27/07/2014 07:53 GMT+7

Một ngày nghe tiếng máy cưa

NS TUẤN KHANH
NS TUẤN KHANH

TT - Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ? Rất nhiều người đứng ngắm nghía Sài Gòn, chụp ảnh kỷ niệm với những chiếc lá xanh không quen biết đã không thể trả lời được rõ ràng câu hỏi này.

Có lẽ họ chưa bao giờ chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy.

Tại vòng xoay phun nước trên đường Nguyễn Huệ, hai cụ già đang lóng ngóng thay phiên chụp ảnh làm kỷ niệm. Trước đây nơi này nhộn nhịp người qua lại, nay hoang vắng lạ. Chụp giùm cả hai cụ một tấm ảnh, nhân tiện tôi hỏi vui: “Chỗ này có kỷ niệm riêng của hai bác?”.

Ông cụ không trả lời mà hỏi ngược lại tôi: “Người ta không chọn được một nơi nào khác để làm nhà ga sao cậu?”.

Đó là câu hỏi mà tôi không thể trả lời, cũng như hàng triệu người thương mến thành phố của mình cũng không thể trả lời. Thậm chí, nhà ga tàu điện ngầm hiện đại, to đẹp như thế nào trong tương lai, người dân cũng không nhìn thấy dù là mô hình hay một bản vẽ giới thiệu về nó để họ có thể hình dung về sự đánh đổi này.

Thành phố hơn 300 năm tuổi, được liệt vào hàng kỷ vật của cả thế giới đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cây cổ thụ đã đứng đó rất lâu, ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả. Vì sao người dân không được bỏ phiếu chọn lựa vị trí cho cái nhà ga của thành phố mình sinh sống?

Chắc chắn London, Paris hay Matxcơva... hay bất cứ đâu, khi xây một ga xe điện ngầm ở ngay di tích nhiều tuổi của họ, người dân chắc cũng sẽ muốn được bỏ phiếu, thể hiện tâm nguyện như vậy.

Tôi nhìn thấy những thân cây được kéo xuống, cưa nhỏ và mang đi. Cây và củi là hai ý nghĩa khác nhau, nhưng củi có tuổi hơn 100 năm lại là một khái niệm khác. Đại lộ Lê Lợi, một trong những đại lộ đẹp nhất VN với gió, nắng và lá... được thay vào đó bằng điện, sắt và hầm ngầm, dù gọi là để phát triển, thì dĩ nhiên cũng phải có chút chạnh lòng.

Ai cũng muốn đất nước mình đẹp hơn, hiện đại hơn. Việc xây dựng và buộc phải hi sinh một điều gì đó đôi khi là điều cần thiết, không thể chối cãi. Nhưng với những gì lâu nay mà từng người dân được biết, thì việc tiếc nuối là một điều có thật.

Cây có linh hồn không? Thật ngớ ngẩn cho câu trả lời, nhưng nếu như hàng cây đã từng ngắm nhìn thành phố qua bao thế hệ, chắc chắn đã chia sẻ cùng con người nơi này những điều bí ẩn, đủ để hồi sinh nhau qua nhiều khốn khó.

Và có thể vì vậy, lặng lẽ thương nhớ những hàng cây cũ giữa tiếng máy cưa là điều duy nhất những người yêu Sài Gòn có thể làm được vào lúc này.

NS TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên