Chuyện của những ngày mưa phùn

TTCT - Tháng hai đón anh vào chặng đời làm người gieo chữ bằng những ngày u ám, rét mướt, lả tả mưa phùn. Kiểu thời tiết ấy khiến con người ta dù cố gắng cũng không ngăn được sự xông xáo đào tẩu theo bản năng.

Minh họa: Mặc Tuân

Trong các cuộc họp phân công chuyên môn anh nhận thấy tính ích kỷ xuất hiện ở người này người kia như những cụm nấm mốc. Nếu có một giáo viên nói rằng vào những ngày thời tiết xấu như thế này cô nghĩ đến cái tay áo ướt của mình nhiều như nghĩ tới những bài giảng thì cũng chẳng có gì quá nghiêm trọng cả.

Có lẽ cũng vì thời tiết mà anh, một thầy giáo dạy sinh vật, đồng thời trở thành giáo viên dạy môn giáo dục công dân.

Sáng thứ bảy anh có giờ giáo dục công dân đầu tiên ở lớp 7C. Hồi trống báo hiệu giờ vào lớp chưa dứt anh đã đặt chân lên bục giảng. Anh nhận thấy cả lớp không thực hiện được động tác đứng dậy chào thầy nhất loạt. Bọn trẻ bị những cái áo lụng thụng làm cho trở nên chậm chạp. Vài đứa còn đang dở cơn ho. Hai đứa con trai đang đu người cố đóng cánh cửa sổ. Một đứa đi giặt giẻ lau bảng vừa về tới cửa lớp.

Anh cho phép thủ tục chào chệch choạc ấy kết thúc và tự giới thiệu bản thân bằng vài câu ngắn gọn. Bọn trẻ ho, hắt xì hơi, kéo ghế kèn kẹt trong lúc anh nói. Anh đưa mắt nhìn khắp phòng học. Cảm giác buồn pha lẫn chán nản dâng lên trong anh.

Anh thấy những đứa học trò trước mắt anh trông thật nhếch nhác. Đầu tóc đứa nào đứa ấy hễ không bù xù thì dính bết lại vì hơi ẩm. Những chiếc áo khoác tối màu chúng mặc hắt lên mặt chúng vẻ u ám, tối tăm. Những ống quần được xắn đến ngang bắp chân. Những bàn chân trần tím tái để trên mặt đất ẩm ướt và lạnh lẽo.

Anh cảm thấy thời tiết đang hành hạ bọn trẻ làm cho chúng bứt rứt và khó chịu. Anh buồn vì chúng không phải là những đứa trẻ thành phố được bố mẹ chở bằng xe máy đến tận cổng trường, không phải là những đứa trẻ được những cô ôsin và những chiếc máy giặt biết tự vắt khô phục vụ.

Bỗng nhiên anh muốn kể cho bọn trẻ nghe một câu chuyện về những phòng tắm xông hơi ở Ai Cập mà anh đọc được ở đâu đó.

Bọn trẻ chăm chú lắng nghe. Những tiếng ho thưa thớt dần. Anh đoán khi anh kết thúc câu chuyện bọn chúng sẽ đặt ra những câu hỏi tò mò về những phòng tắm xông hơi và anh mong mình có thể trả lời một cách hài hước nhất để hâm nóng không khí trong lớp.

Bọn trẻ không hỏi mà nhao nhao đòi anh vẽ một cái phòng tắm xông hơi lên bảng. Anh không thể không đáp ứng chúng mặc dù anh chưa bao giờ được nhìn tận mắt một cái phòng tắm xông hơi và anh cũng chưa bao giờ cho rằng mình có năng khiếu hội họa. Anh cầm phấn quay mặt vào bảng bắt đầu vẽ. Anh quyết định vẽ một căn phòng có trần thấp với những chiếc ghế dài dùng để nằm hoặc ngồi thoải mái.

Anh đang đoán bọn trẻ sẽ hỏi hơi bắt nguồn từ đâu thì bỗng nghe thấy một tiếng kêu đánh “bốp” ngay sát bên tai trái của mình. Một cụm mạ xuất hiện chính giữa cái phòng tắm hơi anh đang vẽ dở và vì còn nguyên bùn nó bám dính trên đó như một phi tiêu. Anh thấy người mình nóng bừng như thể đang ở trong một phòng tắm xông hơi thật. Quay xuống lớp, anh nghiêm giọng ra lệnh:

- Ai vừa làm trò đó hãy tự giác đứng lên.

Cả lớp im phăng phắc. Năm phút trôi qua và không có tăm hơi của sự tự giác. Anh bắt cả lớp đứng dậy, tuyên bố không cho phép ai ngồi cho tới khi kẻ quậy phá được tìm ra. Bọn trẻ đứng được năm phút anh bổ sung một hình phạt nữa.

- Nếu không ai tự giác nhận lỗi tôi sẽ cho cả lớp giờ yếu.

Trong lớp bắt đầu có sự xôn xao. Rồi lớp trưởng cất tiếng thưa:

- Thưa thầy, một người làm tại sao cả lớp lại phải chịu phạt ạ?

- Là lớp trưởng em có thể nói cho thầy biết ai đã làm chuyện đó không?

- Thưa thầy… thưa thầy… bạn Tiến ạ.

- Được rồi. Cả lớp ngồi xuống trừ cậu Tiến.

Kẻ chơi phi tiêu đứng yên như anh yêu cầu. Nó thấp hơn những bạn cùng lứa không đáng kể nhưng có nước da đen nổi bật. Anh nhìn cái đầu bù xù, khuôn mặt dài lì lợm của nó, cái áo khoác nữ màu lông chuột rộng thùng thình như một tấm chăn nó khoác trên người. Vì nó ngồi ở bàn đầu nên anh có thể nhìn rõ những vệt bùn bám quanh hai bàn chân của nó. Đôi bàn tay thủ trong túi áo khoác của nó chắc hẳn cũng dính bùn.

Anh không biết bắt đầu với nó như thế nào để có thể kết thúc mà vẫn còn thời gian giảng bài. Cuối cùng anh quyết định gặp riêng nó vào cuối buổi học.

Hết tiết năm anh không thấy nó lên gặp anh ở phòng Đội như anh yêu cầu. Anh đợi cho tới khi trường vắng hẳn rồi mới trở về căn phòng tập thể ẩm thấp hâm nóng chỗ cơm anh đã nấu hồi sáng để chuẩn bị nạp năng lượng cho nửa ngày lên lớp tiếp theo. Khi anh ngồi nhai những hạt cơm khô với muối vừng, trời vẫn mưa lất phất.

Vừa ăn anh vừa nhìn lơ đễnh ra vườn sinh vật. Anh chợt phát hiện ra một bóng người đang lúi húi bên bờ ao. Quan sát kỹ anh nhận ra đó chính là kẻ quậy phá mà anh cần gặp. Bỏ bát cơm đang ăn dở, anh đi ra hành lang cất tiếng yêu cầu nó lên gặp anh ngay lập tức.

Nó bước lên đầu hành lang với vẻ mặt thản nhiên. Đầu, mặt và áo khoác của nó đầy những giọt nước mưa nhỏ li ti. Chân và tay nó có mấy vệt bùn lá xanh đen. Từ bàn tay phải nắm chặt của nó cái đuôi của một con cá rô thò ra vẫy vẫy. Nén cảm giác khó chịu, anh ôn tồn bảo nó:

- Sao em không gặp tôi mà lại mò mẫm ở ngoài ấy hả?

Nó đằng hắng một tiếng rõ to. Anh tiếp tục hỏi, giọng đã có phần gay gắt:

- Em có biết em đã vi phạm đạo đức ngay trong giờ học giáo dục công dân không?

Nó lại đằng hắng một cái nữa.

- Em về làm ngay bản kiểm điểm rồi nộp cho tôi, nếu không…

Nó chặn họng anh bằng cách phóng ra một bãi nước bọt. Điên tiết, anh dấn bước về phía nó và vung tay lên.

Anh biết không bao giờ anh có khả năng đánh một đứa trẻ. Và quả thật cánh tay anh đã dừng lại ở trên không để rồi buông thõng xuống bên sườn như một cây thước gấp. Nhưng nó không biết điều đó.

Anh vừa vung tay lên nó đã bật ngửa người ra phía sau để tránh cú đòn mà nó nghĩ sẽ giáng xuống người nó. Phía sau nó là cột hiên bằng bêtông. Nó va đầu vào đó đánh “cốp” và ngồi sụp xuống. Một con mèo phóng vụt ra từ phía bên kia cột bêtông, cong đuôi chạy dọc hành lang. Anh phát hoảng.

Anh muốn đến gần nó để kiểm tra xem đầu nó có bị sưng bươu hay chảy máu không, nhưng anh sợ cái kiểu phản ứng dữ dội của chính nó sẽ làm nó đau lần nữa. Đứng cách nó hai bước chân, anh hỏi bằng giọng run run:

- Em có sao không?

Đang úp mặt vào cột hiên nó quay phắt lại. Vẫn ôm đầu, nó ngẩng lên. Sắc mặt nó tái xanh. Đôi mi nó chớp xuống hai giọt nước mắt. Rồi nó mở mắt thật to, ném cái nhìn chất chứa hờn ghét vào anh. Đôi môi run của nó bật ra mấy tiếng nghe như thể vang vọng khắp ngôi trường vắng:

- Đ. Mẹ mày!

Tức thì một tiếng quát đanh gọn vang lên:

- Cậu chửi ai?

Thầy hiệu trưởng xuất hiện ở lối đi dẫn tới hành lang, quát lên bằng giọng tức giận.

Cả nó lẫn anh đều im lặng. Vẫn đứng yên ở chỗ cũ, thầy hiệu trưởng ra lệnh:

- Hai người về làm bản tường trình nộp cho tôi!

Nói rồi thầy bỏ đi.

Nó còn đau hay không anh không cần biết. Bỏ mặc nó ở đó anh trở về căn phòng tập thể. Nhìn bát cơm bị bỏ dở, anh thấy cổ nghẹn ứ không muốn ăn. Tiếng chửi của nó liên tục được nhân lên trong đầu anh như những mũi đinh nhọn hoắt. Anh tức tối mở cặp lôi ra một tập giấy trắng và cây bút. Anh ngồi đó để ngòi bút bên lề trái trang giấy nghĩ xem mình sẽ bắt đầu bản tường trình như thế nào.

Rồi anh đặt bút viết. Nỗi tức giận như một máy bơm thủy lực đẩy con chữ tuôn ra đầu ngòi bút. Từng hành động quậy phá của nó được anh thuật lại tỉ mỉ hết mức có thể. Anh còn cho phép mình phân tích tác hại trước mắt và lâu dài của mỗi hành động đối với môi trường giáo dục chung. Anh cũng không quên nói lên cảm giác bất bình của tập thể lớp và dĩ nhiên không quên nêu ra những gợi ý về cách xử lý.

Lúc cắm cúi viết anh cảm thấy hả hê lắm. Nhưng không hiểu sao khi viết xong ngồi đọc bản tường trình trong anh lại tràn ngập một cảm giác thất vọng và buồn chán. Anh tự hỏi tại sao mình lại có thể ghét một đứa trẻ đến như vậy?

Suốt cả ngày chủ nhật không lúc nào anh không nghĩ tới bản tường trình. Các cảm giác tức giận, bức bối, lo lắng, xấu hổ và buồn bã cứ hành hạ anh từng phút.

Sáng thứ hai trời vẫn mưa phùn nên trường không tổ chức cho học sinh chào cờ. Anh xuống lớp tìm nó nhưng không thấy. Ngày hôm sau anh cũng không thấy nó đi học. Ngày hôm sau nữa nó vẫn vắng mặt. Giữa buổi học, anh đi qua hành lang lặng lẽ nhìn chỗ trống nó bỏ lại trong lớp.

Nghe anh hỏi nó ở thôn nào, bạn học của nó hồn nhiên bảo:

- Thầy có đến tận nhà tìm, bạn ấy cũng trốn không gặp thầy đâu.

- Thầy không gặp bạn ấy. Thầy muốn gặp bố mẹ bạn ấy.

- Mẹ bạn ấy chết rồi, còn bố bạn ấy đang bị ngồi tù.

- Ngồi tù?

- Vâng, bố bạn ấy uống rượu say đánh mẹ bạn ấy chết thế là bị bắt đi tù.

- Vậy ư! Anh lẩm bẩm như thể sự thật mà bọn trẻ vừa nói ra đã làm sáng tỏ một điều gì đó mà trước đây anh không thể hiểu nổi.

Hôm đó anh thức đến hai giờ sáng viết lại bản tường trình của mình, và viết hộ bản tường trình của nó.

Chiều thứ sáu anh đạp xe đến nhà nó. Ngôi nhà cấp bốn nằm ở cuối cái thôn xa nhất xã có lối đi thông ra một bờ sông vắng với những thân cây đay vừa được đốn nằm ngổn ngang. Nó đang ngồi cho một lũ mèo con ăn cơm bên bể nước trông thấy anh liền đứng bật dậy cắm đầu chạy qua vườn ra phía bờ sông. Anh không dám đuổi theo nó bởi vì anh biết trên bờ sông có vô số những gốc đay nhọn như chông.

Anh để bản tường trình anh đã viết hộ nó lên mặt bể nước, không quên viết thêm mấy dòng dặn nó phải tự tay chép lại nguyên xi và mang nộp cho thầy hiệu trưởng.

Sáng thứ bảy anh nộp bản tường trình của mình cho hiệu trưởng rồi đứng đợi nó ở cổng trường. Gần đến giờ vào lớp nó mới lầm lũi xuất hiện. Nó không mang theo cặp sách. Hai tay thủ trong túi áo, đứng cách anh ba bước nó ngước mắt lên nhìn.

- Đưa cho thầy xem bản tường trình của em nào. Anh nói với nó bằng giọng ôn tồn.

Nó rút tay khỏi túi áo và chìa cho anh một tờ giấy gấp tư.

Anh chậm rãi tiến đến cầm lấy tờ giấy và mở ra đọc. Những con chữ to được viết bằng mực tím nghiêng về bên phải một cách hơi thái quá. Bằng những chữ nghiêng ấy nó đã tường trình lại tất cả sự việc một cách ngắn gọn mà tỉ mỉ, tất cả từ việc nó phi những nhánh mạ lên bảng đến việc nó chửi anh ngoài hành lang. Vậy là nó không dùng bản tường trình anh viết hộ.

- Em đã dũng cảm viết ra sự thật như thế này thì hãy cùng thầy vào gặp thầy hiệu trưởng. Thầy tin em sẽ được tha thứ.

Nó lưỡng lự một lát rồi lặng lẽ đi theo anh.

Thầy hiệu trưởng đã đọc xong bản tường trình của anh. Nhìn thấy nó, thầy mỉm cười và nói:

- Cậu chửi bậy trong trường như thế là không được đâu. Nhưng tôi thấy cậu là một học trò biết thương thầy nên tôi không kỷ luật cậu. Mà này, không phải con mèo hoang ăn vụng cơm của thầy Phúc mà cậu đuổi nó hăng đến nỗi va đầu vào cột hiên như thế. Thầy giáo của cậu tự nguyện nhường cơm cho nó đấy, ngày nào chẳng thế. Thôi về lớp học đi, nhớ là đừng bao giờ để ai nghe thấy cậu chửi bậy nữa nhé.

Nó vẫn ngồi lì ra, hai vành tai đỏ bừng. Anh muốn vỗ vai nó một cái nhưng rồi anh lại để yên tay trên mặt bàn và chỉ khẽ giục:

- Em mau về lấy cặp sách đi.

Nó đứng dậy một cách miễn cưỡng, lí nhí chào anh và thầy hiệu trưởng rồi bước ra khỏi phòng. Thấy hiệu trưởng có vẻ như sắp đứng dậy, anh vội vã nói:

- Thưa hiệu trưởng, tôi xin được tự kiểm điểm.

- Còn việc gì khác nữa à? Thầy hiệu trưởng ngạc nhiên hỏi.

Anh cầm bản tường trình của nó đặt trước mặt hiệu trưởng. Bản tường trình của sự thật. Hiệu trưởng đọc xong, lại nổi giận y như lúc ông nghe thấy nó chửi bậy.

Anh giải thích một hồi với hiệu trưởng, nhận những lỗi thuộc về mình. Tự nhận là người bảo lãnh cho nó, anh hứa chắc chắn sẽ giúp nó cải thiện hành vi. Mười phút sau anh bắt đầu viết bản tự kiểm điểm đầu tiên trong đời. Bản tự kiểm điểm của một thầy giáo.

Anh và nó mất thêm một ngày nữa để tự “thu xếp” với nhau. Sáng thứ hai anh phóng xe máy từ trường đến đón nó đi học. Anh nhìn thấy nó đeo balô chạy trên bờ sông thoai thoải như một bóng chim chấp chới, chốc chốc lại giơ cánh tay lên như thể để xốc lại áo khoác. Chạy đến chỗ anh, nó hổn hển chào rồi nghiêng người thọc cả hai tay vào túi áo khoác bên phải lôi ra một vật gì được bọc bằng một mảnh vải đen. Vẫn thở hổn hển, nó bảo anh:

- Em gửi thầy một con. Nó hết bú tí mẹ rồi. Dễ nuôi lắm thầy ạ.

Anh đưa tay vén mảnh áo đen lên. Một con mèo con có bộ lông đen tuyền tròn mắt nhìn anh.

- Thầy cứ yên tâm. Em che mắt nó bằng vải đen rồi, nó không biết đường quay về nhà em đâu.

Nó vui vẻ nói. Đưa tay vuốt ve làm quen với con mèo con, anh hỏi:

- Ai mách em cách đó?

Nó im lặng một giây rồi khẽ đáp:

- Mẹ em.

Nghe nó nhắc đến mẹ, anh ước gì mình có thể bật khóc khi một niềm thương cảm dâng lên trong anh vượt quá sức chịu đựng của con tim.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận