26/11/2005 06:42 GMT+7

Cánh đồng bất tận - kỳ cuối: Ngày báo ứng

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ trống của thằng Điền nhắc cha nên quí những gì còn lại. Bắt đầu từ một đêm, cha đứng đằng xa, bảo: “Nương, ngủ sớm đi!”, tôi nghe mắt mình cay, ngợp như ai đó tọng một đám khói vào mặt.

JTcMi0Pb.jpgPhóng to
TT - Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ trống của thằng Điền nhắc cha nên quí những gì còn lại. Bắt đầu từ một đêm, cha đứng đằng xa, bảo: “Nương, ngủ sớm đi!”, tôi nghe mắt mình cay, ngợp như ai đó tọng một đám khói vào mặt.

Mắc cười, câu nói chẳng ý nghĩa gì lớn lao, những người cha người mẹ nói với con họ hàng ngàn lần, đến phát bực mà tôi lại xốn xang.

Tôi ước gì có thể chếnh choáng thật lâu, nhưng nó mau chóng tắt rụi vì một ý nghĩ kỳ lạ. Dường như không còn kịp nữa, để hàn gắn sự đổ nát, để sắp xếp những mảnh vỡ lạo xạo trong lòng.

Chúng tôi tập nhìn nhau, điều đó khó khăn biết bao. Nhất là với cha, tôi cảm nhận được sự cố gắng lớn. Mỗi lần ngó về phía tôi, ông phải trợn trạo nuốt nghẹn những cảm xúc, vì tôi giống má khủng khiếp.

Không cần gương, tôi thấy hình bóng má trong mắt người đối diện. Trước ánh nhìn của cha, tôi cảm giác mình soi xuống dòng nước đêm.

...Hôm bán bầy vịt, cha tôi sắm một chiếc nhẫn vàng, ông đẩy nó về phía tôi, ngượng ngập như sắp chết giấc, “Để dành khi đi lấy chồng...”. Tôi sặc ra một bụm cười, trời ơi, tôi biết lấy ai bây giờ?

...Tôi lấy ai bây giờ, một người thợ gặt? Một anh chạy đò? Ý nghĩ mình là bản sao của má làm tôi sợ. Tôi không chắc mình có đủ kiên nhẫn sống cuộc sống nghèo túng, nhàm chán ấy suốt đời, hay nửa chừng bỏ dở. Và bi kịch chất đống lên những người ở lại.

Cha tôi hơi hoảng. Vậy đó, chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra, xót xa vì sự quái dị, khác thường của tôi. Cha tôi vừa kịp nhìn thấy điều ấy, bối rối đến mức không biết diễn tả sự đau lòng như thế nào, bằng mặt, hay chỉ âm thầm trong lòng. Mà có đau, dường như cũng trễ...

Cái ý nghĩ đã muộn màng, trễ tràng, không còn kịp nữa như một cái rốn nước sâu hoáy, điên cuồng hút tôi vào, cảm thấy mọi nỗ lực của cha trở nên vô nghĩa, tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ đến sự trừng phạt, sự báo ứng bất chấp trời im ắng như đã nguôi quên chuyện cũ rồi. Bây giờ, đang vào mùa đẹp nhất trong năm.

***

Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng đước Nam bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế...

Tuy nhiên, thích và phục cô gái tài năng ấy đến thế, ta vẫn thấy cô ấy về cơ bản thuộc về một cái gì đó cũng đã quen, một thế giới tinh thần và giá trị đã ổn định.

Văn cô ấy thật trẻ, nhưng có lẽ nếu muốn xếp loại thì cũng không phải khó lắm. Đã có một thứ thang bậc tương đối ổn định để xếp cây bút này vào đó... Nhưng đến Cánh đồng bất tận gần đây của Nguyễn Ngọc Tư thì bỗng là một Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn.

Bỗng nhiên không thể xếp loại vào đâu nữa cả. Đặt vào bất cứ ô nào cũng thấy khiên cưỡng. Nó bày ra đấy một thế giới có thật mà vô cùng kỳ lạ, vừa hết sức Nam bộ vừa vô cùng “nhân loại”.

Một thế giới rất người, vô cùng là người, đau khổ đến tận cùng, đến mênh mang bất tận, một nỗi đau nhân thế, tại ai nhỉ, chẳng tại ai cả, thậm chí kẻ nào ngớ ngẩn đi tìm thủ phạm thì đều là chẳng hiểu gì về cuộc đời này cả. Chẳng có “tiêu cực” nào hết, cũng chẳng tội ở “cơ chế” nào cả.

Thế đấy thôi, cuộc đời này. Đã trót làm người thì phải chịu, biết kêu ai! Mà cũng có lẽ cuộc đời này đáng, rất đáng sống chính vì nó là như vậy đấy, hạnh phúc tận cùng ở trong đau khổ tận cùng... Có lẽ trong nhiều năm qua, ít có tác phẩm nào lại nhiều chất tiểu thuyết hơn là cái truyện ngắn này!

...Nghĩa là, vậy đấy, văn học ta không xoàng đâu. Rất có thể nó đang vượt lên một tầm khác nào đó mà lâu nay ta vẫn thầm ước mong.

Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận.

Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa. Rất thính nhạy (như kên kên ngửi được mùi xác chết), đám thợ gặt đánh hơi kéo đến, những người nuôi vịt chạy đồng lục tục ở đằng sau.

Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành.

Những cánh đồng đó đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ).

Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cấm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi.

Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ: “Tao không thích học, chừng nào lớn, tao đi chăn vịt. Má tao (hoặc ba tao) dặn, phải đánh chết tụi chăn vịt kia”.

Tôi giễu cợt, không biết mày có kịp lớn không. Và nó nhăn nhở cười trước khi tan mất vào vũng đêm.

Tôi không mất nhiều thời gian để hiểu được cái cười ấy.

Đơn giản là ngay bây giờ, trên cánh đồng này, cũng đang lảng vảng những thằng Hận, chúng lớn hơn, cũng thất học, hung hãn. Bọn người này cướp vịt ở các bầy khác (trong đó có của chúng tôi) bằng cách lén phết sơn đen lên đầu những con vịt và phơ phởn đến nhận chúng là của mình, ngang nhiên mang đi. Bắt đầu xảy ra vài cuộc xô xát trên đồng, người ta đem hết những bản năng hoang dã của mình ra để giành lại miếng ăn.

Cha biểu tôi đứng ở đằng xa. Chờ đợi. Rốt cuộc, bầy vịt của chúng tôi vẫn mất ngót một nửa. Chúng tôi ra về. Cha tha thểu đằng trước với một thân xác nhừ bùn sau cuộc đánh nhau. Cố đi tụt lại phía sau, tôi giấu nỗi vui đang thổn thức, cồn cào.

Sẽ không ra gì nếu một đứa con gái tỏ ra mừng rỡ khi cha nó bị đánh tả tơi, nhưng rõ ràng là cha tôi đang thay đổi, đang sống lại những cảm xúc bình thường nhất. Tôi thích ông như thế này.

Sau này, tôi luôn hối tiếc là tại sao ngay lúc ấy không chạy đến và cùng sóng bước cùng ông, tại sao tôi không nhìn ông và mỉm cười. Để khi đám người kia cắt đồng, tôi đã không còn cơ hội.

Ba người họ ập tới từ phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa. Những thằng con trai hơi ngỡ ngàng, khi nhìn thẳng vào tôi, một đứa gầy gò trạc thằng Điền lau dãi ròng rãi trên khóe miệng, thảng thốt: “Con nhỏ đẹp quá, mày”.

Tôi coi đó là lời phán quyết cho mình. Giọng điệu của hắn giống như đang tấm tắc trước một món hàng đã mắt.

Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không vói được ánh sáng đến nơi này? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã che khuất nó? Ngoái nhìn về phía cha và thấy ông lầm lũi đằng xa, tôi mong ông đừng quay mặt lại. Sau đó thử chống cự một lần, rồi thôi, sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn. Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn.

Cánh đồng bất tận và 13 truyện ngắn hay khác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ xuất bản sẽ được phát hành lúc 14g ngày 26-11-2005 tại các cửa hàng sách của Fahasa ở TP.HCM, và ngày 29-11 trên toàn quốc.

Sách in đợt đầu 5.000 cuốn. Giá 27.000 đồng/cuốn.

Bọn chúng hơi khó chịu trước một đứa con gái yếu ớt và câm lặng. Sự hưng phấn giảm đi ít nhiều, đến nỗi, chúng tỏ ra đờ đẫn, nghi hoặc khi bóc trần tôi ra. Sao đúng lúc vầy nè, tôi buồn nẫu nê, tôi vừa le lói nhìn thấy con đường dẫn đến cuộc - sống - bình - thường, tôi vừa nghĩ, trên con đường đó, sẽ gặp người con trai nào đó để thương yêu... Nhưng cố không để cảm giác đau tiếc làm mình lịm vào chết, tôi cười cợt: “Chúng mày có lột bỏ có trăm có ngàn, tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc, cũng chẳng bao giờ thấu đến tận tao”. Ý nghĩ đó làm tôi bớt nhói cho nông nỗi này.

Vậy thì, cha ơi, quay lại làm gì, tôi than thầm khi nghe tiếng chân ông nôn nả, giận dữ lỏm thỏm trên mặt nước. Cha tôi lao vào, gầm gừ nắm cổ một tên bật ngửa ra đằng sau như một người cố cất cái vó sông nặng nề, đẫm nước. Tôi khóc. Vì thấy ông đã kiệt sức, hoàn toàn. Và tôi buột miệng thất thanh: “Điền! Điền ơi!” trước khi một tên gí đầu ông dập xuống bùn.

Tiếng gọi ấy làm cha đau đến sững sờ, ông rướn ngước mặt về phía tôi, miệng há hốc. Tôi chực hiểu, ngay lập tức hối hận tràn đầy, trong ý thức cầu cứu, một bản năng đơn giản nhất, đứa con gái đã quên mất người cha.

Thằng Điền thì ở xa. Cánh đồng vắng ngắt, chấp chới vài cánh cò. Tôi biết rằng, không có cái gì làm cho cuộc chiếm đoạt này dừng lại. Cha không chấp nhận điều đó. Ông liên tục vùng vẫy. Một tên côn đồ ối lên một tiếng, bụm lấy mắt, vừa kêu rên vừa chửi bới ngậu xị. Không đánh trả, nó có cách trừng phạt khác, nó đè nghiến, giữ cho mặt ông hướng về phía tôi. Và bọn chúng thay phiên nhau, giữ cho cha chỉ một tư thế đó.

Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt. Thôi nghen, ông trời, như thế này là đủ rồi, đừng thêm nữa. Ước gì cha tôi hiểu, để mà thanh thản, xưa rày, cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, đó là một cách tự học để sống. Chỉ có sự giao tiếp giữa thân xác là tôi chưa từng trải qua.

Nhưng lúc này, cảm giác thật đơn điệu. Đầu tiên là sự xé toạc, và từ rách nát, đau đớn như lũ kiến cánh được giải thoát, chúng bò rân khắp thân thể, tôi thấy mình đang chết. Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó, ngay lúc ấy (để giả đò như chưa từng thấy cảnh tượng ấy, giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì, để chiều chiều cùng má ra sông, hỏi nhau, không biết chừng nào thì cha về).

...Mặt trời le lói ánh sáng trở lại khi trên đồng chỉ còn hai thân thể nhàu nhừ. Ai đó vãi từng chùm chim én lên cao, chúng cố chao liệng để khỏi phải rơi như lá. Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi. Câu đầu tiên nó hỏi:

- Không biết con bị có con không, hả cha?

Nó hơi sợ hãi. Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con lăng quăng đang ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Ờ, có thể... Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen).

Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 5: Có hai người ra đi- Kỳ 4: Hai chị em bên cõi người ta- Kỳ 3: Những người bị vứt bỏ- Kỳ 2: Câu chuyện về người mẹ lạc lòng- Kỳ 1: Người đàn bà bị ruồng bỏ

CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 1CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 2CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 3CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 4CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 5CKLJ7uGI.jpgNghe Cánh đồng bất tận - kỳ 6

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên