29/05/2012 08:18 GMT+7

Yamada Gaku: Réo rắt Bèo dạt mây trôi

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Trốn cơn mưa chiều giữa lòng Sài Gòn, một nhóm bạn trẻ người Việt lẫn người Nhật "hẹn hò" tại Trường Nhật ngữ Sakura. Họ rỉ tai nhau về một guitarist người Nhật trẻ, chơi bản Bèo dạt mây trôi của VN "ngọt" lắm.

LQSzjMU5.jpgPhóng to
Yamada Gaku (giữa) cùng các khán giả trẻ trong buổi giao lưu chiều 28-5 tại TP.HCM Ảnh: Minh Trang

Hai đêm diễn tại TP.HCM

Ngày 29-5, Yamada Gaku cùng những người bạn của mình và guitarist Nguyễn Trí Ðoàn sẽ có buổi biểu diễn tại Phòng hòa nhạc Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, TP.HCM.

Ðêm 30-5, tại café Mộc (Hồ Biểu Chánh, Q.Phú Nhuận) Yamada tiếp tục trình diễn những ngón guitar của mình trong một không gian ấm cúng và nhỏ gọn hơn.

Yamada Gaku sinh năm 1981 tại Hiroshima, Nhật Bản, hiện là một guitarist hoạt động rất tích cực. Thành tích của anh chàng cũng rất đáng nể khi từng đoạt giải nhất kỳ thi Guitar cổ điển lần thứ 41 tại Nhật Bản, giải nhất kỳ thi Âm nhạc đương đại lần thứ 9 tại Nhật Bản, giải ba Guitar quốc tế ở Berlin (Ðức)...

Gần đây nhất, anh đã được tưởng thưởng tại giải Âm nhạc đương đại Asahi lần thứ 20 ở Tokyo.

Xuất hiện "không thể tươi tắn hơn" với áo thun xanh đọt chuối, quần thụng đen, đôi mắt một mí rất đặc trưng Nhật Bản và nụ cười có lúm đồng tiền duyên dáng, Yamada Gaku - nghệ sĩ guitar trẻ trung (sinh năm 1981) của đảo quốc Mặt trời - bắt đầu câu chuyện của mình bằng những ngón đàn điêu luyện đến ngỡ ngàng.

Ðại diện cho một thế hệ 8X năng động, đầy tung tẩy, Yamada đã gửi đến người nghe những tâm sự rất chân thành bằng tiếng đàn guitar đầy xúc cảm... Guitarist Lê Công Danh - cựu thành viên của CLB Guitar Sài Gòn và cũng là người đã mời Yamada Gaku sang VN lần này - nói trong xúc động: "Tôi từng nghe bản Sakura không biết bao nhiều lần, nghe cả bản đàn của John Williams, tay guitar nổi tiếng với Sakura, nhưng chưa ai có một nhạc cảm tốt như Yamada. Những âm sắc sắc sảo, cả tiếng giả đàn koto của anh cũng điêu luyện quá đỗi... Có lẽ vì anh là người Nhật nên trong tiếng đàn của anh còn có cả tinh thần và tâm hồn của một người Nhật. Nhìn đằng sau xem, bao nhiêu người Nhật đã đỏ mắt vì tiếng đàn của Yamada...".

Quả thật, những người bạn Nhật xa quê đã bật khóc khi nghe Sakura từ tiếng đàn ấy. Nhưng chỉ ít phút sau khi anh xin phép được gửi "một món quà" đến những người bạn Việt thì Bèo dạt mây trôi, vừa tình cảm, vừa nhẹ nhàng qua bản chuyển soạn cho guitar của Ðặng Ngọc Long ngay lập tức tạo hứng khởi trở lại. "Không khó lắm, vì lâu rồi tôi đã nghe nhạc dân ca VN qua Internet", tay đàn mắt một mí chia sẻ.

Không nói được tiếng Việt nhưng khi hỏi có ấn tượng gì đặc biệt trong lần đầu tiên đến VN, Yamada cười tít nói rất sõi: "Bún chả!". Anh kể trong bốn ngày làm việc tại Hà Nội (bao gồm cả tham gia trình diễn lẫn giảng dạy cho sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN) nếu không la cà hàng bún chả thì thể nào cũng là phở đêm Hà Nội. "Ðêm đầu tiên ở VN, tôi phải cập nhật ngay trên Facebook của mình: "Ở đây quán phở mở suốt đêm mọi người ạ" và mọi người nhiệt tình vào "like" (thích) điều này!".

Giờ đây tiếp tục có mặt tại TP.HCM trong vài ngày tới, "quyết tâm" lớn nhất của Yamada là phải chén no nê măng cụt - loại trái cây ngon đặc biệt của VN đang mùa chín rộ... Anh bảo: "Cuộc sống ở đây thú vị quá!".

Càng nhiều buổi diễn càng tốt

* Anh và cây guitar ắt hẳn có duyên nợ sâu nặng với nhau?

- Năm 14 tuổi tôi bắt đầu tìm đến guitar như một người trẻ tìm đến một thú vui nào đó. Hồi ấy, tôi chơi guitar điện! Cũng vật vã lắm (cười). Rồi bốn năm sau, tôi nhận ra những âm thanh điện tử đó không làm thỏa mãn những khát khao của chính mình. Những âm thanh của nhạc cụ mộc lúc nào cũng mang lại cho người ta cảm giác gì đó thân thiết và dễ rung động lòng người, từ đó tôi quay về guitar cổ điển. Thú thật là so với piano hay mandolin, âm thanh của guitar nhỏ hơn nhiều, nhưng điều thú vị nhất với một người chơi guitar lâu năm là chỉ cần một cây guitar có nghĩa là bạn đang có cả một dàn nhạc nhỏ trong tay!

* Nhạc hàn lâm, nhạc cổ điển hay những bộ môn nhạc không thời thượng như guitar, làm cách nào để có thể đưa chúng đến với đông đảo người nghe, thưa anh?

- Trong bối cảnh chung hiện nay, thế giới âm nhạc là một thế giới rất phẳng. Người Nhật trẻ cũng chịu ảnh hưởng của nhiều thể loại nhạc khác nhau. Không biết các bạn VN thì sao, chứ một bộ phận không nhỏ giới trẻ Nhật rất thích nghe nhạc Hàn Quốc. Họ có lý do của họ, và tôi nghĩ chúng ta không thể ngăn cấm hoặc cố tình không tiếp nhận những luồng văn hóa này.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn "ngấm ngầm" tiếp cận họ bằng cách riêng của mình. Mỗi năm chúng tôi cố gắng tổ chức (ít nhất) khoảng 40 buổi hòa nhạc, trong đó trình diễn cả guitar cổ điển lẫn guitar hiện đại. Hầu hết tất cả các chương trình của chúng tôi đều bán vé, dĩ nhiên vẫn có một số chương trình miễn phí dành cho sinh viên. Người trẻ đến nghe khá đông, chiếm khoảng 50% số khách, nhất là những chương trình được tổ chức ở Tokyo.

Với riêng tôi, không có cách nào để người trẻ tiếp cận với những dòng nhạc như thế này hay hơn là cách tổ chức càng nhiều buổi diễn càng tốt. Không cần đóng bộ lịch lãm như trong các nhà hát lớn, chúng tôi thoải mái và trẻ trung hơn ở một số địa điểm như trường đại học, nơi công cộng... Người trẻ thích thế, và đó là cách tiếp cận họ hiệu quả nhất mà chẳng tốn gì.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên