11/04/2009 08:47 GMT+7

Trăng nơi đáy giếng và hành trình quảng bá văn hóa Việt

HOÀI NAM (Từ Washington DC)
HOÀI NAM (Từ Washington DC)

TT - Không đơn thuần là những buổi chiếu phim, chuyến công chiếu Trăng nơi đáy giếng tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ (26-3 đến 22-4) còn là hành trình giới thiệu văn hóa Việt, kết nối những tâm hồn yêu điện ảnh Việt, kết nối những bạn trẻ người Mỹ gốc Việt với quê hương.

ey3j59zi.jpgPhóng to

Các bạn trẻ Việt kiều trao đổi với đạo diễn Vinh Sơn (bìa phải) sau một buổi chiếu Trăng nơi đáy giếng tại Mỹ - Ảnh: H.Nam

IHsiITft.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Thọ Phan, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chủ tịch Hội sinh viên VN tại Trường đại học Brown (tiểu bang Rhode Island), chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Với nhiều người ở Mỹ, mỗi khi nói chuyện về VN ai cũng thường liên tưởng đến mối liên hệ giữa đất nước và chiến tranh trong quá khứ. Phim ảnh là một phương tiện tuyệt vời để chuyển tải những chủ đề văn hóa không liên quan đến chiến tranh. Qua các buổi chiếu phim, sinh viên VN hay sinh viên Mỹ gốc Việt đều có cơ hội được nghe những câu chuyện về lịch sử và qua đó sẽ giúp họ trở về với cội nguồn đất nước”.

Nối nhịp cầu văn hóa

Lượng khán giả đến xem Trăng nơi đáy giếng đa số là các bạn trẻ, bên cạnh du học sinh là các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt. Chính các bạn trẻ này đã hỗ trợ Viện Trao đổi văn hóa và giáo dục VN tại New York (IVCE, Quỹ Ford tài trợ) tổ chức thành công các buổi chiếu. Anh Trần Thắng - chủ tịch IVCE - cho biết để đem phim chiếu ở trường đại học ở Mỹ không phải là điều dễ dàng nếu không có một câu lạc bộ trong trường đứng ra tổ chức. Các VSA (Vietnamese Student Association) do các bạn trẻ này thành lập là nhịp cầu quan trọng để quảng bá điện ảnh Việt. Anh nói: “Phim VN đã trở thành nguồn tài liệu quý giá cho các lớp học về VN”.

Jennifer Phuong - chủ tịch Hội sinh viên VN tại Đại học Pennsylvania - bày tỏ: “Qua những buổi chiếu phim này, các bạn sinh viên gốc Việt hay sinh viên khác có mối quan tâm tới văn hóa VN có được cơ hội để khám phá một VN hiện đại và nhiều vấn đề xã hội mà đất nước đang đối mặt”. Trong khi đó, với anh em Richie Huỳnh và Ryan Huỳnh thì xem phim là: “Để gặp người Việt, nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt và hiểu thêm về quê hương bởi dù chúng tôi sinh ra ở Mỹ, nói tiếng Mỹ nhưng vẫn là người VN”.

Yêu Việt Nam

Đêm New York lạnh. Dù nhiệt độ ngoài trời trên dưới 3OC nhưng không khí trong rạp Cantor nằm trên đại lộ 5 danh tiếng, thuộc khuôn viên Trường đại học New York thật ấm áp. Từng tràng pháo tay giòn giã, những thắc mắc thú vị được đặt ra với đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đầy bất ngờ. Dù trời rất khuya nhưng vẫn chưa ai chịu ra về, họ không chỉ muốn biết thêm về phim VN mà còn muốn tìm hiểu về con người, đất nước VN.

Gặp gỡ và trò chuyện với đạo diễn Vinh Sơn rất lâu, trước và cả sau buổi chiếu, tiến sĩ ngôn ngữ Norman Spencer - giảng viên Đại học New York - không giấu sự hào hứng: “Vợ tôi là người Trung Quốc nhưng không hiểu sao tôi lại yêu đất nước VN. Hôm nay nghe có phim VN chiếu, tôi rủ vợ cùng đi. Ở một khía cạnh nào đó, tôi thích hình ảnh người phụ nữ VN trong Trăng nơi đáy giếng. Qua phim, phần nào tôi hiểu được cái tình của những người trong gia đình VN dành cho nhau. Tôi sẽ trở lại VN, tôi yêu Hà Nội, yêu những miền quê VN, và lần này tôi sẽ đến Huế, cảnh Huế trong phim thật tuyệt vời, những ngôi nhà xưa, những con đường làng...”. Bày tỏ sự yêu mến nồng nhiệt, hôm sau ông Norman còn email chúc mừng thêm lần nữa đến đạo diễn Vinh Sơn với những chia sẻ cởi mở và chân tình.

Ở đại học Cornell, trời mưa nhưng ông Roger Beck vẫn dẫn cả vợ và con gái đến xem bởi: “Tình cờ đến VN một lần vào năm 2005, tôi thấy mình có duyên với đất nước các bạn. Những bộ phim Việt sẽ giúp chúng tôi hiểu hơn về đất nước và con người VN”. Còn ở đại học Princeton, khán giả Bruno Bosacchi bộc bạch: “Tôi đến VN đã bốn lần và muốn đi thêm nhiều lần nữa trước khi tuổi già đến nhanh. Tôi thích sự hoang sơ ở VN, những người trẻ nhưng rất tài hoa, đặc biệt là rất thân thiện. Tôi thích những cảnh trong phim và muốn đến đó”.

Rất lâu mới xem một phim VN hay

Buổi chiếu tại New York sống động hơn khi người giao lưu trên sân khấu với đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn sau buổi chiếu là ông Brendan N. Ward - giáo sư bộ môn phim của khoa nghệ thuật Trường đại học danh tiếng Columbia. Ông Brendan hóm hỉnh nói với đạo diễn Vinh Sơn: “Đàn ông VN các bạn hạnh phúc quá, có được một người phụ nữ biết hi sinh...”. Đạo diễn Vinh Sơn đáp trả cũng không kém phần dí dỏm: “Khi bộ phim này chiếu ở Dubai, có những ông chồng dẫn theo hai, ba bà vợ cùng đi xem. Còn chiếu ở phương Tây và ở đây thì nhiều cô gái hiện đại nhìn tôi “sâu sắc” lắm”.

Bình luận về phim sau buổi chiếu, ông Brendan nói: “Tôi xem phim này hai lần, một lần bằng DVD và lần này là phim nhựa, tôi đọc lui đọc tới kịch bản phim này hai lần để hiểu rõ nội dung phim hơn. Xin tóm tắt bằng hai ý: sâu sắc và tuyệt vời, không phải tôi khen khách sáo đâu. Bởi tôi thật sự rất bất ngờ nghe về kinh phí làm phim ở VN”. Ông khá thẳng thắn: “Ở Mỹ rất ít người biết đến các bộ phim VN. Tôi từng đến VN từ năm 1992, có xem một vài phim, lúc ấy VN cũng có rất ít phim. Rất lâu tôi mới xem lại một bộ phim VN hay và lắng đọng, để lại nhiều suy nghĩ như Trăng nơi đáy giếng”.

Từ Connecticut đến Massachusetts, từ New Jersey đến Rhode Island, từ Pennsylvania đến Virginia, từ Philadelphia đến New York, từ Washington DC đến California..., Trăng nơi đáy giếng vẫn còn những buổi chiếu đầy ắp sự chia sẻ và những tình cảm ấm lòng trên đất Mỹ.

Cần tận dụng mọi phương cách quảng bá phim

Ông Brendan N. Ward - giáo sư bộ môn phim của khoa nghệ thuật Trường đại học danh tiếng Columbia: “Với nguồn kinh phí hạn hẹp để sản xuất phim như các bạn, các bạn cần tận dụng mọi phương cách ít tốn kém nhất để đưa tác phẩm đến với công chúng.

Thứ nhất là cách đưa phim đến chiếu tại các trường đại học, môi trường sinh viên mà một người biết sẽ kéo theo nhiều người biết, sinh viên VN xem sẽ kéo bạn bè sinh viên quốc tế đến xem. Thứ hai là hãy tận dụng Internet để quảng bá, mở website phim, đưa trailer lên YouTube, blog, forum... Thứ ba là hãy đưa phim đến các festival phim, mỗi năm trên thế giới có hàng nghìn festival. Các bạn hãy tận dụng tất cả những gì trong tầm tay để quảng bá phim VN, văn hóa VN”.

Bà Barbara Abrash, giám đốc chương trình cộng đồng, khoa truyền thông, văn hóa và lịch sử Trường đại học New York, nhấn mạnh thêm việc quảng bá phim qua... điện thoại di động: “Hãy làm những gì có thể bởi phim là chiếc cầu nối văn hóa tuyệt vời của đất nước bạn với thế giới”.

HOÀI NAM (Từ Washington DC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên