Đồng hành

NGUYỄN TƯỜNG 25/04/2014 03:04 GMT+7

TTCT - “Ông ấy hết xúi tôi làm phim lại đến vẽ tranh” - nghệ sĩ Síu Phạm nói về chồng mình, ông Jean-Luc Mello. Cuộc sống của đôi uyên ương ngoài 60, quốc tịch Thụy Sĩ này là những hành trình không ngơi nghỉ với nghệ thuật.

Síu Phạm và Jean-Luc Mello trong triển lãm tranh

Trước năm 1975, bà Síu Phạm dạy học, dịch thuật báo chí và làm dự án du lịch. Từ năm 1980, bà sang Thụy Sĩ định cư và sáng tác. Tranh của bà được triển lãm tại các thành phố lớn trên thế giới: Genève, Paris, Washington DC, Berne...

Nhưng không an phận là một họa sĩ, bà theo học phê bình phim ở ĐH Genève, tham gia học khóa đào tạo diễn xuất của diễn viên Pico Bekovitch, lớp biên kịch do nhà biên kịch nổi tiếng Robert McKee đứng lớp, học ngành diễn viên sân khấu và nghệ thuật múa Hắc Vũ (Butoh), sáng lập hẳn một đoàn kịch và trở thành đạo diễn kịch hình thể hiện đại. Đam mê đó luôn được tiếp lửa từ người chồng cũng là một nghệ sĩ - gốc Thụy Sĩ - Jean-Luc Mello.

Phim ảnh, hội họa và múa đương đại đã gặp gỡ, phối trộn với nhau trong đời sống sáng tạo của đôi vợ chồng nghệ sĩ giàu khát vọng này. Năm 2009, khi trở về Việt Nam để làm phục trang cho phim Áo lụa Hà Đông (của đạo diễn Lưu Huỳnh), bà Síu Phạm đã kết nối với những nhà quay phim tốt nhất tại Việt Nam để chuẩn bị cho một dự án điện ảnh quan trọng sau đó.

Gần hai năm sau, bộ phim Đó... hay đây? (Here... or there?), do Jean-Luc Mello đóng vai chính, như một tự truyện của ông Tây lớn tuổi mộng tưởng sống trong bối cảnh văn hóa của ngôi làng duyên hải miền Trung Việt Nam đã ra đời. Đại chúng không mấy người biết bộ phim, nhưng nó đã xuất hiện trong liên hoan phim Busan và được xem là một tác phẩm đột phá thuộc phân dòng những xu hướng điện ảnh mới.

Bộ phim mới nhất của vợ chồng Jean-Luc Mello hoàn thành cuối năm 2013, có tựa Homostratus (dịch nghĩa: Phận người, tựa tiếng Việt: Căn phòng của mẹ) xuất hiện trong Liên hoan phim Piec Smaków (Ngũ vị) lần thứ 7 năm 2013 tại Warsaw (Ba Lan).

Cây bút phê bình phim nổi tiếng Patryk Czekaj đã viết về Homostratus trên twitchfilm.com: “Homostratus chơi đùa với óc tưởng tượng của khán giả mà không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào cho rất nhiều hình ảnh trong phim. Do câu chuyện không có một khởi đầu hay kết thúc nên quả rất khó nắm bắt, mơ hồ và chua chát, nhưng trong bối cảnh của nó, bộ phim cũng kể được một câu chuyện đáng giá, nhắc nhớ đến sự điên loạn đáng nản của thế giới hiện đại”.

Sau đó, bộ phim được xem như bài thơ trầm tư về phận người đơn lẻ ở đô thị Sài Gòn này đã đoạt hạng mục giải Best Unique Vision tại Liên hoan phim quốc tế Queens 2014... Hình như thứ mà họ theo đuổi là những cuộc rong chơi bất tận với thể nghiệm nghệ thuật, thứ nghệ thuật thuần túy và đầy phiêu lưu, lắm thách thức với đời sống nghệ thuật vốn đầy rẫy những thứ “ăn liền”. Mỗi bộ phim của họ là một cuộc vượt thoát thực tại nghệ thuật nhàm chán và đời sống đơn điệu.

Chân dung - tranh Jean-Luc Mello

Tự họa - tranh Síu Phạm

Chân dung - Jean-Luc Mello

Ghế - Síu Phạm

Trở về 1 - tranh Síu Phạm

Đầu tháng 4, Síu Phạm và Jean-Luc Mello lại xuất hiện ở Sài Gòn với một triển lãm tranh (diễn ra từ ngày 5 đến 29-4, tại gallery Tự Do). 12 bức bằng chất liệu acrylic trên bố với các chủ đề: Trở về, Vắng mặt, Tự họa... của Síu Phạm cùng với 13 bức sử dụng các chất liệu truyền thống mực tàu, giấy quyến... với chủ đề chính là những chân dung của nghệ sĩ Jean-Luc Mello đã được trưng bày dưới cái tên chung: Đồng hành - Ghế và gió (Companion - Chairs and wind).

Cuộc trở về với mỹ thuật lần này là những dấu hỏi mở ra cho một quãng nghỉ trong hành trình nghệ thuật và cuộc đời. Sự ra đi và trở về, sự xóa mờ chân dung bên trong bộ trang phục truyền thống đang tan rã... là ý tưởng chính được bà theo đuổi, khắc họa.

Từ phòng tranh Tự Do, đối diện tòa tháp cao nhất Sài Gòn, Jean-Luc Mello nói: “Anh thấy không, trước mặt chúng ta là một tòa nhà hiện đại, nơi anh có thể mua những món hàng hiệu cao cấp. Nhưng sau lưng chúng ta là một khu chợ truyền thống Việt Nam, nơi tôi có thể mua lòng heo về nhậu. Hai mặt đối lập cùng tồn tại trong một đô thị.

Tôi sống và trải nghiệm Việt Nam cũng như thế. Tôi nhìn thấy sự khác biệt của văn hóa vẫn còn tồn tại trong từng chi tiết của đời sống, chúng không bị cán phẳng như tôi từng thấy ở những thành phố lớn của thế giới. Đó là mảnh đất cho nghệ thuật. Và đó cũng là lý do khi vẽ, tôi gắn bó với chất liệu truyền thống Việt Nam”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận