05/12/2007 07:00 GMT+7

Bộ phim tài liệu qui mô về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Ngày 4-12, Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức họp báo ra mắt bộ phim tài liệu Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.

aIP3Ify0r.jpgPhóng to
Cố thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn - Ảnh Tư liệu
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Với độ dài 12 tập, mỗi tập 20 phút, đây là bộ phim tài liệu chân dung dài nhất, qui mô nhất của Hãng phim TFS làm về vị tướng tình báo - điệp viên hoàn hảo này.

Phim sẽ phát sóng lần lượt trên ba kênh truyền hình lúc 12g30 từ ngày 9-12 trên kênh HTV9, lúc 20g30 trên HTVC gia đình và phát lại một ngày sau đó lúc 7g25 trên HTV9.

Thông qua cuộc đời hoạt động tình báo của anh hùng lực lượng vũ trang, nhân vật mang bí danh X6 - Phạm Xuân Ẩn (tức Hai Trung), những nét chấm phá đầy huyền thoại của cuộc đời ông đã được nữ đạo diễn Phong Lan xây dựng nên một bộ phim hấp dẫn và cuốn hút. Sau hai bộ phim tài liệu Biệt động Sài Gòn dài sáu tập và phim Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc dài hai tập do TFS sản xuất phát sóng đã lâu, đến nay mới có một bộ phim tài liệu chân dung dài hơi chạm đến vấn đề nhạy cảm: mạng lưới tình báo trong chiến tranh VN.

"Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn không đơn giản là một bộ phim tài liệu về chân dung một nhà tình báo, mà bộ phim như những ánh đèn flash điểm lại cuộc chiến tranh cũng như điểm lại những cột mốc khái quát của hệ thống tình báo VN" - một nhà báo không kiềm được cảm xúc đã phát biểu như vậy sau khi xem phim.

Được thực hiện trong hơn năm năm, từ khi tướng Phạm Xuân Ẩn còn sống cho đến khi ông qua đời, bộ phim mới hoàn thành. 12 tập phim là những tư liệu quí giá thể hiện xuyên suốt về cuộc đời hoạt động tình báo trong lòng địch của vị tướng mưu lược, dũng cảm. Ở mỗi tập của bộ phim, người xem như khám phá từng câu chuyện kết nối xuyên suốt của một chặng dài lịch sử. Đặc biệt, trong phim có sử dụng những tư liệu hình ảnh chưa công bố từ trước đến nay về chiến tranh VN.

Theo ông Lý Quang Trung - trưởng phòng phim tài liệu Hãng phim TFS, TFS rất thận trọng trong việc làm bộ phim tài liệu này, nhất là khi sử dụng những tài liệu chưa công bố. Những tư liệu được sử dụng lần đầu tiên này nằm trong kho tư liệu chiến tranh của quân đội Mỹ giai đoạn 1959-1965, được các nhà làm phim Pháp mua lại. HTV đã mua lại những thước phim này từ rất lâu nhưng nay mới có "đất dụng võ”.

Điểm đặc biệt của phim là đạo diễn Phong Lan không chỉ phác họa chân dung Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo mưu lược tài hoa mà còn là hình ảnh rất đời thường của ông, lúc ông là một người bình thường nhất: chăm sóc vườn nhà, tưới cây, thăm thú bạn bè. Và cảm động nhất là hình ảnh cuối đời của ông trên giường bệnh.

Đạo diễn Phong Lan cho biết: "Khi tôi bắt tay làm bộ phim này, ông Ẩn đã hứa ba điều: một là ông cung cấp tất cả thông tin về phía Mỹ; hai là cung cấp thông tin về nội dung các trận đánh, các mốc lịch sử mà mạng lưới tình báo hoạt động và ba là ông sẽ nói về ông và các chiến công của ông. Hai điều đầu ông đã thực hiện trọn vẹn. Còn điều thứ ba, lúc ấy ông Ẩn yếu lắm, chỉ thở ôxy, đoàn phim đành bỏ dở. Nên 12 tập phim, đó là tất cả những gì đoàn làm phim đã mô tả trọn vẹn về ông để thực hiện trọn ba lời hứa của mình".

eFPs7Xiz.jpgPhóng to

Đạo diễn Phong Lan

Đạo diễn Phong Lan không giấu cảm xúc của mình khi nói về nhân vật trong bộ phim chị miệt mài, ròng rã hơn năm năm trời để hoàn thành:

- Tôi có ý tưởng làm phim về ông từ năm 2001, sau khi đọc một vài bài báo nước ngoài viết về ông - một nhân vật đặc biệt - tôi nghĩ thế. Thuyết phục được hãng phim đồng ý đề tài chỉ là khó khăn đầu tiên. Khó khăn nhất là thuyết phục ông Ẩn đồng ý cho chúng tôi làm phim.

Hồi ấy, chiều nào cứ khoảng 4, 5 giờ là tôi chạy sang nhà ông, tỉ tê trò chuyện, chủ yếu là nghe ông nói, nghe ông kể chuyện xưa. Gần cả năm trời, ông Ẩn mới gật đầu đồng ý. Nhưng từ khâu viết kịch bản đến khâu quay hình là cả vấn đề. Thời điểm này phía VN mình hầu như "đóng cửa" các thông tin về vấn đề tôi đề cập là tình báo. Tôi tưởng chừng như bế tắc khi tìm kiếm thông tin, đâu phải ý kiến ai nói cũng đúng, làm sao để kiểm chứng. Lại mày mò, lại tìm hiểu, đối chiếu, chắt lọc.

* Được biết khi bộ phim đang thực hiện, cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman ra mắt độc giả VN, tạo nhiều hiệu ứng. Chị có bị áp lực khi phim của mình chưa hoàn thành?

- Có chứ, tôi bị áp lực rất lớn. Làm sao để chuyển tải câu chuyện cho đúng chất của nó. Lúc ấy tôi... chựng lại nhưng sự chựng lại nhanh chóng qua. Tôi thích cách Larry Berman khai thác hình ảnh ông Ẩn nhưng Larry Berman viết về ông theo cách nhìn của một người nước ngoài. Tôi làm phim về ông theo cách nhìn của một người VN, một thế hệ sau ông.

Khi Larry Berman sang đây tìm tư liệu viết về ông Ẩn, tôi cũng đã giúp ông ấy tiếp xúc với các nhân vật liên quan trong mạng lưới giao liên tình báo. Và quan trọng tôi hiểu mình đang làm gì. Chiến công của ông Ẩn rất nhiều người VN biết, nhưng quá trình hoạt động tình báo của ông như thế nào, mấy ai biết ngoài cấp trên của ông.

* Chị phát biểu chị yêu Phạm Xuân Ẩn?

- Nếu cho tôi sống vào thời kỳ của ông, nếu tôi biết ông thì tôi sẽ tìm ông ấy và yêu ông ấy (cười)…Nói đúng hơn, tôi yêu nhân vật trong phim mình, bởi qua khoảng thời gian dài tiếp xúc với ông, Phạm Xuân Ẩn với tôi sau hình ảnh một vị tướng tình báo tài ba là một hình ảnh rất đời thường, rất con người mà bất kỳ phụ nữ nào gặp đều cảm thấy cảm mến và bị thuyết phục bởi cách ông ấy sống trong cuộc đời.

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên