10/08/2006 12:26 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Duy: Thơ Lưu Trọng Lư và âm nhạc của tôi

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư (10-8-1991-10-8-2006), nhà lưu niệm mới về ông đã được khánh thành tại Nhà Bè, TP.HCM. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Phạm Duy về người bạn đã khuất Lưu Trọng Lư.

RkMPr1Ji.jpgPhóng to
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư (10-8-1991-10-8-2006), nhà lưu niệm mới về ông đã được khánh thành tại Nhà Bè, TP.HCM. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Phạm Duy về người bạn đã khuất Lưu Trọng Lư.

Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết, nhưng tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là Tiếng thu để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945, bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời âm nhạc của tôi.

...Ngay sau đó, tôi bỏ qua một bên "nhạc lãng mạn" để đi kháng chiến tại vùng nông thôn, đẻ ra một số bài ca "hiện thực xã hội", và chỉ khi tôi trở về thành phố thì tôi mới có cơ hội soạn lại "nhạc tình tứ, lãng mạn".

Hành nghề tại phòng trà, tôi cần có bài hát để mời khán giả hát theo, tôi bèn phổ bài thơ Vần thơ sầu rụng, bài này có những đoạn hát: Quay đều, quay đều, quay đều, hát sau câu Năm năm tiếng lụa xe đều, trong cây gió lạnh đưa vèo... gợi được hành động của một cô gái quay tơ, quay đều, quay đều... và như thế là tôi làm tăng tính chất lãng mạn của thơ Lưu Trọng Lư.

Hai "ca khúc nhịp ba" (Tiếng thu, Vần thơ sầu rụng) cũng giống như những bài hát đương thời Thu cô liêu, Cung đàn xưa của Văn Cao... đã tạo ra một lối phổ thơ, nói cho đúng hơn là đã tạo ra những "giai điệu" Việt Nam mới, hát trên "tiết điệu - prosodie lục bát hay song thất-lục bát".

Tính chất chung của những ca khúc này chắc chắn phải là "lãng mạn tính" rồi, nhất là nếu "ca từ" lại là thơ của Lưu Trọng Lư!

...Sau đó, tôi lại ôm lấy thơ lãng mạn của Lưu Trọng Lư để phổ nhạc, tôi ôm lấy "Thú đau thương" mà tôi chưa biết: Tình đã len trong màu nắng mới/ Lòng anh buồn vời vợi em ơi! Tôi chú trọng tới từng nốt nhạc trong giai điệu, ví dụ: Lòng anh buồn, vời vợi em ơi = fa la fa, fa mib sol sol... người yêu nhạc phải thấy khi nốt mi "bị giáng xuống" thành mib, nó làm cho giai điệu buồn hơn, rung động hơn... Rượu ái ân rung động trên môi.

Câu tiếp cũng thế: Tình đâu khôn lựa : la do do lab nên lời thắm tươi, nghe buồn hơn. Câu vừa rồi là đoạn A với nhạc đề chính. Tôi chuyển qua đoạn B với giai điệu mi mineur (mi thứ - BT): Đã héo lắm nụ cười trong mộng/ Đã mờ dần hình bóng thân yêu.

Rồi vì nhu cầu chuyển cung (modulation) trong đoạn B này, tôi có nét nhạc chạy nhanh trong các giọng re, sol, la mineur... để trở về giọng do7: Đã lam tím cả cảnh chiều/ Trong hồn lặng, đã hiu hiu mộng tàn...

Đoạn C sẽ là đoạn A' (nghĩa là đoạn A có thay đổi chút xíu) trở về leif-motif (giọng fa) với sự giáng xuống của một nốt nhạc ở âm vực cao để làm cho ca khúc sầu bi hơn lên: Để gối chăn nằm yên chốn cũ/ Hãy lịm người trong thú đau thương!

Những bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi phổ nhạc cho thấy vào lúc còn trẻ, tôi đã cố gắng làm cho nhạc của tôi phải hợp lý (logic), có câu cú đàng hoàng và nhất là dễ làm người nghe cảm động. Đó cũng nhờ ở "lãng mạn tính" tuyệt vời của lời thơ nơi thi sĩ.

Tôi biết ơn anh Lưu Trọng Lư đã là người sớm cho tôi chất liệu để trở thành người nhạc sĩ của tình yêu lãng mạn.

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên