Trọn cả đời hư

TRẦN HUIỀN ÂN 17/04/2014 02:04 GMT+7

TTCT - Mấy đứa cháu chuẩn bị đi cắm trại. Bây giờ dụng cụ thật đầy đủ. Vải mái lều có khoen tròn ở góc, có nút bấm để kết nối. Trụ và cọc bằng kim loại. Dây dù sợi nhỏ mà chắc.

Tranh: Lê Thiết Cương

Chúng còn đem theo cái bàn nhỏ, bình cắm hoa tươi, cờ giấy để trang trí. Trại cắm trong sân trường, giữa thành phố. Ban đêm điện thắp sáng. Không có mục đốt lửa vì không có chỗ, không có củi để đốt và sợ khói bay lên làm ô nhiễm môi trường.

Nhớ lại thời tiểu học của chúng tôi, Quốc Anh đoàn là tổ chức thiếu niên học đường, sinh hoạt hè theo hình thức hướng đạo, thầy giáo như huynh trưởng. Đám học trò chúng tôi thường được đi cắm trại. Đâu có “sang trọng” như ngày nay. Mái lều dùng nhiều loại chăn màn, kích cỡ và màu sắc khác nhau, cột lều là gậy tre của đoàn sinh, cọc bằng gỗ hay tre gốc vạt nhọn, căng bằng dây dừa và dây tra. Hoa rừng bẻ lấy trang trí trong trại. Bàn ăn cũng bện bằng cây.

Ban ngày chơi “trò chơi lớn”: theo dấu đi đường tìm mật thư để đến kho báu, dùng ký hiệu truyền tin cho nhau bằng còi (morse), bằng cờ (sémaphore). Tối đốt lửa trại. Củi do chúng tôi tự tìm. Nửa buổi chiều tất cả ùa ra mé rừng, chẳng mấy chốc đã đủ củi dựng thành khối chóp nhọn, còn lại sắp xung quanh. Khi bắt đầu nhen lửa, chúng tôi đứng nắm tay nhau thành vòng tròn và hát bài Gọi lửa.

Lần nào cũng vậy, đến đoạn: “Lên cho cao, bùng cho sáng, bùng to nữa lên, cao to nữa lên…” là ngọn lửa đã cháy mạnh. Rồi đến đoạn: “Bùng cho to, cho hồng cho sáng, bùng to nữa lên, cao to nữa lên…” thì muôn ngàn đốm hồng thi nhau bay vút vào màn đêm như pháo hoa. Chúng tôi mở căng buồng phổi đón lấy ngọn gió rừng và say sưa trong những bài hát tiếp theo.

Từ “Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu dấy binh lấy lau làm cờ…” đến “Khúc ca hùng tráng, nước sông ầm vang, đây phút vinh quang Đằng Giang mừng quân tướng…” và “Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó... lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông...”... Chúng tôi kính phục và tôn vinh các anh hùng dân tộc, tưởng tượng ra được vẻ uy nghi dũng lược của Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…

Cho đến khi củi hết lửa tàn. Chúng tôi lại xếp vòng tròn, nắm tay nhau hát bài tạm biệt. “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau sắp cùng bùi ngùi xa cách. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn lần gặp nhau. Cầm tay ta ca khúc ca mà sao thấy lòng bồi hồi lưu luyến. Luyến lưu nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn lần gặp nhau…”.

Rồi chúng tôi hát theo nguyên văn Au revoir tiếng Pháp, giờ này chỉ nhớ lõm bõm: “Faut-il nous quitter sans espoir. Sans espoir de retour. Faut-il nous quitter sans espoir....Ce n’est qu’un au revoir...”.

Dứt bài hát, tất cả đứng nghiêm, thầy giáo hô: “Phụng sự”, chúng tôi tay trái vẫn giữ thẳng, tay phải đưa lên đập nhẹ nơi trái tim trong lồng ngực hai nhịp rồi giơ thẳng trước mặt cao khoảng 45°, tầm mắt hướng ngay đầu ngón tay trỏ, đồng thanh: “Sẵn sàng”. Ba lần như vậy và giải tán về trại.

Chúng tôi chưa hiểu biết gì nhiều, trong đầu óc chỉ mới bắt đầu hình thành một ý thức là từ đây cho đến mai sau khôn lớn hãy luôn luôn tâm niệm: “Sẵn sàng phụng sự Tổ quốc - dân tộc”. Sẵn sàng phụng sự chưa phải là lời tuyên thệ, mới là lời tuyên hứa. Cũng như trong lớp, treo cao phía trên bảng đen khẩu hiệu nhắc nhở: “Ngày nay học tập - Ngày mai giúp đời”.

Rất tiếc tôi và nhiều bạn bè đã quên đi, có lẽ là sau đêm lửa trại lần chót của tuổi thiếu niên từ giã ngôi trường làng. Cũng có lúc chúng tôi nhớ đến, nhưng nhớ đến bằng lời ca tếu táo cho vui, dẫu xét ra cũng là vô thưởng vô phạt: “Ò e cây me đánh đu, Tạc-dăng nhảy dù, bà đầm bắn súng. Chết cha, con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi...”.

Con thằn lằn cụt đuôi rồi đuôi sẽ mọc lại. Những cái lời hứa sẵn sàng vì một ngày mai của tôi và nhiều bạn bè đã một đi đi mãi không về nữa! Cụ Vương Hồng Sển viết hồi ký một nửa đời hư. Bản thân tôi tự xét, trọn cả đời hư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận