20/02/2011 15:16 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Nội dung tư vấn nhóm ngành Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ sẽ cung cấp thông tin chuyên sâu cho các thí sinh về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, học liên thông... của những ngành công nghệ hóa học, khoa học vật liệu, điện tử viễn thông, địa chất, dầu khí, xây dựng, kiến trúc, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, thiết kế, chế tạo máy...

G0pujxlm.jpgPhóng to
Học sinh trường Ngô Quyền – Đồng Nai đang tìm hiểu thông tin tuyển sinh trên quà tặng - Ảnh: Như Hùng

* Em muốn biết về điều kiện học và đầu ra của ngành điện tử của Học viện Bưu Chính Viễn thông?

- TS Nguyễn Văn Thư: Em chờ vài ngày nữa sẽ có những ngành nghề cụ thể của Học viện Bưu chính viễn thông trong Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Bên cạnh đó, không chỉ có trường em vừa kể đào tạo ngành điện tử mà còn có các trường ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Quốc tế, ĐH Sư phạm kĩ thuật… Ngành này trang bị cho sinh viên những kiến thức, kĩ năng để phục vụ liên quan đến ngành điện.

Do đó, sau khi ra trường, kĩ sư ngành này có thể làm việc tại các cơ quan điện lực, các công ty, nhà máy. Bên cạnh đó các em có thể tham gia lập, quản lí các dự án liên quan đến điện. Điểm chuẩn ngành điện tử Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM dao động trong khoảng 19-20 điểm.

*Thưa thầy, trong tương lai những ngành thuộc nhóm ngành công nghệ có còn sức hút hay không?

-Th.s Hồ Viễn Phương: Các em nên nhớ, xã hội càng phát triển sẽ kéo theo khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ gắn liền với cuộc sống nên không bao giờ ngừng phát triển cả. Do đó, cơ hội phát triển ngành khoa học công nghệ từ đây về sau rất lớn, các em yên tâm.

Hiện nay, sinh viên các ngành khoa học công nghệ cũng có nhiều cơ hội việc làm ngay khi ra trường.

Nước ta đang phát triển, cần nhiều nhân lực để đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên các em yên tâm. Chúc em chọn được ngành học yêu thích cho mình.

*Về ngành thiết kế thời trang, em học gì và cơ hội việc làm như thế nào, em phải thi những gì?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành thiết kế thời trang là ngành thời thượng của trường ĐH SPKT. Ngành này học để trở thành những nhà thiết kế lên các loại quần, áo làm đẹp cho cuộc sống. Những người thiết kế thời trang làm ra để tạo ra những mẫu mã quần áo đẹp nhất. Thi vào ngành này phải có năng khiếu bên cạnh hai môn thi toán, lí.

Môn vẽ sẽ thi vẽ màu nước và lấy hệ số 2. Nếu không có năng khiếu sẽ khó đậu vào ngành này bởi điểm chuẩn hàng năm ở trường khoảng 22 điểm. Nếu em muốn thi vào ngành này phải ôn luyện nhiều. Đề thi những năm trước như là “hãy trang trí một cây lục bình”, “áo gối”. Các em sẽ vẽ tùy theo ý thích của mình.

* Em muốn biết điểm chuẩn của các ngành Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có sơ sở 1 và cơ sở 2, nên học ở đâu?

- TS Nguyễn Văn Thư: Về điểm chuẩn của các trường, các em nên xem trên mạng internet, các phương tiện truyền thông đại chúng khác chứ thầy không thể kể hết được. Từ đó, các em sẽ có thông tin đầy đủ để tham khảo.

Ý thứ hai của câu hỏi, các em có sự nhầm lẫn ở đây. Ở TP.HCM có hai cơ sở đào tạo về giao thông vận tải là Trường ĐH GTVT TP.HCM và Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2. Em nên phân biệt chỗ này.

* Thưa thầy, thầy có thể giới thiệu giúp em về ngành cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngành này học gì, ra trường làm gì?

- TS Nguyễn Văn Thư: Khoa Cơ khí là một trong những Khoa có quy mô đào tạo khá lớn trong trường, với hệ thống thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học được quan tâm đầu tư hàng năm. Khoa có nhiệm vụ xây dựng thành một khoa chuyên ngành cơ khí dẫn đầu ở khu vực phía Nam. Khoa đã đề ra một số mục tiêu thiết thực để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

bgRv2Mlu.jpgPhóng to
TS Nguyễn Văn Thư

*Em nghe nói ĐH Lạc Hồng được vận dụng điều 33 trong qui chế tuyển sinh, xin thầy nói rõ điều này?

- Th.s Hồ Viễn Phương: Bạn có thể hình dung thế này, qui chế 33 cho phép nhân đôi điểm thi vào các trường địa phương trong khu vực. Chẳng hạn bạn ở Đồng Nai và thi được 13 điểm. Bạn thuộc khu vực ưu tiên được 1 điểm, bạn sẽ được nhân đôi ưu tiên này theo qui chế 33 để bổ sung nguồn nhân lực cho địa phương.

*Thưa thầy, em chưa hiểu lắm về ngành mỏ - địa chất?

-TS Nguyễn Văn Thư: Mỏ địa chất là lĩnh vực chứ không phải một ngành. Lĩnh vực này nằm trong ngành địa chất bên cạnh các lĩnh vực như trắc địa, qui hoạch khoáng sản, tài nguyên. Ngành này đào tạo tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Các em thi khối A để vào ngành này. Hiện sinh viên ra trường hầu hết đều có việc làm. Ngành này đòi hỏi sức khỏe vì phải đi nhiều và đôi khi không hợp với nữ. Nên các em nên cân nhắc để lựa chọn cho phù hợp. Em cũng có thể vào trang mạng của trường để tìm hiểu thêm những ngày nghề này để lựa chọn.

*Trường ĐH Lạc Hồng có ngành quản trị kinh doanh hay không, có những chuyên ngành nào và cơ hội việc làm ra sao?

- Th.s Hồ Viễn Phương: Trường ĐH Lạc Hồng có ngành quản trị kinh doanh. Hiện nay trường có bốn chuyên ngành quản trị doanh nghiệp, quản trị thương mại điện tử, quản trị du lịch và luật kinh tế.

Ngành này tập trung đào tạo một cách khoa học và chuyên sâu về các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về Quản trị kinh doanh, Quản trị các xưởng sản xuất, Quản trị nhân sự tài chính, Nghiên cứu nắm bắt thị trường, Đàm phán ký kết hợp đồng, Pháp luật trong kinh doanh và Phương pháp phòng ngừa, Đối phó với các rủi ro trong quản lý và sản xuất kinh doanh …

Đào tạo được các nhà quản trị kinh doanh giỏi cả lý thuyết lẫn thực tiễn, biết tập hợp đội ngũ nhân sự và tổ chức bộ máy sản xuất kinh doanh hiệu quả, có bản lĩnh trong đàm phán với các đối tác, có phương pháp khoa học để mở rộng thị trường và chủ động phòng ngừa rủi ro để doanh nghiệp ổn định phát triển lâu dài.

Các ngành khối ngành kinh tế luôn “hot” nên cơ hội việc làm rất cao.

* Ở Việt Nam có trường ĐH điện lực không hay chỉ có trường CĐ điện lực?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Xin chia sẻ cùng em là hiện nay có trường ĐH điện lực ở phía Bắc và có một trường CĐ điện lực ở TP.HCM. Em nên cân nhắc để có lựa chọn phù hợp.

Uuuxah0G.jpgPhóng to
PGS-TS Đỗ Văn Dũng

*Chào thầy Thư, thầy có thể nói rõ hơn cho em về ngành xây dựng? Sự giống và khác nhau giữa ngành kinh tế xây dựng và kĩ thuật xây dựng? Em thích ngành này nhưng đang băn khoăn qua, thầy tư vấn giúp em.

- TS Nguyễn Văn Thư: Về ngành xây dựng, có tới bốn lĩnh vực khác nhau: xây dựng giao thông (cầu, đường, cầu cảng), xây dựng công nghiệp (nhà máy điện, đập chắn thủy điện), xây dựng dân dụng (tòa nhà) và xây dựng quân sự.

Em thắc mắc về kĩ thuật xây dựng và kinh tế xây dựng. Xin chia sẻ cùng em ngành kĩ thuật xây dựng là làm thế nào thiết kế công trình sao cho bền chắc. Còn kinh tế xây dựng là tính toán xem làm công trình ấy hết bao nhiêu tiền. Một bên là khía cạnh kĩ thuật công trình, một bên tài là tài chính công trình.

* Công nghệ thực phẩm khối A,B khác nhau ra sao và cơ hội việc làm như thế nào?

- TS Nguyễn Văn Thư: Ngành này ở các trường hiện nay đều thi cả hai khối như em vừa kể nhưng chương trình học nhìn chung khác nhau. Do đó, các em nên xem thử mình có thế mạnh về khối nào để đưa ra lựa chọn. Đây là một ngành học rất hấp dẫn hiện nay. Ngành này nghiên cứu, chế tạo ra các loại thực phẩm mà chúng ra sử dụng hàng ngày. Cơ hội việc làm của ngành này khá cao, hiện nay sinh viên tốt nghiệp công nghệ thực phẩm có thể làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, nhà máy về chế biến thực phẩm…

Danh sách ban tư vấn

1. TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM;

2. PGS TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM;

3. TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM;

4. ThS Hồ Viễn Phương - phó trưởng phòng đào tạo ĐH Lạc Hồng.

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên