23/01/2011 07:55 GMT+7

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đăk Lăk

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Sau khi rời Đăk Nông, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cùng báo Tuổi Trẻ tiếp tục đến với học trò vùng Đăk Lăk trong sáng nay, 23-1.

Tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an tại Đăk LăkTư vấn nhóm ngành Y dược - Nông lâm - Kỹ thuật - Công nghệ tại Đăk LăkTư vấn nhóm ngành kinh tế tại Đăk Lăk

HMrDMWA1.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Krông Pắk, Đăk Lăk sáng nay - Ảnh: T.B.D

Sân Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - nơi diễn ra chương trình trong sáng 23-11 rộn ràng hẳn lên khi đón các bạn học sinh trong toàn tỉnh về tham dự buổi tư vấn. Ban tổ chức đã hỗ trợ xe cho 1.500 học sinh từ các huyện Krong Buk, EaKar, Krong Năng, Krong Bông, M’Đrăk… đến tham dự chương trình

Ngay tại cổng vào trường, đội ngũ tình nguyện viên là học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có buổi làm việc khá vất vả để trao quà tặng của Tuổi Trẻ đến học sinh trường mình và các trường bạn. Mỗi bạn đến cổng trường sẽ được tặng một phần quà gồm bút, phiếu trắc nghiệm ngành nghề, những thông tin cần thiết về tuyển sinh ĐH-CĐ…

Có mặt tại trường khá sớm, bạn Nguyễn Anh Vũ, học sinh lớp 12B4 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm mang theo những băn khoăn về ngành điều khiển tàu biển. Bạn nói: “Em thích những ngành liên quan đến biển nhưng chưa biết những điều kiện gì để được theo học?”. Ngoài ra, Anh Vũ cũng được một người bạn của mình không đến dự gởi gắm một câu hỏi sau khi học đại học xong ra trường thì có phân biệt bằng cấp loại trung bình hay không.

3TrNhvj3.jpgPhóng to
Học sinh đến tham gia chương trình từ sớm và tranh thủ làm trắc nghiệm trong quà tặng thí sinh do báo Tuổi Trẻ tặng. - Ảnh: Thái Bá Dũng

Thầy Trần Văn Hùng - phó hiệu trường Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - phấn khởi cho biết đây là một ngày hội lớn của học sinh trong tỉnh về thông tin hướng nghiệp. Toàn trường có 585 học sinh lớp 12 sắp dự thi đại học nên những thông tin của ban tư vấn sẽ giúp các em rất nhiều trong việc định hướng ngành nghề.

Lần thứ hai tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, thầy Trương Thức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đăk Lăk nhận định: “chương trình rất thiết thực, mang thông tin đến cho các em học tỉnh nhà”.

Sau tiết mục văn nghệ của học sinh, đúng 8g30 chương trình tư vấn chính thức bắt đầu. Mở đầu chương trình, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - thành viên ban tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 chia sẻ: Trong 9 năm qua chương trình đã mang lại thông tin cho học sinh khắp các vùng miền trên cả nước. Thông qua chương trình này, thí sinh nhận được những thông tin bổ ích về các kỳ thi cũng như thông tin xét tuyển NV2, NV3. Chương trình đã được sự đồng tình và ủng hộ của xã hội, phụ huynh và học sinh.

Năm nay chương trình tư vấn sẽ chia thành hai phần: tư vấn chung và tư vấn chuyên sâu theo ba nhóm ngành. Ông Hùng cũng cảm ơn ban giám hiệu và thầy cô Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ủng hộ và giúp ban tổ chức thực hiện chương trình.

NỘI DUNG TƯ VẤN:

4muPItBq.jpgPhóng to
Các thành viên ban tư vấn - Ảnh: T.B.D

*Xin ban tư vấn cung cấp những thông tin cơ bản về kì thi tuyển sinh năm 2011 và những điều học sinh cần chú ý?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM: Kì thi ĐH năm 2011, về cơ bản vẫn giữ phương thức ba chung: chung ngày, chung đợt và chung đề thi, sử dụng kết quả để xét tuyển. Tất cả các trường ĐH cùng khối sẽ thi theo ngày như 10 năm nay. Sau khi thi xong những thí sinh nào trúng tuyển theo NV1 sẽ được vào học. Thí sinh nào trúng tuyển nhưng có điểm trên điểm sàn sẽ được xét tuyển. Có các cụm thi Hà Nội, Vinh, Quy Nhơn, TP.HCM, Cần Thơ. Thí sinh Đăk Lăk phải vào TP.HCM dự thi. Toàn tỉnh Đắk Lắk thuộc khu vực ưu tiên 1:1 (ưu tiên 1,5 điểm).

Về xét tuyển: Mỗi thí sinh chỉ có một nguyện vọng khi làm hồ sơ đăng kí dự thi. Trúng tuyển NV1 thì không được xét NV2, 3. Chỉ những thí sinh nào không trúng tuyển NV1, mới được xét NV2, 3 và có điểm sàn theo Bộ GD-ĐT qui định. Phải có thông báo xét tuyển thì mới được nộp vào trường.

Năm 2010, tỉnh Đăk Lăk có 30.000 lượt thí sinh dự thi và tỷ lệ trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ cả nước là 23%.

pzTqWwsn.jpgPhóng to
Học sinh các trường được đưa đón bằng xe buýt đến điểm tư vấn tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Krông Pắk, Đăk Lăk sáng nay 23-1 - Ảnh: T.B.D

* Hiện nay xã hội cần nguồn nhân lực ở những ngành nghề nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Trong xu thế phát triển kinh tế xã hội hiện nay có hai yếu tố ngành nghề là phục vụ cho khu vực nhà nước và tư nhân. Các ngành được đào tạo nhiều nhất là về nhóm ngành kinh tế, kế toán kiểm toán... nhằm phục cho sự phát triển kinh tế hiện nay. Tại Tây Nguyên, nhu cầu nhân lực chủ yếu tập trung vào các ngành nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, lâm nghiệp, khai khoáng.... tùy từng địa phương, nhu cầu nhân lực khác nhau ở từng nhóm ngành.

Chúng ta chọn trường, chọn ngành và nếu muốn về địa phương phục vụ, các em cần tìm hiểu địa phương đó cần nhóm ngành nghề nào. Tùy nhóm ngành nghề, doanh nghiệp cần người tốt nghiệp ĐH, CĐ hay TCCN. Ví dụ nhóm ngành du lịch chủ yếu cần tuyển người tốt nghiệp TCCN. Chúng ta tham khảo nhu cầu nhân lực và cần xem xét mình phù hợp ngành nghề nào, năng lực mình có đủ để vào ngành nghề đó hay không để chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Thầy Trương Thức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đăk Lăk: hiện nay và tương lai, Đăk Lăk bắt đầu hình thành các khu công nghiệp tập trung nên nhu cầu về các ngành nông lâm ngư nghiệp đang rất cần. Nhóm ngành kỹ thuật tại Đăk Lăk cũng đang rất cần để xây dựng và phát triển địa phương. Nhóm ngành xã hội cũng đang rất cần. Chẳng hạn khối ngành tư pháp đang rất cần nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp địa phương rất lớn nên hy vọng các em sinh viên sau khi học sẽ quay về Đăk Lăk làm việc và xây dựng quê hương.

* Em vừa thích ngành dược vừa thích ngành ngành hóa dầu. Thầy cô tư vấn giúp em?

- Th.S Trương Tấn Trung: Năng lực và kiến thức của em đã chuẩn bị ở THPT như thế nào thì em rõ hơn ai hết. Em nên xem tình hình thi cử như thế nào, khả năng của mình đến đâu và phải nắm bắt tốt những thông tin, kiến thức được thầy cô truyền đạt ở nhà trường. Các em có nguyện vọng vào ngành dược thì phải chuẩn bị học lực thật tốt. ĐH Tây Nguyên hình như chỉ có Y Đa khoa, nếu ngành dược các em phải dự thi ở TP.HCM. ĐH Y Huế cũng có ngành dược nhưng khoảng cách khá xa nên các em phải chuẩn bị hành trang tốt.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Hãy ghi tất cả những gì chúng ta thích rồi nhìn lại một lần nữa để xem lại năng lực của mình. Điều quan trọng vẫn là làm được cái gì trong những điều chúng ta thích. Kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ dựa trên ba môn văn hóa. Chúng ta xem có vượt ngưỡng được hay không để thực hiện ước mơ của mình. Nếu bạn muốn thi vào hóa dược nhưng điểm chuẩn ngành này khoảng 20 điểm mà học lực của mình chỉ 18 điểm thì phải cố gắng hơn. Nếu muốn học các bạn phải tăng tốc hệ thống kiến thức để đạt được mong đợi. Còn những bạn khoảng 15 điểm thì nên tìm những ngành học liên quan đến hóa dược và chọn một ngành “gần đó”. Cần lưu ý là thích một chuyện, chọn được ngành học lại là một chuyện nhưng ra trường đi làm lại là một chuyện khác nữa.

djV1NCfJ.jpgPhóng to
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM - Ảnh: T.B.D

* Nếu em thi ở Hà Nội có phải ra Hà Nội thi không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Học sinh ở Đăk Lăk dự thi vào trường nào thì đến trường đó thi.

* Cho em hỏi năm nay có thi cao đẳng (CĐ) hay không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo thông tin đến thời điểm này thì vẫn có đợt thi thứ 3 dành cho các trường CĐ có tổ chức thi. Trường nào tổ chức thi, trường nào xét tuyển sẽ có trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 phát hành vào khoảng đầu tháng 3.

* Xin cho em hỏi có nên thi hai khối không, có chuyển điểm sang trường khác được không?

- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: nên tập trung vào 1 khối bởi sau khi thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 1 tháng để thi ĐH. Thời gian này không đủ để chúng ta ôn cả hai khối. Thường các em có ý muốn đậu 2, 3 trường nên thi nhiều khối và cuối cùng bị phân tán, không đậu trường nào cả. Trong thời gian sau khi tốt nghiệp THPT, phải có kế hoạch học tập cụ thể kèm với việc rèn luyện thể thao, nghỉ ngơi. Tinh thần, sức khỏe tốt thì học tập mới có kết quả cao được.

Các em nên tập trung học, hệ thống lại kiến thức chứ không nên đi luyện thi quá nhiều. Những thủ khoa gần đây đều là những học sinh ở các miền quê, không có điều kiện đi học thêm. Nếu các em đã đậu vào một trường rồi thì không được chuyển điểm sang trường khác. Trong trường hợp xin chuyển trường phải có lý do đặc biệt nhưng thường là rất khó để cả hai trường đồng ý chuyển đi - chuyển đến.

yFi6q13c.jpgPhóng to
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: T.B.D

* Xin các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp giúp em có nên thức khuya để học hay không, thời gian nào để học là tốt?

- Th.S Trương Tấn Trung: Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân mình. Khi học THPT tôi tập thức dậy 4g sáng và học tới 6g. Thời gian này rất yên tĩnh nên học bài rất mau thuộc. Học xong rồi quên mất nhưng nhớ rất lâu (cười). Các bạn nên chia thời gian của mình ra. Bạn học được gì trên lớp nên đọc lại lần một, lần hai và đọc cuốn chiếu như vậy. Khi đến kì thi học kì, các bạn chỉ ôn lại trong thời gian một vài tuần thì có thể đủ kiến thức để thi. Ở kì thi ĐH, các bạn nên chuẩn bị tốt, nếu môn thi nào chưa tốt thì nên học bạn của mình và những thầy cô khác.

* Nếu không đậu NV1 có thể chuyển điểm để xét sang trường khác hay không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: nếu đậu NV1 thì không được xét NV2. Điểm xét tuyển NV2 phải bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn NV1. Trường nào sau khi xét tuyển NV1 vẫn còn thiếu chỉ tiêu sẽ thông báo xét tuyển NV2. Nếu thí sinh có điểm thi bằng điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 của trường thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, ngành đó. Các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Các em lưu ý khi xét tuyển NV2 phải nộp giấy chứng nhận kết quả bản gốc, không nộp bản photocopy.

AZuf1tJo.jpgPhóng to
Th.S Lâm Tường Thoại, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: T.B.D

*Có thể học hai trường ĐH một lúc hay không? Thành tích học tập có được ưu tiên hay không? Địa chỉ tư vấn tuyển sinh của trường?

- Ths. Lâm Tường Thoại: Qui chế không cho phép việc này. Bạn chỉ được học một trường. Diện tuyển thẳng dành cho những người đạt giải Olympic. Nếu bạn đạt nhất, nhì, ba tại các kì thi quốc gia thì được ưu tiên xét tuyển nhưng phải theo môn mình dự thi. Bạn vẫn phải thi vào ngành đó nhưng phải đạt trên điểm sàn.

Bạn vào tuoitre.vn sẽ có địa chỉ của từng trường và tham khảo qua các trường khác.

* Trường ĐH Tây Nguyên tuyển bao nhiêu chỉ tiêu ngành sư phạm, sư phạm Anh văn chỉ tiêu bao nhiêu?

-TS Nguyễn Văn Hòa: trường đào tạo 10 ngành sư phạm, mỗi ngành 60 chỉ tiêu.

* Có thể xin học cùng ngành qua trường khác hay không?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Bạn nên chọn cho mình theo sở thích, năng lực phù hợp. Khi chọn ngành nào thì bạn nên vào trường đó xem và tìm hiểu thật kĩ các môn học. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, có thể được chuyển từ trường này qua trường khác nếu bạn chứng minh được bạn phù hợp chuyên môn của ngành đó và không hợp với ngành đang học. Các trường có nguyên tắc riêng của từng trường nên không phải lúc nào cũng được phép chuyển. Do đó, bạn nên cố gắng tìm hiểu kĩ, xác định kĩ để tránh trường hợp này xảy ra.

JFZ77dxs.jpgPhóng to
Th.S Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: T.B.D

Th.S Trần Thế Hoàng: Vấn đề này là một sai lầm không phải từ học sinh mà còn gây hao tổn cho học sinh, gia đình, xã hội. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ tuyển điểm chung cho tất cả các ngành. Học kì đại cương, sinh viên trường sẽ học tất cả các môn giống nhau. Đến học kì thứ tư các bạn được chọn chuyên ngành. Lúc này, các bạn chọn ngành và hoàn toàn do các bạn chọn lựa. Chúng tôi căn cứ điểm học của bạn để xếp cho các bạn vào các ngành của trường.

* Em rất thích các ngành kinh tế nhưng em lại học tập trung khối B và không học được môn Lý của khối A. Em phải làm sao?

- Th.S. Hứa Minh Tuấn: Chúng ta biết một số khối có một số môn trùng với nhau. Vì vậy khi ta mạnh về một môn nào chúng ta chọn thi khối có môn đó và nếu các môn khác yếu hơn thì chúng ta có môn mạnh bổ trợ. Từ đó chúng ta lấy môn sở trường bổ trợ cho môn sở đoản.

- TS. Lâm Tường Thoại: ở lứa tuổi này việc ngộ nhận về sở thích của mình là bình thường vì nhiều lý do. Ví dụ do nghe nhiều, do sự hào nhoáng của ngành nghề đó. Trước tiên cần tìm hiểu, nhìn nhận cho rõ mình có thực sự thích ngành nghề đó hay không.

* Khi vào phòng thi em bị áp lực tâm lý rất lớn, xin thầy cô chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để không bị áp lực?

- ThS Cổ Tấn Anh Vũ: Chúng ta cần sắp xếp thời gian và có kế hoạch học tập tốt. Giữ gìn sức khỏe để khi bước vào phòng thi có sức khỏe tốt nhất.

Về kinh nghiệm của thầy, trước ngày thi thường không ôn bài, cần để tinh thần thật thoải mái. Có nhiều em đêm trước khi thi vẫn cặm cụi ôn tập, như vậy là không nên. Cần để tinh thần thật thanh thản và khi vào phòng thi tập trung hết sức để có kết quả tốt nhất.

* Nếu trượt ĐH năm nay em sẽ học gì?

- Th.S Lê Văn Hiển: Nếu năm nay bạn chưa đủ điểm vào ĐH thì nên vào CĐ và THCN ngay. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian. Trường hợp nếu không đủ điểm cả ba hệ trên thì mới nên để năm sau. Hiện nay, bạn có thể căn cứ vào năng lực của mình để học THCN, sau đó liên thông lên ĐH, CĐ.

* Xin thầy cô cho em hỏi: gia đình bắt em chọn ngành theo ngành của mẹ, em nên giải quyết thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Chọn ngành đôi khi dẫn đến sự bất đồng giữa học sinh và cha mẹ. Tôi cho rằng các em hết sức tôn trọng ý kiến của cha mẹ nhưng đồng thời xác định sở thích, năng lực để giải thích vì sao mình chọn ngành này. Vì tôn trọng ý kiến của cha mẹ cũng là động lực để đạt được ngành nghề gia đình mong muốn để thành công.

Tôi muốn tổng hợp cả hai ý kiến trên. Nếu bạn xin cho theo ý mình thì cũng nên xem đó là một động lực để các bạn có thêm động lực, phân chia thời gian học hợp lí để đạt kết quả cao.

PPlqN1DG.jpgPhóng to
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: T.B.D

TS Phạm Tấn Hạ: Điều quan trọng phải chứng minh với cha mẹ là chọn ngành này vì những lí do gì. Các bạn phải thuyết phục được cha mẹ. Vì cha mẹ nào cũng mong muốn con mình khi học hành sẽ nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, lựa chọn bằng chính năng lực của mình thì sẽ có được những bước đi thuận, cơ hội sẽ cao hơn.

* Em thi vào ĐH Tây Nguyên, nếu không đậu thì làm thế nào vào ĐH dự bị?

- TS Nguyễn Văn Hòa: ĐH Tây Nguyên có khoa dự bị tạo nguồn. Khoa này tuyển thí sinh đã dự thi vào trường nhưng chưa trúng tuyển. Đối tượng xét tuyển là người dân tộc thiểu số chứ không phải người Kinh.

11g, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại huyện Krông Păk với sự tham dự của học sinh các huyện Krông Pắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ - tỉnh Đăk Lăk kết thúc nhưng rất nhiều học sinh vẫn tiếp tục "vây" ban tư vấn để đặt câu hỏi. TS Nguyễn Đức Nghĩa nhận xét học sinh hỏi nhiều câu rất hay và đã có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đặt câu hỏi.

Tại các khu vực tư vấn nhóm ngành chuyên sâu, sau khi tư vấn tại bàn được 45 phút thì thầy cô nhận thấy nhu cầu của học sinh hỏi cụ thể hơn từng ngành, trường. Lúc ấy, ban tư vấn lại linh động “chia nhỏ” thêm một lần nữa. Mỗi thầy cô ngồi một khu để giải đáp những thắc mắc của học sinh về ngành, trường mình quan tâm.

Dù thời gian tư vấn chính thức kết thúc nhưng những cuộc trao đổi giữa học sinh - chuyên gia tư vấn về ngành nghề vẫn diễn ra ở sân Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước cơn "khát" thông tin của thí sinh, các thầy cô đã giới thiệu một số địa chỉ và thông tin cá nhân để các bạn liên lạc khi cần.

Danh sách ban tư vấn tại Đăk Lăk:

1. TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM.

2. PGS TS ĐỖ VĂN DŨNG, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

3. Th.S CỔ TẤN ANH VŨ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

4. TS NGUYỄN KIM QUANG, Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM).

5. PGS TS HUỲNH THANH HÙNG, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM.

6. Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ĐH Y Dược TP.HCM.

7. Th.S TRẦN THẾ HOÀNG, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM.

8. Th.S HỨA MINH TUẤN, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Tài chính Marketing.

9. Th.S LÂM TƯỜNG THOẠI, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM).

10. TS LÊ THỊ THANH MAI, Phó Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH ĐHQG TP.HCM.

11. TS PHẠM TẤN HẠ, Phó Trưởng Phòng đào tạo ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM).

12. Th.S LÊ VĂN HIỂN, Phó Phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM.

13. TS NGUYỄN VĂN HÒA, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tây Nguyên.

14. Thầy TRƯƠNG THỨC, Trưởng Phòng GDCN Sở GD-ĐT Đăk Lăk.

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên