11/07/2014 20:17 GMT+7

Muốn giảm chậm hủy chuyến phải biết xấu hổ

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói như vậy trong cuộc họp ngày 11-7 với Cục Hàng không, các hãng hàng không về thực trạng, giải pháp khắc phục việc chậm, hủy chuyến bay.

Từ tháng 7 sẽ thống kê tình trạng chậm, hủy chuyến bay Nhiều chuyến bay chậm do sự cố máy tính Nhiều chuyến bay hoãn, hủy do thời tiết

oMt7pJ2s.jpgPhóng to
Ông Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp - Ảnh: T.Phùng

Theo ông Thăng, từ lãnh đạo cấp Bộ trưởng, thứ trưởng đến nhân dân cực kỳ bức xúc về tình trạng chậm, hủy chuyến, dồn chuyến bay tăng một cách đột ngột trong thời gian qua.

Tỷ lệ chậm/hủy của các hãng trong 6 tháng đầu năm:

Hãng hàng không<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Chậm chuyến

Hủy chuyến

Vietnam Airlines

12,3% (tăng 2,4 điểm)

2,9% (không tăng)

Jetstar Pacific Airlines

40,2% (giảm 2,4 điểm)

3,6% (giảm 0,6 điểm)

VietJet Air

40,4% (tăng 6,8 điểm)

3,3% (tăng 1,5 điểm)

VASCO

10,2% (giảm 2,7 điểm)

7,5% (tăng 5,4 điểm)

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh cho biết trong 6 tháng đầu năm tình trạng chậm chuyến (từ 15 phút trở lên), hủy chuyến của các hãng đều tăng. Vietnam Airlines (VNA) chậm ít nhất là 12,3%, Jetstar Pacific (JP) là 40,2% còn VietJetAir (VJA) cao nhất với tỉ lệ 40,4%.

Tỉ lệ chậm chuyến cao gây bức xúc cho hành khách, nhất là khi việc phục vụ hành khách lúc chậm hủy chuyến còn nhiều hạn chế trong việc thông báo đầy đủ về nguyên nhân, dự kiến thời gian khởi hành sớm nhất.

Bên cạnh đó, các hãng chưa thực hiện đầy đủ việc xin lỗi hành khách, phục vụ nước uống, đồ ăn… cho hành khách theo đúng quy định; chậm cử đại diện có thẩm quyền liên hệ với hành khách để giải thích và tiếp nhận những khiếu nại của hành khách.

Văn hóa ứng xử với hành khách trong nhiều trường hợp không phù hợp. Thời gian gần đây có nhiều phản ánh nhân viên hàng không cộc cằn, ứng xử không thể chấp nhận.

Ông Thanh nêu nhiều nguyên nhân chủ quan khách quan dẫn đến việc chậm chuyến, hủy chuyến từ kỹ thuật đến kế hoạch khai thác của hãng và hạ tầng sân bay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng yêu cầu báo cáo cụ thể tỉ lệ chậm hủy chuyến do nguyên nhân chủ quan nói chung là bao nhiêu?

Cục Hàng không còn vô cảm, chậm - hủy chuyến bay còn tiếp diễn

Khi ông Thanh đánh giá nguyên nhân chủ quan là 90% thì ông Thăng hỏi “90% thì liệu có nên làm cục trưởng tiếp không? 10% là khách quan thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu?”.

Ông Thanh xin được báo cáo kỹ về trách nhiệm của Cục và nỗ lực trong thời gian qua nhưng ông Thăng đề nghị “cầm báo cáo về tập trung làm rõ”. Ông Thăng cho rằng báo cáo mà đi so sánh với các nước mình còn chậm ít hơn thì không bao giờ khá lên được!

Theo ông Thăng, Cục trưởng Hàng không chưa nhận ra khuyết điểm của mình và ngành hàng không thì chưa có giải pháp hữu hiệu được. Trong so sánh để thấy người ta hơn mình mà học tập chứ đừng so sánh mình hơn nước khác.

“Một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà vẫn vô cảm với việc này thì còn chậm còn hủy mà không ai chịu trách nhiệm. Tôi một ngày trả lời, xin lỗi không biết bao nhiêu người dân phản ánh. Đến chị Nguyễn Thị Minh khi là thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nhắn tin kêu trời vì chậm chuyến nhỡ hết kế hoạch” - ông Thăng cho biết thêm.

Tại cuộc họp ông Thăng cũng truy trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng (Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) về việc phục vụ ở sân bay không tốt, góp phần làm chậm hủy chuyến tăng.

Ông Thăng nêu dẫn chứng là bản thân mình đã 3 lần gọi điện cho ông Hùng vì máy bay hạ cánh không có xe thang tiếp cận, đi vào đường lồng để vào nhà ga nhưng cửa đường lồng bị khóa còn nhân viên cầm chìa khóa không biết đi đâu.

Cục HK phải thấy được sự trì trệ của mình

Theo ông Thăng các cơ quan quản lý chưa nghĩ hết trách nhiệm của mình trong vấn đề chậm, hủy chuyến mà luôn có tư tưởng việc đó là của các hãng hàng không.

“Các nhà quản lý phải nhảy xuống cùng bơi với doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn đến lúc nó chết thì bảo tại thằng này ngu không bơi được. Ông xuống bơi xem nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ, có vật cản không. Quản lý nhà nước mà ngồi trên trời thì biết người ta khó khăn gì không?", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

"Phải thay đổi, nhận trách nhiệm của Cục HK đến đâu, trách nhiệm cục trưởng, cục phó là gì? Giải pháp đầu tiên để giảm chậm, hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện triệt để Cục hàng không. Đó là giải pháp số 1 chứ không phải bắt hãng nọ hãng kia không được hủy chuyến. Quan trọng là thay đổi tư duy của Cục HK thấy được sự trì trệ, chậm đổi mới của mình. Đừng vì bát mì tôm mà bộ trưởng cũng phải lo. Thế Cục Hàng không làm gì mà không nhận thức được vấn đề?”, ông Thăng hỏi.

“Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều phải nhận thức được rằng dù là VNA, VJA hay JPA thì đều mang thương hiệu của Việt Nam. Và tất cả chúng ta đều phải cảm thấy xấu hổ khi tình trạng hủy chuyến, hoãn chuyến nhiều như vậy thì mới khắc phục được. Một khi chúng ta còn bàng quan, vô cảm trước sự việc xảy ra, mà chỉ coi đấy là trách nhiệm của các hãng hàng không thì chưa khắc phục được”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Ông Thăng cho rằng trách nhiệm trước hết của việc chậm hủy chuyến là thuộc về Cục HK Việt Nam, Vụ Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không, Tổng công ty quản lý bay, Cảng vụ rồi mới đến các hãng Hàng không và các Cục, Vụ của Bộ có liên quan. Nhưng khi đưa ra nguyên nhân thì các cơ quan này đều đổ lỗi cho các hãng hàng không, chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, chưa vì lợi ích của người dân, đây là nguyên nhân chính.

Ông Thăng yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị phải nghiêm khắc với chính mình. Từ Cục Hàng không, vụ Vận tải và các bên có liên quan phải làm kiểm điểm rõ trách nhiệm của mình trong việc chậm chuyến, hủy chuyến tăng 6 tháng qua.

Bên cạnh đó, Vụ pháp chế, Vụ Tài chính, Thanh tra Bộ cũng có liên quan, cần kiểm điểm rõ, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm, chứ không phải chỉ quản lý bay.

VJA sẽ dành riêng 1 máy bay dự phòng

Theo ông Lưu Đức Khánh (Giám đốc khai thác của VJA) mong muốn của hãng này là trở thành hãng hàng không được yêu thích của Việt Nam nên việc đúng giờ là quan trọng thứ hai sau an toàn.

“Cho nên dù khách quan hay chủ quan tôi xin thay mặt hãng nhận trách nhiệm về phía mình là dù chậm 1 phút vì lý do nào cũng là trách nhiệm của chúng tôi và làm mọi cách đưa tỉ lệ đúng giờ đạt 95% như mong muốn của cổ đông, hành khách chứ không phải mức 60% như hiện nay. VJA sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để khắc phục”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh nguyên nhân gây chậm hủy chuyến của hãng có 4 lý do là: kỹ thuật, lịch bay thay đổi trong tháng 5 và 6-2014. Trong hai tháng này VJA nhận 4 tàu bay nhưng xảy ra tình hình biển Đông, nhà tài trợ yêu cầu ký một loạt các văn bản khác mất thời gian nên làm lịch bay bị vỡ, tỉ lệ chậm hủy chuyến cao hẳn.

Thứ ba là trình độ, kinh nghiệm điều hành bay cũng chưa bằng VNA. Cuối cùng là 50% là khách hàng đi máy bay lần đầu nên chưa quen việc đi lại.

Đến nay VJA đã tăng cường bảo dưỡng máy bay, ký hợp đồng với các hãng hàng đầu thế giới,dành riêng 1 máy bay dự phòng dù làm hiệu quả khai thác thấp hơn, ổn định lịch bay, tăng thời gian quay đầu ở một số sân bay, phối hợp tương tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tốt hơn...

Ông Khánh hứa cố gắng tháng 9-2014 đạt mức đúng giờ 90%. Còn tháng 7 và 8 cố giảm 50% chậm, hủy chuyến. Nhưng với mốc tháng 9 ông Phạm Ngọc Minh tổng giám đốc VNA đùa rằng “Báo cáo bộ trưởng, tháng 9 là tháng thấp điểm”

Trong khi đó ông Lê Hồng Hà tổng giám đốc JPA xin cho phép mang xe thang của hãng vào sân bay phục vụ chứ không phải thuê lại dịch vụ này và phấn đấu 85 % đúng giờ vào tháng 11-2014 khi đội bay có 10 chiếc. Còn trong tháng 7-8 giảm 50% chậm hủy chuyến.

Theo Cục HK 6 tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 74.000 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,9% (tăng 5,2 điểm so 6 tháng 2013), tỷ lệ hủy là 3,2% (tăng 0,5 điểm so 6 tháng 2013).

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên