15/08/2004 08:01 GMT+7

Nữ ký giả sợ ma

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCN - Trong khoảng những năm 1970-1972 có một nữ phóng viên được Thời báo New York cử đến theo dõi chiến trường Nam VN và ngay lập tức gây được sự chú ý bằng hàng loạt bài bộc lộ sự phẫn nộ của lương tri trước cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ.

5vOO1qb1.jpgPhóng to
Gloria Emerson khoảng thời gian là phóng viên chiến tranh ở VN
TTCN - Trong khoảng những năm 1970-1972 có một nữ phóng viên được Thời báo New York cử đến theo dõi chiến trường Nam VN và ngay lập tức gây được sự chú ý bằng hàng loạt bài bộc lộ sự phẫn nộ của lương tri trước cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ.

Thời báo New York vừa nhắc lại câu chuyện này sau hơn 30 năm, bởi vì nữ phóng viên ấy, bà Gloria Emerson, đã lặng lẽ qua đời trong căn hộ của mình ở khu Manhattan sáng ngày 4-8-2004.

Gloria Emerson mất ở tuổi 75 sau nhiều năm đau ốm. Cảnh sát và bạn bè đập cửa vào để chứng kiến hình ảnh bà đã ngừng thở từ bao giờ. Nhiều mẩu thư để lại cho biết bà tự quyết định mạng sống của mình.

Trong một lá thư, Gloria Emerson còn kể vắn tắt quãng đời bà sang VN đầu những năm 1970: “Cô Emerson đề nghị được gửi sang VN bởi vì cô đã đến đó từ năm 1956 và muốn quay lại để viết về người Việt cùng những thay đổi cực kỳ bất hạnh trong cuộc sống của họ, khác với đề tài mà giới báo chí khổng lồ đã đề cập theo hướng kể chuyện súng ống quân sự”... Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Gloria Emerson vẫn hướng tình cảm về người dân VN - như ngày trước bà đã nhìn thấy người Việt là những gương mặt cụ thể, những số phận cụ thể chứ không phải là những con số, những hình ảnh mơ hồ mà hệ thống báo chí Mỹ trước và sau đó vẫn gieo rắc.

WujUAERA.jpgPhóng to
Tôi nhiều lần trò chuyện với Gloria Emerson. Năm 1992-1995 khi chúng tôi làm tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn VN và Mỹ, bà động viên rất nhiều, rộng lòng viết cho cái lời bạt đầy cảm xúc. Bà lục lại trong kho hồi ức nhiều chuyện cảm động: “Một lần ở sân bay Đà Nẵng, chúng tôi nhìn thấy một chuyện làm choáng váng đến mức tất cả im bặt. Hai lính Mỹ đang thúc nhanh hai tù nhân VN đi qua khu vực sân bay đông người.

Hình ảnh hai người VN bị bịt mắt bằng tấm băng màu sữa dày gấp đôi bình thường, chân đi loại giày bằng giấy dùng trong bệnh viện đang bước nhanh làm cho cánh người nhà của lính giật mình, họ hiếm khi nhìn thấy kẻ thù gần đến thế. Đang nằm trên sàn nhà phòng chờ sân bay nói chuyện với một chàng trai từ bang North Carolina, tôi bất chợt mong được thấy có một cuộc binh biến trong đám lính, như thể những người lính với chuỗi tràng hạt từ bi cùng biểu tượng hòa bình trên mũ có thể phẫn nộ đứng dậy để chấm dứt cuộc chiến tranh này.

Một trong hai người bị bắt có mái tóc đen dài thả sau lưng và lẽ ra tôi phải giúp cô chạy thoát. Nhưng không một ai xê dịch, tất cả đều câm lặng. Tôi nhìn thấy hai tù nhân bị kéo lên một chiếc xe tải, nhưng đám cảnh vệ không biết rằng họ rất nhẹ nên đã lôi tuột họ lên, mạnh đến nỗi hai tù nhân VN ngã chúi... Còn có nhiều chuyện tồi tệ hơn nữa và tôi biết cả, nhưng suốt những năm ấy tôi cứ băn khoăn chuyện gì đã xảy ra với hai người đó, liệu họ có qua khỏi cuộc lấy cung hay không?”.

Rồi bà kể về cuộc gặp bí mật với một anh bộ đội VN ngay giữa đô thị miền Nam. Anh này kể quê anh ở một làng ngoại vi Hà Nội, đi bộ đội rồi bị bắt ở tỉnh Quảng Nam. May mắn thế nào đó, người nhà anh ở Sài Gòn chắc là có thế lực đã lo lót cứu được anh ra.

Anh nhớ đồng đội, nhớ chiếc gậy Trường Sơn mà cánh lính gọi là “cái chân thứ ba”, anh tiếc cuốn sổ nhật ký đã đánh mất. Anh vẫn còn rất yếu vì sốt rét, đến mức người thông ngôn phải dìu anh lên cầu thang, thế mà anh vẫn nhờ nữ ký giả Mỹ tìm cách giúp mình sang Campuchia. Từ đó anh sẽ tìm đường về lại với đồng đội.

Gloria Emerson kể lại mà vẫn chưa hết ân hận, ngày ấy bà không giúp gì được cho anh bộ đội kia. Bà bảo nếu bây giờ trở lại VN, bà sẽ hành hương về làng của anh bộ đội. Bà dùng từ “hành hương”. Hỏi tên làng thì bà không nhớ. Nhưng mà cứ “hành hương”. Có quyết tâm đi thì sẽ đến được.

Một lần vào khoảng năm 1998, từ miền đông bà gọi điện thoại sang cho tôi ở miền tây nước Mỹ. Chúng tôi chỉ toàn chuyện trò trên điện thoại, tôi chưa hề gặp mặt bà. Năm 1995 đến New York, các nhà văn Mỹ không muốn đưa tôi đến gặp bà vì bà đang ốm. Nhiều lần sau cũng thế. Bà vẫn đang ốm, rất nhiều bệnh. Lý do ấy không phải là lý do, bà trách các nhà văn Mỹ: “Tôi ốm nhưng vẫn gặp những người cần gặp”. Nhiều lần đi qua khu Manhattan tôi đã có thể tự đến thăm bà, nhưng rồi chỉ điện thoại. Chạm đến chuyện hành hương, tôi nhắc có lẽ đã đến lúc bà trở lại VN. Thật thế à? - Bà hỏi lại.

Gloria Emerson kể trong chiến tranh ở miền Nam có nhiều chuyện đồng bóng và ma quỉ, nhiều thầy bói và các nhà chiêm tinh, nhiều trò mê tín dị đoan đến mức dường như người ta chỉ có thể chờ đợi những chuyện rùng rợn. Những người lính thiết giáp Mỹ sẽ không động vào khẩu phần của người đã chết và không muốn ai động vào đấy.

Trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, ở lối vào một nghĩa trang quân sự lớn có pho tượng cao hơn 4m, tên là “Tiếc thương”, nghe đồn có quyền lực siêu nhiên. Đàn bà cầu nguyện trước pho tượng và cắm hương vào đôi ủng khổng lồ. Đó là pho tượng một người lính ở thế ngồi hơi sụp xuống, gương mặt buồn, mệt mỏi.

Một số người Việt nói với bà rằng ban đêm pho tượng đi lại xin nước uống và dọa người. Có người nghe anh ta thở dài. Nhà điêu khắc đã sử dụng nguyên mẫu là một viên hạ sĩ sau khi viếng mộ một người bạn đã đến tiệm cà phê gọi hai cốc bia. Trong khi uống bia, anh ta chuyện trò với người chết theo kiểu chuyện trò giữa những người bạn cũ. Có một số người Việt cam đoan rằng trong chiến dịch Lam Sơn 719 pho tượng đã khóc, bởi vì họ nhìn thấy nước mắt.

Gloria Emerson chưa hề trở lại VN, bởi vì bà sợ những hồn ma có thể bị gọi về. “Nhiều bạn bè tôi đã đánh nhau ở đó, đánh rất hăng là khác, đã thăm lại VN và tìm thấy sự bình yên mà họ không nghĩ rằng có thể tìm được”. Nhưng bà có niềm tin của người phương Đông, bà tin là có oan hồn. Thật thế ư? - tôi hỏi lại. Thật đấy. Bà ngừng một chút, trong ống nghe bất chợt lặng thinh hoang vắng. Lát sau bà lặp lại: có oan hồn đấy.

Rồi nữ văn sĩ nổi danh với tập bút ký đoạt giải thưởng sách quốc gia Người thắng kẻ bại và tiểu thuyết Yêu Graham Green ra đi. Có ý thức độc lập, bà không chịu trở thành gánh nặng cho bạn bè. Lại là người kiêu hãnh, bà không chịu cảnh sống trong nhà dưỡng lão. Bệnh liệt rung khiến bà không viết được, nó tước mất ý nghĩa lớn nhất của đời bà.

Gloria Emerson đã chuẩn bị chu đáo cho cái chết biết trước: bà di chúc để lại sách vở và tài liệu cho trường đại học của nhà văn Wayne Karlin ở bang Maryland. Một ngày trước khi tự nguyện đi xa vĩnh viễn, bà nhờ ông Dick Hughes, người điều hành chương trình hỗ trợ trẻ em lang thang trên đường phố Sài Gòn từ thời chiến tranh, đánh xe đưa bà đi một vòng quanh New York, thăm những nơi bà yêu thích.

Gloria Emerson lựa chọn được cho mình cả cách chết chứ không chỉ là cách sống.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên