31/10/2004 08:15 GMT+7

Kasim Hoàng Vũ: tình thương của mẹ, nghiệp hát của con

Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA
Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA

TTCN - Đã quá nửa khuya, chàng ca sĩ nhảy phóc lên sân khấu nhỏ như lòng bàn tay, rảo vài hợp âm trên bàn phím piano và hát. Vẻ ngổ ngáo vụt mất, nhường chỗ cho giọng ballad buồn loang dần màu vàng ấm ở quán Boulevard.

WHHz7ijH.jpgPhóng to
TTCN - Đã quá nửa khuya, chàng ca sĩ nhảy phóc lên sân khấu nhỏ như lòng bàn tay, rảo vài hợp âm trên bàn phím piano và hát. Vẻ ngổ ngáo vụt mất, nhường chỗ cho giọng ballad buồn loang dần màu vàng ấm ở quán Boulevard.

Ấy là phút hát ngẫu hứng của Kasim Hoàng Vũ dành tặng những người khách cuối cùng còn sót lại và đôi ba bạn hữu đến đây hàn huyên muộn.

Quán tên Đại Lộ - nhưng không gian khá hẹp, lại nằm khuất ở con đường nhỏ Thái Văn Lung, quận 1 - là “đất nhà” của Kasim Hoàng Vũ dù anh còn sinh hoạt thường xuyên ở Jazz Club 48 Đồng Khởi (anh mới làm ba đêm nhạc riêng ấm cúng ở đây vào trung tuần tháng 10-2004).

Ngộ Không múa rớt gậy

Mang hai dòng máu Ai Cập - Việt nên Nguyễn Đức Hoàng Vũ còn có tên thường gọi là Kasim Hoàng Vũ. Cha đã chia tay mẹ từ thuở Vũ còn bé đến mức anh không thể nhớ gì về hình ảnh ông. Vũ lớn lên trong tình thương của mẹ và sự cưu mang của gia đình bên ngoại. Mẹ Vũ là ca sĩ Bích Phương, lúc bấy giờ thuộc Đoàn ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng bôn ba đi diễn khắp nơi suốt thập niên 1980. Mỗi dịp nghỉ hè, Vũ được dẫn theo đoàn, lấp ló từ cánh gà say sưa xem mẹ hát. Tan buổi diễn, Vũ lại lót tót chạy ra sàn diễn rọi đèn pin tìm lượm lại phụ mẹ... những dây vòng, đồ trang sức do mẹ cậu ban nãy hát “bốc” quá bị rớt tung tóe (Bích Phương được ví là “nữ hoàng nhạc rock miền Trung” với phong cách hát sôi động).

Chất sôi động của người mẹ lại thấm sang con lúc nào chẳng hay. Lên 10 tuổi, Vũ tỉnh rụi trở thành ca sĩ nhí của đoàn ca nhạc, được vẽ mặt phết râu, cho cầm gậy và mặc áo quần... Tôn Ngộ Không để hát bài nhạc phim Tây du ký vốn rất “hot” lúc bấy giờ. Vũ bộc lộ năng khiếu biểu diễn từ đó, thậm chí mấy phen hát múa cao hứng cậu làm văng cả gậy Tôn Ngộ Không xuống bên dưới khán giả. Thấy con có duyên theo nghề, ca sĩ Bích Phương chắt chiu mua đàn guitar, đàn organ đeo vai, quần áo biểu diễn cho Vũ được thỏa mãn niềm say mê âm nhạc và phần nào bù đắp cảnh thiếu cha. Không ngờ chính âm nhạc đã cứu Vũ xa rời viễn cảnh lêu lổng cũng như góp phần làm hồi sinh chính bản thân người mẹ sau một tai nạn...

Thủ lĩnh đám “giang hồ nhí” thi đậu trường nhạc quân đội

IkpNQfgv.jpgPhóng to
15 tuổi, Kasim Hoàng Vũ tụ tập nhóm thiếu niên choai choai lập ra băng nhóm giang hồ “ni-cô-lai” ưa đánh đấm khi bị nhóm khác khiêu chiến. “Đó là khoảng thời gian nông nổi, ham chơi, bất cần của tôi khiến mẹ rất buồn khổ” – Vũ nhớ lại. Nhiều đêm khuya, mẹ Vũ chạy xe hết chỗ này đến chỗ nọ đi tìm con đang mải chơi để kéo về nhà và chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt của mẹ khiến Vũ suy nghĩ lại, từ giã những trận đòn thù giang hồ, bắt đầu tìm cách khẳng định mình bằng âm nhạc.

Ở cấp III, ngoài giờ học Vũ dành trọn thời gian cho sinh hoạt Đoàn, Hội; lao vào tập nhảy, tập hát, phụ trách ban văn nghệ học sinh Trường THPT Trần Phú. Vũ mê nhảy đến mức có biệt danh là “Vũ Lambada”. Anh sưu tầm thật nhiều băng catssette nhạc rap, lập nhóm vũ công học trò... rồi đi thi hát ở Liên hoan tiếng hát chuyên nghiệp miền Trung và Tây nguyên năm 1996. Kết quả Vũ Lambada được huy chương vàng đơn ca với lời khen tặng của nhạc sĩ Nguyễn Cường (thành viên ban giám khảo): “Thằng bé hát rock khá ghê”.

Vũ còn được Nguyễn Cường dìu dắt giúp đỡ chuyên môn một thời gian dài cũng như động viên anh thi vào Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội Hà Nội khóa 1998-2002.

Bất ngờ, mẹ Vũ đi đường bị bọn cướp giật dây chuyền té đập đầu xuống đường, hôn mê trong bệnh viện nhiều ngày liền. Cậu con trai 19 tuổi ôm mẹ khóc: “Đời con chỉ có mẹ thôi, mẹ có bề gì con sống sao đây hả mẹ?”.

Vũ ra Hà Nội thi vào khoa thanh nhạc hai buổi sáng chiều rồi bay về Đà Nẵng ngay lập tức để chăm sóc mẹ. Anh dự thi bằng khúc hát mồ côi Sói con ngơ ngác của Trần Tiến trong tiếng nấc và mắt nhòe nước khiến giáo viên chấm tuyển ngạc nhiên khó hiểu. Khi mẹ Vũ hồi tỉnh thì cũng là lúc giấy báo ghi điểm thí sinh Kasim Hoàng Vũ trúng tuyển gửi về. Người mẹ mau bình phục từ đó.

Những người thầy và buổi đầu vào nghề

“Đọng lại trong tôi suốt bốn năm học khoa thanh nhạc Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội Hà Nội là tình cảm đặc biệt mà những người thầy đã dành cho đứa học trò quê miền Trung xa xôi. Tôi được thầy Minh Đức hết lòng truyền dạy về kỹ thuật thanh nhạc, thọ giáo guitar ở thầy Lương Bình, học kinh nghiệm làm nhạc - ghi âm phòng thu ở nhạc sĩ Đức Trịnh... Các thầy cô ở trường đã khiến tôi luôn khao khát được đi hát phục vụ bộ đội các quân khu, vùng núi xa xôi... - Kasim Hoàng Vũ kể - Mãi đến khi thi “Sao Mai - điểm hẹn 2004”, dù đã ra trường từ lâu và tham dự không với tư cách sinh viên trường, tôi vẫn nhận được sự quan tâm động viên lớn của các thầy cũ. Đích thân thầy hiệu trưởng An Thuyên hoàn chỉnh ca khúc Đi tìm bóng núi của thầy, cậy nhạc sĩ Đỗ Bảo làm phiên bản hòa âm mới để tôi trình bày trong đêm chung kết xếp hạng cuộc thi. Niềm hạnh phúc lớn nhất của một người trẻ như tôi là đã được cuộc đời ban cho nhiều người đi trước yêu thương, giúp đỡ...”.

Vào một ngày hè nóng nực năm 2002, anh quyết định vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc đời của một ca sĩ trẻ ở trọ đi hát. “Giữa một môi trường ca nhạc tràn ngập ca sĩ đủ thứ hạng, dạng “lính mới” chân ướt chân ráo như tôi phải bầm dập một thời gian dài để học được cách tồn tại và tìm chỗ đứng trong gian khó. Tôi hụt hẫng và buồn nản lắm. Đi hát dẫu đúng giờ nhưng buộc phải ngồi xếp hàng đợi các ca sĩ có tiếng hơn hát trước, thậm chí có khi đã đợi nhưng vị biên tập thản nhiên nói thôi bữa nay đông ca sĩ quá, về đi, ngày mai đến hát bù”. Những lúc cay đắng như thế Vũ chỉ biết tâm sự với mẹ và được an ủi, động viên.

Một giọng hát cá tính

Kasim Hoàng Vũ là một giọng hát có cá tính hiếm hoi trong số các nam ca sĩ trẻ hiện nay. Anh mới có lượng fan hâm mộ tăng nhanh sau “Sao Mai - điểm hẹn”, nhưng người trong nghề thì đã nhận ra tiềm năng của Vũ trước đó. Năm 2003 khi phòng trà Tiếng Tơ Đồng làm những đêm nhạc jazz, nhạc sĩ Xuân Hiếu đã mời Kasim Hoàng Vũ hát thể loại này. Phòng thu Hoàng Tuấn mời anh ghi âm trong các album nhạc truyền thống cách mạng với những ca khúc như Thành phố mười mùa hoa, Chào em cô gái Lam Hồng...

Cũng năm 2003 Kasim Hoàng Vũ tự ra mắt CD riêng đầu tay Vì yêu. Album đầu đời này không thể tránh khỏi sự non nớt về cách xử lý ca khúc cũng như nóng vội trong khâu biên tập bài vở. Dù vậy đã thấy rõ diện mạo một giọng nam cá tính, mạnh mẽ, có thể hát đa thể loại rock, hip hop, slow, latin...

Chất đa năng đó giờ đây được khai sáng hơn: giọng tenor-2 của Kasim Hoàng Vũ có thể ngân rung trữ tình với nhạc phẩm Đường xưa của Quốc Dũng hay sinh động với bản hip hop Chuyện nhỏ của Tuấn Khanh. Thêm khả năng đàn hát tự tin những khúc ballad tự sáng tác, sử dụng thủ pháp lặp đi lặp lại điệp khúc cao trào (Xin lỗi em, Yêu để rồi biết xót xa, Với anh em là tất cả, Lãng quên...). Nhiều bạn trẻ thích ca khúc Yêu vì cái tứ: “tình cảm chân thật đôi khi bị lép vế trước sự hào nhoáng bề ngoài và làm cho bản tính con người đổi thay”.

Kasim Hoàng Vũ xác định rõ anh muốn định lượng sức để đi đường dài bởi nghề ca luôn gian khó với bất cứ ca sĩ nào. Album thứ hai trong sự nghiệp phát hành vào cuối năm 2004 sẽ là dịp cho Vũ chứng tỏ sự chững chạc.

Thần tượng của Kasim Hoàng Vũ là Marc Anthony – ngôi sao dòng latin mạnh mẽ, hát sâu sắc và không màu mè. Nhưng dĩ nhiên không ai thay thế được hình ảnh người mẹ trong anh. Với những giọt nước mắt ở những thời khắc riêng tư khổ cực nhất lẫn những giọt nước mắt của hai mẹ con ôm nhau ngời hạnh phúc khi cái tên Kasim Hoàng Vũ được xướng lên trong cuộc thi tài đông đảo công chúng chứng kiến.

Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên