29/10/2010 07:21 GMT+7

Màn ảnh nhân rộng trang sách

JORGE AMADO
JORGE AMADO

TT - Độc giả thường hỏi tôi, bằng thư hoặc bằng miệng, rằng họ muốn biết tôi nghĩ gì về việc chuyển thể các tác phẩm của mình lên màn ảnh, đài phát thanh, sân khấu, truyền hình.

fa78f7Rs.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Dona Flor

Tôi nhắc lại điều mình đã nói và viết: việc chuyển thể một tiểu thuyết dù có nâng đỡ thế nào thì vẫn luôn là sự cưỡng bức đối với tác giả. Chuyển thể có tốt đến mấy vẫn luôn có điều gì đó cơ bản đã bị thay đổi, bị rút bớt hoặc tăng lên, bị sai lệch khi đi từ trang sách lên sân khấu hoặc lên màn ảnh - màn ảnh lớn của điện ảnh, màn ảnh nhỏ của truyền hình.

Các tác phẩm của J. Amado (1912-2001) đã được dịch ra 50 thứ tiếng ở 55 nước trên thế giới và được chuyển thành phim, kịch. Ở VN nhiều tiểu thuyết của J. Amado đã được dịch: Đất dữ, Miền đất quả vàng, Ca cao, Têrêza, Dona Flor và hai người chồng, Gabriela nhành quế và hoa đinh hương.

Tiểu thuyết Gabriela nhành quế và hoa đinh hương viết năm 1958 và được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của J. Amado, được dựng thành phim truyền hình ở Brazil năm 1960 và 1976. Năm 1983 đạo diễn Bruno Barreto đã chuyển thể thành phim nhựa.

Cũng chính đạo diễn này đã đưa một tác phẩm khác của J.Amado, tiểu thuyết Dona Flor và hai người chồng, lên màn ảnh năm 1976. Bộ phim này là phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Brazil, đã được các đề cử cho giải Quả cầu vàng và Giải BAFTA.

Lẽ tự nhiên là phải như vậy. Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết là tôi đang làm một công việc thủ công, tôi là một người thợ nhắm đạt đến nghệ thuật văn học. Khi tôi bắt đầu một cuốn sách chỉ có tôi, chiếc máy chữ và trang giấy trắng.

Tính chất thủ công này biến mất khi chuyển thể: điện ảnh, đài phát thanh, truyền hình là những cái đối lập với nghề thủ công, đó là công nghiệp và thương mại, thứ sản phẩm làm ra để xem hoặc nghe (chứ không phải để đọc) cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để thực hiện một bộ phim mà chỉ có tác giả, trang giấy trắng, chiếc máy chữ (ngày nay là máy tính) thì chưa đủ. Việc quay một bộ phim cần phải huy động nhiều người: nhà sản xuất, nhà đạo diễn, nhà biên kịch và nhà thiết kế mỹ thuật, giám đốc hình ảnh và giám đốc âm thanh, nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên, kỹ thuật viên các loại, bộ phận ánh sáng, bộ phận trang phục, nhiều người, rất nhiều người.

Ở truyền hình còn thêm cử tọa, công chúng, khán giả, những người ngồi trước màn hình theo dõi nhiều tình tiết của các tiểu phẩm và có ảnh hưởng quyết định đến câu chuyện và nhân vật: một vai phụ tầm thường nhưng nếu công chúng thấy thích có thể trở thành vai chính, tình tiết phát triển theo cử tọa.

Tác giả tiểu thuyết bất kỳ lúc nào cũng cảm thấy bị tấn công và đột nhiên không nhận ra tác phẩm của mình nữa.

Vậy sao anh vẫn chấp nhận cho người ta chuyển thể các tiểu thuyết của mình, nếu biết mình sẽ bị xâm phạm, bị điên lên, bị đau khổ? Có ba lý do, tôi trả lời, cả ba đều quan trọng như nhau.

Tôi bắt đầu bằng việc thừa nhận ngay cả trong những sự chuyển thể kém cỏi nhất, sai lệch với nội dung, với chân lý của tác phẩm gốc nhất thì vẫn có một cái gì đó trong những điều tác giả muốn nói, trong cảm xúc muốn truyền đạt, một cái gì đó còn được giữ lại, được tái khẳng định, gần như luôn luôn là cái chủ yếu. Đấy là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, bởi vì tác phẩm viết đạt được con số mấy nghìn độc giả, in ra với số lượng 10.000 bản đã được coi là lớn, một cuốn sách bán chạy ở Brazil chỉ được 20.000 bản, thế thôi, còn những trường hợp ngoại lệ có được số lượng 100.000, 200.000 bản, hiếm khi là đúng.

Trong khi phim ảnh, tiểu phẩm và các loạt phim truyền hình có hàng triệu người xem, trong đó có nhiều nghìn người mù chữ, không hề biết đọc sách. Tieta - tôi nói về bộ phim truyền hình do Aguinaldo Silva viết kịch bản từ cuốn tiểu thuyết của tôi - mỗi tối có 50 triệu người say mê theo dõi, đó là điều tôi được biết. Còn lâu cuốn tiểu thuyết của tôi mới đạt tới được đám đông to lớn đó.

Để trung thực tôi phải nêu thêm lý do thứ ba cũng rất có sức nặng. Tôi là một nhà văn sống chỉ bằng tác quyền từ những lần xuất bản, dịch thuật và chuyển thể các sách của mình, tôi không có nguồn thu nhập nào khác.

Nhân dịp này tôi muốn trả lời một câu hỏi khác: có phải tôi can thiệp vào công việc của nhà chuyển thể, tranh cãi với họ - đồng ý, không đồng ý, đòi hỏi sự thay đổi, sự trung thành... Không hề có như vậy.

Tôi không làm việc chuyển thể, tôi hoàn toàn để nhà chuyển thể chịu trách nhiệm, tôi không muốn biết gì về chuyện ấy, không gì hết, hoàn toàn không gì hết. Tôi nghĩ một bản chuyển thể tốt là một sự tái sáng tạo, chứ không phải là bản nhại của tác phẩm gốc. Nếu tác giả xen vào đấy thì sẽ là một thảm họa.

Tôi xin kết thúc bằng một lời khuyên tự đáy lòng, rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Nếu anh không muốn đau khổ về sự chuyển thể tiểu thuyết của mình, bạn đồng nghiệp thân mến ơi, anh đừng đi xem phim, xem kịch, xem truyền hình.

Hãy nhận tác quyền trước, đòi thật đắt vào, đắt đến mức cao nhất, đó là sự bù trừ và rồi đừng quan tâm đến chuyện đó nữa...

JORGE AMADO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên