Những đôi giày cũ

TTCT - Bố mẹ thằng Vũ từ ngoài Bắc vào Nam làm ăn, đẻ nó ở trong đó. Nó được bảy tháng tuổi thì bố nó mất trong một vụ tai nạn giao thông. Hai năm sau mẹ nó tái giá.

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Nó được đưa về ở với bà nội từ khi còn bé bỏng rưng rưng như hạt vừng. Sau một thời gian đấu tranh với những cơn hờn nhớ mẹ của thằng cháu, bà nó dần dần rèn cho nó biết tự chơi với bất cứ ai, bất cứ thứ gì ở xung quanh.

Cô An dạy tiểu học là hàng xóm của nó. Lần đầu nhìn qua bờ tường thấy nó ôm cổ con chó lông vàng bẩn thỉu, gầy xơ xác thơm lấy thơm để, mắt cô ứa lệ. Mỗi lần đi dạy về cô lại nghển cổ nhìn qua bờ tường. Có hôm cô thấy nó dỡ tung một bó rau muống, cặm cụi cắm những ngọn rau xuống những cái lỗ nhỏ quanh mảnh sân con. Có hôm cô thấy sân nhà nó trắng xóa toàn gạo là gạo. Thì ra nó đã bốc gạo trong thùng vãi ra khắp sân. Bà nó nhặt gạo không xuể, gọi gà đến ăn không hết đành thây kệ ngồi trách ông giời. Cô An nghe những tiếng kêu giời của bà nó mà lòng tái tê như thể thấy nó bị đánh đau.

Thằng Vũ đến tuổi đi học bà nó ra xã xin xác nhận hoàn cảnh khó khăn để nó được miễn các khoản đóng góp. Người phụ trách công tác thương binh xã hội nói nó mới mồ côi bố, xã hội còn vô khối những đứa trẻ mồ côi toàn diện. Ai phát minh ra cái cụm từ “mồ côi toàn diện” để một người làm công tác thương binh xã hội như ông ta có dịp dùng trong những trường hợp cần thiết kể ra cũng đáo để đấy. Ông ta nói cùng lắm “xã hội” chỉ xét cho nó được miễn một phần các khoản đóng góp thôi. Bà nó kêu: “Ôi giời ơi, thằng bé còn khổ hơn cả mồ côi toàn diện ấy chứ, giời không thấu sao!”.

Giời thương thế nào mà thằng Vũ được suất học miễn phí hoàn toàn. Không những thế, cứ vào đầu mỗi kỳ học sách vở tài trợ, quần áo tài trợ, bàn học tài trợ lại được đưa đến nhà nó. Mỗi lần thấy bà thằng Vũ khoe thằng bé được tài trợ thứ này thứ nọ, mẹ cô An lại dò hỏi cô ai tài trợ những thứ ấy cho nó. Bà chắc mẩm cô An ắt phải biết. Thế nhưng lần nào cũng như lần nào, hễ được hỏi về chuyện ấy thì cô hoặc nín thinh hoặc đáp khô: “Ông giời chứ còn ai hả mẹ!”.

Năm đầu tiên thằng Vũ cắp sách đến trường, mẹ nó ở trong Nam giấu vuốt chồng gửi cho nó một món quà. Đó là một đôi giày thể thao màu trắng. Món quà ấy đến qua đường bưu điện vào ngày hai mươi sáu tết âm lịch. Nó mừng lắm. Từ ngày về ở với bà nội chưa bao giờ nó vui sướng tưng bừng như thế. Nó bóc lớp giấy cứng bọc quà bằng những ngón tay luống cuống. Nó thử giày cũng luống cuống y như vậy, đến nỗi nó xỏ nhầm giày của chân nọ vào chân kia. Giày hơi chật nhưng nó vẫn cố nhét bàn chân vào qua cổ giày cho bằng được.

Xỏ giày xong, nó đứng dậy đi ra mảnh sân con lấy đà tung một cú sút vôlê vào một quả bóng mà nó tưởng tượng ra trong bóng tối. Từ đó mỗi khi bà nó phàn nàn gì về mẹ nó, thằng Vũ lại lấy chuyện mẹ gửi giày ra để đối lại: “Mẹ cháu thương cháu mà, thương nhất trên đời luôn! Chưa có ai mua giày cho cháu cả, chỉ mỗi mẹ cháu mua giày cho cháu”.

Năm sau vào những ngày giáp tết thằng Vũ lại đinh ninh rằng mẹ nó sẽ gửi quà về: một đôi giày. Thấy bà nó ngồi lẩm nhẩm đếm những đồng tiền chắt bóp được để sắm tết, nó nhắc: “Bà mua áo tết, quần tết cho cháu thôi nhé. Bà không phải mua giày đâu. Thế nào mẹ cháu cũng gửi giày về”.

Chiều nào nó cũng đứng ở ngõ ngóng chú bưu tá, trông thấy cô An đi dạy về nó hỏi: “Cô ơi, chú bưu điện bao giờ mới mang giày của mẹ cháu gửi đến cho cháu hả cô?”. Cô An trả lời: “Chắc là ngày mai Vũ ạ!”. Cho đến tận chiều hai mươi tám tết, nó vẫn chưa nhận được quà của mẹ. Sẩm tối, nó nhìn thấy cô An cầm một cái gói đi vào cổng nhà nó, nó reo lên: “Giày mẹ cháu gửi đến rồi hả cô!”. Cô An đưa cái gói cho nó tự mở. Trong đó có một đôi giày thật. Giày thể thao màu trắng.

Nó học lớp ba thì cô An đi lấy chồng. Trước ngày cưới chừng một tháng mẹ cô An sang thì thầm với bà nội nó: “Cháu An nó sắp cho bác ăn cỗ đấy”. Nó nghe lỏm được chạy tót ra ngõ khoe với đám bạn chơi: “Cô An sắp lấy chồng rồi. Bà tao cứ bảo giá cô ấy ế thì tốt quá”. Ngày cưới cô An nó cười toe cười toét, chạy nhắng lên trong ngõ sốt ruột ngóng nhà trai đến rước dâu. Đến khi dâu đi rồi, ngõ vắng hoe bà nó chì chiết: “Cô An đi rồi, mày sướng chưa hở con!”. Lúc ấy nó mới ngơ ngác.

Cô An lấy chồng nhưng còn dạy ở trường cũ nên vẫn thường xuyên ghé về nhà mẹ đẻ. Thỉnh thoảng nó lại bắt gặp khuôn mặt cô phía trên mỏm tường. Khuôn mặt ấy chỉ thoáng hiện rồi vụt biến mất tựa như trong một giấc mơ. Nó vẫn thường xuyên nhận được những món đồ tài trợ và năm nào cũng vậy, cứ đúng hai mươi tám tết, nó lại vui tưng bừng hàng tiếng đồng hồ với món quà tết của mẹ nó gửi qua bưu điện do cô An đi lĩnh hộ. Bà nó vì thế mà đỡ nhăn nhó, bớt phàn nàn mẹ nó thế này thế nọ. Bây giờ bà nó quay sang kêu giời cho cô An. Cô lấy chồng đã gần bốn năm mà vẫn chưa có con.

“Giời ạ, sao con người tốt như vậy giời lại để cho muộn mằn đường con cái thế hả giời!” - bà nó than thở.

Nó bước vào tuổi mới lớn, cao vống, chân tay nghều ngào, vỡ giọng vịt đực. Có lần cô An mang cho nó một tuýp thuốc mỡ, dặn nó bôi hằng ngày để trị những cái mụn trứng cá nở bung trên mặt. Nó ngượng quá, nhưng quả thực tuýp thuốc ấy khiến những đám mụn trứng cá trên mặt nó đỡ tấy đỏ.

Một buổi chiều nó đang học ở trường thì chú họ nó đến xin cho nó về. Về đến nhà nó thấy họ hàng làng xóm tụ tập ở nhà nó đông chẳng kém gì hôm nhà cô An có đám cưới. Người ta dãn ra, mở lối cho nó vào nhà. Nó thấy bà nội nằm thẳng dẵng trên giường, mắt nhắm nghiền, tay chân không động đậy.

“Bà bị cảm, đi lúc ba giờ. Khóc đừng để nước mắt rơi vào bà kẻo linh hồn bà khó siêu thoát” - ai đó giải thích ngắn gọn với nó. Ôi, chao! Nó nào đã được chuẩn bị gì cho kiểu chơi ác này của số phận. Nó khóc những tiếng đầy đau đớn và giận dữ. Vừa khóc nó vừa giãy như phải đòn. Mà nó phải đòn của ông trời, của số phận thật. Sợ nó tự làm đau chính mình, người ta xúm vào giữ chân tay nó. Nó càng giãy tợn. Những cơn co giật khủng khiếp từ bên trong khiến người nó rung lên bần bật.

Ai đó nói đi tìm cô An cho nó. Chỉ có cô An mới dỗ được nó thôi. Vậy là cô An đang dạy ở trường học được tìm về. Cô ôm nó bằng hai cánh tay gầy, quả nhiên một lúc sau những cơn co giật của nó thưa dần. Nhìn cô An ôm nó, gục đầu vào mái tóc bê bết mồ hôi của nó, mọi người đều có chung một ý nghĩ nhưng không ai nói ra.

Những ngày sau đám tang họ hàng đến hướng dẫn nó cúng cơm, thắp hương cho bà. Riêng cô An, cô đến giục nó ăn đủ bữa, nhắc nó nhớ để đồng hồ báo thức để khỏi đi học muộn, giặt quần áo cho nó. Sau lễ bốn chín ngày, vong hồn bà nó được đưa lên chùa theo tục lệ. Việc của bà nó được lo liệu xong xuôi, vợ chồng cô An mới xin được nhận thằng Vũ làm con.

Hôm thằng Vũ được đón về nhà cô An, nó để mặc mọi người chuyển đồ cho nó. Nó chỉ ôm khư khư một cái hộp được làm bằng bìa cactông. Không ai biết nó đựng thứ gì trong đó. Buổi tối trong phòng riêng ở nhà cô An, nó cẩn thận mở cái hộp ra. Nó lấy từ trong hộp ra từng chiếc giày cũ xếp vào ngăn cuối cùng của tủ đựng quần áo.

Cô An bước vào phòng đúng lúc nó đang xếp một đôi giày vào một góc riêng trong ngăn tủ. Sáu đôi khác nó xếp cùng nhau thành một dãy. Cô An đứng bên cánh tủ buột miệng đùa: “Hoành tráng như tủ giày của Béc-khâm nhỉ!”. Nó không đùa theo cô. Ngẩng đầu lên nhìn cô nó hỏi: “Mẹ ơi, có phải tất cả sáu đôi giày này mẹ đều mua ở cửa hàng của chú Vinh béo không hả mẹ?”.

Cô An cười. Mắt cô rưng rưng lệ mừng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận