15/06/2009 04:15 GMT+7

Lại chuyện "ông Bùi Tín tiếp nhận đầu hàng"

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Thỉnh thoảng đọc sách và tài liệu liên quan đến lịch sử lại thấy ông Bùi Tín (nguyên đại tá, phó tổng biên tập báo Nhân Dân, hiện định cư tại nước ngoài) xuất hiện, với tư cách sĩ quan cao cấp nhất của quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng từ nội các Dương Văn Minh ngày 30-4-1975. Chuyện này hoàn toàn sai sự thật, nhưng cứ lặp đi lặp lại trong các cuốn sách xuất bản trong nước gần đây.

GVzgFAZx.jpgPhóng to

Đại tá về hưu Bùi Văn Tùng (năm 2007) với tấm ảnh chụp ông (khi đó là trung tá chính ủy) và nhà báo Borries Gallasch tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 -Ảnh tư liệu

Chẳng hạn, NXB Lao Ðộng vừa cho ra lò cuốn sách Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam? của tác giả Nguyễn Phú Ðức (nguyên cố vấn của tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, tổng trưởng ngoại giao năm 1973). Trong sách có đoạn thuật lại diễn biến trưa 30-4-1975 ở dinh Ðộc Lập như sau:

... "Trung tá Bùi Quang Thận - chỉ huy lữ đoàn xe tăng - cùng với hai người lính tăng trong tay lăm le tiểu liên AK-47 và Bùi Tín - phó tổng biên tập báo quân đội Nhân Dân - chạy nhanh qua sân bước lên cầu thang lớn rồi xông vào phòng tổng thống như cơn gió lớn...".

Thấy ngay là tác giả đã nhầm lẫn trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận với trung tá chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng. Và lại càng không có chuyện đại tá Bùi Tín "xông vào phòng tổng thống như cơn gió lớn" vào khoảnh khắc đó. Những người đầu tiên vào dinh đều là sĩ quan cấp úy và chiến sĩ quân giải phóng thuộc lữ đoàn tăng 203, trung đoàn bộ binh 66 và trung đoàn đặc công biệt động 116. Ðến ít phút ngay sau đó là trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng, sĩ quan quân giải phóng có cấp bậc cao nhất trong dinh lúc đó.

Như vậy, trong khoảnh khắc lịch sử tại dinh Ðộc Lập trưa 30-4-1975 chỉ có hai ông họ Bùi là Bùi Quang Thận (người cắm cờ) và trung tá Bùi Văn Tùng (người tiếp nhận đầu hàng). Ông họ Bùi thứ ba là Bùi Tín lúc ấy còn ở cách dinh cả chục cây số nên không thể có vai trò gì trong khoảnh khắc lịch sử ấy cả. (Thật ra, ông Bùi Tín có xuất hiện tại dinh Ðộc Lập chiều hôm đó và đã phỏng vấn tướng Dương Văn Minh cùng một số thành viên nội các, nhưng ông đến khi mọi chuyện đã xong xuôi).

Và vì không có chuyện đại tá Bùi Tín "xông vào phòng tổng thống như cơn gió lớn" nên cũng không thể có tình tiết này như trong sách của tác giả Nguyễn Phú Ðức: "Tướng Dương Văn Minh với phó thủ tướng Vũ Văn Mẫu (thật ra ông Mẫu lúc đó là thủ tướng) đứng lên nói với họ (tức nói với Bùi Tín và Bùi Quang Thận): "Thưa các ông, tôi chờ các ông đến bàn giao chính quyền". Tướng Minh nhận được câu trả lời đanh thép:"Ông làm gì còn chính quyền nữa mà bàn giao". Ngay lập tức Minh và Mẫu bị giải đi, đầu cúi xuống đến Ðài phát thanh Sài Gòn...".

Hẳn bạn đọc còn nhớ cuốn Ðiệp viên hoàn hảo (NXB Thông Tấn, viết về anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn) của GS Larry Berman được dịch và xuất bản ở VN cách đây không lâu. Trong cuốn sách này, tác giả Larry Berman lại viết rằng "đại tá nhà báo Bùi Tín là người tiếp nhận đầu hàng từ nội các Dương Văn Minh". Thậm chí ở một trang khác, tác giả viết thế này: "Ðại tá Bùi Tín nói với Minh "lớn": Chính quyền cũ đã hoàn toàn sụp đổ. Ông không thể bàn giao cái mà ông không có. Các ông phải đầu hàng ngay tức khắc!". Trời ạ, "phải đầu hàng ngay tức khắc" cái gì nữa, khi mà ông Minh đã đọc lời tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh trước đó rất lâu rồi!

Ðặc biệt, Larry Berman hoàn toàn không chính xác khi thuật lại rằng: "Bùi Tín hỏi Minh "lớn" vì sao tóc ông để dài, trong khi ông đã từng thề là sẽ để tóc ngắn chừng nào mà Nguyễn Văn Thiệu còn làm tổng thống. Minh "lớn" cười...". Sai sót này xem ra rất hài hước! Bởi làm gì có chuyện ông Minh để tóc dài tóc ngắn. Larry Berman đã nhầm lẫn sang... thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người cạo đầu vào năm 1963 để bày tỏ thái độ đối với anh em ông Diệm - Nhu và lần thứ hai vào cuối năm 1973 để phản đối tổng thống Thiệu.

Những sai sót nói trên của các tác giả là có thể hiểu được, liên quan đến việc thu thập và tham khảo tài liệu của họ. Nhưng nó hoàn toàn có thể được phát hiện nếu biên tập viên chịu khó tìm hiểu kỹ hơn, qua những tư liệu khác, trước khi cho ra mắt người đọc VN. Vì chuyện xảy ra ở xứ mình mà, nói lung tung đâu có được!

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên