06/07/2013 09:38 GMT+7

Lời hứa cùng tiếng Việt

Trích blog PHAN AN
Trích blog PHAN AN

TT - LTS: Làm thế nào để tiếng Việt luôn là nguồn cảm hứng trong hành trình của mỗi người? Với thế hệ trẻ, sống trong môi trường hiện đại, giao tiếp cùng lúc với rất nhiều đối tượng, nhiều kênh ngôn ngữ, việc giữ nguyên niềm tôn trọng và cảm tình với tiếng mẹ đẻ sẽ cực kỳ thiêng liêng và đáng quý.

lRNNQJZs.jpgPhóng to
Minh họa: Trần Ngọc Sinh

Mở mạng lần này giới thiệu những lời tự hứa của tác giả trẻ Phan An (tác giả của hai tập sách Quẩn quanh trong tổTrời hôm ấy không có gì đặc biệt) viết từ xứ người, như một sự thu xếp dành cho tiếng mẹ đẻ.

Con sẽ luôn nói tiếng Việt, tiếng nói của người mẹ đã sinh ra con, của người cha đã nuôi nấng con, của người thầy đã dạy dỗ con, trừ những lúc công việc yêu cầu, hoặc trong số những người đọc, người nghe có người không hiểu tiếng nước con.

Cho dù con đang ở một mình, hoặc chỉ đang nói viết cho một mình mình xem nghe, con sẽ không chêm tiếng nước ngoài vào tiếng Việt của con, trừ phi con không tìm ra được từ thay thế. Và những lúc như vậy con sẽ xấu hổ về kiến thức hạn hẹp của mình, về sự ngu dốt đáng thương của mình, xấu hổ với những người đi trước, những người đã nhào nặn ra cho con từng từ, từng chữ từ nước mắt, mồ hôi và đôi khi là xương máu nữa.

Khi đặt bút viết một điều gì đó, bất kể nghiêm túc hay bâng quơ, con cũng sẽ cẩn thận cân nhắc từng ngữ, từng từ, soát từng lỗi chính tả, từng vần điệu, từng dấu thanh. Con sẽ băn khoăn: nên dùng từ này hay từ nọ? Nên đặt dấu phẩy ở đâu? Nên kết câu bằng thanh bằng hay thanh trắc, dấu huyền hay dấu hỏi? Bởi vì con yêu tiếng nước con, con muốn tất cả những gì con viết ra đều phải đẹp, phải có âm của nhạc, có vần của thơ, phải xứng đáng với tiếng nói thiêng liêng ấy.

Con sẽ khóc khi nghe bài vọng cổ, nghe câu hát bội, bài chòi, dân ca, ví dặm, những bài ca cha ông đã gìn giữ cho con từ những ngày đầu mở đất. Con sẽ thương hại và giận dữ khi có người mở miệng chê bai câu hò Huế, giọng quan họ, tiếng đàn kìm, bài hát xẩm, cũng như con sẽ đau lòng khi thấy một em bé mới chín mười tuổi áo quần xúng xính, má phấn môi son lên truyền hình, đứng trước hàng nghìn người Việt hát một bài nhạc tình tiếng Anh.

Con sẽ đọc từ điển tiếng Việt luôn luôn, giống như phật tử đọc kệ, giáo dân đọc kinh. Làm sao để mỗi ngày trôi qua con học thêm được nhiều từ chưa biết, hiểu hơn những từ đã biết. Khi bắt gặp một từ tiếng Việt lạ lẫm, con sẽ đau đớn, sẽ mừng rỡ, sẽ lúng túng, ngượng ngập nhưng không bao giờ con lại dửng dưng.

Con sẽ yêu từng tên đất, tên làng, tên từng dòng sông con suối, từng chiếc cầu, từng ngôi chợ, từng đỉnh núi ngọn đèo. Con sẽ yêu tiếng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, những bậu, những qua, những choa, những nẫu. Mỗi vùng đất con đi qua là một mở mang cho ngôn ngữ của con, đừng bao giờ là rào cản. Gặp một người nói giọng địa phương mà con không hiểu được, con sẽ không cười nhạo họ. Bởi vì người đáng để cười nhạo không phải họ mà chính là con, vì họ nói tiếng Việt trong khi con, người con cùng chung máu đỏ da vàng, lại không hiểu không nghe tiếng Việt.

Rồi đến khi con có con, con cũng sẽ căn dặn con mình những lời như thế. Dù cho lúc đó có thể con đang ở một đất nước khác, sống giữa một nền văn hóa khác, một dòng lịch sử khác, nơi người ta tự hào về tiếng nói của họ cũng như con yêu tiếng Việt của con.

Trích blog PHAN AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên