04/04/2014 10:54 GMT+7

...Và "đèn không tắt bóng"

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TT - Có lẽ đây là những ngày khó khăn nhất với Ái Như và Thành Hội, hai nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực tìm điểm diễn mới cho sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh tìm điểm diễn

Thời gian càng ít, tình hình càng khó khăn hơn, những hi vọng cứ ngày một ít dần: nơi xây dựng không dành cho sân khấu kịch, chỗ quá xa so với nhu cầu khán giả, tìm được địa điểm ưng ý - đang bỏ trống để chuột chạy, nhưng cũng không biết lý do vì sao không cho thuê...

Trái ngược với tâm thế có phần “tuyệt vọng” ấy, Đèn không hắt bóng vẫn đang được dựng lại trên sàn tập.

"Vở này làm lại hoàn toàn cho các em diễn viên trẻ của Hoàng Thái Thanh để tìm hiểu xem sau bốn năm đi cùng thầy cô, các em đã được công chúng đón nhận chưa..."

Nghệ sĩ ÁI NHƯ

Vì sao là “Đèn không hắt bóng”? Và vì sao là vào thời điểm này?

Đây là một trong những vở diễn mang nhiều kỷ niệm nhất của Thành Hội - Ái Như với sân khấu riêng của mình, với nhiều đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò... Cách đây năm năm, vở được diễn trên sân khấu tốt nghiệp của khóa 11 - lớp diễn viên khoa sân khấu Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Câu chuyện về bác sĩ tài hoa Naoe (dựa theo tiểu thuyết của Watanabe Dzunichi) được kể một cách chỉn chu trong một sân khấu nhỏ, ấm cúng...

Một năm sau đó, Đèn không hắt bóng được dựng lại với tên gọi Mùa đông cuối cùng khi Hoàng Thái Thanh vừa thành lập.

Nói về việc dựng chính kịch, có người đùa cả “mùa đông” và “cuối cùng” đều là những từ không may với một sân khấu mới. Lúc đó, Ái Như chỉ cười, “việc gì cần phải làm thì cứ làm thôi...”... Những ngày vở lên sàn tập, sân khấu sáng đèn đến những 2-3g sáng, thầy trò đạo diễn, diễn viên vật vã cùng nhau từ vai diễn, diễn viên, đến vai thợ - cặm cụi chỉnh đốn từng cái ốc vít của những chiếc ghế ngồi của khán giả... Biết bao mồ hôi nước mắt chen lẫn vui tủi, giận hờn... Vở diễn với sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi (Kim Xuân, Tuyết Thu, Quốc Thái, Trí Quang) cùng với những gương mặt mới (Tuyết Mai, Hoài Thương, Thế Hải...) được sự đón nhận của công chúng và báo giới, mở đường cho chặng đường dài phía trước của một sân khấu chính kịch hiếm hoi của TP.HCM.

Với riêng Ái Như, đây là một trong những vở cá nhân chị “thương” nhất. Có lẽ, trong bác sĩ Naoe có cả chính chị và nghề nghiệp của mình. Sự cô độc của Naoe trong hành trình chống chọi với bệnh tật, tìm ý nghĩa của những ngày sống ít ỏi qua công trình nghiên cứu về ung thư xương, cũng là nỗi niềm của chính người nghệ sĩ đang dốc cạn sức mình cho sân khấu đang lúc khó khăn?...

Vở lần này sẽ không ra mắt báo chí, nhưng có một điều rất mới chưa từng có trên sân khấu Hoàng Thái Thanh: sẽ không có một diễn viên tên tuổi, ngôi sao nào xuất hiện trong vở diễn. Tất cả vai diễn đều được thể hiện bởi dàn diễn viên trẻ hoàn toàn, là những người của lớp học trò khóa 11 của Ái Như - Thành Hội. Họ là thế hệ học trò cuối cùng của Thành Hội - Ái Như, nay đã trưởng thành và là những gương mặt xuân sắc, đầy tiềm năng của Hoàng Thái Thanh: Hoàng Vân Anh (sau này được biết đến với Út Trâm trong Chuyện bây giờ mới kể, Mận trong Tục Lụy...), Công Danh (Tùng - Người điên trong ngôi nhà cổ, Đỗ Bình - Tái sinh), Thái Trang (Sáu - Sông dài, bà chủ nhà - 29 anh về)...

Bây giờ, hỏi hai anh chị có đang lo lắng không? Có, rất nhiều. Bởi “chưa biết ngày mai sẽ diễn ở đâu”, và cũng “chẳng biết vở này diễn được mấy suất”... Sau suất công diễn vào ngày 4-4, có thể họ sẽ tìm ra câu trả lời. Một trang mới cho kịch Hoàng Thái Thanh có thể sẽ được mở ra, mà cũng có thể ngược lại. Nhưng cái “khó” chưa thể bó “cái hay”, vì họ luôn có “việc cần phải làm” để “đèn không tắt bóng”...

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên