20/02/2011 15:28 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành xã hội nhân văn - luật - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Ban tư vấn sẽ giải đáp các thắc mắc của thí sinh về các ngành xã hội nhân văn - luật - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí. Dưới đây là nội dung tư vấn:

taXcPbL3.jpgPhóng toRất đông các thí sinh của tỉnh Đồng Nai đã đến dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 tại trường ĐH Lạc Hồng chiều 20-2 - Ảnh: Minh Đức

* Ngành tâm lý học và xã hội học đào tạo gì? Em muốn làm diễn giả thì học ngành nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Tâm lý là ngành học xã hội có nhu cầu rất lớn. Khi theo học các bạn được đào tạo chuyên sâu về tâm lý: tâm lý kinh tế, tâm lý xã hội, tâm lý bệnh viện, tâm lý giới tính, tâm lý lứa tuổi, tâm lý tội phạm, tâm lý khách hàng... Điểm chuẩn ngành này tương đối cao, từ 17 đến 19 điểm. Khi mình đã xác định đam mê của mình thì các bạn nên mạnh dạn đăng ký.

Xã hội cung cấp kiến thức về xã hội học nông thôn, xã hội học ngôn ngữ, xã hội học kinh tế.... để các bạn đủ khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội như vấn đề phân hóa giàu nghèo, làm điều phối viên, chuyên viên cho các dự án, cơ quan kinh tế, điều tra bảng hỏi... Điểm chung của 2 ngành học này là biết cống hiến và biết lắng nghe. Mình làm công việc này là làm cho xã hội, phải biết dấn thân. Nếu các bạn còn do dự thì nên cân nhắc khi đăng ký vào hai ngành này.

*Điểm chuẩn ngành báo chí rất cao, nếu em không đậu ĐH thì có cơ hội nào để theo học ngành này?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này nhiều bạn thích nhưng điểm chuẩn đúng là rất cao. Rất nhiều anh chị làm báo nhưng không tốt nghiệp từ nghề báo. Nếu các bạn thấy mình có khả năng viết báo nhưng không học ngành báo thì các bạn cứ mạnh dạn theo đuổi ước mơ làm báo của mình. Cứ viết, cứ làm theo sở trường của mình.

Hiện trường đang đào tạo theo tín chỉ, trong lúc học ngành này các bạn có thể đăng ký học một số tín chỉ của ngành báo chí để sau một thời gia tích lũy đủ tín chỉ các bạn sẽ cấp được cả hai bằng ĐH, trong đó có ngành báo chí.

Đi được ngay từ đầu sẽ rất tốt nhưng không phải không đi được ngay từ đầu là chấm hết.

* Muốn thi công an phải qua sơ tuyển ra sao? Điều kiện dự thi với nữ như thế nào? Nếu bị loại khi sơ tuyển có được thi trường khác hay không?

-TS Phạm Tấn Hạ: Chúng ta phải qua vòng sơ tuyển. Để qua vòng sơ tuyển phải qua các tiêu chí: học lực trung bình, điểm trung bình các môn thi ĐH từ 6 trở lên (đối với nam), đối với nữ học lực phải khá trở lên và điểm trung bình các môn thi ĐH phải từ 7 trở lên.

Về chính trị: thông thường, phải trung thực về bản thân và gia đình. Phải kê khai thông tin thật kỹ để cơ quan sơ tuyển xét. Về đạo đức: bậc phổ thông có hạnh kiểm khá tốt, phải là đoàn viên. Gia đình không có ai vi phạm phạm luật.

Sức khỏe: sức khỏe phải đạt loại 1, hai mắt phải đạt 19/20; nam cao 1,64m trở lên (nặng từ 48kg trở lên), nữ từ 1,58 trở lên (nặng từ 45kg trở lên). Hai mắt phải bình thường, không bị lé, không nói lắp nói ngọng, các ngón tay ngón chân phải bình thường, không mắc bệnh về khớp, không được nhuộm tóc, không xăm mình, không nghiện các chất ma túy. Ngành công an, quân đội không tuyển những bạn theo đạo công giáo.

Các bạn phải liên hệ công an, ban chỉ huy quân sự quận huyện nơi thường trú để nắm thông tin thời gian sơ tuyển. Thường chỉ tiêu tuyển nữ của các trường không quá 10%. Chỉ tiêu bao nhiêu do Công an địa phương đề xuất để Bộ công an duyệt. Tuy nhiên học những ngành khác cũng có thể làm trong ngành công an, an ninh.

Sơ tuyển không đạt vẫn có thể dự thi vào các trường ĐH khác ngoài khối ngành công an. Để "chắc ăn", các bạn nên nộp nhiều hồ sơ vào các trường ngoài công an để nếu không qua được vòng sơ tuyển chúng ta cũng có thể dự thi ĐH.

Ngành công an có ĐH Phòng cháy chữa cháy đào tạo hệ dân sự. Ngành quân đội có 8 trường tuyển sinh hệ dân sự. hệ dân sự sẽ không được bao cấp kinh phí, việc làm như đối với hệ quân sự.

ZkrKMW4C.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ - ảnh tư liệu

* Học ngành Hàn Quốc học ra trường có thể làm gì ngoài làm thông dịch?

-TS Phạm Tấn Hạ: Ngành Hàn Quốc học, các bạn được trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị.... của Hàn Quốc. Các bạn cũng sẽ được học tiếng Hàn với giảng viên bản ngữ ngay từ năm nhất. Các bạn sẽ có kiến thức rất tốt về ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử của Hàn Quốc. Ngoài ra, các bạn sẽ phải học ngôn ngữ phụ khác bên cạnh tiếng Hàn.

Khi ra trường, các bân có thể công tác ở những nơi có sử dụng ngôn ngữ này. Có thể làm thư ký, trợ lý, chuyên viên, đi dạy chứ không phải chỉ đi làm phiên dịch.

*Thi khối D vào ngành Đông phương trường Khoa học xã hội nhân văn có nhân đôi điểm môn ngoại ngữ? Tốt nghiệp loại trung bình thì cơ hội việc làm nhiều không?

-TS Phạm Tấn Hạ: Điểm thi khối D1 không nhân hệ số môn ngoại ngữ. Tất cả các khối thi vào trường đều là điểm thực không nhân hệ số. Chưa hẳn chọn những ngành "hot" thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn. Vấn đề là chúng ta có học giỏi được ngành đó hay không, có am hiểu về quốc gia của ngành học đó hay không?

*Em học ngành xã hội học ra trường có thể làm việc ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu quyết tâm trở thành người hoạt động xã hội thì mới nên theo ngành này. Có thể làm điều phối viên, tham vấn viên cho các dự án. Hiện nay các vấn đề xã hội đặt ra cho cả người giàu lẫn người nghèo. Những người làm công tác xã hội sẽ tự đặt ra các bảng câu hỏi để tìm ra các nguyên nhân và đề xuất phương án giải quyết các vấn đề đó. Nếu giỏi ngoại ngữ thì cơ hội việc làm sẽ rất nhiều.

*Đạt giải 3 quốc gia môn địa, điểm thi đạt điểm sàn có được tuyển thẳng vào ngành luật thương mại?

-ThS Lê Văn Hiển: Các năm trước trường vẫn ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt giải quốc gia.

Nếu điểm thi của bạn bằng điểm sàn sẽ được trường xét tuyển vào ngành mà các bạn đăng ký.

*Ngành quản trị luật học những gì, ra trường làm ở đâu? Các ngành luật ra trường làm ở đâu?

- ThS Lê Văn Hiển: Đây là ngành song ngành giữa quản trị kinh doanh và luật. Có những người làm kinh doanh giỏi nhưng không nắm luật. Có người nắm rõ pháp lý nhưng lại không nắm quản trị kinh doanh. Ngành này đào tạo để nắm rõ cả hai lĩnh vực.

Tuy nhiên từ năm nay sẽ không còn ngành quản trị luật nữa mà chỉ là ngành quản trị kinh doanh. Chương trình đào QTKD tại ĐH Luật TP.HCM sẽ khác ngành QTKD ở các trường ĐH khác, bổ sung nhiều kiến thức về luật (khoảng 30%), 70% là về ngành quản trị kinh doanh.

Tốt nghiệp các chuyên luật hình sự, luật kinh tế... đều là cử nhân luật. Các chuyên ngành này đều thuộc ngành luật và được học như nhau.

*Em học khối D, muốn thi ngành du lịch. Học ngành tiếng Anh du lịch có thể làm trong ngành du lịch không, chiều cao của em hơi khiêm tốn?

- TS Phạm Tấn Hạ: Vấn đề không phải là chiều cao mà là năng lực của các em. Tiếng Anh du lịch có thể làm trong ngành du lịch. Tuy nhiên để làm tốt về du lịch như quản trị lữ hành, hướng dẫn thì phải được đào tạo về chuyên môn. Một số ngành yêu cầu về ngoại hình nhưng nếu chúng ta không có ngoại hình có thể bổ sung bằng kiến thức, kỹ năng của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Danh sách ban tư vấn

1. TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM);

2. ThS Lê Văn Hiển - phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM;

3. TS Nguyễn Văn Nam - trưởng khoa quản trị kinh tế quốc tế ĐH Lạc Hồng.

Đơn vị tài trợ:

XfCdvchv.jpgPhóng to
NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên