Mỹ sẽ phong tỏa Trung Quốc?

HỮU NGHỊ 28/02/2014 03:02 GMT+7

TTCT - Mới đây, James Cogan, một chính khách Úc, đã báo động nguy cơ Mỹ sẽ sử dụng Úc làm căn cứ chủ yếu cho kế hoạch phong tỏa Trung Quốc, trong một bài viết đăng trên World Socialist Web Site (WSWS, Mạng XHCN thế giới) mang tựa đề “Các nhà phân tích Mỹ tranh luận kế hoạch chiến tranh chống Trung Quốc”.

Thực hư thế nào?

Lính thủy Trung Quốc trên tàu đổ bộ tại khu vực bãi cạn James, cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia 80km - Ảnh: bankami.net

James Cogan cho biết vào năm ngoái đã có cuộc tranh luận trong giới học giả quân sự ở Mỹ về một kế hoạch tối ưu phòng chống hiểm họa Trung Quốc giữa hai trường phái “không - hải tác chiến” (air - sea battle) và “kiểm soát biển xa” (offshore control). Cho dù là trường phái nào thì Mỹ vẫn hiện hình như là kẻ hiếu chiến, qua tranh luận của các học giả này.

Nguy cơ của "Không - Hải tác chiến"

James Cogan cho biết nay các học giả Mỹ bắt đầu chỉ trích khái niệm không - hải tác chiến hiện đang được xem là đường lối quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bắt đầu là bình luận của hai học giả David Gompert và Terrence Kelly của RAND Corporation: “Quân lực Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tấn công thực địa và trên mạng chống lại hệ thống cảm ứng và hệ thống vũ khí “sát thương dây chuyền” của đối phương nhằm triệt hạ các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của họ, đánh nát các điểm xuất kích máy bay, tàu bè và tên lửa của họ, và cuối cùng là đánh hạ các vũ khí mà họ đã bắn đi. Càng sớm đánh tan dây chuyền sát thương của đối phương, quân lực Mỹ càng bớt tổn thương và càng gây thiệt hại cho quân địch”.

Trung Quốc tất nhiên sẽ không bó tay. Gompert cùng Kelly cảnh báo rằng phía Trung Quốc hiểu rõ điều đó, qua kinh nghiệm của Iraq năm 1991 và 2003 sau khi Mỹ tung ra các cuộc tấn công phủ đầu bằng không quân và hải quân đánh nát hệ thống chỉ huy và hệ thống phòng thủ của Iraq, nên sẽ ra tay bằng bom hạt nhân, thậm chí ra tay trước Mỹ! Khái niệm không - hải tác chiến nguy hiểm là ở chỗ đó nên bị ngay chính giới học thuật Mỹ phản bác.

James Cogan nêu giả định sau: “Các chuyến bay khiêu khích của máy bay quân sự Mỹ xuyên qua khu vực nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc bởi chính quyền Obama và Chính phủ Nhật đã tạo nên khả năng xung đột vũ trang tại Đông Á”, và rằng “nếu vào lúc đó xảy ra đụng độ giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc có lẽ đã dẫn đến việc một trong hai bên tung ra một đáp trả quân sự toàn diện trước khi bên kia ra tay”, và rằng “Bắc Kinh bị dồn đến cùng đường sẽ quyết định sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình trước khi bị Mỹ không kích quét sạch kho vũ khí đó”.

Trong ngôn từ và lập luận của James Cogan, Mỹ, Nhật đã khiêu khích Trung Quốc trước trong vụ ADIZ tạo nguy cơ xung đột hạt nhân, chứ không phải Trung Quốc.

Phong tỏa kinh tế

James Cogan là trợ lý bí thư toàn quốc của Đảng Công bằng chủ nghĩa xã hội (SEP) ở Úc, mà trong cuộc bầu cử năm 2010 đã giành được tổng cộng 11.160 phiếu bầu Hạ viện, chiếm tỉ lệ 0,09% tổng số phiếu, nên không được ghế nào; còn trong bầu cử Thượng viện cũng chỉ được 13.945 phiếu, chiếm tỉ lệ 0,11%, nên cũng không được ghế nào. Ông giới thiệu tiếp một kế hoạch mới của một đại tá thủy quân lục chiến Mỹ hồi hưu tên Thomas X.

Hammes, theo đó Mỹ nên tập trung chuẩn bị phong tỏa kinh tế Trung Quốc, thay vì tấn công bằng không - hải lực vào các mục tiêu trên đất liền của nước này: “Kiểm soát biển xa nhằm kết thúc cuộc xung đột qua việc làm kiệt quệ nền kinh tế Trung Quốc mà không gây tổn hại đến hạ tầng cơ sở của Trung Quốc hoặc dẫn đến một sự leo thang xung đột nhanh chóng... Điều đó có nghĩa là đánh chìm, ngăn chặn các tàu bè (của Trung Quốc) và buộc quay đầu lại”..., “80% dầu hỏa nhập khẩu của Trung Quốc trung chuyển qua eo biển Malacca. Nếu Malacca, Lombok, Sunda cùng các hải lộ nằm ở phía bắc và phía nam nước Úc được kiểm soát, các chuyến tàu vận tải ấy sẽ bị cắt đứt”.

Bài viết của James Cogan giống như một bản “cáo trạng” cảnh báo việc các nhà phân tích chiến lược tối ngày ăn no rồi tính chuyện chiến tranh với Trung Quốc, đúng như tựa đề “Các nhà phân tích Mỹ tranh luận kế hoạch chiến tranh chống Trung Quốc”.

Thông điệp thật của giáo sư Hammes

Đúng là đã có một cuộc tranh luận giữa hai trường phái không - hải tác chiến và kiểm soát biển xa mà người phát ngôn của trường phái thứ hai này là cựu đại tá Hammes, còn được biết đến như là tiến sĩ Hammes, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia.

Mở đầu biên khảo của mình mang tựa đề “Kiểm soát biển xa: một chiến lược đề xuất cho một cuộc xung đột ít có khả năng xảy ra”, tiến sĩ Hammes nhắc lại rằng các khả năng của Trung Quốc trong việc “chống đến gần/cấm xâm nhập lãnh thổ” (antiaccess/area-denial, A2/AD) đã dẫn đến việc Lầu Năm Góc đề ra khái niệm không - hải tác chiến nhằm có thể vượt qua hàng rào ngăn chặn của Trung Quốc để tấn công hủy diệt.

Tiến sĩ Hammes cho rằng ngân sách hiện tại của Mỹ đang “trói tay” Mỹ trong việc huy động và sử dụng các phương tiện chiến tranh, mặt khác do Trung Quốc đang hờm sẵn một kho vũ khí hạt nhân nên Mỹ cũng sẽ ái ngại ra tay.

Thành ra, ông đề xuất chiến lược kiểm soát biển xa vừa đáp ứng được các yêu cầu chiến lược của Mỹ trong khuôn khổ các tài nguyên khiêm tốn hiện tại của Mỹ, vừa tận dụng lợi thế địa lý là Thái Bình Dương, từ đó sẽ làm dịu bớt khủng hoảng và giảm bớt sức ép leo thang trong một cuộc khủng hoảng tiềm năng.

Ông nhấn mạnh “nhất thiết cần phải hiểu rằng không có một chiến lược “tốt” nào cho một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc..., mà phải tìm kiếm một chiến lược “ít xấu nhất” mà thôi”.

Giải pháp ít xấu nhất đó, sách lược kiểm soát biển xa, không chủ yếu nhắm vào tấn công mà cơ bản mang tính phòng thủ: “...Sẽ cho phép Mỹ và các lực lượng đồng minh chiến đấu trong khuôn khổ phòng vệ hỗn hợp không - hải quân trên lãnh thổ của các nước này. Các hòn đảo nhỏ từ Nhật Bản đến Đài Loan, rồi xuống đến đảo Luzon (của Philippines) sẽ cung cấp các khả năng phòng thủ không và hải quân phân tán trên vành đai thứ nhất.

Do lẽ kiểm soát biển xa dựa rất nhiều vào khả năng phòng không và phòng vệ biển tầm ngắn từ đất liền, kể cả bằng mìn và quét mìn trên biển, chúng ta có thể khuyến khích các đối tác tiềm năng của chúng ta đầu tư cho các khả năng này... Nước Mỹ sẽ không phải yêu cầu bất cứ nước nào cho phép sử dụng các căn cứ của họ để tấn công Trung Quốc..., mà chỉ để phòng thủ đất nước họ thôi, trên bộ, trên biển và trên không”.

Tính cách phòng thủ đó càng được diễn tả qua đoạn sau: “Cam kết của Mỹ sẽ bao gồm các chiến dịch hộ tống các đoàn tàu vận tải nhằm duy trì luồng hàng hóa xuất nhập khẩu thiết yếu chống lại những mưu toan ngăn chặn của Trung Quốc”. Phong tỏa chỉ là bước cuối cùng chứ không phải là bước khởi đầu, trái ngược với diễn dịch của James Cogan.

Vấn đề đặt ra trong cuộc tranh luận này, theo James Cogan, là việc Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của mình nhằm duy trì thế thượng phong từng có ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới từ sau Thế chiến thứ hai đã được xem như là đương nhiên rồi! James Cogan cáo giác: “Đế quốc Mỹ từng tìm cách bóp cổ kinh tế một đối thủ của mình trước đây là Nhật, bằng cách gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện sử dụng đủ mọi thứ vũ khí có được và đã kết thúc bằng cách thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki”.

Thật ra, cái gọi là chiến lược kiểm soát biển xa không có gì mới lạ. Ngay chính WSWS từng “la làng” giùm Trung Quốc trong bài “Một cuộc tranh chấp nguy hiểm trên biển Nam Hải” đề ngày 19-5-2012: “Bằng cách tăng cường kiểm soát đối với các tuyến đường biển Đông Nam Á, các “điểm nút thắt” đặc biệt quan trọng như eo biển Malacca, Mỹ duy trì mối đe dọa về một cuộc phong tỏa hải quân làm tê liệt trong trường hợp xung đột với Trung Quốc”.

Có điều WSWS lại chưa viết gì về việc một tàu đổ bộ và hai tàu khu trục hôm 25-1 vừa qua đã tuần tra khu vực bãi cạn James ở biển Đông, cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ 80km, nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền, còn Trung Quốc coi đó là điểm cực nam của “đường lưỡi bò” và gọi bằng cái tên bãi cạn Tăng Mầu.

Trong một nghi lễ được tổ chức tại khu vực bãi cạn Tăng Mầu, các sĩ quan và binh sĩ trên các tàu này đã thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hàng hải của đất nước. Nếu viết về vụ này, WSWS sẽ phải thừa nhận rằng nhu cầu tăng cường “khả năng phòng không và phòng vệ biển tầm ngắn từ đất liền”, theo kế hoạch kiểm soát biển xa mà WSWS tố cáo, là cần thiết đối với Malaysia!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận