21/06/2014 08:20 GMT+7

Chiếu phim trên mạng - chuyện... cũ xì!

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TTO - Chắc chắn chẳng phải đợi đến khi Căn hộ số 69 được chiếu trên YouTube người ta mới biết đến kênh phát hành mạng này của phim ảnh, bởi sự thật là chuyện ấy đã quá phổ biến từ lâu!

1gGWW5ic.jpg
Một cảnh trong bộ phim Căn hộ số 69 gây ồn ào thời gian qua - Ảnh chụp lại từ YouTube


Đúng là sẽ khó để tìm ra tác phẩm điện ảnh đầu tiên nào được đưa lên Internet, nhưng lịch sử điện ảnh có lẽ sẽ ghi nhận trường hợp bộ phim kinh dị dài 88 phút của Anh This is not a love song (đạo diễn Bille Eltringham) là bộ phim đầu tiên chọn cách phát hành ra thế giới bằng Internet (ngày 5-9-2003). 

Thay vì đến rạp mua vé xem phim, khán giả của This is not a love song sẽ trả một khoản tiền tương đương 2-3 bảng Anh để tải phim xuống từ Internet. 

Đây là cách mà Bille Eltringham chọn để một tác phẩm mang nhiều tính địa phương khó lòng được chiếu ở nhiều nơi ngoài Anh, đến với khán giả rộng rãi ở nhiều nước nhanh chóng và khả thi nhất.

Và hiện tại, chỉ với một đường truyền Internet ổn định - tốc độ cao thì càng tốt, một địa chỉ nào đó (rất nhiều, rất sẵn) cho phép tải phim và chia sẻ miễn phí, một bộ phim đã thực hiện xong (có thể đã bị từ chối chiếu ở rất nhiều nơi, cũng có thể bị kiểm duyệt ách lại)... thì một cú click chuột, bộ phim ấy đã có một con đường thênh thang ra thế giới. 

Và phim ngắn, vốn rất hiếm khi được ưu ái ra rạp hay lên TV thì kênh phổ biến của nó hiện nay thường là Internet.

Đạo diễn Phan Xinê - người cũng có một số phim ngắn trên mạng như Thằng chó chết, Một ngày vui, Câu chuyện siêu nhân, Trễ nhịp... - cho rằng Internet “là kênh phát hành cho mọi người, nhất là người trẻ, một sự tự do thể hiện bản thân mà không bị những ràng buộc về kiểm duyệt, tạo nên một cộng đồng khán giả của riêng các bạn. 

Kênh này có thể không đem đến lợi ích về kinh tế (nhưng vẫn rất có tiềm năng, khi mà digital marketing - tiếp thị số - đang phát triển mạnh ở VN) nhưng nó là thước đo dễ thấy, để các bạn biết được khán giả của mình là ai. Tuy nhiên, nó cũng có cái nguy hiểm là dễ gây ảo tưởng, vì cộng đồng mạng nói chung cũng tùy, hên xui, đôi khi rất thật mà đôi khi cũng rất ảo...”.

Chỉ với tuần đầu tiên đưa lên mạng tập 1 của bộ phim, Căn hộ số 69 (do Nam Cito viết kịch bản, đạo diễn đồng thời là nhà sản xuất) tính đến chiều 20-6 đã có tới 1.894.616 lượt người xem. 

Được giới thiệu là một phim sitcom dự kiến 25 tập dành cho người trên 18 tuổi với chủ đề về tình yêu, tình dục và tình bạn của những người trẻ, Căn hộ số 69 với 20,45 phút đầu tiên được quay khá bắt mắt, chất lượng hình ảnh cao, nhưng phim không có nhiều cảnh nóng hơn các phim truyền hình được chiếu chính thức trên VTV như mọi người đồn thổi. 

Tập đầu của Căn hộ số 69 có thể nói là khá nghèo nàn, đơn điệu; diễn xuất của các diễn viên (Ngọc Thảo, Sĩ Thanh, Kỳ Nam) hơi cứng. Và có lẽ đáng chú ý nhất lại là các nhận xét của khán giả trên mạng, rất nhiều nhận xét mang tính “tự do chủ nghĩa”, không thiếu những câu nói tục, nói bậy, thậm chí xúc phạm các diễn viên. 

Ngay cả admin của trang chiếu phim này cũng không giữ được sự bình tĩnh cần có nên sự tranh cãi càng trở nên gay gắt. Không biết khi chọn cách đưa phim lên mạng kiểu này, nhà sản xuất kiêm phát hành phim có hình dung trước phản ứng của khán giả hay không?

Không ai dám chắc những người xem Căn hộ số 69 (và vô số các phim, các clip nhạy cảm khác trên mạng) là trên 18 tuổi. 

Cũng không ai dám chắc các chương trình truyền hình nhạy cảm vẫn phát trên sóng truyền hình quốc gia sẽ chọn đúng đối tượng người xem. Bởi thế, định nghĩa về sự kiểm duyệt cho phép và không cho phép với thế giới Internet có lẽ là chuyện chim trời cá nước. 

Có chăng, trước khi click chuột để phơi bày sản phẩm của mình trước bàn dân thiên hạ, các nhà làm phim chỉ có cách tự kiểm duyệt chính mình cả về văn hóa, về chất lượng chuyên môn. 

Còn nếu không làm được điều đó, e rằng sự khắt khe của khán giả với con chuột máy tính trong tay sẽ đóng lại nhanh chẳng kém như khi họ cầm chiếc điều khiển ngồi trước màn hình TV!

* Bà NGÔ PHƯƠNG LAN (cục trưởng Cục Điện ảnh):

Vi phạm Luật điện ảnh

Xung quanh vụ việc này, ngày 20-6, Cục Điện ảnh đã có công văn gửi Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin - truyền thông, các cơ quan bảo vệ an ninh văn hóa và thông tin truyền thông đề nghị thanh tra, kiểm tra, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói cụ thể hơn, vấn đề này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Theo đó, phim muốn phổ biến phải được hội đồng thẩm định phim thẩm định và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim. Trong quá trình thẩm định, hội đồng căn cứ vào nội dung phim để phân loại phim “được phép phổ biến rộng rãi” hay “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”. Hiện nay, tại VN chưa có quy định phân loại phim 18+.

Mặt khác, khoản 9 điều 4 Luật điện ảnh cũng quy định: “Phổ biến phim là việc đưa phim đến với công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng Internet và các phương tiện nghe nhìn khác”. Điều 36 Luật điện ảnh quy định: Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan. Vì vậy, với những bộ phim chưa được cấp phép phổ biến nhưng đã phổ biến ra công chúng - trong đó có hình thức đưa lên mạng Internet - là vi phạm điều 50, 51 Luật điện ảnh.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên