17/11/2009 07:13 GMT+7

Đừng đốt "đốt cháy" trái tim chúng tôi

HOÀI NAM (từ New York)
HOÀI NAM (từ New York)

TT - Ðêm New York (Mỹ) mưa và lạnh, nhiệt độ khoảng 14OC nhưng phòng chiếu phim Cantor Film Center tối 14-11 (trưa 15-11 giờ VN) tại Trường ÐH New York lại ấm nóng bởi những tràng pháo tay liên hồi của gần 300 khán giả dành cho bộ phim Ðừng đốt.

Đừng đốt “đốt cháy” trái tim chúng tôi

TT - Ðêm New York (Mỹ) mưa và lạnh, nhiệt độ khoảng 14OC nhưng phòng chiếu phim Cantor Film Center tối 14-11 (trưa 15-11 giờ VN) tại Trường ÐH New York lại ấm nóng bởi những tràng pháo tay liên hồi của gần 300 khán giả dành cho bộ phim Ðừng đốt.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375559Fred Whitehurst - cựu binh Mỹ, cũng là nhân vật của phim Đừng đốt - ký tặng khán giả sau buổi chiếu phim tại ĐH New York  - Ảnh: Hoài Nam

Phim vừa kết thúc, đèn bật sáng, cô sinh viên Việt kiều ngồi bên cạnh tôi mắt đỏ hoe. Nhiều người đưa tay chấm vội dòng nước mắt. Phía trước, một cựu chiến binh Mỹ đang siết chặt vai người vợ, vai rung rung. Phòng chiếu lặng im, rồi một tràng pháo tay giòn giã kéo dài thật lâu.

Vọng lại một tiếng khóc rưng rức rồi vỡ òa của ông John McAuliff - giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (văn phòng tại New York). Không kìm được xúc động, ông vừa cảm ơn đạo diễn Ðặng Nhật Minh vừa... khóc: "Tôi xin lỗi, tôi không kìm được cảm xúc của mình lúc này. Cảm ơn ông Ðặng Nhật Minh bởi một bộ phim về chiến tranh nhưng không hề có sự hận thù, chỉ có tình yêu, ước mơ hòa bình. Ðừng đốt đang "đốt cháy" làm tan chảy những cảm xúc trong trái tim chúng tôi".

Ông Bill Suhhlan - một cựu binh Mỹ, từng là phiên dịch trong chiến tranh VN - mắt ngân ngấn nước: "Một câu chuyện có thật, một cuốn nhật ký mà ai từng trải qua chiến tranh mới hiểu thế nào là sự mất mát, hi sinh. Ngày xưa tôi cũng từng thấy nhiều cuốn nhật ký như vậy từ những người ngã xuống. Xem phim, kỷ niệm về chiến tranh VN lại hiện về như những thước phim quay chậm".

Một nữ khán giả Mỹ đã đưa tay suốt buổi chiếu chỉ để nói một lời cảm ơn đạo diễn, bà xúc động: "Tôi và những người bạn ngồi đây là sinh viên Mỹ ngày nào xuống đường phản đối chiến tranh VN những năm 1968-1969. Cảm ơn cuốn nhật ký xúc động lòng người. Cảm ơn những con người VN đã sống rất đẹp trong chiến tranh. Cảm ơn Fred".

Buổi chiếu phim Đừng đốt tại Trường ĐH New York là buổi chiếu duy nhất có bán vé (15 USD).

Trước đó, từ ngày 4 đến 13-11, Đừng đốt đã lần lượt ra mắt khán giả - sinh viên Mỹ và VN tại các trường đại học khác của Mỹ như Brown, Wesleyan, Smith, Holy Cross, Harvard, Washington Temple, Pennsylvania, Princeton, George Mason...

Chương trình do Viện Trao đổi văn hóa và giáo dục VN (IVCE) tại New York tổ chức.

Fred Whitehurst - người cựu binh Mỹ đã cất giữ cuốn nhật ký Ðặng Thùy Trâm hơn 35 năm qua, là một nhân vật ngoài đời của phim

Ðừng đốt.

Dù buổi chiếu bắt đầu lúc 17g, nhưng Fred đáp chuyến bay dài hơn 4 giờ từ North Carolina (nơi ông làm luật sư) đến New York lúc 10g sáng cùng ngày vì: "Tôi hồi hộp quá".

Biết tôi là phóng viên báo Tuổi Trẻ của Việt Nam, Fred vui mừng nói ngay: "Báo Tuổi Trẻ, cô Ly (PV Tuổi Trẻ thực hiện loạt bài Ðặng Thùy Trâm - NV) đã giúp tôi tìm được mẹ tôi (bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ chị Ðặng Thùy Trâm- NV) và các chị của tôi. Cảm ơn các bạn".

Lặng lẽ quan sát Fred trong buổi chiếu, nhiều lần tôi thấy ông đưa tay ôm ngực mình, nhắm mắt lại ở những cảnh lính Mỹ tập kích. Phim kết thúc, ông đưa tay lau thật nhanh ngấn nước chực trào.

Fred hiện sống ở ngôi làng nhỏ với người con nuôi.

Ông chia sẻ: "Bạn muốn biết cảm xúc của tôi mỗi lần về VN thế nào không? Tôi gặp lại mẹ tôi và (Fred ngập ngừng), và... tôi có cảm giác tôi đã giết chính chị mình. Bạn hỏi tôi đã quên những ám ảnh của cuộc chiến tranh chưa? 15 phát súng ngày nào tôi bắn một người con gái Việt Nam trên cánh đồng khiến tôi trằn trọc mãi. Nó như hồi chuông quá khứ vọng về. Lúc ở VN, khi xem bản dựng bộ phim chưa hoàn chỉnh, tôi không chịu được nên đã ra ngoài nửa chừng. Ðây là lần đầu tiên tôi xem trọn vẹn lại cuộc đời mình của hơn 35 năm trước. Bây giờ tất cả những gì tôi sống, tôi làm đều có một người trong tâm linh tôi mách bảo, đó là chị Thùy".

Có một điều rất thú vị là cùng hội ngộ trên sân khấu là ba người tên Fred. Một Fred Whitehurst thật và hai diễn viên đóng vai Fred trên phim: Matt Korsch (Fred lúc trẻ) và Michael Jarmus (Fred lúc già). Khi khán giả đặt câu hỏi cho Fred, Fred thật hóm hỉnh hỏi lại: "Bạn đặt câu hỏi cho Fred nào?".

Matt Korsch cho biết Việt Nam giờ đã là hai chữ đầy dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của anh. Trước khi nhận vai Fred, cuốn nhật ký Ðặng Thùy Trâm luôn bên Matt mọi lúc mọi nơi, khi đi tàu điện, khi rảnh rỗi. Matt đọc hầu như thuộc lòng từng chi tiết trong nhật ký.

Anh chia sẻ: "Bác tôi từng là một bác sĩ trong chiến tranh, tôi cũng nghe kể về chiến tranh Việt Nam nhưng mãi đến sau khi đọc xong nhật ký, cái nhìn của tôi về chiến tranh mới hoàn toàn khác. Tôi thấy mình rất vinh dự khi được thể hiện một câu chuyện đặc biệt trong một khoảng thời gian đặc biệt mà tôi được trải nghiệm cùng".

Sau hơn hai tuần đóng vai Fred tại Việt Nam, đến ngày lên máy bay về Mỹ, ra đến sân bay Matt quyết định đổi lại ngày về để ở lại thêm hai tuần nữa làm "Tây ba lô" thám hiểm Việt Nam chỉ bởi: "Tôi yêu đất nước hiền hòa xinh đẹp và những người Việt Nam thân thiện, mến khách của các bạn".

Với diễn viên đóng vai Fred lúc già - Michael Jarmus, từng là một cựu chiến binh Mỹ đóng quân tại Ðức Phổ những năm 1968-1969. Vào vai một người lính Mỹ như chính mình ngày xưa khiến Michael day dứt gấp bội về những gì đã xảy ra trong cuộc chiến ngày xưa.

Buổi chiếu kết thúc lúc 21g30 nhưng khán giả vẫn còn nán lại mãi đến hơn 24 giờ để trò chuyện với đạo diễn, chụp hình, xin chữ ký "ba Fred". Ðêm New York - đêm của tình yêu và lòng nhân ái mà con người dành cho nhau. Cũng là đêm chia sẻ thành công với bộ phim mới nhất của đạo diễn Ðặng Nhật Minh sau nhiều năm hai bộ phim của ông (Bao giờ cho đến tháng 10Thương nhớ đồng quê) được nhiều trường đại học ở Mỹ đưa vào giảng dạy trong các khóa học về VN.

Tháng 1-2010, Ðừng đốt được mời trình chiếu tại Trường đại học điện ảnh nổi tiếng USC ở California. Nói như giáo sư Bruno Bosacchi, Trường ÐH Princeton: "Một cuốn nhật ký làm rung động trái tim Việt Nam và cả người Mỹ chúng tôi. Một bộ phim rất khác những bộ phim chiến tranh chúng tôi từng xem. Một cảm nhận của tình yêu và lòng nhân ái không chỉ cho người đã trải qua chiến tranh mà cả cho những người trẻ có một cái nhìn khác về chiến tranh".

HOÀI NAM (từ New York)

------------------------------------  

Đừng đốt - thông điệp 24 hình/giây

Tặng NSND Đặng Nhật Minh và những người làm phim ĐỪNG ĐỐT

Những tiếng nấc khó kìm trong rạp chiếu phimCứ dội vào tim tôi cùng tiếng bom tiếng đạnChiến tranh qua lâu rồi còn tiếng kêu "Đừng đốt" Tiếng kêu của Huân, của mẹ Fred, mẹ Thùy... Đừng đốt những dòng chữ mang lửa Đừng đốt những tâm hồn có lửa Đừng đốt những giấc mơ siêu thoát khỏi chiến tranh Đừng đốt những yêu thương đáng được sống yên lànhNhững tiếng nấc rung lên từ màn ảnhDội vào tôi, dội vào chị, vào anh Dội vào đại dương, dội vào lục địa Dội vào tương lai không nghỉ không ngừng... Lửa vẫn cháy và bom vẫn nổ Trong lòng người bao thế kỷ thương đauNhững cơn mơ kinh hoàng làm tim ta dựng đứngTội lỗi, vinh quang quay tít ở trong đầuTôi gặp Đặng Nhật Minh lại nghe kêu "Đừng đốt" Tiếng kêu cấp số nhân 24 hình/giây 24 hình/giây - cấp số nhân thông điệp Cứ đốt mãi lòng tôi khát vọng con người Cứ đốt mãi lòng nhau những giọt nước mắt rơi...

NGUYỄN TRỌNG TẠO (tháng Bảy, 2009)

* Tin bài liên quan:

>> Đừng đốt ra mắt khán giả Mỹ>> Đừng đốt chính thức tranh giải Oscar 2010>> Đừng đốt đoạt giải duy nhất tại liên hoan phim Fukuoka >> Nước mắt linh thiêng>> Hơn 800 bạn trẻ đến với phim Đừng đốt>> Đừng đốt khai mạc Liên hoan phim ASEM lần 2>> Phim Đừng đốt vào trường học>> Rất đáng tiếc nếu không xem Đừng đốt>> Đừng đốt: kể mà như không kể>> Sức mạnh của giấc mơ hòa bình>> Đừng đốt trình chiếu tại Mỹ>> Khán giả Mỹ vỡ òa với "Đừng đốt"

HOÀI NAM (từ New York)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên