Ngoại trưởng Kerry "thọ nạn"

DANH ĐỨC 20/04/2014 02:04 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng Ukraine chính là giọt nước làm tràn ly khiến tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ phải quở trách Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về những thất bại đối ngoại liên tiếp của ông trong một năm qua, làm nước Mỹ mất vị thế.

Ngoại trưởng John Kerry tại phiên điều trần trước tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8-4 - Ảnh: Reuters

Sáng thứ hai 14-4 (giờ VN), vào lúc “ở bên kia Đại Tây Dương 50.000 quân Nga đang hờm sẵn ở biên giới với Ukraine chờ một Crimea tập 2” (như cáo buộc của phương Tây), thì trên Đài CBS, trong chương trình Face the nation giờ vàng buổi tối chủ nhật (giờ Mỹ), thượng nghị sĩ John McCain tới tấp “nã đạn” vào Ngoại trưởng John Kerry.

Ông McCain lôi vụ Ukraine ra luận tội ông Kerry: “Tôi nghĩ rằng đó là hậu quả của việc ông Vladimir Putin đã lấn dần rồi sáp nhập Crimea... Ông ta được khuyến khích bởi cái thực tế là chúng ta chỉ trừng phạt một vài người và chỉ đình chỉ việc ông ta tham dự G8, thậm chí còn không tống ông ta ra khỏi G8”.

Ông McCain yêu cầu Washington cần phải hành động kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa, dù có thể khiến các nước châu Âu thân hữu và cả Mỹ phải tốn kém đôi chút trong ngắn hạn, ý ám chỉ việc tìm một nguồn cung cấp khí đốt khác, giá cả có đắt hơn, để khí đốt của ông Putin ế một thời gian. “Họ có một nền kinh tế rất mong manh. Tuy là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, song thật ra chỉ là một cây xăng hơn là một quốc gia” - ông McCain đánh giá Nga.

Ông McCain cũng không ngớt lời trách móc Tổng thống Barack Obama và ông Kerry: “Ukraine sẽ chiến đấu. Họ đã không chiến đấu ở Crimea, nhưng nếu ông Putin xâm lấn miền đông Ukraine hơn nữa theo kiểu đó thì họ sẽ chiến đấu. Ít nhất, chúng ta phải cung cấp cho họ một số vũ khí nào đó để họ tự vệ.

Cho đến nay, chính quyền này không những đã không làm điều đó, mà thậm chí còn không chia sẻ tin tức tình báo với Chính phủ Ukraine. Tôi có thể cho biết từ các cuộc trò chuyện của tôi với những người trong Chính phủ Ukraine rằng họ cảm thấy bị chúng ta bỏ rơi. Và quả thật là như thế!”.

Thất bại toàn tập

“...Chúng ta không nhất thiết cứ phải luôn ra lệnh cho mọi việc phải kết thúc theo cách chúng ta muốn, đặc biệt là trên thế giới nay đang có những cường quốc kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Hàn Quốc, Brazil và nhiều nước khác...”

Ông John Kerry

Có vẻ như nghị sĩ McCain còn ấm ức với cuộc điều trần xin duyệt ngân sách của Ngoại trưởng Kerry trước tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8-4 trước đó qua một trận cãi nhau tay đôi kịch liệt. Khi ông McCain kết luận “trên các lĩnh vực then chốt, chính quyền này đã thất bại thảm hại”, ông Kerry đã thản nhiên trả lời: “Nhất định là chúng ta thất bại rồi. Song sao ông lại muốn đổ lên đầu tôi? Có thể tôi đã thất bại. Song tôi chẳng cần. Việc đã làm cũng đã là đáng giá rồi”.

Bực quá, ông McCain “phang” luôn: “Ông đang thua “cá cặp ba” đấy. Hội đàm Geneva II sụp đổ hoàn toàn, như tôi đã từng báo trước cho ông. Tôi đã báo trước với ông rằng dù cho ta có để cho người Iran quyền được làm giàu uranium thì các cuộc đàm phán cũng sẽ sụp đổ...

Đàm phán Israel - Palestine, cho dù ông có ráng lôi đi được một lúc, cũng đã xong! Còn về vấn đề Ukraine thì người hùng của tôi, Teddy Roosevelt, vẫn thường nói rằng “đàm phán thì nhẹ nhàng thôi, song hãy mang theo một cây gậy to...”. Còn ông thì ăn to nói lớn, nhưng lại mang theo một cái cây bé tí cỡ đầu ngọn của một nhánh cây”. Ông Kerry không kiềm chế, trả đũa: “Ông bạn Teddy Roosevelt của ông cũng đã từng nói rằng công trạng thuộc về những ai đang ra sức trong đấu trường cho đến khi kết thúc... Và chúng tôi đang ra sức kết thúc mọi việc”.

Việc cả hai ông McCain và Kerry cùng lôi “ông cụ kỵ” Teddy Roosevelt (tức tổng thống Theodore Roosevelt, cầm quyền từ năm 1901 đến 1909) ra đấu với nhau quả là “cổ lai hi”! Còn độ “cá cặp ba” mà ông McCain nói tới là: 1/Hội nghị Geneva II giải quyết cuộc khủng hoảng Syria tháng 9 năm ngoái theo sáng kiến của Nga, nay đã tan hàng; 2/Đàm phán Israel - Palestine mà ông Kerry đã dồn sức nhiều nhất cũng chẳng đi đến đâu; 3/Ukraine đang tan rã ngay trước mắt!

Không chỉ nghị sĩ McCain “tố” Ngoại trưởng Kerry. Trước đó, nghị sĩ James Risch cũng đã trách: “...chính sách đối ngoại của chúng ta đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và chúng ta đang mất kiểm soát trong hầu như tất cả mọi lĩnh vực mà chúng ta đang định làm một điều gì đó”. Đến lượt nghị sĩ Bob Corker, ông này nhắc đến việc tháng 8 năm ngoái ông Kerry hăm tấn công Syria rồi cuối cùng rụt tay, lò dò đi theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới hội nghị Geneva II để ra khỏi cuộc đôi co: “Cuối cùng chúng ta nhảy vô lòng Syria, ngồi sau xe buýt trong khi Iran và Nga đang cầm lái chính sách ở Syria”.

Cả nghị sĩ Robert Menendez thuộc Đảng Dân chủ, chủ tịch tiểu ban đối ngoại thượng viện, khi giới thiệu ông Kerry cũng “khều nhẹ”: “Chào mừng ông trở lại Washington. Tôi hiểu ông đã phải bay đến 44 quốc gia và giam mình trên không trong hơn 855 giờ, tính ra là 35 ngày ròng rã...

Hôm nay chúng tôi muốn được nghe những ưu tiên của ông đối với Bộ Ngoại giao trong năm tới... Vào lúc tình hình tại Ukraine, Syria và Venezuela chứng minh rằng chưa bao giờ lại cần đến sự lãnh đạo và dấn thân của nước Mỹ nhiều như bây giờ”. Ý ông Menendez là ông Kerry di chuyển nhiều như vậy, song chưa bao giờ Mỹ lại “tỏ ra thiếu lãnh đạo thế giới” như hiện nay!

Thời thế, thế thời phải thế!

Câu trả lời của ông Kerry khiêm tốn thật bất ngờ, song rất sát thực tế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”: “Nước Mỹ có quyền lực, sức mạnh to lớn... Song chúng ta không nhất thiết cứ phải luôn ra lệnh cho mọi việc phải kết thúc theo cách chúng ta muốn, đặc biệt là trên thế giới nay đang có những cường quốc kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Hàn Quốc, Brazil và nhiều nước khác...”.

Bản thân ông Kerry, từ một tháng qua đã cùng các trợ lý mấy lần ra hết hạ viện đến thượng viện để xin duyệt ngân sách Bộ Ngoại giao năm 2015, có lúc phải ra trước hai tiểu ban trong cùng một ngày như hôm 13-3. Ông Kerry ra để tả khổ như ở phần đầu bài diễn văn ngày 8-4: “Chúng ta đang sống trong một thế giới cực kỳ phức tạp không giống như bất cứ giai đoạn nào mà đa số chúng ta đã lớn lên trong đó... Câu hỏi sinh tử phải trả lời là nước Mỹ chúng ta sẽ làm thế nào để đối phó, trong khuôn khổ ngân sách của chúng ta...?”.

Chưa bao giờ chính sách đối ngoại của nước Mỹ lại tùy thuộc ngân sách như ở thời kỳ hậu - Bush “con” này! Hai cuộc chiến tranh phá sản Afghanistan và Iraq đã khiến nước Mỹ “rách bươm”, khác hẳn với nước Mỹ mà ông Kerry kể là đã lớn lên, đem tiền đi phát chẩn châu Âu sau Thế chiến thứ nhì theo kế hoạch Marshall. Trớ trêu là hôm 7-2, các chính khách Ukraine còn ngây thơ hỏi trợ lý ngoại trưởng Victoria Nuland về một kế hoạch Marshall “bis”!

Họ đâu có ngờ rằng ngân sách dành cho cả cuộc khủng hoảng Ukraine mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua chỉ vỏn vẹn là một bảo lãnh cho vay 1 tỉ USD mà thôi, chứ không phải “tình cho không, biếu không”! Và giờ đây, ông Kerry phải ra trước thượng viện nài nỉ từng xu cho ngân sách Bộ Ngoại giao: “...Mỗi người Mỹ chỉ trả một xu cho mỗi một đôla tiền thuế để trả cho số 46,2 tỉ đôla theo yêu cầu này” (điều trần ngày 8-4). Éo le thay, ngân sách dành để hỗ trợ an ninh cho Israel vẫn cứ là 3,1 tỉ USD (điều trần ngày 12-3).

Thất bại cá nhân ông Kerry hay của cả chính quyền Obama như là hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công vô phương gỡ, hoặc dấu chỉ của giai đoạn suy vong? Dẫu sao cũng là một bài học nhãn tiền: chớ ưa mang nợ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận