh làm nghề buôn cau. Cây cau cao, thẳng tắp vậy mà anh chỉ cần lấy cái bẹ chuối cột lại rồi xoắn cho vừa xỏ hai bàn chân trần vào là leo thoăn thoắt. Buồng cau nào anh hái cũng còn nguyên, thật đẹp. Đôi khi anh thảy cái nài bẹ chuối và tôi nhặt lên đội đầu y như đội vòng hoa. Tôi nhỏ tuổi hơn anh. Hình như anh không biết gì...

Một lần mạ anh nói: “Thằng con bác nói nó xấu hổ, không thèm trèo cau nữa. Đến lớp học vẫn còn mùi rêu mốc, mùi hắc hắc của thân cau bám vào. Nó quê với lũ con gái”. Tối đó tôi sang nhà anh nhờ chỉ bài. Bất giác tôi ôm chầm anh từ phía sau lưng. Hít một hơi mùi cau từ người anh. Tôi đỏ mặt nói lắp bắp: “Anh cứ trèo cau. Em thích mùi cau”. Anh cười đẩy tôi ra, mắng: “Con bé này”...

Mạ tôi hay hò ru cháu: Thương nhau cau sáu chẻ ba/ Ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười. Tôi hỏi mạ sao có câu hò này. Mạ thủng thẳng: “Xưa nay trai gái yêu thương nhau thường đem cau trầu ra mời. Trái cau không già, không non được chẻ ra làm sáu. Đó là miếng vừa ăn. Nếu cô nào đem lòng yêu ai sẽ chẻ cau sáu thiệt là khéo. Nếu ghét thì cô gái chẻ nát trái cau ra làm mười. Anh nào nhận miếng “cau mười” nên tự ý rút lui!”.

Tôi tự nhủ sẽ chẻ cau sáu mời anh! Mạ anh giải thích cho tôi vụ cau “tra (già) có hột”. Đó là trái cau từ khi non, hột mới tượng cho đến khi hột cau già dần. Người mua cau phải chọn đúng thời điểm cau vừa dày cơm, vừa hột thì mua. Non quá ăn không được. Già quá hột cứng, chát ngầm. Đó là chưa kể mùa mưa, nếu sấy cau khô bằng than mà mua trúng cau “tra có hột” coi như thua.

Cau già có hột không còn chi là... duyên. Quê tôi, ai hơi lớn tuổi mà chưa chồng cũng bị gọi là “tra có hột rồi đó!”.

Anh cưới vợ. Cô dâu không phải tôi. Rượu hồng, trầu cau thắm môi. Tôi tan nát cõi lòng. May mà năm đó là năm đầu tiên cấm đốt pháo. Nên tôi nằm trùm chăn ở nhà cũng chỉ nghe tiếng nói cười xôn xao từ nhà anh vọng sang. Tôi gọi cho dì: “Dì ơi, con không chịu nổi nữa, cảm giác... nghẹt thở”. Trước đây tôi thường viết thư tâm sự với dì mọi chuyện nên dì trả lời ngay: “Vào với dì đi con. Tiếp tục đi học, đi làm. Rồi con sẽ... thở được thôi!”...

Đôi lần thằng Minh nói: “Thời này chị ngồi đó mà chờ buồng cau thật đẹp, thật xanh đi. Có mà chết già!”.

Đôi lần tôi về thăm quê, mạ anh nói: “Thôi, lấy chồng đi con. Tra có hột rồi đó!”.

Đôi lần tôi gặp anh cũng về thăm quê, đứng dưới cây cau có buồng trái chín đỏ không ai thèm hái, mặt rất buồn, không ra cười, không ra mếu, hỏi tôi: “Sao hồi đó yêu anh mà em không nói ra?”.

Tôi quay vội đi giấu giọt nước mắt. Em vẫn nhớ anh, nhớ cau là được rồi!...

Truyện ngắn 1.173 chữ của TRẦN QUỲNH NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên