11/03/2011 14:48 GMT+7

Sẽ xuất hiện làn sóng phim Việt Nam

TRƯƠNG MINH QUÝ thực hiện
TRƯƠNG MINH QUÝ thực hiện

TTO - Giáo sư David James là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu điện ảnh của Trường đại học Nam California. Ông đặc biệt nghiên cứu về điện ảnh châu Á và điện ảnh avant-garde (tiên phong). Lần này sang Việt Nam, ông đã có buổi giảng dạy tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trong hai ngày 10 và 11-3-2011.

Giáo sư David James:

CTV TTO đã có buổi trò chuyện cùng ông.

J25gtvgT.jpgPhóng to
Giáo sư David James trong buổi giảng dạy ngày 10-3 tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM- Ảnh: Hà Nguyên Hùng

* Theo ông, đâu là sự khác biệt cơ bản giữa những bộ phim Hollywood và những bộ phim tác giả (auteur film)?

- Giáo sư David James: Trước hết, tôi muốn nói rằng điện ảnh ngày càng khẳng định được giá trị văn hóa của mình. Nó không chỉ mang giá trị là một sản phẩm văn hóa phổ thông (low culture), mà một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn có thể sánh vai với những tác phẩm văn học của Shakespeare, Dickens... vì thế điện ảnh còn mang giá trị văn hóa hàn lâm (high culture).

Một bộ phim tốt chính là một bộ phim phản ánh được hiện thực cuộc sống và sẽ hay hơn nếu bộ phim đó thể hiện được cả phong cách tác giả - đạo diễn. Trong khi đó, những bộ phim Hollywood đa phần chú trọng đến tính giải trí, với những câu chuyện xa rời thực tế.

Giáo sư David James đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về điện ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông cũng là chuyên gia về điện ảnh Hàn Quốc.

Hai buổi nói chuyện của ông tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM có nội dung: Những phát triển của lý thuyết điện ảnh ở phương Tây từ thập niên 1960 cho đến nayCác tác phẩm điện ảnh có chủ đề Phật giáo của Im Kwon-Taek.

* Trong quá khứ và ngay cả ngày nay, điện ảnh Hollywood vẫn có sức ảnh hưởng trên thế giới, song song đó là sự phát triển của loại phim độc lập - tác giả. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

- Giáo sư David James: Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế châu Âu suy sụp, kéo theo sự thụt lùi về điện ảnh. Điện ảnh Mỹ trong lúc này lại phát triển mạnh mẽ, lấn át điện ảnh của những nước châu Âu. Văn hóa Mỹ thông qua điện ảnh du nhập vào những nước này.

Đây cũng là giai đoạn xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa tân hiện thực Ý, với những nhà làm phim tiêu biểu như: Roberto Rosellini, Vittorio De Sica, Federico Fellini... Những tác giả này làm phim với mục đích thể hiện một cách chân thực thực tế của xã hội Ý sau chiến tranh, bên cạnh đó họ mong muốn điện ảnh Ý thoát dần sự ảnh hưởng của điện ảnh Hollywood, phục hưng nền điện ảnh quốc gia, tìm được một tiếng nói riêng.

Điều tương tự cũng xảy ra với điện ảnh Hàn Quốc khoảng 20 năm trước, khi bị lấn át bởi điện ảnh Mỹ.

Thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy điện ảnh Việt Nam vẫn đang bị lấn át bởi điện ảnh Hollywood, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa tìm được một tiếng nói riêng biệt và tạo được sự quan tâm với khán giả trong nước.

Tôi thấy rằng nền điện ảnh của các bạn khá giống với điện ảnh Hàn Quốc 20 năm trước (nhưng đến hôm nay thì điện ảnh Hàn Quốc đã dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ và tìm được tiếng nói riêng của mình). Tôi tin rằng đến một lúc nào đó cũng sẽ xuất hiện làn sóng phim Việt Nam.

4iF09WYN.jpgPhóng to
Giáo sư David James trong buổi giảng dạy ngày 10-3 tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM - Ảnh: Hà Nguyên Hùng

* Ông đã xem những bộ phim nào của Việt Nam và ấn tượng trong ông về những bộ phim đó?

- Giáo sư David James: Tôi đã được xem bộ phim kinh điển của các bạn là Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến, tôi đặc biệt thích những phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh như Bao giờcho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê... Đây đều là những bộ phim có nội dung rất gần gũi với cuộc sống, thiên nhiên Việt Nam.

* Điện ảnh Việt Nam ngày nay có hai xu hướng khá rõ: phim thương mại và phim tác giả. Ông nhận định thế nào về mối quan hệ giữa hai loại phim này?

- Giáo sư David James: Tôi nghĩ rằng cả hai loại phim đều cần thiết. Những bộ phim thương mại sẽ tạo được sự quan tâm của số đông khán giả, thu hút khán giả đến rạp. Sự phát triển của phim thương mại sẽ tạo nên những thuận lợi cho sự phát triển của phim tác giả. Cả hai loại phim đều quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của điện ảnh.

* Những người làm phim trẻ ở Việt Nam đa phần đều gặp khó khăn khi muốn làm một bộ phim mang tính tác giả. Ông có những chia sẻ kinh nghiệm gì với những nhà làm phim trẻ?

- Giáo sư David James: Trước đây, để làm một bộ phim đòi hỏi nhiều thứ về kỹ thuật: máy quay phim nhựa, thiết bị máy móc... Những đạo diễn lớn lúc đó như Ingmar Bergman, Akira Kurosawa... đa phần đều thuộc về một hãng phim. Sau đó tại Pháp đã xuất hiện trào lưu “Làn sóng mới” với những đạo diễn nổi tiếng như: Jean Luc Godard, Francois Truffaut... Những đạo diễn này đã quay những bộ phim tại những bối cảnh thực có sẵn với những diễn viên không chuyên.

Hoàn cảnh ngày nay khác rất nhiều so với quá khứ. Với tiến bộ khoa học công nghệ, bạn dễ dàng có trong tay một máy quay video với giá 200 đô, một máy tính có phần mềm dựng phim...bạn hoàn toàn có thể làm được một bộ phim ngắn. Nhưng điều quan trọng là bạn phải tạo được sự chú ý của mọi người với bộ phim của bạn. Internet là một công cụ hữu hiệu, bạn có thể đưa bộ phim ngắn của mình lên YouTube, bạn sẽ có hàng triệu người xem. Bạn hãy tận dụng mọi điều kiện trong tầm tay của mình để làm một bộ phim và hãy mang nó đến cho mọi người.

* Với những bộ phim tác giả thì việc thử nghiệm “lý thuyết tác giả” lên bộ phim là điều không tránh khỏi, nhiều khi sự thử nghiệm này quá mạnh tay. Ông nghĩ như thế nào về “cái nhìn riêng của tác giả” trong một bộ phim?

- Giáo sư David James: Tôi thích những bộ phim như vậy. Tôi không biết tại sao, nhưng đơn giản những bộ phim này làm tôi cảm thấy rất hứng thú.

* Xin cám ơn ông.

TRƯƠNG MINH QUÝ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên