28/06/2012 05:08 GMT+7

Học gì từ làn sóng Hàn?

CÁt KHUÊ thực hiện
CÁt KHUÊ thực hiện

TT - Không chỉ ở Việt Nam, làn sóng văn hóa Hàn Quốc với từng bước đi cụ thể đã và đang lan tỏa vượt ra khỏi châu Á để đến thế giới. Điều gì đã làm nên sức mạnh này?

Văn hóa Hàn - “quyền lực mềm” và mối lo

8kuOxtKq.jpgPhóng to
Những người hâm mộ ở TP.HCM chào đón, chụp ảnh Bi Rain trong chuyến lưu diễn đầu tiên của anh đến VN - Ảnh: T.T.D.

Từ cuộc hội thảo Tìm hiểu làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á (Tuổi Trẻ ngày 27-6) đã mở ra nhiều vấn đề đáng quan tâm về nội dung cũng như thái độ ứng xử với làn sóng văn hóa Hàn (Hàn lưu, Hallyu) ở VN.

PGS.TS Phan Thị Thu Hiền - trưởng bộ môn Hàn Quốc học (ĐH KHXH&NV TP.HCM), một trong những người tham gia tổ chức hội thảo (26-6) - đã chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về câu chuyện này.

PGS.TS Phan Thị Thu Hiền - Ảnh: Hoàng Ân

Huy động sức mạnh tổng hợp

* Bài tham luận của GS Kim Myeong Hye đến từ Trường ĐH Dongui đã đưa ra nhiều nhận định về con đường của Hallyu dựa trên những khảo sát rất cụ thể, bà nghĩ gì từ những khảo sát này?

- Hàn Quốc ý thức sâu sắc, mạnh mẽ về thành công của Hallyu là một thành công đa bội (văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao). Văn hóa thì mình rất dễ nhìn thấy, kinh tế cũng vậy. Nhưng chính trị thì sao? Điều đầu tiên phải nói đến cộng đồng người Hàn ở nước ngoài.

Do Hàn lưu xây dựng và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về Hàn Quốc mà những người Hàn sống ở nước ngoài (Hàn kiều) được người bản xứ tôn trọng hơn, có thiện cảm hơn, đối xử tốt hơn. Hàn Quốc là nước nhỏ, họ chưa phục tinh thần của người Hàn...

Qua phim Hàn (K’movie), cái nhìn ấy được thay đổi. Nhìn nhận này không phải phỏng đoán mà qua hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát, phỏng vấn.

Về ngoại giao, Nhật và Hàn ngày xưa từng không ưa nhau do mâu thuẫn chiến tranh trong quá khứ. Nhưng khi K’movie tiến vào Nhật, nhờ nhạc Hàn (K’pop) và K’movie, nhiều người Nhật yêu mến hình tượng Hàn Quốc, quan hệ Hàn và Nhật cũng có phần được cải thiện.

Đó chính là ý nghĩa của chữ đa bội. Người Hàn hiểu rằng nếu Hallyu thành công, họ sẽ được không chỉ văn hóa và kinh tế.

Ý thức đó trở thành ý thức mạnh mẽ, tất cả mọi lĩnh vực đều quan tâm đến Hallyu, huy động được sức mạnh tổng hợp từ cơ quan chính phủ đến doanh nghiệp, công ty giải trí, các tổ chức truyền thông, trường đại học, viện nghiên cứu... để chuyển nhanh từ “tự phát sang tự giác”.

Năm 1994, Hàn Quốc đã thành lập Cục Công nghiệp văn hóa bởi xác định văn hóa là một ngành công nghiệp, tiếp đó các viện sáng tạo nội dung Hallyu được thành lập, các tập đoàn kinh tế vào cuộc, trường đại học của Hàn, khoa truyền thông bao giờ cũng có bộ môn văn hóa đại chúng.

Tôi nghĩ VN cũng sẽ làm được nếu ý thức được, thời chiến mình từng thắng lợi nhờ chiến tranh nhân dân huy động tổng lực sức mạnh toàn dân.

* Cũng trong tham luận này, bà Kim Myeong Hye có nói “...Sự quan tâm về K’movie, K’pop trên toàn thế giới gia tăng, về sau trở thành bàn đạp cho kế hoạch quốc tế hóa ẩm thực Hàn Quốc của chính quyền Lee Myung Park”, theo tìm hiểu của bà, câu nói này nên được hiểu như thế nào?

- Như tôi đã nói, ban đầu sự hấp dẫn của K’movie và K’pop là tự phát và là một bất ngờ cho Hàn Quốc.

Về sau, Hàn Quốc nhận thức rõ “quyền lực mềm” này và bắt đầu có chiến lược, sách lược cụ thể cho các giai đoạn của Hallyu.

Họ hiểu rằng sự lan tỏa của Hallyu bao giờ cũng như một đoàn tàu mà đầu tàu là sản phẩm nội dung, kéo theo nó mới là các toa tàu sản phẩm tiêu dùng (ví dụ như ẩm thực). Chiếc đầu tàu này thay đổi theo các thời kỳ được tạm gọi là Hallyu 1.0, 2.0...

Ở Hallyu 1.0, đầu tàu là K’movie, chia thành hai làn sóng, đầu tiên là các phim lãng mạn kiểu Anh em nhà bác sĩ, rồi khi người Hàn ý thức hơn về văn hóa truyền thống thì dòng phim cổ trang kiểu Nàng Dae Jang Geum ra đời.

Dòng phim cổ trang Hàn thành công vì khác Trung Quốc ở chỗ họ không dựa nhiều vào lịch sử mà chủ yếu nhấn mạnh tính nhân văn, như cách Dae Jang Geum đem tình yêu vào bất cứ điều gì cô ấy làm, từ món ăn đến bài thuốc...

Và sự thật ẩm thực Hàn Quốc đã được quốc tế hóa chính nhờ Nàng Dae Jang Geum. Hallyu 2.0, đầu tàu lúc này chuyển qua K’pop, ngay như khảo sát của tôi với giới trẻ Việt, so với thế hệ 8X thì thế hệ 9X đã có xu hướng ít gắn bó với K’movie và chuyển sang gắn bó với K’pop nhiều hơn.

Việc chuyển đầu tàu này ở thời kỳ Hallyu 2.0 chính bởi vì người Hàn cũng thông qua các khảo sát điều tra riêng của họ, họ luôn biết nhu cầu của thế giới là gì để đưa đến cấu trúc sản phẩm Hallyu phù hợp đó.

* Có vẻ như người Hàn có những chính sách khơi mở, tạo không gian cho sự sáng tạo để việc phát triển và quảng bá văn hóa thật sự là nội lực chứ không phải là bề nổi?

- Thật ra việc phát triển Hallyu ở Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào sức năng động sáng tạo của các tập đoàn giải trí ở Hàn Quốc.

Văn hóa đại chúng là phải xã hội hóa, không phải do một lực lượng nào làm được. Chữ đại chúng ở đây chính là đại chúng đều được hưởng thụ và được tham gia vào sản xuất. Khi các tập đoàn sản xuất, họ luôn lắng nghe phản hồi và thường xuyên sửa chữa.

Chúng ta chê K’movie ở nội dung nhàm chán, lặp lại thì người Hàn cũng biết điều đó thông qua việc khảo sát. K’movie lúc đầu toàn lãng mạn hơi sến kiểu yêu đương và ung thư nhưng sau họ chuyển qua dòng phim thù hận (dòng tộc, gia đình) mà sâu thẳm vẫn là yêu thương.

Gần đây, Hàn Quốc chú ý nhiều hơn đến sự thu hút của chất hài hước, nhẹ nhàng. Sự chuyển biến không dễ nhận ra ngay nhưng thật sự họ luôn chuyển biến.

Nghệ sĩ tham gia xây dựng chính sách

Luật pháp Hàn Quốc quy định phim thương mại không được sản xuất dưới 3 triệu USD để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng được thưởng thức các hàng hóa giải trí có chất lượng cao... 

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên một chính sách điện ảnh khác ưu việt, đầy tinh thần nghệ thuật và tinh thần tự trọng dân tộc như vậy là quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc đã có những thiết chế tạo điều kiện cho các nghệ sĩ điện ảnh tham gia việc xây dựng chính sách cho lĩnh vực của mình.

Tiếp nhận và chế ngự

* Theo bà, Hàn Quốc có những chính sách cụ thể nào mang tầm hoạch định quốc gia trong việc quảng bá văn hóa Hàn ra thế giới?

- Thứ nhất, Hàn Quốc quan tâm đến chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm gắn với Hallyu, từ K’movie, K’pop, họ đang bắt đầu hướng đến game online, truyện tranh, phim hoạt hình.

Võ taekwondo là sản phẩm mang nội dung vì qua đó bạn sẽ thấy tinh thần chữ Dũng, chữ Nhân của người Hàn.

Khi Hallyu thành công, người Hàn cũng muốn văn học Hàn phải đến được với thế giới. Du lịch cũng chuyển hướng từ du lịch phim trường sang du lịch y tế - chữa bệnh.

Bởi lẽ nếu ta từng biết đến đông y, Trung y thì người Hàn cũng có Hàn y - một lĩnh vực họ có sức mạnh và đầy tự hào về truyền thống riêng của họ.

Thứ hai, Hàn Quốc chú ý để có những sách lược, chiến lược cụ thể cho từng quốc gia/ từng khu vực theo từng giai đoạn tương ứng.

Với VN, Hàn Quốc chú ý những chính sách cụ thể trong việc xoa dịu vết thương chiến tranh trong quá khứ.

Họ quan tâm mở những khóa giảng dạy văn hóa Việt cho nhân viên quản lý người Hàn cũng như văn hóa Hàn cho nhân viên người Việt tại những công ty Hàn Quốc ở VN để hai bên hiểu nhau hơn.

Hàn Quốc tổ chức những lớp tập huấn giới thiệu về Hàn Quốc cho các lãnh đạo địa phương VN cũng như các giáo viên phổ thông VN.

Những khảo sát điều tra của họ định hướng cho Hallyu từ những điều rất đơn giản như họ biết giới trẻ VN thích các ngôi sao nam dễ thương, trong khi giới trẻ Singapore lại thích vẻ đẹp nam tính. Như vậy Hallyu đi song song nhưng không đồng phục.

Thứ ba, văn hóa Hàn Quốc cũng không ngại tiếp thu công nghệ, sáng tạo của văn hóa đại chúng Mỹ đồng thời giữ gìn, phát huy đặc trưng bản sắc dân tộc.

* Còn việc tiếp nhận văn hóa Hàn ở thế giới ra sao? Theo bà, có phải VN đang quá hồn nhiên trong việc tiếp nhận những sản phẩm văn hóa Hàn không?

- Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều nước Đông Nam Á đều qua giai đoạn đầu tiếp nhận sôi nổi đối với Hallyu, sau đó họ liền thực hiện những chính sách chế ngự: giảm sự mất cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu văn hóa, tăng cường hợp tác hai bên trong quan hệ mang tính giao dịch. Vấn đề quan trọng của VN cũng là như vậy.

Một mặt, không cần cường điệu hóa nhưng cần ý thức và có giải pháp về một số ảnh hưởng tiêu cực của Hallyu như “chủ nghĩa dân tộc (Hàn) thái quá”, “chủ nghĩa thương mại thái quá”, “chủ nghĩa tiêu dùng”, “chủ nghĩa hình thức”...

Mặt khác, cần phát huy những ảnh hưởng tích cực của Hallyu, trong đó chú trọng đầu tư có trọng điểm cho công nghiệp văn hóa, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần ý thức sâu sắc, mạnh mẽ và huy động sức mạnh tổng hợp, quan niệm đúng và thực hiện hiệu quả hợp tác trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa.

Công việc này phải đến từ tầm cao nhất ở các tổ chức chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường, viện (văn hóa, kinh tế, giáo dục, học thuật).

Chúng ta còn đang thiếu những nghiên cứu, khảo sát để rồi hoạch định chính sách.

Việt Nam có thể xây dựng lộ trình để quảng bá văn hóa

Văn hóa VN vốn rất đa dạng, thâm thúy, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm Hàn lưu để chủ động giới thiệu với thế giới bằng con đường truyền bá văn hóa.

Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng lộ trình để quảng bá về đất nước, con người và văn hóa thông qua các thế mạnh về ẩm thực, thời trang....

Hàn lưu góp phần định hướng góc nhìn văn minh, cách tiếp cận văn minh và lối sống đô thị cho người thụ hưởng.

Hàn lưu có thể giúp lý giải văn hóa truyền thống có thể thỏa hiệp như thế nào với văn minh, và rằng văn minh có thể hỗ trợ, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa như thế nào.

Tương lai văn hóa VN vẫn sẽ phải giải bài toán này, nghĩa là vẫn phải đạt đến mục tiêu văn minh nhưng giữ được tính chủ thể.

PGS.TS Phan Thị Thu Hiền

CÁt KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên