14/05/2010 04:04 GMT+7

"Cô gái Úc hát chèo" trở lại

NGUYỄN MẠNH HÀ
NGUYỄN MẠNH HÀ

TT - Eleanor Clapham đã làm mọi người tò mò và sau đó bị thuyết phục khi trình diễn khá thuần thục các trích đoạn chèo và tuồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội hơn ba năm trước. Ngày 26-6, cô sẽ trở lại sàn diễn này với tư cách hơi khác: ca sĩ và nhạc sĩ. Tuy nhiên, âm nhạc của cô có lẽ vẫn được miêu tả bằng tính từ VN.

kRJM6ugv.jpgPhóng to
Eleanor lả lơi trong trích đoạn chèo cổ Thị Mầu lên chùa, biểu diễn tại chùa Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang - Ảnh: Trọng Chính

Sự kiện cô gái tóc vàng mang hai dòng máu Scotland và thổ dân Úc trình diễn chèo, tuồng ngay trên quê hương của các bộ môn nghệ thuật này đã được truyền hình Mỹ, Pháp, Đức, Thái Lan và Úc loan tin.

Được mời biểu diễn tại hội nghị APEC, được diễn chung với Xuân Hinh đêm giao thừa phát trực tiếp trên VTV..., thừa thắng xông lên, Eleanor - lúc này được biết đến với cái tên Hoàng Lan hay Thị Mầu Tóc Vàng - định vào TP.HCM chinh phục tiếp cải lương.

Muốn chinh phục cùng lúc nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống VN, nhưng từ bên trong Eleanor có những tiếng nói khác. “Thành công đột biến là điều tôi không lường trước và không biết phải làm gì với nó. Rất khó giải thích những gì đã xảy ra trong tôi. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi đã quá nghiêm khắc, không ngừng đòi hỏi bản thân mình và cuối cùng dẫn đến sụp đổ”.

Một năm rưỡi cho cả tuồng lẫn chèo với những người thầy không nói tiếng Anh. Có thể hình dung ra áp lực mà Eleanor phải trải qua để chinh phục hai bộ môn này.

Eleanor dừng học cải lương, đột ngột trở về Úc khiến thầy cô và bạn bè ở VN ngạc nhiên. Không ai biết cô trở thành một người pha cà phê ở một nhà hàng tại Sydney. Cô nghĩ đến chuyện từ bỏ nghệ thuật.

Nhưng khi vừa quyết định ghi danh học dược, bỗng một đạo diễn người Singapore liên lạc với Eleanor, mời cô sang diễn chèo. Eleanor coi đây như một sự huyền bí: “Sau suốt một năm loay hoay với nhiều dự định khác nhau và điều này xảy ra. Giống như ai đó nói với tôi rằng đừng từ bỏ quá sớm, rằng tôi vẫn còn món nợ với bản thân...”.

Eleanor nói: “Tôi đã cố gắng rèn luyện để hoàn thiện nghệ thuật truyền thống như những nghệ nhân mong muốn, nhưng liệu tôi có thể làm tốt bằng người VN? Từ bỏ tất cả những gì đã học được là một sự phung phí. Nhưng tôi cũng không muốn quay lại ép mình một cách nghiêm ngặt để theo đuổi một bộ môn nghệ thuật truyền thống quá đặc sắc. Tôi phải dùng những gì đã học sáng tạo ra nghệ thuật của chính mình”. D

ạo chơi trên đường phố Hà Nội sau chuyến lưu diễn Singapore, cô đã nghĩ ra con đường mới cho mình. Nó chính là ước mơ thuở nhỏ của cô: trở thành người viết nhạc.

Eleanor đã giới thiệu các sáng tác của mình tại một số tụ điểm ca nhạc ở Úc. Ngoài ra, cuối tuần Eleanor vẫn hát nhạc trẻ VN tại các đám cưới trong cộng đồng người Việt. 12 trong số 20 sáng tác của Eleanor sẽ được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm Trở lại (The awakening) 26-6 với sự hỗ trợ của các ca sĩ, nhạc sĩ và biên đạo múa VN. Các bài hát sau đó sẽ được tập hợp trong album đầu tay cùng tên sản xuất tại VN.

Những sáng tác kết hợp giữa nhạc pop phương Tây và nhạc truyền thống phương Đông của Eleanor kể lại câu chuyện của một người tìm lại ước mơ đã có lúc tưởng chừng phải vứt bỏ. Trong bài Ngã ba đường, Eleanor đã Việt hóa một thành ngữ của người Úc: “Anh hùng chết chỉ một lần trong đời, anh hèn chết cả ngàn lần”.

Đầu năm 2005, khi đang chuẩn bị tốt nghiệp ngành nghệ thuật biểu diễn ĐH Wollongong, Eleanor hoang mang khi hoàn thành khóa học opera với kết luận của giáo viên: cô không đủ năng khiếu cần thiết để trở thành nghệ sĩ opera.

Đúng lúc cô đang loay hoay tìm cho mình một lối đi, nghệ sĩ Úc gốc Việt Tạ Duy Bình đến giao lưu và diễn tuồng tại trường của Eleanor. Lần đầu tiên tiếp xúc với một môn nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ, Eleanor quyết định học tuồng để trở nên khác biệt với những nghệ sĩ đi trước.

Tháng 5-2005, Eleanor sang VN theo địa chỉ mà nghệ sĩ Tạ Duy Bình cho cô. Bà ngoại hứa cho cô tiền để làm của hồi môn, nhưng khi đó Eleanor cam đoan rằng: “Cháu sẽ không bao giờ lấy chồng (!). Tiền đó bà có thể cho cháu sang VN thực hiện ước mơ của mình”. “Vậy là sang năm lấy chồng, bà không cho tiền nữa rồi” - cô cười, hướng ánh mắt sang chàng trai ngồi cạnh.

Chàng trai - không xa lạ với khán giả kịch nói và truyền hình giữa những năm 1990 - chính là cựu diễn viên Cát Trần Tùng, hiện định cư ở Úc. Anh gặp Eleanor lần đầu khi đến trường cô dạy hát tiếng Việt. Tùng thu xếp công việc ở Úc để cùng Eleanor về VN thực hiện đêm nhạc Trở về lần này.

Chi phí cho một đêm diễn ở Hà Nội giờ đây đắt hơn họ tưởng. Họ đang chạy đôn chạy đáo tìm nhà tài trợ. Tuy nhiên, toàn bộ doanh thu của buổi diễn vẫn được dành cho KOTO (Know One Teach One - Biết Một Dạy Một) - trung tâm dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên