15/08/2013 06:12 GMT+7

Nghe hay mà bỗng chạnh lòng

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - "Ðoạn ni phải ca, luyến láy như ri nè!". "Chỗ ni thì cần thêm hờ hơ... mới phải". "Bài bản nớ do cụ Ưng Bình đặt lời, sau đó có mấy bác sửa chữa"... Nghệ nhân ca Huế Minh Mẫn và Thanh Hương thường góp ý sau mỗi bài bản do các ca sĩ, nhạc công trình diễn.

Nghe hay mà bỗng chạnh lòng

TT - "Ðoạn ni phải ca, luyến láy như ri nè!". "Chỗ ni thì cần thêm hờ hơ... mới phải". "Bài bản nớ do cụ Ưng Bình đặt lời, sau đó có mấy bác sửa chữa"... Nghệ nhân ca Huế Minh Mẫn và Thanh Hương thường góp ý sau mỗi bài bản do các ca sĩ, nhạc công trình diễn.

NjjqogXB.jpgPhóng to
Nghệ nhân Minh Mẫn (88 tuổi, ngồi ghế trái) và Thanh Hương (84 tuổi, ngồi ghế phải) như hai “bộ từ điển sống” trong một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ ca Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Ở những bài bản mới các cụ thường ca mẫu, trước khi chỉ bảo cho các nhạc công về nhịp, điệu và âm giai để đệm đàn. Giọng bà Minh Mẫn, ở tuổi 88, dù đã yếu vì bị thương ở khớp xương đùi, nhưng còn quá chuẩn mực, giòn giã và lên rất cao, luyến láy tài tình...

Ðó là buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ca Huế vừa mở lại ở tư gia nhà nghiên cứu, nhà giáo Bửu Ý (số 9 Phạm Ngũ Lão, TP Huế) vào chiều thứ bảy hằng tuần, sau một thời gian gián đoạn. Câu lạc bộ ca Huế ở đây có gần 20 nghệ sĩ, gồm cả ba thế hệ. Trẻ nhất có tay đàn tranh Thanh Vân tuổi chưa đến 30. Lớn hơn có giọng ca Kim Hồng (đoạt nhiều huy chương vàng toàn quốc), Kim Quy, Diệu Huê, Diệu Bình (ca và ngâm thơ) và các nghệ sĩ Khắc Du (đàn bầu), Tiến Cang (đàn nhị)...

Ngoài ra còn có "cầm thủ" Ngọc Hùng (đàn tì bà) tuổi trên 50 đang là giảng viên Học viện Âm nhạc Huế. Ðặc biệt là sự có mặt của hai "báu vật nhân văn sống" là nghệ nhân ca xướng Minh Mẫn và Thanh Hương (ca và hò). Ngoài những người khách thân quen hoặc nghe danh tìm đến, họ có một thính giả đặc biệt dự không thiếu một buổi nào, đồng thời là người tổ chức, một phần tài trợ..., đó là nhà nghiên cứu Bửu Ý. Họ gặp nhau mỗi tuần để cùng được hát, được nghe những bài bản ca Huế "xịn". Sự góp mặt của hai cây đại thụ trở thành hai "bộ từ điển sống" để thế hệ trẻ hơn học tập, "tra cứu" những ngón nghề.

Từng có nhiều vị khách đến Huế, sau khi thất vọng với ca Huế trên sông Hương, chờ đến chiều thứ bảy đến dự buổi ca Huế thính phòng tại đây. Và họ thật sự thỏa mãn, cho dù thính phòng này không chỉ có mục đích biểu diễn phục vụ. Hay nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân: "Muốn hiểu thế nào là ca Huế qua thời gian thì hãy đến nhà Bửu Ý"...

Có lẽ cần nhắc đến mấy tháng gián đoạn sinh hoạt trong sự tiếc rẻ của nhiều người, kể cả những người trong cuộc. Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết trước khi tạm ngưng, hoạt động của câu lạc bộ có sự tài trợ của một tổ chức nước ngoài, gồm cả việc đưa các nghệ nhân dạy ca và đàn cho một trung tâm mồ côi ở Xuân Phú, Huế. Thế nhưng vì lý do riêng mà sự hỗ trợ này không còn. Lớp học phải đóng cửa. Các buổi sinh hoạt đành tạm ngưng hoạt động. Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết lý do mở lại vì các thành viên câu lạc bộ, nhất là những nghệ sĩ lớn tuổi, thấy buồn quá, họ có nhu cầu đến đây để được nghe, được ca và được truyền thụ. Ðó cũng là tâm sự của nghệ nhân Minh Mẫn: "Ði trước thì mình có trách nhiệm dìu dắt thế hệ sau chớ. Phải ca để mấy em nghe mà bắt chước, nếu không thì nghề mình mất đi, tiếc lắm!".

Ðây là câu lạc bộ ca Huế duy nhất ở Huế, tồn tại đã hơn 15 năm. Với sự mở cửa trở lại, các nghệ sĩ ca Huế các thế hệ tiếp tục được tụ hội hằng tuần trong cùng mong muốn loại nhạc vừa dân gian vừa bác học này tiếp tục duy trì. Những thính giả khó tính tiếp tục được thỏa mãn vì được thưởng thức những bài bản "xịn" khi tìm đến đây. Song ai biết sự tình sẽ không khỏi chạnh lòng khi nghe sự chia sẻ của nhà nghiên cứu Bửu Ý: "Trước đây có tài trợ, các nghệ sĩ sinh hoạt có thù lao hằng tháng, cho dù mang tính tượng trưng là chính. Nhưng giờ đã không còn. Ðặc biệt, hai nghệ nhân lớn tuổi nhất là Minh Mẫn và Thanh Hương cho đến nay vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ gì. Tôi đang cố tìm nguồn để duy trì nhưng không biết sẽ ra sao nữa!"...

Ca Huế trên sông Hương "tê liệt" 3 ngày

Ngày 14-8, ông Nguyễn Tấn Thưởng - giám đốc Trung tâm Quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế (TP Huế) - cho biết phải tạm ngừng bán vé phục vụ ca Huế trong ba đêm, kể từ tối 13-8 với lý do: 51 chiếc thuyền đôi và hàng chục thuyền đơn phục vụ ca Huế trên sông Hương tạm chuyển sang cho thuê bởi khách tham gia lễ hội điện Huệ Nam (Hòn Chén, từ ngày 13 đến 15-8, tức từ mồng 7 đến 9-7 âm lịch). Tình trạng trên làm hoạt động ca Huế trên sông Hương gần như tê liệt. Tất cả khách đoàn từ tám người trở lên đều không được phục vụ. Do đó, các hãng lữ hành cho biết nhiều du khách phàn nàn vì ca Huế là một trong những dịch vụ du lịch về đêm hiếm hoi của du lịch Huế.

Trong chiều 14-8, chỉ có tám chiếc thuyền đơn (chở tám khách/chiếc) hoạt động tại bến. Tuy nhiên, phần lớn chủ thuyền đòi giá vận chuyển cao gấp đôi trở lên so với ngày thường (400.000-500.000 đồng chuyến/90 phút, trong khi giá quy định là 200.000 đồng/chuyến). Ông Thưởng cho biết không có cách gì quản lý tình trạng "bắt chẹt" này vì trung tâm không có chức năng.

yQxtjLQT.jpg
Bến Tòa Khâm đậu thuyền ca Huế chỉ vài chiếc thuyền đơn chiều 14-8, trong khi ngày thường lên đến cả trăm chiếc- Ảnh: THÁI LỘC
THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />