27/05/2012 08:10 GMT+7

Tâm sự Bạch Long

LINH ĐOAN thực hiện
LINH ĐOAN thực hiện

TT - Vào ngày 1-6 tới đây, sân khấu cải lương Ánh Dương - Bạch Long sẽ chính thức ra mắt tại Nhà Thiếu nhi quận Tân Bình (194 Âu Cơ, TP.HCM). Nhân dịp này, Nhân vật hằng tuần đã trò chuyện cùng anh.

BOFxpzhj.jpgPhóng to

NS Bạch Long - Ảnh : Gia Tiến

Sân khấu này ra đời đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Bạch Long, người mà hơn 10 năm trước đã có công giới thiệu một thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ như Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân... trong nhóm Đồng ấu Bạch Long do anh đào tạo. 10 năm sau, hoạt động cải lương đang ngày một khó khăn nhưng anh vẫn âm thầm dạy và truyền nghề.

Tôi có niềm tin

"Tôi có niềm tin rằng nếu chúng tôi diễn tốt thì sẽ thu hút được công chúng"

NS Bạch Long

* Hơn 10 năm gần như không còn dính dáng tới cải lương tuồng cổ, việc anh tiếp tục hợp tác với một ông bầu ra mắt sân khấu cải lương khiến nhiều người bất ngờ đấy.

- Bạch Long: Tuy không còn hoạt động ở lĩnh vực này nhưng đam mê trong tôi thì còn đầy. Không ca trên sân khấu nhưng tôi tranh thủ mọi nơi, tắm cũng ca, giặt đồ cũng ca. Diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa cho sân khấu Idecaf cũng... ăn gian, tự chế để trong bất cứ vở nào nhân vật của tôi cũng được ca một câu vọng cổ cho đỡ nhớ nghề và cố tình để khán giả nhí nghe vừa quen vừa thêm yêu cải lương. Trong dịp tình cờ tôi gặp bạn Nhật Quang đề nghị cùng hợp tác để mở sân khấu cải lương tại Nhà Thiếu nhi quận Tân Bình, tôi mừng quá đỗi. Hiện chúng tôi có khoảng 20 em, cũng khá đủ cho việc thành lập một gánh hát! (cười)

* Có gì đó để “nhận dạng” sân khấu cải lương của anh so với những nơi khác?

- Trước mắt chúng tôi sẽ hát những gì thuộc về sở trường của mình, đặc sản chính là các vở cải lương tuồng cổ phục vụ cho thiếu nhi. Đợt đầu tiên từ ngày 1 đến 3-6 (suất 20g mỗi ngày) với hai kịch bản Hầu nhi cứu chủ và Tiểu anh hùng Nam quốc. Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp hai kịch bản Hoa Mộc Lan và Na Tra để tiếp tục phục vụ các bé trong mùa hè này.

* Trong tình hình hoạt động sân khấu cải lương nhiều khó khăn như hiện nay, anh có thấy quyết định thành lập sân khấu cải lương mới là quá liều lĩnh?

- Tôi làm vì tôi yêu cải lương, muốn có một sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi. Thực lòng tôi rất sợ sân khấu cải lương sẽ mất đi. Dù đã ăn cơm sân khấu kịch nói hơn chục năm trời nhưng tôi luôn tâm niệm mình là người của cải lương, không bao giờ bỏ cải lương. Vừa rồi, tôi có nghe việc đoàn xiếc đến Nhà Thiếu nhi Tân Bình diễn ba đêm, đêm nào cũng chật kín khán giả. Tôi cảm nhận rằng có lẽ đã đến lúc khán giả muốn trở về với cái thật, xem những gì diễn thật trên sân khấu chứ xem qua băng đĩa hoài cũng chán. Tôi có niềm tin rằng nếu chúng tôi diễn tốt sẽ thu hút được công chúng.

Không phải con nít không thích cải lương

Sống nhờ gạo lứt muối mè!

Bạch Long đến chỗ hẹn chúng tôi với một bịch nilông gồm... ba nắm gạo lứt muối mè! Anh cười cho biết đây là khẩu phần ăn nguyên ngày. Cách đây một năm Bạch Long bị bệnh khá nặng, bác sĩ bảo phải chích mũi thuốc 8 triệu đồng, anh chặc lưỡi: “Một tháng kiếm 5 triệu đã khó, lấy tiền đâu chích thuốc”. Có người chỉ ăn gạo lứt muối mè, anh thử ăn liền bốn tháng trời và ốm đến nỗi dân trong giới đồn anh dính... si đa. May sao căn bệnh bị đẩy lùi, vậy là từ đó anh trở thành “fan” của món này. Anh cười hề hề: “Vừa hiệu quả mà đỡ tốn kém thấy rõ, mỗi ngày chỉ tốn 30.000 đồng cho chuyện ăn!”.

* Anh nghĩ gì về sân khấu phục vụ thiếu nhi hiện này?

- Nhìn tưởng nhiều nhưng thật ra chưa đủ. Còn thiếu những vở diễn đảm bảo sức hấp dẫn để lôi kéo các em, đánh trúng tâm lý của các em. Khán giả nhí ngày nay được tiếp cận với nhiều loại hình giải trí nên các em nhanh nhạy và thông minh hơn ngày xưa. Làm vở cho con nít xem bây giờ phải năng động lắm, phải cập nhật thông tin xem các em đang khoái cái gì để đưa vô vở cho sinh động.

* Như anh nói, trẻ em bây giờ tiếp cận với quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, liệu sàn diễn cải lương của anh có đủ sức để tranh thủ tình cảm các em? Tôi đã xem qua vở Tiểu anh hùng Nam Quốc do anh dàn dựng, thấy nó vẫn còn giữ sự chân phương của cải lương tuồng cổ chứ không chú trọng lắm đến nhiều trò, nhiều màu sắc?

- Khi diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa của Idecaf tôi phát hiện không phải con nít không thích cải lương, khi tôi lên câu vọng cổ chúng khoái chí vỗ tay rần rần. Lúc các đạo diễn dựng vở Tề thiên, Na Tra... tôi ngồi coi rồi giật mình, những vở này chỉ cần bỏ tân nhạc ra thay vọng cổ vô là y chang cải lương. Có nghĩa cải lương cũng làm được, quan trọng là biết cách làm sao cho hấp dẫn thôi. Về mặt đầu tư, tôi cố gắng liệu cơm gắp mắm vì tôi không muốn làm khó cho các ông bà bầu, vì có thể nói làm cải lương bây giờ khó thu hồi vốn nhất. Trong điều kiện có thể, tôi sẽ cố gắng làm cho các bé thích thú.

Ông trời không cho tôi vướng chuyện vợ con

* Vì khó nuôi nên từ nhỏ anh đã được gia đình gửi cho bà (cô ruột của cha anh - NSND Thành Tôn), anh gắn bó với người mẹ này cho đến khi bà mất, sau đó anh cũng không về ở với gia đình mà bắt đầu một cuộc sống và sự nghiệp cũng khá lận đận. Dưới mắt nhiều người, cuộc đời anh khá kỳ lạ. Điều này do tính cách hay số phận của anh tạo ra?

- Tôi nghĩ là do số phận. Có những cái tôi không may mắn (chẳng hạn như không sống gần mẹ cha) nhưng lại có những mặt khác bù lại. Ông trời chắc cũng chẳng “đì” ai đến mức tối đa. Mọi người đánh giá tôi ca diễn tốt nhưng tạo hóa không cho vóc dáng cao ráo để tôi làm kép chánh, vậy thì tôi làm diễn viên đóng đa dạng các loại vai, tôi dạy nghệ sĩ trẻ, tôi viết và dàn dựng cải lương. Sống tốt cho xã hội, cho mọi người đến ngày nhắm mắt là được rồi. Giờ nói thật tôi chẳng ham danh vọng gì cả.

* Ở nhà thuê, ăn cơm bụi và khá kín tiếng, người ta dễ có cảm giác cuộc sống của anh long đong và cô độc?

- Ngẫm lại thấy cuộc đời tôi giống như phim kiếm hiệp rày đây mai đó, cơm hàng cháo chợ. Lộc (NSƯT Thành Lộc - em trai nghệ sĩ Bạch Long) nhiều lần kêu tôi về nhà nhưng tôi đã quen cuộc sống này rồi. Tôi thuê một căn phòng nhỏ trong một con hẻm đường Lê Văn Sĩ đã 11 năm nay, mới đầu chỉ 800.000 đồng/tháng đến giờ là 3 triệu đồng. Nói thật lòng là tôi không thấy cô đơn, tôi sống rất lạc quan, sau những buồn vui trên sân khấu tôi trở về phòng trọ và thích cảm giác nằm một mình.

* Với thu nhập khá khiêm tốn nhưng thấy anh vẫn không nháo nhào chạy sô như các nghệ sĩ khác?Phải chăng anh không cần tiền?

- Tiền ai không cần. Ví dụ như tôi tốn tiền xe ôm dữ lắm, vì biết chạy xe nhưng không rành đường nên đi xe ôm cho tiện. Nhưng tôi không quá thiết tha kiếm tiền. Đi diễn, thấy mọi người bàn tán mua đất mua nhà tôi cũng chẳng quan tâm. Hồi xưa nhà mẹ nuôi tôi ở mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, sau đó bị giải tỏa làm nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần đi ngang tôi cứ ngó và nghĩ còn cái nhà đó là giờ mình giàu rồi. Thôi số mình nó thế, gói ghém đủ là được.

* Được biết anh có một mối tình đầu rất sâu sắc thuở đôi mươi nhưng dang dở. Đến nay đã ngoài 50 tuổi, đi qua một vài mối tình nhưng cũng không thành vì nhớ hoài người đầu tiên. Anh có vẻ hay sống với ký ức?

- Kỷ niệm đẹp tôi giữ mãi trong lòng. Ai đối xử tốt với tôi thì tôi nhớ hoài. Người đầu tiên đã cùng tôi đồng cam cộng khổ, không tiếc những đồng tiền dành dụm chắt chiu để cùng tôi lo cho mẹ nuôi khi bà bị bệnh. Gặp người khác chắc không làm như vậy được đâu. Nhưng rốt cuộc cũng không vượt qua được rào cản gia đình. Đến nay đã mấy chục năm, chắc cái duyên với phụ nữ tôi chưa gặp thôi. Chưa gặp thì từ từ sẽ gặp, mà không gặp cũng không sao. Chắc ông trời không cho tôi vướng bận chuyện vợ con để toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật vậy mà...(cười)

CtFjiiZs.jpgPhóng to
Bạch Long trong vở Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên - Ảnh: Gia Tiến

* NSND Thanh Tòng:

Người có tài mà không có thời

Bạch Long là nghệ sĩ siêng năng, cần mẫn, rất mát tay trong việc đào tạo học trò. Cậu ấy giỏi uốn nắn những người chưa biết gì để trở thành một ngôi sao. Điều này không phải ai cũng làm được. Bạch Long biết khắc phục khuyết điểm, biến nó trở thành ưu điểm nên có những vai nổi bật như Thánh Gióng, Quách Hải Thọ, Kim Đồng... Thương cái là người có tài mà không có thời, học trò đã có người lên NSƯT nhưng cậu ấy lại chưa có danh hiệu gì cả.

* Nghệ sĩ Chấn Cường:

Thầy rất nghiêm khắc với nghề

Tôi là lớp học trò đầu tiên được đào tạo từ nhóm Đồng ấu Bạch Long (khoảng năm 1990). Lúc đó tôi chỉ mới 6 tuổi. Ngày đó, tùy vào khả năng của mỗi đứa, thầy sẽ có cách dạy phù hợp, như tôi có thế mạnh về vũ đạo nhưng chưa có hơi ca tốt, thầy đào tạo chuyên về những vai tướng. Nhờ thầy mà tôi đã tham gia được khá nhiều phim từ lúc còn bé xíu như Ngôi nhà oan khốc, Người bất hạnh, Người thừa, Chú bé có tài mở khóa... Bình thường thầy sống rất tình cảm nhưng khi dạy thầy rất nghiêm khắc, tập tành chểnh mảng là thầy phạt, không cho ra sân khấu nữa.

LINH ĐOAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên