28/03/2014 08:12 GMT+7

Photovoice cùng trẻ em dân tộc thiểu số

QUANG THI
QUANG THI

TT - Được giao chiếc máy ảnh, em H’Mai (13 tuổi, học lớp 6 Trường THCS Nam Nung, Đắk Nông) ngại ngùng nói em thích nhưng còn... sợ hư (!). Tuy vậy, H’Mai cùng 13 học sinh dân tộc M’Nông khác được khuyến khích hãy dùng chiếc máy ảnh để kể lại những câu chuyện của chính mình.

Kon Tum: phục dựng 19 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Trao 75 phần quà cho trẻ em dân tộc thiểu số ở Bình Định

rY4jrSgc.jpgPhóng to
H’Điệp bên những bức ảnh của mình được giới thiệu tại Trường THCS Nam Nung (Đắk Nông) chiều 18-3 - Ảnh: Q.T.

Cũng như H’Mai của Trường THCS Nam Nung, trước đây Thành Thị Thiên Lý (13 tuổi), học sinh dân tộc Chăm của Trường Bỉnh Nghĩa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), chỉ chụp ảnh với... điện thoại của chị gái. Từ lúc được giao máy ảnh, Lý như có thêm một niềm vui riêng. Nơi mà Lý và Sầm A Huy (10 tuổi, học lớp 4 cùng trường) thích chụp ảnh là những sinh hoạt trường lớp, sinh hoạt trong làng hoặc công việc làm đồng ngoài ruộng... Sầm A Huy bẽn lẽn giải thích việc đi chụp ảnh ngoài đồng vì: “Ngoài đồng rất vui!”.

H’Điệp (13 tuổi, dân tộc M’Nông), học sinh của Trường Nam Nung (Đắk Nông), cho biết: “Từ lúc chụp ảnh em thấy tự tin hơn, khám phá được nhiều điều hơn. Em cũng chụp ba mẹ em, nhưng ba mẹ hỏi tại sao lại chụp. Em phải xin phép mới được chụp”.

Chuyện của H’Điệp

H’Điệp kể nhà em có sáu chị em. Chị cả phải đi làm rẫy với cha mẹ để nuôi năm anh em còn lại của em ăn học. Rẫy ở cách xa nhà 8-9km, cha mẹ và chị cả tuần mới về nhà một lần. Nhiều lúc em nhớ cha mẹ cũng khóc, nhưng không biết làm sao được.

Ngoài giờ đi học em phải nấu cơm, giặt giũ quần áo cho anh em trong nhà. Em chụp cảnh mẹ nấu canh lá bép với đọt mây - một món ngon của người M’Nông. Lá bép ngọt cộng với đọt mây đăng đắng nên món canh rất ngon.

H’Điệp nói em thích lên rẫy hơn. Trên rẫy có con nai, gà rừng, chim hót... rất vui. Có một con suối lớn, lúc trước có nhiều cá to. Mẹ kể lúc trước có con trăn lớn bò đi, đường đi của con trăn tạo nên con suối đó. Nhưng đi rẫy cũng mệt lắm, em nói. Những buổi trưa trời nắng nóng đội ba bốn lớp mũ không ăn thua gì. Những lúc cực quá em lại thích đi học. Nhưng khi đi học gặp bài tập khó quá, em lại chỉ muốn đi rẫy. Gặp lúc trời mưa cũng cực. Khoai mì phơi ngoài rẫy, gặp cơn mưa xuống dọn không kịp hư hết. Làm mệt mà thấy khoai mì hư như vậy, đau lòng lắm. Hay phơi cà phê gặp mưa, kéo tấm bạt nặng mệt lắm. H’Điệp nói: “Cực vậy nhưng phải làm thôi! Không làm lấy cái gì ăn”.

XgDbJshb.jpgPhóng to
Thành Thị Thiên Lý thích thú với chiếc máy ảnh mà em được giao - Ảnh: Q.T.
Lhoi20e0.jpgPhóng to
Một bức ảnh Sầm A Huy chụp trẻ em Chăm với trò chơi của mình

Mang lại tự tin cho các em

Câu chuyện của H’Điệp điển hình cho hoàn cảnh các em học sinh dân tộc Chăm, Raglai, M’Nông, Mông tham gia chương trình Photovoice là gia đình nghèo khó, cực nhọc, vừa đi học vừa phụ giúp gia đình. Những bức ảnh các em chụp có nội dung gần gũi là những hoạt động của trường lớp, bạn bè, người thân, những tục lệ, sinh hoạt trong buôn làng... Nhưng việc được trao một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ để chụp một bức ảnh, kể một câu chuyện là việc lần đầu tiên các em được làm. Đến lúc “triển lãm” ở trường, nhiều người cha người mẹ đến xem những bức hình con mình chụp một cách lạ lẫm.

Ông Nguyễn Trường Giang - giảng viên khoa nhân học hình ảnh Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, người trực tiếp hướng dẫn các em chụp ảnh - tâm sự: “Lúc đầu tham gia các em còn rụt rè. Có em say mê với chiếc máy ảnh nhưng cũng có em thì không. Tuy nhiên, điều chúng tôi mang lại cho các em là sự tự tin, tự chủ và suy nghĩ rằng mình có thể làm được mọi chuyện. Trước kia các em nghĩ rằng việc chụp một bức ảnh để kể lại một câu chuyện là chuyện xa xôi của nhà báo, nhiếp ảnh gia nào đó. Nhưng với chương trình này chúng tôi giúp các em suy nghĩ rằng các em cũng có thể chụp ảnh để nói lên những câu chuyện của mình, những quyền của mình - quyền của trẻ em”.

Trao máy ảnh cho người chịu thiệt thòi

Năm 2013, triển lãm Một tôi khác từ chương trình Photovoice (tiếng nói từ nhiếp ảnh) của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng bởi tính nhân văn. Đây là chương trình trao máy ảnh cho các đối tượng chịu thiệt thòi, yếu thế trong xã hội như những người khuyết tật, công nhân nhập cư, người dân tộc thiểu số... để họ chụp những bức ảnh kể lại đời sống của mình. Qua đó, kêu gọi sự quan tâm của công chúng để bảo vệ quyền của mình.

Từ tháng 10-2013, chương trình Photovoice do iSEE phối hợp với Oxfam VN (tổ chức phi chính phủ) tiếp tục đến với học sinh dân tộc Chăm, Raglai (Ninh Thuận), M’Nông (Đắk Nông), Mông (Lào Cai). Những “triển lãm” ảnh mini sơ kết chương trình vừa diễn ra tại Trường THCS Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), Trường tiểu học Phước Tân A (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) và Trường tiểu học Bỉnh Nghĩa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Triển lãm tổng kết chương trình dự kiến được tổ chức vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 tại Hà Nội.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên