22/04/2014 04:37 GMT+7

Những lát cắt lãng mạn của chiến tranh

hungthuat
hungthuat

TT - Ðường lên Ðiện Biên - bộ phim về những chàng trai trong binh đoàn bộ binh chủ lực và đoàn dân công hỏa tuyến toàn con gái trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1954 - sẽ lên sóng vào các ngày thứ năm, thứ sáu hằng tuần trên VTV1, bắt đầu vào 20g30 tối 24-4.

ggO6K2NB.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Đường lên Điện Biên - Ảnh đoàn làm phim cung cấp

Tình yêu, số phận, những xung đột... tạo nên một câu chuyện chiến tranh mang chất riêng của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Ðau thương và đẹp đẽ, khốc liệt và lãng mạn song hành cùng những bước chân hành quân lên Ðiện Biên, làm nên sức hấp dẫn của bộ phim.

Sẽ vẫn có cái chết, bom đạn nhưng với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Ðường lên Ðiện Biên không chỉ có những sự thực trần trụi: "Nếu chỉ dựa vào tư liệu lịch sử thì thời kỳ đó bộ đội đói lắm, rách lắm. Chú tôi đi bộ đội, bà tôi bán ruộng mua cho khẩu súng. Thời đó cũng không có tuyển quân, ai đăng ký thì cứ đi thôi. Do vậy tôi nghĩ nếu làm hiện thực quá có thể sẽ biến bộ phim thành một hiện thực dễ dãi".

Từ Ðường thư, Những người viết huyền thoại, Bùi Tuấn Dũng vẫn luôn cố gắng khai thác những chi tiết đời thường, vốn khuất lấp sau sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Với Ðường lên Ðiện Biên, những chi tiết ấy tập trung vào đời sống của các cô dân công hỏa tuyến, những cô gái để dành vài con cá khô cho sinh nhật của mình để rồi ngã xuống trước ngưỡng cửa tuổi 20 (Ðoàn dân công hỏa tuyến trong phim có 500 người, nhưng dọc đường lên Ðiện Biên 60 năm về trước đã có 262.000 dân công, thanh niên xung phong gùi gạo, gùi đạn pháo, lương thực lên chiến trường).

Ðạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng tỏ ra tự tin khi giải quyết được khâu yếu trong các bộ phim chiến tranh VN là dựng lại bối cảnh phức tạp của chiến trường có sự tham gia của nhiều loại vũ khí. "Những phần có các loại trực thăng H19, máy bay Dakota C4, B25, B26... đều được làm hoàn toàn bằng kỹ xảo. Nếu vào ba năm trước tôi không dám nhận những bộ phim kiểu này vì yếu tố kỹ thuật, nhưng bây giờ các nhóm làm kỹ xảo của Hà Nội, TP.HCM đều rất tốt" - Bùi Tuấn Dũng tự tin khẳng định.

Tuy không tiết lộ cụ thể nhưng nhà sản xuất Ðường lên Ðiện Biên cho biết mức kinh phí cao gấp 2,5 lần kinh phí một bộ phim có thời lượng tương đương. Ngoài những cảnh quay thật, một số hình ảnh tư liệu về trận Ðiện Biên Phủ cũng sẽ được sử dụng ở phần cuối bộ phim. Bộ phim cũng không đặt tham vọng thể hiện hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi theo Bùi Tuấn Dũng, riêng việc tìm kiếm diễn viên thể hiện được thần thái đại tướng cũng phải mất hàng năm trời. Câu chuyện về đại tướng sẽ dành cho một bộ phim khác sau này.

HÀ HƯƠNG

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên