Lá phiếu cử tri hay của ai?

DANH ĐỨC 20/02/2014 08:02 GMT+7

TTCT - Xung đột trên chính trường và xã hội ở Ukraine và Thái Lan vẫn còn đang tiếp diễn, vừa do những động thái trong nội bộ, vừa do những tác động từ bên ngoài. Lá phiếu của người dân là một lẽ, ý đồ của các thế lực lại là chuyện khác.

Nông dân Thái xuống đường hô khẩu hiệu trong cuộc tuần hành đòi chính phủ thanh toán tiền nợ gạo - Ảnh: Reuters

Vụ “bật mí” trên YouTube cú điện thoại dài 4 phút 10 giây được cho là của nữ trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland cùng đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt là một biểu thị nữa cho một thực tế đáng phàn nàn: lá phiếu của người dân Ukraine là một lẽ, song “số phận” đất nước họ lại đang bị giằng co bởi các thế lực bên ngoài.

Chia rẽ từ cú điện thoại bị ghi âm

Trong cú điện thoại, ngoài việc giọng nữ đã “(chửi thề) bọn EU” (do EU đã lừng khừng vào tháng 11 năm ngoái khiến giờ chót Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych quyết định quay qua phía Nga), hai nhân vật trên còn bình luận về các nhân vật đối lập chủ chốt ở Ukraine như Vitaly Klitschko, Arseniy Yatseniuk...

Giọng nữ cho rằng không nên để ông Klitschko, cựu vô địch quyền anh hạng nặng thế giới, có chân trong bất cứ chính phủ mới nào, trong khi lại tán thưởng ông Yatseniuk như một người “có kinh nghiệm kinh tế”. Yatseniuk từng giữ chức bộ trưởng kinh tế trước khi trở thành bộ trưởng ngoại giao, rồi chủ tịch quốc hội từ thời cựu tổng thống Viktor Yushchenko.

Hôm 25-1, ông được mời làm Thủ tướng dưới trào Tổng thống Yanukovych song đã khước từ. Theo lập trường của Yatseniuk, tương lai Ukraine nên để cho dân chúng quyết định chứ không phải bởi chính quyền hiện tại (*).

Trong thực tế, vụ tung hê cú điện thoại bị ghi âm lén này đã gây phân hóa EU - Mỹ và cả giữa Mỹ với các phe đối lập ở Ukraine. Không gì “tống tiễn” trợ lý ngoại trưởng Nuland ngay khi bà này chưa kết thúc vòng du thuyết Đức, Hi Lạp, CH Czech, Ukraine từ ngày 31-1 đến 6-2 bằng cú điện thoại gây mích lòng tứ phía.

Thoạt đầu, người phát ngôn của ông Klitschko tạm “mũ ni che tai” bằng cách “không bình luận những mẩu đối thoại mà tính xác thực không được thừa nhận bởi bất cứ ai!” (AFP, 6-2-2014). Song sang ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Psaki đã thừa nhận: “Người Nga đã tung lên mạng Twitter đầu tiên cuộc điện thoại này. Chỉ vài nước mới có trình độ làm chuyện đó. Tùy quý vị tự nhận xét” (Daily Press Briefing, 7-2-2014).

Về phần mình, phía Đức tuyên bố những nhận xét trong cú điện thoại là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Sau vụ NSA nghe lén nữ Thủ tướng Angela Merkel bị Snowden tiết lộ, vụ “(chửi thề) EU” này chọc tức bà Merkel hơn nữa, do lẽ EU không đưa ra thêm một hứa hẹn trợ giúp tài chính nào để đổi lấy việc Ukraine tham gia EU.

Đúng lúc đó, ông Putin tung ra gói trợ giúp trị giá 15 tỉ euro, trong đó có cả việc mua lại giùm Ukraine một núi trái phiếu của EU nay đang “tan tác” trên các thị trường tài chính.

Hôm thứ sáu 7-2, sau khi gặp ông Putin bên lề lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông, ông Yanukovych đã nín bặt ra về. Ngày hôm sau, Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov nhắc: “Chúng tôi sẽ thực hiện lời hứa với Ukraine, song chúng tôi muốn xem phía Ukraine đáp ứng các nghĩa vụ với chúng tôi đã”.

Ông này cũng không quên nhắc rằng Ukraine đang còn nợ Nga 2,7 tỉ USD tiền khí đốt! Reuters ngày 9-2-2014 thuật lại chi tiết kèm theo bình luận rằng Nga muốn thấy chính phủ mới của Ukraine sẽ gồm những ai rồi mới giải ngân tiếp.

Có thể thấy những sức ép tài chính từ Nga đã được đưa ra sau chuyến sang Ukraine của bà Nuland tuần rồi, lần thứ tư trong vòng ba tháng qua kể từ khi Ukraine ngã về Nga, gặp cả Tổng thống Yanukovych lẫn các nhân vật đối lập.

Trong buổi họp báo ở Kiev hôm 7-2, bà cho biết thông điệp: “Chúng tôi muốn Ukraine có quan hệ kinh tế và chính trị mạnh mẽ với láng giềng Nga, song chúng tôi muốn Ukraine có thể làm theo ý mình, đó là trên cơ sở độc lập, mạnh mẽ quyết đoán”.

Tức là ông Yanukovych ráng mà tách ra khỏi “vòng tay” của ông Putin! Rõ ràng, tự chủ và tự quyết vẫn còn là yêu cầu sống còn ở đất nước Ukraine đang chập chững trên con đường dân chủ, nhất là khi trong nội bộ lại có hai bộ phận dân số với gốc gác ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau: một bên nghiêng về Nga, một bên nghiêng theo chiều ngược lại.

Ai quyết định số phận Thái Lan?

Cũng xuống đường biểu tình, song giữa Ukraine và Thái Lan là cả một sự khác biệt. Sau mấy tháng biểu tình và đụng độ dẫn đến việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử lại hôm 2-2 vừa qua, đảng cầm quyền Pheu Thai lại chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà Đảng Dân chủ đối lập tẩy chay. Một chiến thắng có thể dự báo trước như đã từng thấy qua cuộc bầu cử năm 2011 đưa bà Yingluck lên nắm quyền, nhờ vào di sản chính sách dân túy của ông anh Thaksin Shinawatra.

Trong bối cảnh một xã hội có nhiều dị biệt giữa các vùng miền (như miền bắc và tây bắc thì nghèo), không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn cả về nguồn gốc “dân tộc” (người Isans tức Lào - Thái chiếm đến 31% dân số và sống ở khu vực đông bắc, người Muang chiếm 10% dân số và sống ở miền bắc), thì khi ông Thaksin tung ra chính sách “người Thái yêu người Thái” ở miền bắc và đông bắc, coi như 41% dân số “tự nhiên” đó đã bỏ phiếu sẵn cho ông.

Thêm vào đó là số người nghèo trong các thành phố, phần lớn là nông dân lên tỉnh được cấp vốn làm ăn, đảng Thai Rak Thai và nay là Pheu Thai cầm chắc đa số phiếu từ cuộc bầu cử năm 2001 cho đến nay.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay cũng đã cho thấy sức hút của chủ nghĩa dân túy đã bị sứt mẻ: số cử tri không đi bỏ phiếu cao bất thường, ngay cả ở khu vực đông bắc và bắc là cơ sở của Đảng Pheu Thai. Một tuần sau cuộc bầu cử, hàng ngàn nông dân Thái, vốn được xem là cử tri “ruột” của đảng cầm quyền, đã đổ về Bangkok để đòi chính phủ thanh toán các khoản nợ cho họ theo chương trình trợ giá gạo, một chương trình mà bà Yingluck bị tố cáo là đã để cho tham nhũng trục lợi.

Một thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập là ông Kasit Piromya, nguyên bộ trưởng ngoại giao dưới quyền Thủ tướng Abhisit từ năm 2008-2011, tố cáo: “Trong trường hợp Ukraine, phương Tây tỏ ra hậu thuẫn hoàn toàn những người chống đối... Còn những người phản đối Thaksin cùng các chính quyền bù nhìn tay sai của ông ta thì bị phương Tây dán nhãn là trí thức, thị dân, bảo thủ, phản động, thậm chí chống phương Tây”.

Và ông Kasit giải thích tại sao: “Thaksin Shinawatra chính là tiếng nói của các tập đoàn phương Tây... Phương Tây làm ngơ các động tác phi tự do và phản dân chủ của ông ta. Họ bất cần biết đến việc Thaksin là tội phạm đã bị kết án và là kẻ đào tẩu... Trong khi chủ nghĩa dân túy của Chavez ở Venezuela đã không được chấp nhận do lẽ Chavez đã đứng lên chống lại phương Tây và chủ nghĩa tập đoàn, thì kiểu dân túy của Thaksin lại được tâng bốc...

Thaksin đã học được cách làm thế nào chiều lòng phương Tây với số siêu dự án dân túy biếu cho các nhà cung cấp phương Tây những lợi lộc thương vụ nhượng quyền, kinh doanh đắt tiền” (Global Research, 9-2-2014).

Trên con đường tập tành dân chủ, đó chính là những “học phí bắt buộc”. Cả ở Thái Lan (từ năm 1932) lẫn Ukraine (từ năm 1991) mới chỉ chập chững tập bước, và còn xa đích đến hàng thế kỷ.

Trên The Nation 10-2-2014, tiến sĩ Murray Print của Đại học Sydney, hiện là cố vấn chương trình giáo dục công dân Thái, nhắc lại: “Dân chủ không chỉ là bỏ phiếu. Đó là một cách sống đòi hỏi của hiểu biết, kỹ năng cùng các giá trị tinh thần để có thể là một công dân dân chủ tích cực. Một nền giáo dục công dân tốt sẽ phải giúp dân chúng thu thập được hiểu biết, kỹ năng và các giá trị đó”.

(*):http://www.dailytrendingsearch.com/ukraine-parliamentary-leader-yatsenyuk-refuses-pm-post

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận