22/10/2010 05:16 GMT+7

Stephen Covey: "Hãy là người cho đi"

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TT - Là tác giả Bảy thói quen để thành đạt - cuốn sách gối đầu giường của các nhà lãnh đạo cũng như các tỉ phú thế giới, sự kiện Stephen R. Covey đến VN được rất nhiều người chờ đợi.

"7 thói quen để thành đạt" bị in lậu Lời giới thiệu "Thói quen thứ 8"

VZCR1V02.jpgPhóng to

Stephen R. Covey ký tặng sách cho người hâm mộ - Ảnh: Cát Khuê

Sáng 21-10 tại TP.HCM, hơn 100 doanh nhân hàng đầu đã chi 400 USD mỗi người cho ba giờ nghe Stephen Covey giảng về bảy thói quen cần có của nhà lãnh đạo. Chương trình “Người đương thời” của VTV1 cũng đón Stephen R. Covey như một nhân vật quan trọng khi tiến hành phỏng vấn ông ngay sau buổi diễn thuyết.

Và phóng viên Tuổi Trẻ được Stephen R. Covey dành những phút còn lại trước khi rời khỏi VN tiếp tục hành trình diễn thuyết qua bảy nước châu Á lần này của ông.

Stephen R. Covey sinh năm 1931 tại Utah (Mỹ). Ông được biết đến là một trong 25 người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ do tạp chí Time bình chọn sau thành công của cuốn sách Bảy thói quen để thành đạt.

Đây là cuốn sách bán chạy nhất suốt 20 năm qua với gần 20 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới và được phiên dịch ra hơn 38 thứ tiếng.

Tại VN, First News đã xuất bản các cuốn sách: Bảy thói quen để thành đạt, Thói quen thứ 8, Tư duy tối ưu...

* Ông từng nói mỗi con người cần biết một mối quan tâm trọng tâm của mình để xây dựng cuộc sống, vậy với một dân tộc, để xây dựng và phát triển cần đặt trọng tâm vào vấn đề gì, theo ông?

- Đối với một cá nhân cũng như một dân tộc thì sống theo các quy luật tự nhiên, sống với tinh thần phụng sự bằng sự tử tế, chính trực là những nguyên tắc bất biến.

* Ông từng nhận giải Người cha đáng kính nhất. Vậy gia đình có ảnh hưởng như thế nào từ bảy thói quen do ông viết ra?

- Rất nhiều người muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ, họ có những triết lý sống rất vĩ đại và sống rất sáng tạo. Họ xem cuộc sống của mình là sự theo đuổi một sứ mệnh nào đó trong sự nghiệp, sống sáng tạo với một tinh thần phục vụ cộng đồng một cách vô vị lợi.

Là người cha, tôi luôn có ý thức gia đình phải gặp nhau hằng tuần, chia sẻ các nguyên tắc, giá trị sống, cách rèn luyện năng lực cũng như cách lựa chọn mục tiêu sống.

* Ông có bằng tiến sĩ về thần học, ông nghĩ gì về giá trị của tôn giáo trong việc hình thành thói quen thành đạt? Triết lý của đạo Phật có câu: sống trong hiện tại. Điều này có mâu thuẫn không nếu phải thừa nhận rằng nghĩ đến tương lai chính là tiền đề cho sự thành đạt?

- Định nghĩa của tôi về quyền lãnh đạo là khái quát hóa những sứ mệnh, truyền đi những thông điệp rõ ràng cũng như khơi gợi ở người khác những tiềm năng. Tôn giáo là hiện thân của các nguyên tắc trong cuộc sống. Và các nguyên tắc đó ảnh hưởng đến mọi mặt của một dân tộc.

Chẳng hạn như khi bạn cống hiến cho hoạt động cộng đồng chính là bạn đã xác định được mục tiêu cuộc đời bạn như một tôn giáo hơn là bạn kỳ vọng nhận được những thứ đó từ người khác. Hãy là người cho đi thay vì là người đòi hỏi được nhận lại.

Tôi thích câu nói của giáo lý nhà Phật khi khuyên con người sống với hiện tại. Nhưng hiện tại là hiện thân của tương lai, là điểm bắt đầu cho tương lai. Và tương lai chính là tất cả những hiện tại về sau, đúng không!

* Theo ông, giới trẻ hôm nay nên bắt đầu học thói quen nào để sau đó có thể dễ dàng theo đuổi cả sáu thói quen còn lại?

- Đó là thói quen đầu tiên: hãy luôn chủ động để ý thức xác định rõ ràng sứ mệnh cá nhân của các bạn trước khi bước vào đời.

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên