20/04/2014 08:00 GMT+7

Tâm thành khơi lên tâm tấu

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Tại lớp học của thầy Lê Khắc Tùng, tôi thường gặp anh Trần Kim Phụng, thường gọi là Phụng Em, vì anh ca giống y nghệ sĩ Minh Phụng! Anh đến để học. Hỏi anh đã học thầy bao lâu, anh trả lời: “Chừng... 40 năm”.

39q2DhjV.jpg
Thầy Lê Khắc Tùng (nghệ danh Lê Thanh Tùng) tập đàn cùng các học trò tại nhà mình ở Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Thấy người nghe ngạc nhiên, anh nói thêm: “Giờ thầy còn khỏe, ai muốn học thì ráng mà học, chứ cái tài của thầy để mai một quá uổng phí”.

Gọi là khỏe thì ông không khỏe lắm. Năm nay 70 tuổi, ông bị tiểu đường khá nặng. Bệnh biến chứng khiến một bên mắt của ông không thấy gì, vừa mấy tháng trước mới phẫu thuật, tuy nhiên thị lực vẫn rất yếu. Ông cũng không thể tự đi xe. Trong sáu năm trời ông đi làm bằng xe buýt, còn vài năm gần đây thì đi đâu phải do cô em họ chở. Tuy nhiên, để làm một ông thầy tận tụy thì ông vẫn còn đủ sức, còn có thể trong một tháng dạy 40 học trò, mỗi lần chỉ dạy một người một lớp hoàn toàn riêng trong vòng một giờ.

Món tài hoa chưa cạn

"Người ta gọi ông là ông thầy “3 trong 1”, nghĩa là có đủ đức - tài - sắc. Ông nói ông đâu có sắc đâu. Học trò trìu mến nói: cứ nhìn vào khuôn mặt hiền hậu của thầy là thấy có sắc rồi"

... Trời về chiều một ngày chớm hè, trong chiếc sân trước căn nhà nhỏ, dưới bóng cây gõ 150 tuổi do ông cố ông trồng, hai khúc Bài tạ, Ngũ điểm ngân lên dìu dặt. Thầy Tùng chơi đờn kìm. Chị Hằng (50 tuổi, em họ ông) chơi đàn bầu và thổi tiêu. Minh Quân (21 tuổi) gọi ông bằng cậu chơi guitar phím lõm. Và Phụng Em - người học trò 40 năm - chơi đờn sến. Tiếng đờn của họ hòa vào nhau, người này hoan hỉ nhận ra những chữ, những ngón tài hoa trong cách chơi của người kia để hứng thú trau chuốt mình.

Dứt một khúc Vọng Kim Lang, Minh Quân buông đàn than: “Ngón đờn của thầy ghê quá. Thầy làm con bối rối. Có lúc muốn buông đờn..”. Anh đỏ mặt vì những xao động đó. Còn thầy Tùng thì nói: “Những đứa học trò như vậy có khả năng học được nghề. Nó đã thẩm thấu được. Nó có lỗ tai âm nhạc tốt và tâm hồn nhạy cảm. Nó đã học được trước cả những gì mình chưa định dạy nó”.

Minh Quân theo học guitar phím lõm hai năm nay. Hỏi tại sao anh lại theo đuổi cổ nhạc trong khi các bạn trẻ bây giờ phần đông chỉ biết đến nhạc hiện đại. Quân mỉm cười: “Tôi mê. Ban đầu vì ở sát bên nhà thấy thầy dạy thì tò mò học thử thôi. Nhưng học được một thời gian thì ngày càng mê. Bây giờ tôi đã quyết tâm học cho tới nơi tới chốn luôn rồi”.

Về hấp lực này, chị Hằng, vừa là em họ vừa là học trò, vừa là người trợ giảng của ông, cho biết: “Thầy hay lắm. Thầy chơi nhiều nhạc cụ mà chơi cây nào cũng hay, cũng cuốn hút mình không rời ra được. Cứ thấy thầy chơi cây nào là tôi muốn học cây đó. Theo thầy rồi mình cứ vậy theo hoài thôi”. Chị “tả” cho tôi nghe: “Thầy chơi cây đờn nào ra cây đờn đó. Mỗi cây có hồn vía sắc độ riêng. Đờn kìm thì tha thiết du dương; đờn tranh thì réo rắt nỉ non thủ thỉ; đờn sến nổ, giòn; còn đờn bầu thì não, sầu, vài âm nghe đã muốn khóc...”.

Giải thích việc tại sao cứ phải học lâu như thế, năm này qua năm khác, nhiều học trò nói rằng họ theo thầy là để “canh”, “rình”, “hứng”, “lượm” những ngón đờn ông bất ngờ lộ ra trong những khoảnh khắc. Những món quà tài hoa ấy của thầy chưa bao giờ vơi cạn.

Cũng bởi ông dạy học trò bằng sự rút ruột gan: “Âm hưởng tiếng đờn khi tình tứ giống tiếng nhõng nhẽo của người con gái. Lúc dữ dằn thì dữ dằn nhưng khi có tâm trạng nó buồn não ruột. Vui thì rất vui. Giận dữ thì rất độc ác. Nó thể hiện được sắc thái của các bài bản tổ nhưng rất khó”.

Với người đam mê, biết khó là biết hay mà biết hay là không rứt ra được nữa. Như anh Được, bị liệt một chân, suốt mười mấy năm nay theo học chăm chỉ. Thầy không lấy tiền học, còn anh đã xem ngôi nhà này như một địa chỉ thân thương và những ngón đờn của thầy như điểm tựa tinh thần không thể thiếu. Hỏi anh học đờn với mục đích gì, anh nói: “Không mục đích gì hết, cứ mỗi ngày một mê nhiều hơn mà học thôi. Tôi có nghề may nên cũng không dùng cây đờn như một nghề để kiếm sống. Một hai ngày tôi ghé thầy một lần đến nay đã mười mấy năm. Nhưng tôi học không hết nổi. Thầy bảo về kiến thức tôi đã đạt 70%, nhưng về nghệ thuật tôi thấy còn biết bao điều để khám phá...”.

Tình yêu thuần khiết

Nghệ nhân Lê Khắc Tùng sinh năm 1945 tại Hóc Môn - một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. 8 tuổi học đờn kìm với thầy Ba Huệ Trí. Hai năm sau bắt đầu lần lượt học các nhạc cụ khác. Chơi thành thạo các loại đàn tranh, đàn sến, đàn bầu, đàn cò, guitar, tì bà, violon... Ông đã góp phần xây dựng hơn 40 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử và sáng tác, biên soạn, viết lời mới cho một số bản tổ đờn ca tài tử với khoảng 200 tác phẩm.

Từ 1982-2008 là phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, nguyên chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử TP.HCM. Cũng từ năm 2008, ông mở một lớp dạy đờn và ca tài tử với hầu hết các loại nhạc cụ tại ấp Tân Hiệp, Hóc Môn.

Từ năm 8 tuổi, ông đã gắn bó với những cây đờn, từng chơi đờn cho gánh cải lương, cho đám cưới. Tuy nhiên khi trưởng thành, ông không quan niệm ngón đờn của mình là để kiếm tiền. Ông mưu sinh bằng nghề hớt tóc. Làm thuê trong tiệm một thời gian, năm 24 tuổi ông được ông bà chủ tin tưởng rồi gả con gái cho. Hai ông bà chung sống cho tới bây giờ, có với nhau bốn mặt con đã trưởng thành, có gia đình cả. Tôi hỏi liệu ông có hối hận vì không chọn con đường trở thành nghệ sĩ biểu diễn, có danh và có tiền hơn, ông nói: “Con có thấy những cô gái thôn quê không? Họ cắp hai tay hai cái thúng đựng ít trái cây, bán hết kiếm mấy chục ngàn đồng rồi về. Còn nếu đưa họ 10 triệu đồng bảo kinh doanh thì họ đâu biết kinh doanh cái gì. Cũng như thầy chỉ biết chơi đờn và biết làm thầy thôi, thầy không nuôi mộng nào khác”.

Đầu những năm 1980, người thợ hớt tóc chơi đờn tài tử được mời ra làm chủ nhiệm nhà văn hóa huyện, ngay khi cái trụ sở nhà văn hóa ấy còn chưa có. Ông sợ mình làm không được, cứ từ chối mãi. Nhưng có hai ông cán bộ cứ thế năn nỉ, xuống nhà ăn dầm nằm dề cả tháng, cuối cùng ông phải nhận lời. Làm một thời gian thì để chức trưởng ấy cho lớp trẻ, ông xuống làm phó. Rồi cứ cần mẫn làm như thế suốt 35 năm. Tiền lương một tháng chỉ bằng đúng hớt tóc ba cái đầu. Cho nên ban ngày ông đi vận động xây dựng các CLB đờn ca tài tử, buổi tối vẫn về hớt tóc phụ vợ nuôi con.

Khi biên soạn lời ca, ông cũng ưu tiên viết nhiều về chính vùng quê Hóc Môn của mình. Những năm thiếu thốn lương thực, ông viết Màu nắng tôi yêu ca ngợi cây lúa. Những lúc khô hạn, ông viết ca ngợi cây hoa... rau muống. Nếu đủ nước, khi cắt rau bán rồi nó sẽ đâm ngọn mới. Còn nếu phải chịu nắng khô, chẳng lên được ngọn thì nó... trổ bông, trắng xóa đồng. Với ông, đó là Màu hoa tôi yêu.

... Ngẫm lại ông có lý của mình. Chơi tài tử là cách chơi tri âm tri kỷ. Biểu diễn trước đám đông ồn ào, nó hẳn sẽ khác đi. Cho nên, ông chọn cuộc sống yên ả, thanh bạch nơi thôn dã. Chỉ thuần khiết là tình yêu nên nó trong trẻo ngân mãi.

Tâm tấu

40 học trò đang học và rất nhiều người khác đã học xong, mỗi học trò là một thế giới sống động trong tâm trí người thầy. Ông tìm hiểu về họ, hình dung họ, như kiểu người họa sĩ vẽ một bức truyền thần. Có chân dung ấy rồi, người thầy giỏi là người điểm nhãn. Một học trò ưu tú là đã có sẵn cái thiên bẩm. Nhưng biết nó nằm ở đâu, nó lung linh phát sáng ở điểm nào, cách nào để khơi dậy nơi nó một sức vươn lên mãnh liệt... là việc làm của người thầy ưu tú.

Nghệ nhân Lê Khắc Tùng giảng giải cho tôi: “Chơi nhạc tài tử gọi là tâm tấu. Nó khác với thị tấu là nhìn vào bản nhạc mà chơi. Người chơi phải học thuộc nằm lòng từng bản trong bụng. Thuộc rồi thì tự mình nghiền ngẫm, luyến láy. Khi chơi lên thì bật lên cả tâm hồn mình. Đặt trái tim mình ở đoạn nào thì chữ đờn chỗ ấy sẽ rung cảm qua đôi tay nhấn nhá. Do tâm mỗi người khác nhau mà tiếng đàn mỗi người không ai giống ai, luôn biến đổi nhưng luôn chân thành là vậy”.

Để khơi được cái “tâm tấu”, người thầy là ông đã dạy bằng trọn vẹn tâm thành. Ông hài lòng với cái sân yên ả dùng làm lớp học của mình. Ở đó không có tiếng xe nào quấy rối, chỉ có tiếng chim hót và tiếng gà gáy. Ở đó chữ đờn nào cũng nghe rõ. Để thầy và trò cùng bị cuốn vào đó, trên con đường vất vả của những mảnh đất vỡ hoang.

Người ta gọi ông là ông thầy “3 trong 1”, nghĩa là có đủ đức - tài - sắc. Ông nói ông đâu có sắc đâu. Học trò trìu mến nói: cứ nhìn vào khuôn mặt hiền hậu của thầy là thấy có sắc rồi.

Quân tử cầm... một dây

Tôi nghe thầy Tùng giảng cho một học trò: “Bốn chữ đờn này nếu con chỉ chơi bằng ngón tay thì nó chai đá. Nhưng nếu con chơi bằng cảm hứng thật sự thì nó uyển chuyển, mềm mại như suối reo. Nó đi vào lòng người”. Thầy Tùng vốn nổi tiếng về cái độ uyển chuyển đó.

Người trong giới tài tử vẫn trầm trồ một chuyện kể về ông. Chừng 10 năm trước trong một lần liên hoan đờn ca tài tử, ông và nghệ sĩ Út Tị song tấu ba câu vọng cổ. Nghệ sĩ Út Tị chơi đờn cò, còn Khắc Tùng đờn kìm. Dù đã biểu diễn bao nhiêu lần nhưng trước khi lên sân khấu thi thố, Út Tị vẫn thấy hồi hộp. Ông uống một chung rượu đế và nhai kẹo cao su cho khỏi run. Vừa đờn được một câu, dây đàn của thầy Tùng đứt bụp khô khốc. Cọng dây treo lòng thòng! Cây đờn kìm chỉ có hai dây, mà dây nhỏ là dây dùng nhiều hơn đứt mất. Sau này Út Tị kể lại lúc đó ông kinh hoảng quá nuốt luôn cục kẹo cao su xuống bụng mà không hay. Nhưng Lê Khắc Tùng vẫn ngồi ngay ngắn, mặt không biến sắc, tiếp tục chơi với một dây đờn! Tới câu vọng cổ thứ hai, ban giám khảo gồm có nghệ sĩ Ba Du, Công Thành, Tấn Đạt, Bạch Huệ... bắt đầu nhích người tới, lắng nghe xem ông có bỏ sót chữ nào không? Câu trả lời là không. Bản nhạc vẫn hay tuyệt.

Làm chủ được đến mức đó là một người điềm tĩnh. Điều đó phần nào lý giải vì sao ông chơi hay nhiều loại nhạc cụ, nhưng hay nhất vẫn là cây đờn kìm. Đờn kìm còn được gọi là quân tử cầm, theo nghĩa chuẩn mực, có uy tín, đáng tin cậy. Ông nói: “Chơi đàn kìm không cần nhiều chữ nhưng phải nhấn nhá âm điệu và phải chính chữ. Phím đờn kìm rất cao nên để đạt được cái chính chữ này không dễ. Nhấn non là ngọng mà nhấn lố là sai. Nhịp, âm, chữ phải trúng rồi mới du dương thêm thắt”.

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên