26/03/2011 05:47 GMT+7

Tôn trọng lịch sử, chúng tôi đến VN

NGA LINH
NGA LINH

TT - Việt Nam đã trở thành lựa chọn duy nhất để những nhà làm phim Trung Quốc quay những ngoại cảnh cuối cùng của bộ phim lịch sử Cách mạng Tân Hợi - dự án phim lịch sử lớn của Trung Quốc, chỉ sau Ðại nghiệp kiến quốc (phim nhựa và truyền hình sản xuất năm 2009).

TT - Việt Nam đã trở thành lựa chọn duy nhất để những nhà làm phim Trung Quốc quay những ngoại cảnh cuối cùng của bộ phim lịch sử Cách mạng Tân Hợi - dự án phim lịch sử lớn của Trung Quốc, chỉ sau Ðại nghiệp kiến quốc (phim nhựa và truyền hình sản xuất năm 2009).

CvVfpmoE.jpgPhóng to

“Chỉ vì tính chính xác của một gánh hàng rong, chúng tôi cũng cần đến Việt Nam” - đạo diễn Lý Vỹ nói về chuyện chọn bối cảnh tại đây - Ảnh: Nga Linh

Khắc họa cuộc đời nhà cách mạng dân chủ Tôn Trung Sơn, để truyền tải được hành trình bôn ba, lưu lạc tứ xứ của "nhà cách mạng lưu vong", Cách mạng Tân Hợi đòi hỏi phải được thực hiện ngoại cảnh tại nhiều địa điểm khác nhau. Từng là đạo diễn phim hợp tác Việt - Trung Hà Nội, Hà Nội, sau khi nhận vai trò đạo diễn bộ phim lịch sử Cách mạng Tân Hợi, đạo diễn Trung Quốc Lý Vỹ yêu cầu nhà sản xuất quay những ngoại cảnh cuối cùng tại Hà Nội, Huế, Hội An (từ ngày 23 đến 27-3).

Tìm thấy vẻ đẹp e ấp

Cách mạng Tân Hợi (tổng đạo diễn: Ðường Quốc Cường, đạo diễn: Lý Vỹ, biên kịch: Vương Triều Trụ), dài 46 tập của Ðài truyền hình Thiên Tân là phim truyền hình duy nhất được thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm thắng lợi Cách mạng Tân Hợi (1911). Ngoài đạo diễn Lý Vỹ, theo chân đoàn phim đến Việt Nam có nhà biên kịch chuyên viết về đề tài lịch sử Vương Triều Trụ, nam diễn viên Mã Thiếu Hoa (thủ vai Tôn Trung Sơn). Ðoàn phim đã thu hút người dân qua đường còn bởi sự có mặt của nữ diễn viên Vương Tư Ý (gốc Ðài Loan) - người thủ vai nàng Phan Kim Liên trong phim truyền hình quen thuộc Thủy hử. Trong Cách mạng Tân Hợi, Vương Tư Ý vào vai Trần Túy Phân - hồng nhan "Nam Dương" không danh phận, đã gắn bó với Tôn Trung Sơn suốt thời gian ông hoạt động cách mạng tại Nam Dương.

Không khó khăn cho đoàn làm phim khi tìm kiếm các địa điểm phù hợp với tính lịch sử trong khoảng thời gian Tôn Trung Sơn hoạt động tại Trung Quốc. Ba tháng quay, đoàn phim đã rong ruổi từ Thiên Tân, Thượng Hải, trường quay Hoành Ðiếm đến Vũ Hán, Quảng Châu. "Nhưng đến khi tính toán các ngoại cảnh chúng tôi bị "vấp". Ở Trung Quốc không thể tìm thấy những bối cảnh có bầu không khí của Việt Nam. Trong khi nội dung về thời kỳ Tôn tiên sinh hoạt động tại Hà Nội chiếm thời lượng khoảng ba tập phim" - đạo diễn Lý Vỹ kể.

Ðể phản ánh thời kỳ Tôn Trung Sơn sống tại Hà Nội năm 1907, đoàn phim phải tìm đến cầu Thê Húc, vườn hoa Diên Hồng, mặt tiền nhà khách chính phủ. Một nhà hàng cuối đường Trần Hưng Ðạo có chiếc cổng sắt và hàng lá chuối cũng được chọn làm bối cảnh bên ngoài căn nhà số 6 phố Can Thiết Ðạt (nơi Tôn Trung Sơn lưu lại tại Hà Nội - đoàn phim giải thích).

Những cảnh quay hiện lên trên monitor (màn hình cho đạo diễn) rất đơn giản, Tôn Trung Sơn đọc báo trên ghế đá, bàn chuyện quốc gia đại sự với đồng nghiệp trên cầu Thê Húc, cùng bà Trần Túy Phân rảo bước qua Bắc bộ phủ.

Có mặt tại Việt Nam để cố vấn cho đoàn phim, nhà biên kịch Vương Triều Trụ (tác giả kịch bản Giải phóng, Trường Chinh) đưa ra yêu cầu về tính xác thực: "Ðây là giai đoạn phải trung thành với lịch sử, Hà Nội là nơi Tôn tiên sinh chuẩn bị kỹ lưỡng những hoạt động vũ trang biên giới phía nam Trung Quốc, đặc biệt là hai cuộc khởi nghĩa quan trọng Trấn Nam Quan (tháng 12-1907) và Hà Khẩu (4-1908), nên không thể dùng bối cảnh Trung Quốc thay thế".

"Các nội cảnh trong giai đoạn Tôn Trung Sơn làm việc tại Việt Nam đều được tái hiện không mấy khó khăn ở trường quay Hoành Ðiếm. Nhưng vấn đề là ngoại cảnh. Những di tích lịch sử ở Trung Quốc giờ đều đậm dấu ấn trùng tu của bàn tay con người. Còn những cảnh thiên nhiên lại quá to lớn, hùng vĩ. Một vẻ đẹp bé nhỏ, e ấp như hồ Hoàn Kiếm rất khó tìm thấy ở nước tôi. Chưa nói đến các di sản kiến trúc quý giá thời thuộc địa với nước sơn vàng phủ rêu phong khó tìm như mò kim đáy bể" - đạo diễn Lý Vỹ tiếp lời.

Sau khi khảo sát tại Malaysia, Singapore, đạo diễn Lý Vỹ thất bại trong việc tìm kiếm những phố phường bé nhỏ, xinh xắn thời gian Tôn Trung Sơn lưu lạc tại Nam Dương (cách Trung Quốc gọi Singapore và Malaysia). Ông quyết định chọn thêm hai địa điểm khác của Việt Nam để tái hiện bầu không khí đậm chất Nam Dương gồm: dọc bờ sông Hương và cầu ngói Thanh Toàn (Huế), khu phố cổ đi bộ (Hội An).

uUz1mpzO.jpgPhóng to

Diễn viên Vương Tư Ý (quen thuộc qua vai Phan Kim Liên trong phim Thủy hử) và diễn viên Mã Thiếu Hoa (vai Tôn Trung Sơn) tại Hà Nội - Ảnh: Nga Linh

Phim trường ở Việt Nam

Ông đạo diễn Trung Quốc luôn khẳng định: "Làm phim lịch sử phải tái hiện được bối cảnh bắt mắt để khán giả vừa xem vừa đối chiếu với sử liệu. Vì thế, không đến Việt Nam không được!". Nhà biên kịch lão thành Vương Triều Trụ nói: "Dù Trung Quốc đầy đủ điều kiện đến đâu, chuyện thuê bối cảnh để làm phim lịch sử cũng là bình thường. Chúng ta có quyền tưởng tượng hư cấu lịch sử cổ đại, làm ra một bộ phim lịch sử mang tính "sử thi". Nhưng với những nhân vật cận đại, sử liệu rõ ràng, chứng nhân lịch sử có thật, đoàn phim phải luôn tôn trọng lịch sử, từ cốt truyện đến bối cảnh".

Chủ nhiệm sản xuất phim Cách mạng Tân Hợi Hoàng Kim Thành tiết lộ: "Bộ phim của chúng tôi có vốn đầu tư lên đến hơn 40 triệu tệ (trên 120 tỉ đồng). Ngoài bối cảnh tại Việt Nam, đoàn phim dự định đến Nhật Bản tái hiện thời kỳ Tôn Trung Sơn hoạt động cách mạng tại đây. Do thảm họa động đất - sóng thần, kế hoạch này sau bị hủy và Cách mạng Tân Hợi phải tìm bối cảnh thay thế ở Thẩm Dương". "Tại Trung Quốc, chúng tôi thường mở rộng tìm kiếm các cảnh quay ở Hàn Quốc, Nhật Bản..." - ông Hoàng Kim Thành nói thêm.

Còn một thực tế khác mà chủ nhiệm Hoàng Kim Thành đề cập khéo, đó là "dịch vụ làm phim tại Việt Nam thời "lạm phát" vẫn được tiếng là chi phí thấp hơn nhiều quốc gia khác". Chủ nhiệm phim Dương Ðăng Hinh (Việt Nam) - nhân vật đang lo chuyện bếp núc cho đoàn Trung Quốc - đưa một ví dụ: "Với 2,5 triệu đồng, tôi thuê cho họ năm bộ áo nâu sồng, năm bộ comple, hai áo dài lụa, mũ nón, guốc mộc, quang gánh và nhiều phụ kiện khác cho các diễn viên quần chúng trong một tuần. Ở đâu tìm được giá như thế!".

Ông Nguyễn Xuân Hưng (giám đốc Hãng phim Hội Nhà Văn Việt Nam, chủ nhiệm sản xuất Vượt qua bến Thượng Hải) với kinh nghiệm "nằm gai nếm mật" ở trường quay Hoành Ðiếm đưa một ví dụ khác: "Ở Trung Quốc, một diễn viên quần chúng không thoại có cátsê 100 tệ/ngày (tương đương 300.000 đồng), trong khi có diễn viên quần chúng của ta chỉ được trả 50.000-100.000 đồng/ngày".

Có thâm niên làm việc từ thời Người Mỹ trầm lặng, ông Hinh cũng so sánh: "Chỉ cần hoàn thành các thủ tục pháp lý (trình duyệt kịch bản, xin phép địa điểm quay) là các bạn nước ngoài có thể tìm kiếm cơ hội phim trường ở Việt Nam. Ðối với các đoàn như Mỹ hay các nước Bắc Âu, tiền không bao giờ là vấn đề lớn nhất. Còn các nước châu Á thì chặt tay hơn trong chi trả".

Một chi tiết nhỏ mà nhiều thành phần đoàn phim chia sẻ, họ thường kết hợp làm việc và nghỉ ngơi khi quay ở nước ngoài. "Tại Việt Nam, đoàn còn tranh thủ cho diễn viên ghé qua những danh thắng có tiếng như Hạ Long, Huế, Hội An... với chi phí hợp lý", đạo diễn Lý Vỹ trước khi thu xếp hành lý xuống Quảng Ninh đã nói.

NGA LINH

NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên