20/04/2010 08:38 GMT+7

Tìm Mẹ đến cuối đất cùng trời

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Trưa 14-4, gọi điện thoại cho nữ họa sĩ Đặng Ái Việt từ Sài Gòn. Nơi miền Trung đang rát bỏng nắng, giọng nữ họa sĩ vẫn đầy náo nức và sôi nổi trong tiếng gió thổi ù ù: “Mình mới vẽ xong chân dung một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi”.

o8aqPUsw.jpgPhóng to
Từ trái qua: Mẹ VNAH Mai Thị Lạc (sinh năm 1923, hiện ở xã A Nghiệp, huyện Tuy An, Phú Yên) có một người con duy nhất hi sinh năm 1969 - Mẹ VNAH Trịnh Thị Ân (sinh năm 1929, hiện ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có chồng và hai con hi sinh - Mẹ VNAH Lê Thị Nhì (sinh năm 1928, hiện ở huyện Tuy An, Phú Yên) có ba người con hi sinh năm 1968 và 1972

Ở Quảng Ngãi, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ ký họa xong chân dung 16 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẽ thêm khoảng 20 chân dung nữa, sau đó bà sẽ đi Quảng Nam.

Nữ họa sĩ kể về bữa cơm đạm bạc với mẹ Huỳnh Thị Hiệp (78 tuổi) ở thôn Minh Thành (xã Tịnh Minh, Quảng Ngãi) với giọng đầy xúc động: “Mẹ tự tay nấu cơm và bảo mình ở lại ăn với mẹ. Bữa trưa chỉ có cơm trắng và bầu xào. Thương mẹ cô đơn một mình trong căn nhà tình nghĩa ấy quá. Lúc chia tay, hai mẹ con ai cũng khóc”...

Chiếc Chaly xuyên Việt

Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... những vùng đất nữ họa sĩ Đặng Ái Việt lần lượt đi qua từ mồng 6 tết (ngày 19-2-2010) đến giờ chỉ để làm một việc: khắc họa chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi đưa ra ý tưởng của mình, những người con trong gia đình và đồng nghiệp, bạn bè không ai ủng hộ. Ở tuổi 62 lại đi xe máy một mình, làm sao lường hết những bất trắc dọc đường? Nữ họa sĩ mỉm cười và lắng nghe những lời khuyên. Nhưng vẫn quyết tâm đi!

Thời tiết những ngày này nắng rát mặt, gió thổi đến khô người. Có nơi mưa vừa tạnh đã rực nắng. Trên hành trình xuyên Việt ấy của nữ họa sĩ là chiếc xe Chaly cũ với ba bộ quần áo: bộ “nghiêm” bộ “nghỉ” khi đi làm việc và một bộ quần áo ngủ.

Không nhớ nổi bao nhiêu lần bà phải nhịn đói giữa... chợ làng vì chợ chỉ họp vào buổi sáng, tới 5, 6 giờ chiều về đến nhà trọ mới ăn. Chốn dừng chân nghỉ ngơi sau một ngày dài rong ruổi là nhà trọ bình dân đâu đó ven đường. Nữ họa sĩ đã đi qua không biết bao nhiêu bờ ruộng nhỏ xíu mấp mô, len lỏi vào tận những xóm làng có mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Con số kilômet trên chiếc xe Chaly đã mấp mé gần 2.000km.

Bà cho biết: “Chiếc xe ấy tôi mua cách đây 20 năm. Tôi mang theo đồ bơm xe đạp bằng chân, ruột xe, bugi... để gặp trục trặc giữa đường thì sửa ngay tại chỗ chứ đường vắng biết kêu ai. Đi một hành trình dài như thế nhưng tôi không chọn xe khách. Đi xe máy mình mới len lỏi vào ngõ ngách, rất thuận tiện cho việc đi lại. Đường trường quốc lộ 1A rất dễ đi. Chỉ khó là lúc đi trong đồng trong ruộng thôi. Nhiều chỗ cát lún quá, tay lái chao đảo, tôi chỉ sợ... gãy đồ nghề của mình”.

Nữ họa sĩ khẳng định: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng là đỉnh điểm về sự hi sinh và tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Chồng hi sinh, mẹ lại gạt nước mắt tiễn con ra trận. Tôi ngưỡng mộ và cảm phục đến mức coi mỗi người mẹ Việt Nam anh hùng như một thần tượng. Qua những câu chuyện kể về mẹ Việt Nam anh hùng, từ những bộ phim được xem và được nói chuyện với các mẹ, tôi hiểu và cảm được nỗi đau, mất mát và sự hi sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam.

Tôi nghĩ: nhất quyết phải lưu giữ lại hình ảnh của tất cả bà mẹ Việt Nam anh hùng cho các thế hệ sau. Họ cần biết về một lớp người, một thế hệ đã sống, cống hiến và hi sinh lặng thầm như thế”.

“Hành trình nét thời gian” (*)

Họa sĩ Đặng Ái Việt đã hoàn thành chân dung của 85 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở những nơi đi qua. Đến tỉnh nào bà cũng nhờ sở lao động - thương binh & xã hội tỉnh cung cấp danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng rồi xuống huyện cập nhật lần nữa, cuối cùng là xác minh lần cuối ở xã. “Có như thế mới không sót một trường hợp nào” - nữ họa sĩ khẳng định.

Bà ký họa trực tiếp chân dung mẹ Việt Nam anh hùng trong 30 phút. Bà vẽ nhanh, như chạy đua với từng giây từng phút để nắm bắt và thể hiện thần thái, dung mạo của từng người mẹ. “Tôi nói chuyện, cảm nhận và khi cảm xúc trào dâng thì vẽ như muốn gãy cả ngòi bút. Khi về phòng, tôi lại lấy bản thảo ra vẽ tiếp” - nữ họa sĩ nói.

Những người mẹ Việt Nam anh hùng hiện lên trong tranh ký họa chân dung của Đặng Ái Việt mỗi người một vẻ, một thần thái khác nhau: đôn hậu và vị tha, chịu đựng và mòn mỏi, mạnh mẽ, cứng cỏi can trường... Giản đơn và bình dị với hai màu đen và trắng, họa sĩ Đặng Ái Việt đã làm toát lên nét dung dị, chất phác và mộc mạc của người phụ nữ Việt trong từng ánh mắt, gương mặt mỗi người mẹ Việt Nam anh hùng.

“Đã từ rất lâu tôi muốn thể hiện đề tài này nhưng chưa có điều kiện. Hồi còn sống ổng lao về phía trước, mình phải lùi về sau “chụp gôn”. Giờ con cái đã trưởng thành tôi mới có thời gian thực hiện ý tưởng của mình. Tôi sẽ đi hết 63 tỉnh thành. Và vẽ hết các bà mẹ Việt Nam anh hùng mới thôi” - nữ họa sĩ và cũng là vợ của cố NSND Phạm Khắc khẳng định.

Nữ họa sĩ cho biết thêm: “Ý nguyện của tôi là phải hoàn thành hết những chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng để kịp triển lãm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10. Nếu không kịp tất cả tỉnh thành thì chí ít phải có vài trăm chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Nhật ký những ngày đi

dcnVC3NK.jpgPhóng to

Họa sĩ Đặng Ái Việt tại Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi xót lòng khi thấy nhiều mẹ còn sống nhưng bệnh nặng, nằm liệt giường, không thể vẽ được. Khi tôi đến Bình Định, biết ở đây có trên 200 mẹ còn sống nhưng chỉ có thể vẽ hơn 30 mẹ. Khi tôi đến huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) hỏi, người ta nói các mẹ đã chết hết. Mẹ cuối cùng chết năm 2009, khi đó mẹ thọ 112 tuổi. Tôi lặng người vì nuối tiếc và miên man cảm giác có lỗi... Nỗi tiếc nuối và xót xa như một người con đến muộn, về quá trễ theo tôi suốt hành trình.

45 năm cầm cọ, tôi muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho những người đã khuất. Càng đi tôi càng sợ. Tôi thấy thời gian trôi quá nhanh, còn mình dường như chậm lại. Tôi sợ mình đến trễ quá, không kịp, khi mẹ không còn nữa hoặc còn nhưng quá già yếu thì lại mất đi một bà mẹ VN anh hùng.

[...] Những tháng ngày qua khiến tôi nhận ra một điều: vẽ bà mẹ VN anh hùng rất khó vì các mẹ rất nhiều nếp nhăn. Nếp nhăn này chồng lên nếp nhăn kia. Nỗi đau nào của mẹ cũng quá lớn và sâu... Làm sao để thể hiện được thần thái của từng mẹ? Không biết bao lần tôi vừa vẽ vừa khóc. Mẹ héo hắt, gầy gò. Mẹ đợi chờ mòn mỏi. Mẹ chịu đựng và can trường.

Tôi vừa vẽ vừa trò chuyện để nắm được cái thần thái toát ra ở mẹ, khắc họa nét đôn hậu, sự chịu đựng và dũng cảm của mẹ. Rất nhiều lần tôi tự hỏi: tại sao mẹ có thể chịu đựng được nỗi đau quá lớn đến thế? Lần nào câu trả lời cũng là những khoảng lặng...”.

(*) Tên triển lãm của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày 30-4-2010.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên