26/03/2012 21:42 GMT+7

Từ hội sách nhìn về văn hóa đọc

BaoChau
BaoChau

TTCT - Hội sách lần này với 200.000 tựa sách và 20 triệu bản sách, hẳn con số sách bán ra cũng sẽ rất ấn tượng. Nhưng liệu có vì thế mà lạc quan hơn về văn hóa đọc?

A56tJ1ac.jpgPhóng to
Liệu có thể lạc quan hơn về văn hóa đọc từ những hội sách thế này? (ảnh chụp tại Hội sách TP.HCM 2012) - Ảnh: Thuận Thắng

Một sự kiện văn hóa được mong đợi

Giữa hai lần hội sách, khi sự tưng bừng đã qua và chờ đến sự tưng bừng lần sau, người ta nên làm gì? Một gợi ý là nghe theo lời G.Flaubert: Đọc. Đọc để mà sống!

Trong những ngày trước khi diễn ra hội sách, trên diễn đàn sachxua.net - một diễn đàn quy tụ các cao thủ sưu tầm sách trên cả nước - xuất hiện một thành viên mới. Cô gây chú ý không bằng việc trưng bày những cuốn sách quý hiếm hay thực hiện các vụ mua bán hàng khủng mà bằng việc cặm cụi bán từng quyển sách cũ không còn dùng tới của gia đình với giá rất mềm, kèm cam kết giao hàng tận nơi.

Tất cả nỗ lực này, cô nói, nhằm gây quỹ đi dự hội sách! Cũng trên diễn đàn này, các thành viên từ nhiều miền đất nước náo nức hẹn nhau cùng về hội sách để lùng sách kết hợp "đại hội quần hùng". Còn trên các mạng truyền thông xã hội, nhiều người í ới nhắn tin cho nhau, hẹn gặp nhau tại hội sách. Những người không đi được thì bày tỏ sự ghen tị, ấm ức, nuối tiếc. Thật là một không khí hội hè!

Rõ ràng, bất chấp tình trạng không mấy lạc quan của ngành xuất bản, và bất chấp Sài Gòn đang vào mùa nắng nóng gay gắt, hội sách TP.HCM đến lần thứ bảy này đã thật sự tạo được một không khí của những ngày hội: không khí nôn nao chờ đợi.

Các nhà làm sách cũng khéo léo tung ra thông tin khiến người đọc tò mò: người ta chờ xem mặt mũi cuốn tiểu thuyết "toán hiệp" của nhà toán học Ngô Bảo Châu viết chung với Nguyễn Phương Văn, ngóng trông bản Việt ngữ tác phẩm lừng danh Lolita qua bàn tay dịch thuật tài hoa của Dương Tường - ấn phẩm mà có người đã nhận định nếu không tạo ra được cuồng phong thì chỉ có thể trách độc giả Việt, mong được tiếp xúc thêm một di cảo nữa của học giả Vương Hồng Sển Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang Ba Thắc, hay các dịch phẩm mới trong Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam.

Có thể lạc quan hơn về văn hóa đọc?

Năm 2010, kết thúc Hội sách lần 6, các nhà tổ chức công bố con số ấn tượng: 700.000 lượt khách, 4 triệu bản sách bán ra, doanh thu 20 tỉ đồng. Hội sách lần này với 200.000 tựa sách và 20 triệu bản sách, và bằng vào những bãi giữ xe đặc kín trong đêm khai mạc, ắt hẳn con số sách bán ra cũng sẽ rất ấn tượng. Nhưng liệu có vì thế mà có thể lạc quan hơn về văn hóa đọc?

Năm 1970, trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ than rằng một cuốn sách của một tác giả thuộc loại tên tuổi mà in chỉ được khoảng 3.000 bản. Hơn 40 năm sau, dù dân số cả nước đã gấp năm lần miền Nam ngày xưa, số bản in các đầu sách văn học và khảo cứu nghiêm túc chỉ quanh quẩn ở mức hai phần ba con số kia. Kể cả một tác phẩm được nói đến nhiều như Lolita, đơn vị làm sách cũng chỉ rón rén in 2.000 bản. Cuốn nào bán được tới 5.000 bản thì đã có thể coi là sách bán chạy rồi.

Thật ra, nói đến văn hóa đọc mà nhìn vào lượng sách bán ra thì cũng chỉ mới nhìn vào phần nổi của tảng băng. Phần chìm có lẽ phải nói đến ba yếu tố: nhà trường, hệ thống thư viện và các nhà điểm sách chuyên nghiệp.

Nhà trường của chúng ta đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Gợi ý cho học sinh những cuốn sách cần đọc, sau đó yêu cầu học sinh viết tóm tắt hoặc cùng nhau thảo luận, như thường thấy ở các nước Âu, Mỹ hay gần hơn là các trường quốc tế ở Việt Nam, không phải là một thao tác hay gặp ở giáo viên chúng ta. Trong khi đó, không phải ông bố bà mẹ nào cũng quan tâm đến việc tạo cho con thói quen đọc sách. Huống hồ ngày nay sự đọc không chỉ phải cạnh tranh với mỗi tivi như trước đây, mà còn phải cạnh tranh với Internet và bao nhiêu trò chơi hấp dẫn trên máy tính, điện thoại...

Thói quen đọc không được chăm chút từ nhỏ, thế nên lớn lên việc xa lạ với sách vở là điều không khó đoán.

Số người thật sự có đọc sách đã không nhiều, giá sách còn làm chùn tay không ít người trong số đó. Giá bìa một cuốn sách văn học khoảng 400 trang giờ đây bình quân 90.000-100.000 đồng. Giá bìa cuốn Khải hoàn môn của Remarque trong Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam lên tới 140.000 đồng. Giá sách khảo cứu còn cao hơn nhiều. Trong hoàn cảnh đó, người muốn đọc sách lại hầu như không được sự giúp sức của hệ thống thư viện, vốn gần như đã "tàng hình".

Một hai thư viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM khách lui tới chủ yếu là sinh viên và một số ít người làm công tác nghiên cứu. Không tồn tại các thư viện cộng đồng ở các khu dân cư để phục vụ rộng rãi cho người dân nói chung. Trong suốt nhiều năm qua có rất nhiều tin tức về các khách sạn, resort, sân golf được khai trương, nhưng tuyệt nhiên không nghe nói về một thư viện mới xây nào. Nhiều lúc tác giả bài viết rất ganh tị với bạn bè ở Mỹ, Úc, Đức... vì mỗi khi nghe nói về một cuốn sách nào mới họ cứ lên thư viện mượn về đọc. Chỉ những cuốn cần lắm hoặc thích lắm mới phải bỏ tiền ra mua.

Sự thiếu vắng các cây bút điểm sách chuyên nghiệp cũng là một điều thiệt thòi cho người đọc Việt Nam. Không phải độc giả nào cũng rành rẽ thông tin về Mario Vargas Llosa hay Philip Roth, biết vị trí của các nhà văn ấy trong nền văn học nước họ và thế giới, phong cách và đề tài của họ như thế nào. Phần lớn bài điểm sách trên các báo chỉ mang tính chất giới thiệu sơ sài, nếu không nói là tóm tắt cốt truyện kết hợp phát biểu cảm tưởng. Nhiều cuốn sách quan trọng ra đời bị bỏ qua, hoặc chỉ được nhắc đến qua loa trên mặt báo.

Tìm trên Google tập sách nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng Đường sống - Văn thư nghị luận chọn lọc của Lev Tolstoy do NXB Tri Thức xuất bản năm 2010, kết quả cho ra chỉ một bài điểm sách đúng nghĩa và một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyên Ngọc về tác phẩm này, còn lại chỉ là những mẩu tin ngắn. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn hàng đầu thế giới chia sẻ số phận hẩm hiu không kém: báo chí thờ ơ, độc giả không biết tới, nằm hứng bụi trên kệ sách chờ ngày bán giảm giá!

Giữa hai hội sách là... đọc sách

Hội sách thì hai năm một lần. Không khí náo nức tưng bừng của một tuần hội ấy hiển nhiên là có lợi cho văn hóa đọc. Nhưng, để có một văn hóa đọc mang màu sắc tươi tắn hơn thì một sự kiện như hội sách chỉ đóng vai trò chất xúc tác, ấy là chưa kể chất xúc tác bớt nhạy ít nhiều do việc cắt giảm một số chương trình giao lưu, hội thảo. Chính những chương trình ấy cùng các hoạt động như trưng bày sách quý hiếm, thi tủ sách gia đình... là yếu tố khiến hội sách khác chợ sách (tuy rằng trong hội đúng là có chợ và rất nên có chợ).

Giữa hai lần hội sách, khi sự tưng bừng đã qua và chờ đến sự tưng bừng lần sau, người ta nên làm gì? Một gợi ý là nghe theo lời G.Flaubert (*): Đọc. Đọc để mà sống!

LÂM VŨ THAO

__________

(*) Gustave Flaubert (1821-1880), tiểu thuyết gia lừng danh của Pháp, tác giả các tác phẩm nổi tiếng như Bà Bovary, Salammbô, Giáo dục tình cảm...

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên